Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Chuyến hoằng pháp có một không hai

Chân Định Nghiêm

Đại chúng ở Làng tiễn Sư Ông tại sân bay Bergerac

Máy bay cất cánh, hình bóng các thầy các sư cô đứng dưới vẫy tay chào xa dần, nhỏ dần, rồi mất hút.

Trên chiếc máy bay tư nhân (private jet), chỉ có mười thầy trò chúng tôi ngồi với nhau giống như đang ngồi ở phòng sinh hoạt tại Sơn Cốc. Cô chiêu đãi viên lịch sự mời nước, bánh trái và chiều theo sở thích của mỗi hành khách. Chiếc máy bay chỉ có mười sáu chỗ ngồi, thuộc hạng nhỏ nên bay thấp hơn những chiếc máy bay Boeing bình thường. Nhìn ra cửa sổ, thầy trò chúng tôi được thưởng thức cảnh thiên nhiên dưới đất liền gần hơn, rõ hơn, như dãy núi tuyết Alpes, dãy Hy Mã Lạp Sơn, v.v. Thỉnh thoảng, thị giả đưa Sư Ông đi lại một cách thoải mái trên máy bay. Đến phòng lái phía trước, Sư Ông ngạc nhiên nhìn vào mấy hàng nút bấm màu sáng trưng, và nhất là khoảng không gian vô tận trải dài ngay đằng trước mặt phía ngoài tấm kính. Hai chú phi công đang thay phiên nhau lái, nhoẻn miệng cười và mời chúng tôi vào xem một cách thân thiện. Đang ở trên máy bay mà chúng tôi có cảm giác thoải mái, tự do như đang ở nhà. Có lẽ vì vậy mà Sư Ông không muốn nằm nghỉ trên chiếc giường êm ấm đã chuẩn bị sẵn. Sư Ông chỉ muốn ngồi trên ghế dựa bình thường như những hành khách khác. Thấy Sư Ông vui, khỏe, nhóm thị giả chúng tôi lại càng tíu ta tíu tít, quán sát, khám phá, chụp hình, bàn tán đủ chuyện,…

Trong lúc thầy trò đang vui cười, bỗng dưng tôi cảm thấy xốn xang trong lòng: nếu như trước kia Sư Ông mà đi giảng dạy bằng máy bay như thế này thì Sư Ông đã bảo tồn được sức khỏe và tiết kiệm được bao nhiêu là thì giờ!

Từ Pháp đi Thái, với máy bay bình thường, chuyến bay nhanh nhất cũng phải mất hơn 15 tiếng rưỡi đồng hồ, cộng thêm 7 giờ đồng hồ để đi từ Sơn Cốc đến phi trường Bordeaux, kể cả thời gian xếp hàng cân hành lý, đi qua các trạm kiểm soát an ninh, và khi đến Thái, quá trình đó lại lặp lại. Nhưng với máy bay tư nhân, chỉ cần mất 11 giờ đồng hồ bay. Máy bay được phép hạ cánh tại các phi trường nhỏ gần tu viện hơn. Hành khách cũng không phải xếp hàng cân hành lý, xếp hàng đi qua các trạm kiểm soát hay hải quan để trình hộ chiếu và làm các thủ tục. Đó là chưa kể những lúc hành lý bị chặn lại để lục soát kỹ hơn trong những giai đoạn nóng bỏng với vấn đề khủng bố. Vì vậy với máy bay dân sự từ Pháp sang Thái thì đó là một chuyến đi dài, nhưng chuyến bay được rút ngắn lại gần một nửa khi sử dụng máy bay tư nhân.

