Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Vườn ươm

Chân Uyển Nghiêm

Đơm bông kết trái

“Tới nơi rồi sư cô ơi!”. Anh Châu Thương cười vui vẻ, ánh mắt sáng trưng niềm hân hoan. Tôi có cảm giác anh còn mừng hơn tôi. Đây là nhà anh hay nhà tôi nhỉ, có gì mà vui quá vậy? Lạy Bụt, dù sao cũng cám ơn anh lắm lắm! Nhờ sự nhiệt tình của anh, nỗi mệt nhọc ê ẩm vì đi xa của tôi không ai hái mà cũng tự động rơi rụng đâu mất. Đầu óc còn choáng váng một chút, tôi bước xuống xe như người mộng du.

“Đây là đâu vậy?”, tôi hỏi.

“Dạ, tăng xá đó sư cô”. Anh Châu Thương nhanh nhảu.

Hơn sáu giờ rưỡi tối, cảnh vật nhá nhem, tăng xá đã lên đèn. Tôi tựa lưng vào một tảng đá, thở cho no căng phổi không khí của núi rừng, “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Tôi thầm thì một mình: “Về nhà thật rồi đó, sướng không?”.

“Ui chao, chào hai O. Trời ơi, răng mà ốm dữ ri?”. Giọng thầy Trung Hải giòn tan như bắp nổ. Chưa kịp chắp tay chào thầy cho đúng lễ thì đã bị thầy tịch thu hai cái ba lô to như núi, chỉ chờ lỡ tay rơi xuống là bung ra cho nhẹ một kiếp gánh mang. Sau khi “tài sản” đã được tình huynh đệ “ga lăng” đúng lúc, tôi lấy lại thăng bằng. Đến lúc này tôi mới thấy anh Hai tôi nói có lý: “Sư cô đi tu mà sao nhiều giỏ, nhiều thùng như đi buôn vậy?”. Ngoài tấm thân ba mươi tám ký lô, đồ đạc lỉnh kỉnh gần cả trăm ký. Phần thì người này gởi, người kia nhờ… mang giùm. Toàn là ân tình cả không nỡ để sót cái nào. Cộng thêm tôi nghe “đồn” tu viện bên này thảm lắm, toàn đá với cỏ, nắng cháy da luôn, là “trung tâm tàn phai nhan sắc số một thế giới”, thêm nữa tiền túi không đủ gọi điện cho thân mẫu vấn an sức khỏe mỗi tháng. Rồi nào là rắn, rít, bò cạp, bù mắt… Đổi trung tâm tu học mà tôi cứ cảm tưởng như mình đi kinh tế mới. Đùm đề bình nấu nước, túi ngủ, võng, dù, đèn pin, đèn học, bao tay, giày dép, bánh kẹo, trà, sữa các loại, tất tần tật, không sót thứ gì.

Tới nơi tôi mới thấy mình thật khờ, ai nói gì cũng tin. Nhưng dù sao trong cái rủi cũng có cái may. Khờ khờ vậy lại hay. Nhờ khờ khờ mà bây giờ niềm vui của tôi không thể nào diễn tả được. Tu viện Thái Lan đẹp quá. Và điều quan trọng là tôi đã về nhà. Nhà tôi thật đẹp, thật giản dị.

Tôi và sư em Hạ Nghiêm thưởng cho mình một ngày ngủ khì thật thảnh thơi. Chiều hôm sau, sư chị Khải Nghiêm dẫn hai chị em đi thăm một vòng quanh tu viện. Thả bộ chậm rãi trên con đường đất đỏ hiền lành, lòng tôi bỗng thấy bình yên lạ. Lặng lẽ bước đi cho Thầy, trên mỗi bước chân tôi vẫn như nghe đâu đây lời Thầy dặn dò mình thật khẽ, thật nhẹ nhàng: “Mỗi bước chân con đi, con hãy đi cho thầy. Thầy không về được thì con về cho thầy. Nơi nào con đến là nơi đó thầy đến”. Tôi biết Thầy đã đến, đã đặt dấu ấn tin yêu và hạnh phúc trên mảnh đất này. Các anh chị em đi trước tôi cũng đã một lòng chung tay xây dựng tịnh độ nơi đây. Bao nhiêu bàn tay chai sạn, bao nhiêu mồ hôi lao tác, và cũng bao phen khóc cười lên xuống cùng nhau. Để giờ đây tình thương đã trở thành bóng mát xanh tươi vẫy gọi chim chóc quay về. Trong chúng tôi, nào có ai biết ai đã hẹn ai để cùng về đây chung cuộc vui này. Tôi thấy ai cũng lạ, cũng quen, cũng ngăm ngăm và… cũng đẹp. Anh chị em tôi cả, vậy mà vẫn thấy ngỡ ngàng khi gặp nhau. Ôi, có phép lạ nào đã đưa chúng ta về bên nhau. Phép lạ nào?!

