Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Dẫn về kho Bảo Tích (*)

Chân Trí

  
Được truyền đăng năm 1992, anh Chân Trí là một trong những vị giáo thọ cư sĩ có nhiều kinh nghiệm và nhiệt huyết xây dựng tăng thân. Anh cùng với chị Chân Ý (Anh Hương) hiện đang hướng dẫn tu học cho tăng thân Thuyền Từ tại Washington, Mỹ. Ngoài ra, hàng năm anh chị  còn hướng dẫn rất nhiều khóa tu học về nếp sống tỉnh thức cho cả người Việt lẫn người ngoại quốc. BBT đã có dịp ngồi chơi với anh Chân Trí nhân dịp anh về tham dự khóa tu 21 ngày tại Làng Mai  vào tháng 6 năm 2016.
 
BBT: Xin anh chia sẻ về những nhân duyên nào mà anh biết đến Làng Mai?
 
Chân Trí: Năm 1973, sau khi học xong trung học, Chân Trí được học bổng quốc gia đi Pháp du học tại trường đại học Lyon. Khoảng một năm rưỡi sau, vào cuối tháng 4 năm 1975 thì quân đội miền Bắc thắng trận và kiểm soát trọn đất nước Việt Nam. Các sinh viên du học lúc ấy rất hoang mang và lo lắng vì mất hết tin tức về gia đình ở Việt Nam, lo không biết gia đình mình có được bình an không, và nếu phải di tản thì có bị tai nạn gì không. Học bổng quốc gia của mình cũng bị mất sau biến cố đó, nên Chân Trí cũng như các sinh viên du học khác đều phải lo tự kiếm sống.
 
Khoảng một năm sau, Chân Trí may mắn được chính phủ Pháp cho học bổng để tiếp tục việc học. Đến giờ phút này, Chân Trí vẫn còn biết ơn chính phủ Pháp đã nâng đỡ cho mình trong hoàn cảnh khó khăn đó. Tuy không còn lo lắng v tài chánh, nhưng lòng vẫn không yên vì Chân Trí mất liên lạc với gia đình ở Việt Nam. Mình thấy tương lai mờ mịt, không biết có còn trở lại quê hương được không. Sau đó Chân Trí rơi vào tình trạng trầm cảm mà không hay. Bài vở ở trường cho về mình để một góc không muốn học. Ngày xưa, ở Việt Nam chưa có chữ trầm cảm. Khi thấy ai không muốn làm gì nữa thì mình bảo người đó chán đời. Chữ trầm cảm là chữ chuyên môn sau này. Mấy chục năm sau nhìn lại mới biết mình đã bị trầm cảm, nhưng may là không nặng đến nỗi phải bỏ học.
 
Sau khi xong đại học, Chân Trí đi thăm gia đình một người chú đã di tản sang Mỹ hồi năm 1975. Trước khi đi, Chân Trí lên Paris tìm mua sách Việt Nam để đọc trên máy bay, và không nhớ cơ duyên gì mà mình có địa chỉ của nhà xuất bản Lá Bối. Đến đó mua sách, Chân Trí thỉnh được cuốn Phép lạ của sự tỉnh thứcNẻo vào thiền học. Ngồi đọc các quyển sách trên máy bay mà thấy mình như bắt được vàng, được ngọc. Sách hay và quý quá, chưa bao giờ mình được đọc những quyển sách hay như vậy. Chân Trí nhận ra rằng hóa ra suốt cuộc đời đi học của mình, từ trung học cho đến đại học, mình chỉ học về văn chương và khoa học. Ngay cả khi còn bé, các môn Đức Dục và Công Dân Giáo Dục dạy mình ra đường phải kính già, nhường trẻ… chỉ nuôi dưỡng chất liệu đạo đức nhưng chưa khai mở được chiều sâu tâm linh trong con người. Những gì Chân Trí đọc được trong hai quyển sách ấy đã đánh động đến đời sống tâm linh ẩn sâu trong lòng mình. Đọc tới đâu, lòng mình ấm lại tới đó. Nhất là khi bắt đầu áp dụng các bài thực tập Sư Ông viết trong phần cuối của quyển Phép lạ của sự tỉnh thức.
 