Trước kia, mỗi khi Sư Ông đi giảng dạy, có những chuyến bay kéo dài cả một ngày hoặc lâu hơn nữa, ấy vậy mà Sư Ông cứ phải ngồi suốt, chân và lưng nhức mỏi, ê ẩm. Ngay cả muốn bay qua Phật học viện Ứng dụng châu Âu ở Đức – gần Pháp nhất – dù chỉ phải đổi máy bay có một lần tại phi trường Paris hay Amsterdam cũng phải mất cả một ngày đường! Chuyến bay cuối cùng Sư Ông đi từ Học viện về lại Làng năm 2014 đã làm cho Sư Ông đuối sức. Điều mà chúng tôi, những đệ tử được đi tháp tùng theo Sư Ông trong các chuyến hoằng pháp thường làm là tìm những chiếc ghế trống khác ngồi, để dành ba chiếc ghế sát liền nhau cho Sư Ông có thể nằm nghỉ ngơi trên chuyến bay nhiều giờ đó. Nhưng không phải lúc nào chuyến bay cũng có chỗ ngồi trống. Tôi còn nhớ trong chuyến bay tối từ Mỹ về lại Pháp, thầy Pháp Hữu đã để trống chỗ ngồi của mình cho Sư Ông có thể nằm nghỉ thoải mái hơn, còn thầy cứ đi qua đi lại trên máy bay trong lúc đèn đã tắt và mọi người thì đang chìm vào giấc ngủ.

Lại một lần khác, trong lúc chờ chuyển máy bay, do đuối sức, Sư Ông đã nằm dài dưới đất ở một góc phi trường nơi vắng người qua lại. Có khi về đến phi trường Charles de Gaulle lại gặp phải lúc các hãng máy bay đình công nên không có chuyến bay nào về Bordeaux, mười mấy thầy trò đành phải đón xe ra ga Montparnasse mà lấy xe lửa để về tu viện. Tại phi trường cũng như nhà ga, hành khách nằm ngồi la liệt, thử tưởng tượng Sư Ông sau một chuyến đi dài lại phải chen chúc trong đám đông người, cũng may mà mua được đủ vé cho cả đoàn cùng về Làng với Sư Ông hôm đó.

Giảng dạy hay hướng dẫn khóa tu không làm Sư Ông mệt. Trái lại, di chuyển đường dài làm Sư Ông kiệt sức, thay đổi khí hậu và bị trái giờ không ngủ được còn làm Sư Ông mất sức hơn nữa. Có những chuyến đi mà sau đó, Sư Ông đã phải mất nhiều tháng trời mới phục hồi lại được sức khỏe. Vì vậy đã nhiều lần, chúng tôi đã từng thỉnh cầu Sư Ông đừng đi đâu nữa mà chỉ ở Làng giảng dạy để hồi phục sức khỏe.

Từ nhiều năm qua, Sư Ông đã ngưng giảng dạy tại Ý và Hà Lan. Người Hà Lan phải về Học viện Ứng dụng châu Âu, người Ý phải về Làng để tham dự khóa tu. Và rất nhiều những lá thư thỉnh mời Sư Ông đi giảng dạy ở các nước khác đã bị từ chối. Tuy vậy, chương trình hoằng hóa của Người vẫn cứ dày đặc, và mỗi một năm trôi qua là Sư Ông già hơn, sức khỏe lại yếu đi. Ngay cả những người tuổi bằng một nửa Sư Ông hay còn ít hơn nữa, khỏe mạnh, mà khi đọc thấy chương trình giảng dạy của Sư Ông thì cũng phải “le lưỡi”.

***

Sư Ông đói bụng, cô chiêu đãi viên liền đi hâm nóng thức ăn riêng được mang theo cho Sư Ông. Sư Ông là người quyết định giờ giấc ăn uống ngủ nghỉ cho cả đoàn. Cô chiêu đãi viên nói chuyến bay này cô thấy rất dễ chịu vì hành khách rất dễ thương và không có sự đòi hỏi.

***

Trước kia, các đệ tử của Sư Ông sống ở các tu viện khắp nơi, ai cũng mong mỏi được gặp Sư Ông, được nghe Sư Ông dạy trực tiếp, được cùng đi thiền hành, được cùng ngồi thiền với Sư Ông. Và niềm vui lớn của Sư Ông cũng là được gặp lại các đệ tử. Có một lần, Sư em Tường Nghiêm nói với tôi: “Em đã từng gặp nhiều vị thầy, mà em phải công nhận rằng ít có ai mà ‘enjoy’ đệ tử (tận hưởng sự có mặt của các đệ tử) như Sư Ông. Sao Sư Ông ‘enjoy’ ngồi chơi, nói chuyện với các sư con ghê đi. Sư Ông luôn luôn để hết 100% tâm ý của mình khi ngồi với các đệ tử”. Và khi Thầy “enjoy” các đệ tử của mình thì các đệ tử cũng rất mong mỏi được ở bên Thầy. Đó là lẽ tự nhiên.