“Uyển Nghiêm và Hạ Nghiêm biết đây là đâu không? Chỗ này gọi là thiền đường Vách Núi. Vì vách nó là núi nên gọi là thiền đường Vách Núi, đơn giản chỉ có vậy”. Sư chị Khải Nghiêm nheo mắt cười cười.

Sư em Hạ Nghiêm cùng tôi đến lạy “ra mắt” Bụt và tiện thể xin phép Ngài cho “ăn nhờ ở đậu” lâu dài ở đây luôn. Bụt không nói gì, chỉ mỉm cười, vậy là được rồi. Mừng quá!

Lúc ở Làng tôi thường nghe các anh chị em Thái Lan kể về bác Pu-lư, vị thí chủ đã về hưu sau bao nhiêu năm phục vụ cho hoàng gia trong cương vị cảnh sát trưởng một quận của Bangkok, chuyên ngành chống tham nhũng, đã cưu mang mấy chục sư cô trong suốt ba năm tại khu đất vườn của bác sau sự cố Bát Nhã gần cuối năm 2009. Chắp nối từ chuyện này qua chuyện nọ xoay quanh bác Pu-lư, trong đầu tôi tự động vẽ vời ra hình ảnh về bác, một người dễ thương như… “trái sầu riêng”, bề ngoài có vẻ xù xì gai góc, nhưng bên trong thì rất tươi mát ngọt ngào. Khi tôi đến Thái, đại chúng đã dọn sang đất mới. Thấy tôi cứ mơ mộng mong về thăm bác Pu-lư và khu vườn cổ tích của bác, sư em tri khố động lòng cho tôi một vé đi ké xe tri khố về vườn bác Pu-lư hái nhãn. Leo lên xe “xỏn thẻo”, tôi mới thấy mình thật sự nhập quốc tịch Thái. Ngồi trên xe mà cứ ngỡ đang ngồi trên lưng ngựa, xe phi như bay bất chấp ổ gà ổ vịt trên đường. Bụi bay mù mịt, dù đã đeo hai lớp khẩu trang vẫn không thấm thía vào đâu.

Đúng là “trăm nghe không bằng một thấy”, vừa tới nơi, bác Pu-lư đã tươi cười ra đón chúng tôi. Dáng người đen đen nhỏ nhắn, nhưng rắn rỏi, cương nghị, và nụ cười ấm áp của bác đã làm cho “trái sầu riêng” của tôi rớt cái độp. Thần tượng của tôi đây rồi. Vị Bồ tát Cấp Cô Độc đã dang tay ôm ấp anh chị em tôi trong gian đoạn cực kỳ khó khăn và cần sự giúp đỡ nhất. Sau pháp nạn Bát Nhã, các anh chị em phải phân tán đi nhiều nơi. Cho dù bồ đề tâm mạnh mẽ nhưng không an cư thì cũng khó mà lạc nghiệp được. Trên đất khách quê người, bác đã “nhường cơm sẻ áo”, nhường luôn cả nhà cửa, phòng ốc, vườn tược cho các anh chị em tôi từng bước xây dựng lại “cơ đồ”. Tuy thuở ban đầu hàn vi như thế nhưng không ai ca thán gì. Nhà tranh vách nứa được dựng lên, gieo hạt tưới tẩm rồi lại có vườn rau xanh mát. Lâu lâu thấy đói lại rủ nhau ra vườn hái me, chặt dừa khô ăn lót lòng vẫn vui. Rồi Sư Ông sinh thêm con, nhà đông hơn, vui hơn. Các sư anh, sư chị vừa “tị nạn” vừa “bồng em” vậy mà vẫn vui, vẫn hạnh phúc, vẫn muốn có thêm em. Nghĩ cũng lạ!