Duyên may kế là khoảng một, hai năm sau, anh Chân Thuyên, một anh bạn thân của Chân Trí ở Lyon, rủ Chân Trí về Làng Mai vào dịp Làng mở cửa năm đầu tiên. Anh Chân Thuyên rất yêu đạo và quý Sư Ông. Sau khi sang Pháp, anh đã tìm cách liên lạc với nhà xuất bản Lá Bối và gia đình anh đã có dịp đến tu học với Sư Ông khi Sư Ông còn ở Phương Vân Am ở miền nam Paris. Mùa hè đầu tiên Chân Trí về Làng đánh dấu một khúc quanh lớn nhất của cuộc đời Chân Trí. Trong không gian khoảng khoát của đồng quê nước Pháp, Chân Trí đã được tắm mình vào dòng sông tâm linh của Làng. Sư Ông ở đâu là có hương vị tâm linh ở đó. Tất cả những gì Chân Trí tiếp xúc ở Làng: từ những cây mận mới trồng, những bông hoa cỏ đơn sơ, cho đến những bức tường đá cổ chấm phá bởi những lớp hồ nửa mới nửa cũ, đều đẹp một cách kỳ diệu, thoang thoảng hương thiền trong từng hơi thở của mình. Chân Trí lúc bấy giờ như người khát nước, tiếp nhận mọi thứ một cách dễ dàng. Cái gì cũng thích: thiền đi, thiền ngồi, thiền trà, quán cóc, chè xôi… Một hạnh phúc nữa là Chân Trí được chơi với các em bé Việt Nam. Các em hồn nhiên ca hát, rất dễ thương. Ở đây có hương vị thiền tập rất quê hương. Những năm đầu tiên Làng có rất ít người. Sau giờ pháp thoại Sư Ông ra ăn chè, ngồi chơi chung với mọi người, không khí thân mật như một gia đình.  Đó là nét đặc biệt của Làng, rất Việt Nam. Không gian với nét đẹp Việt Nam làm cho mình thêm hạnh phúc. Sinh khí trong lòng mình sống dậy, làm dịu đi những khổ đau trong lòng và mở ra một hướng đi mới cho mình về tương lai. Trở về nhà trọ của mình ở thành phố, Chân Trí đã trang trí một cái bàn thờ nhỏ, có hình Bụt, có hoa, có bát nhang và tập ngồi thiền mỗi ngày. Từ đó trở đi, mỗi mùa hè Chân Trí lại về Làng và rủ thêm một số bạn học cùng về tu để kết duyên với Làng.
 
BBT: Xin anh chia sẻ làm sao anh có thể duy trì được tâm bồ đề của mình khi sống giữa thế giới bên ngoài?
 
Chân Trí: Thế giới bên ngoài tu viện rất căng thẳng và có nhiều cám dỗ. Ít ai có thể cưỡng lại được áp lực và sự quyến rũ của đời sống mới bây giờ. Sự cạnh tranh thị trường làm cho các hãng xưởng phải thúc đẩy sau lưng các nhân viên và công việc ở sở ngày càng căng thẳng. Hình ảnh, âm thanh quảng cáo bủa vây mình. Sản phẩm điện tử đầy dẫy. Mạng lưới Internet tuy tiện dụng nhưng cũng trở thành một loại thức ăn có nhiều chất độc. Quý thầy cô không có điện thoại di động mà được thảnh thơi. Chỉ cần có một cái điện thoại thông minh là mình bị “kẹt” vào đó dễ như chơi. Mình sẽ bị “lạc” vào nhiều thế giới quyến rũ, say mê trong đó, đánh mất ý thức về khổ đau và hiểm họa của đời sống thiếu chánh niệm.
 
Nếu mình muốn “sống còn”, chứ chưa nói đến chyện duy trì tâm bồ đề, thì mình phải thường xuyên có ý thức về khổ đau, khổ đau trong chính bản thân, trong những người mình thương và những người xung quanh mình. Tiếp xúc với khổ đau làm nảy sinh lòng xót thương. Có lòng xót thương mới có khả năng buông bỏ những thứ không cần làm và chú tâm vào những sinh hoạt tu tập giúp vơi bớt khổ đau trong mình và quanh mình. Nhờ đó mà tâm bồ đề của mình được nuôi dưỡng.
 
Thường trực tiếp xúc với khổ đau là một nghệ thuật, và phương tiện là một tăng thân tu tập mà mình phải xây dựng. Mình phải xây dựng như thế nào để tăng thân trở thành một không gian an toàn cho các thành viên có thể chia sẻ những khổ đau của mình một cách dễ dàng. Lắng nghe khổ đau của người, mình cảm thấy nhỏ bé lại, khiêm tốn hơn. Cùng với các phép thực tập chánh niệm khác: thiền ngồi, thiền đi, ăn cơm im lặng, các buổi pháp đàm chia sẻ niềm vui nỗi khổ như vậy sẽ làm tăng trưởng năng lượng từ bi của cả tăng thân. Tất cả mọi người sẽ được hưởng chung năng lượng ấy, sẽ nhẹ nhõm và tươi mát ra. Mình bớt khổ thì mình sẽ có cơ hội giúp người khác bớt khổ. Đó là con đường để sống còn và nuôi dưỡng tâm bồ đề. Chạy trốn hoặc khỏa lấp khổ đau thì mình sẽ tán thân thất mạng trong cuộc sống ngoài đời. Chúng ta phải nương tựa tăng thân để gìn giữ tâm bồ đề. Sư Ông thường nói rằng tăng thân là một “community of resistance” – một đoàn thể có khả năng cưỡng lại dòng lôi cuốn của xã hội.
 