Những lần về lại Hoa Kỳ, các thầy các sư cô ở tu viện Thanh Sơn, tu viện Lộc Uyển, đều được luân phiên làm thị giả Sư Ông. Nói là làm thị giả chớ thật ra là để được gần Sư Ông, chơi với Sư Ông. Năm 1999, tất cả các sư cô đều được tuần tự làm thị giả cho Sư Ông một ngày, kể cả các sư cô lớn như sư cô Chân Đức và sư cô Hoa Nghiêm. Những lần Sư Ông về tu viện Bát Nhã hay Làng Mai Thái Lan cũng vậy, các sư con U20 (dưới 20 tuổi) rất nôn nóng trông đợi đến ngày mình được làm thị giả cho Sư Ông. Và Sư Ông cũng rất hạnh phúc có cơ hội “cưng” các sư con. Các nhóm “Cây” (các gia đình xuất gia) cũng được Sư Ông mời đến cốc để dùng cơm chung, để hát, để chia sẻ, rồi sau đó mỗi sư con còn được chụp hình riêng với Sư Ông trước khi ra về nữa. Sư Ông thường tạo cơ hội để thầy trò được chơi chung trong những chuyến đi núi, những ngày xuất sĩ, những buổi tiệc nướng ngoài trời (barbeque), Trung thu,…

Lần đầu tiên các đệ tử tổ chức sinh nhật bất ngờ cho Sư Ông tại thiền đường Hội Ngàn Sao ở xóm Hạ, Sư Ông không vui khi đệ tử tổ chức mà không xin phép trước, hơn nữa Sư Ông “mắc cỡ” nên xoay lưng bỏ đi về phòng. Nhưng những năm sau này, Sư Ông cũng hoan hỷ ra chơi với đại chúng vào ngày sinh nhật. Thấy lạ, có một lần thị giả hỏi vì sao Sư Ông hết mắc cỡ. Sư Ông trả lời rằng bởi vì Sư Ông rất thích khi thấy đại chúng có cơ hội tập họp ngồi chơi chung với nhau. Thỉnh thoảng lại có những sư con được gặp Sư Ông để chia sẻ về những khó khăn mình gặp phải để được Sư Ông an ủi vỗ về hoặc dạy dỗ. Những giây phút có hai ba thầy trò được ngồi riêng với nhau hay ngồi trong một nhóm nhỏ là những giây phút rất đặc biệt đã đành, mà ngay những lúc Sư Ông sinh hoạt chung với cả đại chúng đông cũng đều đặc biệt không kém: những buổi thiền đi dưới ánh trăng sao, những buổi thiền ngồi tại thiền đường Vách Núi với tiếng chim hót líu lo khi ánh ban mai đang từ từ ló dạng, những buổi vấn đáp với những câu hỏi “nóng” nhất trong các khóa tu xuất sĩ,…

Những chuyến đi hoằng hóa của Sư Ông thường được sắp xếp trong một khoảng thời gian nhất định để không bị trùng vào những khóa tu sắp xảy ra tại Làng trước và sau chuyến đi. Khoảng thời gian này được chia đều ra cho mỗi nước ở vùng Đông Nam Á. Ấy vậy mà có một năm, trong khi bàn thảo để lập chương trình cũng có một ban tổ chức tranh đấu xin Sư Ông ở lại nước mình lâu hơn một vài ngày. Sư Ông mà ở lại một nước thêm vài ngày có nghĩa là chương trình của một nước khác phải bị cắt ngắn đi vài ngày. Thế là ban tổ chức các nước khác lại phải lên tiếng tranh đấu quyền công bằng để không bị “thiệt thòi”. Họ tính từng ngày! Vậy mà giờ nói đến chuyện Sư Ông chỉ ở lại Pháp và không đi đâu nữa thì quả thật là một chuyện không thể tưởng tượng được!