Thấy cay cay nơi sống mũi, biết triệu chứng khóc nhè sắp xuất hiện, tôi quay đi chỗ khác thôi không nhìn bác. Tôi đang đứng trên đất Thái như một giấc mơ. Có lẽ nhờ ngày xưa Thầy đã có cái nhìn độ lượng với những người hải tặc Thái Lan khi họ cướp bóc và hãm hiếp thuyền nhân Việt Nam. Cái nhìn bao dung đó của Thầy đã được thể hiện qua bài thơ Hãy gọi đúng tên tôi. Thầy đã gieo một hành động tha thứ, bao dung, không kỳ thị và bây giờ, đàn con của Thầy được hưởng. Hơn nữa, Thái Lan là đất nước lấy Phật giáo làm quốc giáo cho nên khi họ thấy giúp đỡ, cưu mang các thầy, các sư cô là chuyện không thể không làm, họ đã làm với tất cả lòng kính mến độ lượng. Tất cả đều là huynh đệ một nhà, đều là con của Bụt. Họ thương quý Thầy, thương quý công hạnh của Thầy. Họ thấy Thầy là nhân vật nổi tiếng, đã có công lớn trong việc truyền bá và phát triển đạo Bụt vào thế giới phương Tây. Vì vậy trong lúc gian nguy nhất, chúng tôi đã được cưu mang ngay trên đất nước này. Tình huynh đệ là điều đang có thật. Rất thật.

Bác Pu-lư là một biểu tượng trong vô vàn những tấm lòng quảng đại trên khắp năm châu đang hướng về ủng hộ chúng tôi. Không phải người cư sĩ nào cũng may mắn có một đời sống thoải mái, dư dả. Chúng tôi biết có những người cư sĩ tuy cơm phải chạy lo từng bữa, nhưng vẫn chắt chiu dành dụm để góp phần vào công trình xây dựng tu viện. Những ân tình đó làm sao có thể quên, làm sao mà nói cho hết được.

Ổn định nề nếp

Lòng biết ơn nuôi lớn tình thương, mà tình thương thì không thể tách rời hành động. Sang đất mới, có môi trường thoáng đãng, tăng xá, ni xá đàng hoàng. Mỗi đêm ngủ không còn lo mưa dột, không còn lo phải bị đánh thức để kê khai hộ khẩu, lý lịch như lúc ở Bát Nhã, cơm canh đầy đủ, tươm tất. Các sư anh, sư chị lớn đã ngồi lại cùng nhau tổ chức mô hình sinh hoạt tu tập một cách hệ thống và có hiệu quả hơn. Các lớp học nội điển được sắp xếp phù hợp theo từng độ tuổi tu. Các lớp ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Thái cũng đạt được nhiều tiến bộ thấy rõ. Các sư chú, sư cô phần lớn đều là người trẻ, độ tuổi từ mười lăm đến hai mươi lăm nên việc học có phần dễ dàng, tiếp thu nhanh. Số lượng xuất sĩ ở Thái Lan đã tăng nhanh, gần 200 vị.

Chỉ trong vòng hai năm song song với các công trình xây dựng nhà bếp, lớp học, nhà ở cho cư sĩ, trồng cây, san bằng và rải sỏi các con đường thiền hành… các vị giáo thọ vẫn luân phiên đi giảng dạy các khóa tu ở nước ngoài theo nhu cầu tu tập của các tăng thân như Hồng Kông, Malaysia, Indonesia, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Bhutan, Ấn Độ… Người dân Thái Lan cũng đã dần quen với hình ảnh áo nâu nón lá của đạo Bụt dấn thân Làng Mai. Trung bình mỗi năm đều có hai khóa tu lớn cho người Thái được tổ chức tại các khu nghỉ dưỡng. Hai khóa tu này dành cho gia đình và số lượng thiền sinh tham dự rất đông, khoảng 600 đến 700 người. Ai cũng tiếc bởi chưa thể tổ chức khóa tu trong tu viện vì điều kiện cơ sở còn hạn chế, không có đủ chỗ ở và nhà vệ sinh đàng hoàng. Hy vọng trong tương lai gần, khi điều kiện tương đối hơn, người dân Thái sẽ có cơ hội tận hưởng một khóa tu tròn đầy trong khung cảnh tu viện trang nghiêm.