BBT: Với vai trò của những người “đầu tàu” trong việc hướng dẫn và xây dựng tăng thân, anh và chị Anh Hương đã thực tập rất vững chãi. Vậy xin anh chia sẻ kinh nghiệm của mình để cho những người đang thực tập xây dựng tăng thân được học hỏi.
 
Chân Trí: Tăng thân phải chuyên chở được Bụt, tức là năng lượng của chánh niệm, và Pháp, tức là những phép thực tập chánh niệm. Nếu không có những chất liệu này thì tất cả các thành viên của tăng thân, kể cả những người “đầu tàu” cũng sẽ héo mòn. Người hướng dẫn tăng thân mà chỉ có lòng phụng sự không thì không đủ, mà phải chân thành thực tập để có thể hiến tặng tăng thân niệm, định, tuệ với đúng nghĩa của nó, không chỉ soạn bài để giảng, hay dùng trí năng, biện tài của mình để trình bày pháp Bụt.
 
Các cư sĩ không được thực tập toàn thời như các thầy, các sư cô ở tu viện nên năng lượng chánh niệm thường yếu kém. Thời gian các cư sĩ gặp nhau tu tập rất ít ỏi, khá lắm là một tuần một lần và gặp nhau trong tình trạng mệt mỏi, thiếu tươi mát. Nếu mình thật sự muốn tu và nâng đỡ các bạn đồng tu thì mình phải phát nguyện thực tập chánh niệm tinh chuyên, để có sự vững chãi và thảnh thơi mà hiến tặng cho tăng thân khi họp mặt. Sự an lạc và vững chãi của mình là năng lượng đưa tăng thân đi tới. Con tàu đã đi đúng hướng rồi thì cứ thế mà lăn bánh. Người “đầu tàu” của tăng thân thấy mình là cánh tay của Bụt, của Sư Ông và nhất là cánh tay của tăng thân thì xây dựng tăng thân mới thành công. Danh xưng “giáo thọ”, “chủ trì” có thể là một chướng ngại lớn cho việc xây dựng tăng thân.
 
Tu tập trong một tăng thân là cùng nhau chuyển hóa khổ đau. Không có khổ đau nào lớn hơn khổ đau nào. Mình giúp bạn mình nhận diện những gốc rễ khổ đau trong lòng, và ngược lại, bạn mình giúp mình thấy những gốc rễ khổ đau trong lòng mình. Đây là sự thực tập đặc trưng của truyền thống Làng Mai: cùng nương vào sức mạnh của tăng thân để chế tác hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau cho nhau. Vì vậy, Tăng chuyên chở được Bụt và Pháp.
 
Trong xã hội tây phương ngày nay, các phong trào tu học, tập thiền, tập chánh niệm phát triển rất mạnh, đi vào cả trường học và nhà thương. Số lượng các vị thầy dạy thiền, các vị dẫn đầu tăng thân tăng lên gấp bội so với 5, 10 năm trước. Chùa chiền, tu viện cũng vậy. Nhu yếu tập thiền là một nhu yếu có thật vì người ta rất khổ và đi tìm những phương pháp giảm thiểu khổ đau. Tuy nhiên rất nhiều người dạy thiền và đứng đầu các tăng thân chỉ giúp cho người đời bớt căng thẳng trong đời sống nhưng chưa giúp chuyển hóa được khổ đau trong chiều sâu tâm thức. Một tăng thân đúng nghĩa sẽ chế tác ra một sức mạnh tâm linh hùng hậu. Nếu chỉ đi dạy đạo mà không thực tập với tăng thân địa phương thì mình không có đủ sức mạnh để chuyển hóa khổ đau. Chỉ có một số người đặc biệt như Bụt và các bậc đạo sư lớn mới có thể tự tu tập một mình và thành công mà thôi.
 
BBT: Thưa anh, có khi nào anh cảm thấy mình bị nản chí không? Nếu có thì anh đã thực tập như thế nào để vượt qua?
 