Năm 2012, khi Sư Ông trở lại hướng dẫn các khóa tu và giảng dạy tại Quốc hội Bắc Ái Nhĩ Lan (North Ireland), sư cô Diệu Nghiêm đã khóc và nói rằng sư cô đã phải năn nỉ và đợi Sư Ông gần 20 năm nay. Đệ tử của Sư Ông đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, và ai ai cũng mong muốn Sư Ông về tế độ đồng bào tại quê hương mình. Ai cũng đưa những lý do đặc biệt và chính đáng để xin Sư Ông đến hoằng pháp tại quốc gia mình: nào là những nhà chính trị, nào là các nhà doanh thương – những người trên thực tế, có tầm ảnh hưởng còn lớn hơn những chính trị gia, những người cần có một đời sống tâm linh để dân chúng bớt khổ; nào là những nhà kỹ thuật của Facebook, Google, những người có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu trong thế kỷ “hi- tech” (công nghệ cao) hiện giờ, nếu họ biết tu tập và có ý muốn đưa con người đi lên thì thế giới sẽ có một tương lai tương sáng hơn; nào là giới giáo chức, những người sẽ mang sự thực tập chánh niệm vào trường lớp cho giới trẻ; nào là những khoa học gia, những bác sĩ y tá trong ngành sức khỏe; nào là các khóa tu xuất sĩ để làm mới đạo Bụt vùng Đông Nam Á; nào là giảng dạy và truyền Năm giới cho bộ tộc Thích Ca, v.v. Sức khỏe của Sư Ông yếu vậy đó, nhưng làm sao có thể ngăn cản Sư Ông đi độ đời được? Hơn nữa, từ khi còn là một chú sa di trẻ, Sư Ông đã từng viết với nét bút chì trên cái cột trước chánh điện của chùa Từ Hiếu dòng chữ Hán: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.”

Quả thật là như vậy. Sư Ông chưa bao giờ chùn bước trước những gian nguy hay cực khổ trên con đường hoằng pháp. Sư Ông đã từng đi qua nhiều cuộc chiến với bom đạn, với sự chết chóc. Sư Ông đã từng tìm đến những nơi nghèo khó, bệnh tật, hiểm nguy để giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh. Đã bao nhiêu lần, Sư Ông từng an nhiên trước những đe dọa cho sự an thân của mình để đi kêu gọi hòa bình, kêu gọi nhân quyền, hay cứu vớt thuyền nhân. Sư Ông đã từng dám nói lên những cái thấy không phù hợp với quan điểm chính trị của Việt Nam, của các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc,… và đã từng bị lưu đày, đã từng được cấp giấy tờ của một người “apatride – một người không có quốc tịch, không có quốc gia nào công nhận đây là công dân của họ.

Chịu cực, chịu khó trong những chuyến hoằng pháp, đối với Sư Ông, đó chỉ là chuyện nhỏ. Những năm 1995, 1997, khi Sư Ông đã 70 tuổi rồi mà Sư Ông còn nghỉ trưa trong một chiếc lều nhỏ cắm ngoài trời, không có nhà vệ sinh, vào những ngày quán niệm dành cho gia đình Phật tử của chùa ở San Diego hoặc dành cho cư sĩ người Mỹ tại Oakland. Sư Ông cũng đã từng ở lều vào tuổi ấy trong suốt năm ngày khóa tu trên núi Shambala tại Mỹ.

Thấy không thể nào ngăn cản những chuyến đi xa của Sư Ông được, chúng tôi đã từng nhiều lần năn nỉ Sư Ông đi máy bay với vé hạng nhất để có thể nằm nghỉ ngơi trong chuyến bay nhưng không thành công. Vào năm 2004, khi Giám đốc Nhà xuất bản Seoul cho ra mắt tác phẩm Quyền lực đích thực đã mời Sư Ông qua Đại Hàn giảng dạy. Ông ta đã mua sẵn vé máy bay hạng nhất cho Sư Ông. Sư Ông đã rất mắc cỡ và đã đợi cho tất cả các hành khách lên máy bay hết rồi Sư Ông mới bước đến chỗ ngồi của mình.