Khóa tu người Việt

Khóa tu vui nhất mà cũng “đau đầu chóng mặt” nhất là khóa tu cho người Việt. Bà con mình ham tu thấy mà thương. Biết tu viện còn nghèo nên phải “liệu cơm mà gắp mắm”. Dự định số lượng thiền sinh tối đa không quá 350 vị, để việc ăn uống, ngủ nghỉ, tu tập được thong thả, chu đáo và ổn định. Ấy vậy mà bà con cứ kéo nhau qua. Có người tới sân bay Thái Lan rồi mới năn nỉ: “Khó khăn lắm con mới sắp xếp được tới đây, quý thầy, quý sư cô cho con tu với. Con ngủ dưới gốc cây cũng được”. Người khác kéo áo quý sư cô: “Con mới vừa đọc thông tin trên mạng, biết là trễ rồi nhưng con vẫn quyết định nghỉ việc để đi “tu”. Con cần tìm lại chính mình”. Đến lúc này thì hai bên chỉ còn biết nhìn nhau cảm cảm thông thông rồi dắt nhau về tu viện tính sau. Khóa tu ban đầu dự tính cho 350 người, cuối cùng số lượng thiền sinh tăng lên gần 700. Tội nghiệp ban tổ chức, chạy đông chạy tây thuê chỗ cắm trại, cắm lều, thuê nhà vệ sinh di động, thuê bàn, thuê ghế… Thái Lan thời tiết nóng gắt, thức ăn lạ, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Quý thầy, quý sư cô cứ lo mọi người đổ bệnh thì nguy. Bà con thu xếp khó khăn lắm mới có được vài ngày qua đây tu tập, bệnh rồi thì biết làm sao. Ôi, lo cũng chẳng giải quyết được gì, thôi thì nhờ chư Bụt, chư Tổ lo giùm chúng con. Vậy mà không ngờ khóa tu thành công ngoài mong đợi, bà con ai cũng đạt được nhiều chuyển hóa và hạnh phúc. Kết thúc khóa tu không ai muốn về, cứ bịn rịn hứa hẹn năm sau chúng con sẽ sang tu tiếp, chúng con sẽ nhớ quý thầy, quý sư cô lắm lắm.

Khóa tu Wake Up quốc tế châu Á

Tạm biệt khóa tu người Việt, lại bắt tay chuẩn bị cho khóa tu Wake Up, khóa tu dành riêng cho những người trẻ. Tuổi trẻ năng lượng trẻ, khóa tu thật là “trẻ”, vui và sáng tạo. Cảnh tượng hơn cả trăm bạn trẻ quỳ xuống tiếp nhận Năm giới thật xúc động và nuôi dưỡng. Tôi còn nhớ trong gia đình pháp đàm của tôi, không hẹn mà có đến bốn bạn trẻ cùng quyết định xin nghỉ việc một lần qua tham dự khóa tu. Ngạc nhiên tôi hỏi: “Các bạn không sợ đi khóa tu về lỡ chẳng xin được việc làm tốt như trước thì sao, có tiếc không?”. Các bạn cười: “Lúc đầu tụi con cũng hơi run vì quyết định liều lĩnh này, nhưng sau vài ngày tu học thì thấy mình đã quyết định đúng lúc. Cuộc sống có quá nhiều áp lực, lúc nào tụi con cũng phải tiến lên, lao tới như một mũi tên, đôi khi không còn biết mình là ai, mình đang đi tìm cái gì nữa. Tụi con cần một tiếng chuông để dừng lại, để hiểu mình rõ hơn”.

Sau khóa tu, có một bạn trước khi về đã gởi tặng tôi một đôi giày, kèm theo một vài câu viết vội trên giấy: “Cám ơn sư cô đã chăm sóc và hướng dẫn cho chúng con tu tập. Con thấy mình thật may mắn vì đã có Năm giới làm kim chỉ nam trong cuộc sống. Con xin thực tập giới thứ hai “chia sẻ tài vật”, xin được tặng sư cô đôi giày”. Nhìn đôi giày tím ngắt có đế màu cam sáng choang, tôi bật cười vì biết thế nào rồi cũng sẽ bị chọc te tua. Sư cô ai lại mang giày màu tím. Mỗi chiều vào giờ thể dục, tôi xỏ đôi giày tình tang đi bộ mà thấy ấm áp một niềm vui khó tả. Tôi vui không phải vì “của cho không”. Tôi vui vì trên mỗi bước chân, tôi không đi một mình. Bạn bè tôi ở khắp nơi. Chúng tôi có thể khác nhau về ngôn ngữ, màu da, văn hóa, nhưng chúng tôi đang đi chung trên một con đường. Con đường chân thiện. Ai cũng muốn sống tốt hơn, đẹp hơn mỗi ngày.