Chân Trí: Mình có thể nản chí vì tự thân tu tập không tiến bộ hoặc vì trong tăng thân không có hòa khí và hạnh phúc, giậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi trong sự tu tập. Trong tình trạng ấy, mình tập khiêm tốn về cái thấy của mình về chính mình và về các bạn đồng tu cũng như phương pháp tu của mình. Đây là lúc cần thực tập soi sáng – ngồi nghe huynh đệ chia sẻ những cái thấy của họ về mình. Khiêm tốn là điều kiện thiết yếu cho thực tập soi sáng thành công. Một khó khăn trong tự thân hoặc trong tăng thân là cơ hội quí báu giúp mình nhìn sâu để có thêm tuệ giác. Khó khăn càng lớn, tuệ giác sẽ càng sâu. Có tuệ giác là mình có giải thoát.
 
Nếu giải thoát là mục tiêu tối hậu của cuộc đời mình thì mình đâu ngại khó. Vì ngã ái, ngã mạn, mặc cảm nên chỉ cần một vài khó khăn với bạn đồng tu, mình có thể bỏ tăng thân ra đi. Rồi mình sẽ loay hoay tu tập một mình, hoặc mình sẽ lập một tăng thân mới, đóng vai chủ trì, giáo thọ, sẽ tha hồ tổ chức, dạy đạo mà không bị huynh đệ nào soi sáng cả. Mình có thể đi vào đường tà mà không hay, ngũ dục – tài, sắc, danh, thực, thụy – sẽ từ từ soi mòn tâm bồ đề của mình. Đồng lao cộng khổ với tăng thân, mình sẽ có hạnh phúc lớn khi mình cùng với tăng thân thoát ra khỏi những khó khăn. Nhờ đó mà tâm bồ đề mình càng ngày càng kiên cố.
 
BBT:Thưa anh, anh có điều gì muốn nhắn nhủ với những người trẻ đang trên đường thực tập và xây dựng tăng thân?
 
Chân Trí: Xã hội bây giờ rất mất quân bình. Đời sống vật chất thì quá cao mà đời sống tâm linh thì quá thấp. Ở ngoài đời, mình không may mắn được sống và tu tập như ở trong tu viện. Ngoài việc đi làm để kiếm sống, mình cần hết lòng nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Có quân bình giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh, mình sẽ có hạnh phúc. Nuôi dưỡng đời sống tâm linh đi đôi với việc xây dựng tăng thân. Mình luôn tâm niệm là không có tăng thân thì sự tu tập của mình sẽ không thành công.
Tăng thân là ngôi nhà tâm linh của mình nên mình cần để nhiều công sức và thời giờ để xây dựng. Là người trẻ mình có thể giúp những anh chị đi trước làm chuyện này. Làm sao cho sinh hoạt tăng thân được đều đặn và có sự đầm ấm của một gia đình. Mình chăm lo cho các thành viên trong tăng thân như ông, bà, cô, chú, bác, anh, chị, em trong một nhà. Làm sao để thực tập các pháp môn một cách linh động chứ không máy móc. Có càng nhiều buổi họp mặt, ngày quán niệm, khóa tu càng tốt. Mình phải dành ưu tiên cho các ngày quán niệm và các khóa tu, bỏ bớt những sinh hoạt có tính cách xã hội và giải trí. Nhờ vậy mà năng lượng chánh niệm trong mình mới có mặt thường xuyên, giúp mình cưỡng lại dòng lôi cuốn của xã hội.
 
Những phong trào mới phát khởi từ Làng Mai như Wake Up rất phù hợp cho tuổi trẻ. Phong trào này có những sinh hoạt rất vui, được lồng trong những thực tập chánh niệm như thiền thở, thiền đi, thiền ngồi, ăn cơm chánh niệm. Chánh niệm là cốt tủy của sự thực tập. Bất cứ một sinh hoạt nào, nếu không có chánh niệm và không có sự đều đặn thì bản chất của sự thực tập không thấm vào da thịt được.
 
Chân Trí thấy theo với thời gian mình càng có nhiều hạnh phúc trong việc tu học. Mỗi khi đi ngày quán niệm và khóa tu, lòng mình rất hân hoan, nhẹ nhõm vì bỏ lại hết tất cả sau lưng. Mình và các bạn đồng tu khỏe ra, vui ra rất nhanh. Tuy rằng khổ đau còn đó, nhưng hạnh phúc vẫn có thể nở hoa được. Đó là nghệ thuật tiếp xử khổ đau – The Art of Suffering – như Sư Ông thường dạy.
 
BBT: Xin cám ơn anh đã có mặt và chia sẻ. Kính chúc anh cùng gia đình thực tập vui, bình an và có nhiều hoa trái trong sự tu học.
 
(*) Trích từ bài thơ của Sư Ông:
Tìm ra được lối cũ,
Trong rừng thiêng vắng người
Dẫn về kho Bảo Tích
Thỏa tình ta rong chơi.