Trước khi lên đường cho chuyến đi này, tôi đã chuẩn bị hành lý cho Sư Ông cẩn thận. Lý do cũng bởi vì cách đó gần 10 năm trong một khóa tu tại Đức, có một sư cô từ Việt Nam được đi theo tháp tùng và đã phụ thị giả xếp lại hành lý cho Sư Ông trước khi về lại Pháp. Sư cô đã xót xa khi nhìn thấy những y phục sờn cũ của Sư Ông. Kể từ đó, tôi đã luôn xin phép chuẩn bị hành lý cho Sư Ông mỗi khi đi xa. Thấy chiếc đãy nâu đã bắt đầu sút chỉ và bạc màu, tôi đã nhờ sư em Cung Nghiêm may một chiếc đãy mới để thay thế. Nhưng khi nhìn thấy chiếc đãy mới tinh, Sư Ông không chịu dùng vì “xách đãy mới mắc cỡ lắm!”. Mãi cho đến năm 2011, chiếc đãy này đã lủng lỗ và bạc màu hết, Sư Ông mới đồng ý thay thế nó với chiếc đãy do thầy Pháp Thạnh may. Ấy vậy mà trước khi lên đường, Sư Ông để lại chiếc đãy mới và giữ lại chiếc đãy cũ trong hành lý.

Tại phòng triển lãm ở xóm Mới, trong tủ kính có một chiếc cặp sờn rách với cái nút đóng bằng sắt bị hư và đã được nối lại bằng một cọng kẽm. Đó là chiếc cặp mà các đệ tử đã cúng dường khi Sư Ông đi Mỹ kêu gọi hòa bình năm 1966. Sư Ông đã dùng chiếc cặp này trong các chuyến đi từ châu Mỹ, qua châu u, châu Úc, rồi dùng mãi cho đến thời gian đi dạy ở đại học Sorbonne tại Paris. Vậy đó, bất cứ vật dụng gì dù có cũ bao nhiêu mà vẫn còn sửa lại được thì Sư Ông vẫn còn giữ lại để dùng tiếp. Tại Sơn Cốc, dù là một mẩu bánh mì nhỏ xíu, Sư Ông cũng cất lại trong lò nướng để dùng tiếp cho ngày hôm sau.

Sư Ông thường nhắc đến Đức Thế Tôn trong suốt 45 năm đã không ngừng đi du hành trong bao nhiêu quốc gia vùng lưu vực sông Hằng để độ đời. Cho đến năm 80 tuổi, ngài vẫn chỉ đi bộ. Vì vậy đối với Sư Ông, những chuyến đi hoằng pháp có mệt nhọc bao nhiêu thì cũng chỉ là chuyện bình thường. Sư Ông thường nói, hướng dẫn tu tập cho các vị cư sĩ ngay tại tu viện mình đang sống là quá tiện nghi, quá dễ dàng: “Đó là phước điền của mình. Mình không phải đi đâu xa mà ruộng phước đến tận nơi cho mình gieo hạt”. Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ là tư niệm thực của Người. Thiền sinh đến càng đông thì càng vui.

Những năm đầu khi mới thành lập Làng Mai, lúc đó Sư Ông cũng đã hơn 56 tuổi mà Sư Ông còn phải hướng dẫn tất cả mọi sinh hoạt từ sáng đến tối trong suốt một tháng hè: thiền ngồi, thiền đi, pháp thoại, pháp đàm, tham vấn, thiền trà, cơm quá đường, các buổi lễ giỗ Tổ, lễ Bông hồng cài áo, lễ Hòa bình,… Có khi Sư Ông dùng cơm trưa chung với thiền sinh rồi sau đó cũng xếp hàng rửa chén với họ. Chúng tôi tuy trẻ tuổi hơn, thỉnh thoảng với hai ba anh chị em, phải đi hướng dẫn một khóa tu nhỏ chỉ kéo dài năm ngày thôi mà sau đó đã thấy mệt rồi.