Khóa tu tăng thân quốc tế châu Á

Hàng năm vào dịp Giáng sinh và tết Tây, Làng Mai Thái Lan lại tổ chức khóa tu dành cho các nhóm tăng thân châu Á gồm các nước Thái Lan, Malaysia, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Philipine, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc. Năm nay khóa tu được tổ chức trong thời điểm mát mẻ nhất của năm, và thiền sinh ai cũng hạnh phúc. Có khoảng 270 người tham dự khóa tu trong đó có khoảng 60 người đến từ Trung Quốc. Khóa tu năm nay có chủ đề là Bốn Pháp Ấn của Giáo lý Làng Mai. Thiền sinh đã chuyển hóa rất nhiều. Ngoài ra còn có các khóa tu nhỏ khác như khóa tu Chánh niệm trong lãnh vực Y khoa (Health Care Retreat) dành cho bác sĩ và y tá, khóa tu dành cho giới giáo chức, cho giới doanh nhân, cho học sinh, cho các em thiếu niên, thiếu nhi, chương trình xuất gia gieo duyên ba tuần dành cho các cháu thiếu niên, chương trình xuất gia ba tháng dành cho giới thanh niên Thái… Người lớn tu, con nít cũng được tu. Thầy cô giáo, bác sĩ, y tá cũng được tu. Thiền sinh Tây phương về tu cũng mỗi ngày mỗi đông. Tu có gì vui mà sao ai cũng thích? Cái này thì khó chia sẻ lắm, chỉ có tự mình đến để thấy, tự cảm nhận thôi. Không nói được đâu. Về đây, tôi không ngờ Làng Mai Thái Lan lại phát triển nhanh đến thế.

Ở xứ Tây tôi thích nhất là thiên nhiên, bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân trăm hoa đua nở làm người ta khó mà buồn lâu được. Mùa hạ trái cây lúc lỉu trên cành, nhìn thôi cũng đã no mắt rồi. Mùa thu lá chín vàng rực núi đồi. Người không biết chữ bỗng dưng cũng thích làm thơ. Mùa đông tuyết rơi êm đềm, Lọ Lem chốc lát đã trở thành Bạch Tuyết. Thái Lan thì chỉ có hai mùa nắng mưa, mưa ít quá, có khi mùa đông mà trời vẫn nắng chang chang. Tôi đâm ra quên bẵng ngày tháng.

Tết đến hết năm hồi nào tôi cũng không hay. Tháng Mười hai này, chúng tôi lại có thêm các sư em mới. Các sư em cây Đan Mộc. Nhìn các sư em tuổi mười lăm, mười sáu lụng thụng, lúng túng trong bộ áo nhật bình ngày mới xuất gia, tôi lại thấy tôi của những ngày xưa, cũng ngô nghê hồn nhiên như thế mà lớn lên. Ăn hết bao nhiêu cơm gạo của tăng thân rồi, tôi vẫn không cao, không mập thêm được tẹo nào. Chỉ có bồ đề tâm là lớn lên, vững vàng theo năm tháng. Là sư chị thương các sư em đã đành, nhưng mỗi khi nhìn các sư anh, sư chị tôi thấy mình thật may mắn. Thầy chúng tôi đã và đang biểu hiện trên đời một cách mầu nhiệm. Nhưng tôi ý thức rõ Thầy cũng vô thường như bao hiện tượng khác trên đời. Các sư anh, sư chị là một trong những gia tài lớn nhất mà Thầy trao gởi cho chúng tôi. Những người đi trước đã gánh vác những công việc nặng nhọc, đã thay Thầy chăm sóc và dạy dỗ chúng tôi.

Ngày cuối năm, được ngồi quây quần trong thất Nhìn Xa của Thầy, ấm áp bên chén trà thơm, huynh đệ thật sự có mặt cho nhau. Sư em Tuyết Nghiêm và tôi, hai đứa nhỏ được theo phụ sư mẹ Quy Nghiêm tổ chức thiền trà, nên cũng được tham dự vào không khí chung. Các anh chị mỗi người một phương tụ hội về, người thì ở Đức, người thì từ Hồng Kông, Việt Nam, Thái Lan. Có người gần cả chục năm trời mới gặp lại. Niềm vui thắp sáng trong từng ánh mắt, nụ cười. Sư em Tuyết Nghiêm hát tặng các sư anh, sư chị, giọng đơn giản mộc mạc:

“Chiều hôm nay đến đây

Chén trà ấm tình đệ huynh

Thầy ngồi đó, thất Nhìn Xa mở ngõ

Trong phút giây tình đong đầy…”

Thương chúc các anh chị em tôi dù đang ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều tìm được những niềm vui để sống, dù nhỏ nhoi khiêm tốn. Hãy vui, để rồi mình lại cùng nhau leo đồi thế kỷ. Trời hôm nay rất xanh và nắng vẫn còn đẹp lắm. Đẹp lắm!