Trong nhiều năm, Sư Ông đã từng giảng mười bài pháp thoại và một buổi vấn đáp mỗi tuần vào khóa tu mùa Hè. Sáu ngày mỗi tuần, Sư Ông đều cho hai bài pháp bằng hai thứ tiếng khác nhau mỗi ngày. Ngoài ra còn các bữa ăn quá đường và các buổi lễ lớn mỗi tuần nữa. Vừa xong khóa Hè là Sư Ông lại lên đường đi hoằng pháp bên Mỹ hoặc các nước khác, trong khi đại chúng ở nhà làm biếng. Lại có những mùa đông lạnh cóng, Sư Ông cho pháp thoại lúc 6 giờ rưỡi sáng. Sau pháp thoại là buổi điểm tâm. Điểm tâm xong, Sư Ông lại cho bài pháp thứ hai. Đi hoằng pháp từ xa về nhưng nếu ngày hôm sau là ngày quán niệm, Sư Ông cũng cho pháp thoại như thường, không hề biết mỏi mệt.

Ngoài chuyện giảng dạy, Sư Ông còn nghiên cứu, dịch thuật, nhuận văn, viết sách. Mỗi năm đều có sách mới. Có những tác phẩm, Sư Ông viết ngay vào những buổi khuya trong các khóa tu với thời khóa dày đặc, ví dụ như “Bây giờ mới thấy” hoặc “Con gà đẻ trứng vàng”, những tác phẩm cuối cùng mà tự tay Sư Ông viết vào tháng 8 năm 2013 tại Học viện Ứng dụng châu Âu. Cho đến lúc Sư Ông đã bắt đầu ngã bệnh, Sư Ông vẫn tranh thủ dịch lại Tâm kinh tại Học viện vào tháng 8 năm 2014. Khi tay không còn viết được nữa thì Sư Ông lại nói vào máy thâu thanh vào những đêm khuya khi mọi người đang ngủ.

***

Bất chợt, Sư Ông chỉ tay ra cửa sổ máy bay. Tất cả chúng tôi đưa mắt nhìn qua cửa kính: trên nền trời bao la ửng đỏ, mặt trời thật to, thật tròn đang bắt đầu lặn. Tất cả thầy trò ngồi trong im lặng thưởng thức cảnh đẹp mầu nhiệm. Không ai nói ai nhưng ai cũng cảm nhận sâu sắc đây là giây phút huyền thoại.

Sự thực tập chánh niệm miên mật của Sư Ông trong từng giây phút của đời sống hằng ngày tạo cho chúng ta có cảm giác là lúc nào Sư Ông cũng thảnh thơi để thưởng thức thiên nhiên, như không có chi để làm. Những bước chân của Sư Ông lúc nào cũng chậm rãi như đi mà không cần đến. Nhưng kỳ thật, Sư Ông đi nhanh và đi xa hơn ai hết, và Sư Ông cũng làm việc nhanh và nhiều hơn ai hết.

***

Trên máy bay, Sư Ông lại đứng dậy đi dạo vài vòng với hai thầy thị giả. Khi nào không bị đau nhức, khỏe một chút là Sư Ông lại tập tay, tập chân ngay trên giường trong những đêm không ngủ được hay khi vừa thức giấc, hoặc tập ngồi, tập đứng, tập đi. Khóa tu mùa Hè năm ngoái tại xóm Thượng, Sư Ông đã cùng đi thiền hành với thiền sinh trên chiếc xe điện. Đến các bậc thang, xe điện không trèo lên nổi, và Sư Ông đã đứng phắt dậy để đi bộ tiếp với hai thị giả. Về tới cốc Ngồi Yên, Sư Ông xoay trở lại, dơ cao cánh tay ra dấu chiến thắng rồi xá chào thiền sinh. Rất đông các vị cư sĩ đã vừa khóc vừa nói: đây là bài pháp không lời sâu sắc nhất của Sư Ông dành cho họ trong khóa tu đó.

Suốt cuộc đời, Sư Ông không ngừng thuyết pháp, không ngừng ban tặng diệu pháp. Đây cũng là một chuyến hoằng pháp tại Thái Lan. Dưới một hình thức khác. Để tiếp nhận, chúng ta chỉ cần mở lòng ra và mở to đôi mắt quan sát.

Máy bay đang hạ cánh. Nhìn qua cửa sổ, Sư Ông thấy các sư con đang nôn nao đứng đợi.