Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Tình yêu đất Mẹ

Chân Trăng Tam Muội. Sư cô Chân Trăng Tam Muội, người Anh, xuất gia trong gia đình cây Đỗ Quyên. Sư cô hiện đang tu học tại tu viện Bích Nham, New York. Bài viết được chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Năm 1970, lúc con 14 tuổi, con đọc thông tin về một tổ chức mới thành lập có tên Friends of the Earth (Những người bạn của Trái đất) – một tổ chức bảo hộ môi trường và thấy rất có cảm hứng. Từ đó, con đã dùng thì giờ của mình để hoạt động cho các chiến dịch chống mua bán lông thú, chống săn bắn cá voi, đi biểu tình ở các trung tâm thương mại để chống lại việc đóng gói bao bì thực phẩm một cách không cần thiết. Lúc ấy con đang ở tuổi mới lớn (tuổi teen), dễ nổi giận và không mấy thân thiện.

Khi chuyển đến Luân Đôn, con trọ học trong một căn hộ chung cư cùng với ba cô bạn gái, cả ba người đều tiếp nhận sự giáo dục từ các trường học ở Steiner. Những trường học này đều đặt giá trị tâm linh ngang hàng với giá trị tri thức. Vì vậy ngoài những kiến thức tiếp nhận được từ sự giáo dục chính quy ở trường, con còn học được rất nhiều từ cách sống và quan niệm của ba cô bạn này. Kết quả là con đã trở thành người ăn chay trường. Tất cả thức ăn khô đều được mua từ một tiệm bán sỉ tên là Community Stores: những bao gạo lứt, bột mì lứt, các thùng mơ khô sản xuất từ Afghanistan bán thẳng cho cửa hàng mà không qua trung gian… Chúng con mua trái cây và rau cải từ các chợ bày bán trên đường phố và chở về nhà bằng xe đạp, tự làm lấy bánh mì, mứt trái cây, bánh và tự may quần áo cho mình. Những hành động này giúp con cảm nhận được mối liên hệ sâu sắc giữa mình với những tặng phẩm mà đất Mẹ đã hiến tặng với tấm lòng rộng lượng và đầy tình thương.

Mãi sau này khi sống ở Pháp, con mới biết đến Thầy. Chính pháp môn tu học mà con tiếp nhận từ Thầy đã làm mối liên hệ giữa con với đất Mẹ và với tất cả mọi loài, trong đó có bản thân con, trở nên sâu sắc hơn.

Lớn lên, con may mắn được sống ở một miền quê thuộc núi Alps. Đây là một vùng tuy nghèo nhưng lại có số lượng nông trại canh tác theo lối hữu cơ nhiều nhất nước Pháp. Nhiều người trẻ có lý tưởng đã từ các thành phố về đây, họ muốn sống một cuộc sống lành mạnh và có đạo đức hơn. Họ xây dựng nên các cơ sở làm ăn, như các lò bánh mì hoặc các nông trại nhỏ canh tác theo lối hữu cơ.

Chúng con đã thành lập một tăng thân nhỏ. Nhờ đó con đã gặp được những người, dù chỉ sống bằng một nguồn thu nhập rất thấp nhưng vẫn rất hết lòng thực tập những lời dạy của Thầy về bảo hộ và duy trì đất Mẹ. Để có thể mua được các thức ăn hữu cơ thường tương đối đắt tiền (trái cây, rau củ, dầu, gạo, các sản phẩm tẩy rửa…), họ đã chọn cách sống vô cùng đơn giản. Đối với họ, tiêu thụ có chánh niệm và xây dựng nếp sống bền vững là những điều quan trọng nhất. Họ sống đúng như những gì họ nói.

Sống ở trên núi, ta không thể nào không thương đất Mẹ. Ánh sáng phản chiếu trên mặt đá thay đổi liên tục, sự tĩnh mịch bao phủ núi đồi, những cơn giông bão và sấm chớp, những lần nửa đêm đi bộ một mình rất lâu dưới ánh trăng với tiếng cú kêu văng vẳng. Vẻ đẹp của đất Mẹ đã nuôi dưỡng, chữa trị và tạo cảm hứng cho con. Chính cái đẹp ấy đã đưa con đến với con đường xuất gia, đã làm khả năng thương yêu và ước muốn giúp đời trong con trở nên lớn mạnh.

Ở Làng Mai, con đã tập nhìn sâu vào nỗi đau của đất Mẹ và thấy vui vì được thực tập điều đó với tăng thân, nhờ vậy con không bị nỗi tuyệt vọng xâm chiếm. Con rất hạnh phúc khi thấy tăng thân đã làm được nhiều điều để yểm trợ đất Mẹ. Tu viện Lộc Uyển đã sản xuất đủ năng lượng từ ánh sáng mặt trời để dùng cho các sinh hoạt mà không cần phải mua điện. Ni xá mới được xây bằng những khối rơm nén để giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ năng lượng. Các khối rơm này chống lại cái lạnh về đêm của sa mạc và giữ mát vào ban ngày. Các vườn cây được trồng để lợi dụng sương giá đến mức tối đa vì mưa ở vùng này rất hiếm.

Xóm Hạ, Làng Mai đã lắp đặt hệ thống lò hơi (boiler) chạy bằng củi – củi được lấy từ các khu rừng được bảo tồn theo mô hình bền vững trong vùng, để sưởi ấm thiền đường, nhà ăn và các phòng dành cho thiền sinh. Xóm Thượng đã xây dựng nên một Nông trại Hạnh phúc, trồng các loại rau sạch để cung cấp cho các xóm của Làng Mai. Nhiều trung tâm thuộc Làng Mai đã cố gắng mua các loại thức ăn được sản xuất theo lối hữu cơ.

Con có một ước mơ, rằng trong tương lai, các trung tâm tu học thuộc Làng Mai sẽ không chỉ là chỗ nương tựa tâm linh, nơi mọi người học cách dừng lại và trở về với tự thân, học cách chế tác hạnh phúc và chuyển hóa khổ đau, mà còn là một “Green Refuge”. Đó là nơi mọi người có thể trải nghiệm thật cụ thể cách thương yêu, bảo hộ và chữa lành đất Mẹ, thể hiện qua cách tiêu thụ và qua cách sống hàng ngày của chúng ta.

Quán chiếu về một quả cà chua hoàn hảo
Quả cà chua yêu quý của tôi ơi, tôi đang giữ em trong hai bàn tay. Tôi biết rằng em đã làm hết sức mình để biểu hiện thành một trái cà chua thật đẹp. Nhưng để em được trở nên như thế thật không dễ chút nào.

Tôi nhìn thấy người làm vườn phải thường xuyên xịt thuốc trừ sâu lên cây cà chua mẹ. Tôi cũng nhìn thấy người làm vườn đang tự hỏi không biết đôi mắt đang bị ngứa ngáy và hai lá phổi đang khò khè của ông có liên quan gì đến các chất hóa học mà ông phải sử dụng mỗi ngày.

Tôi thấy cha của người làm vườn. Ông ấy đã làm lụng suốt cuộc đời trên những cánh đồng cà chua và giờ đây mắc bệnh Parkinson như rất nhiều người bạn đồng nghiệp của ông đang mắc bệnh.

Tôi thấy màu đỏ bóng của em và thấy thịt em rất rắn chắc. Và tôi biết rằng như thế em sẽ không bị dập trên đường vận chuyển đến các siêu thị. Chắc là em đã thấy rằng, bị ép cho chín đỏ bằng cách dùng khí ethylene là rất không tự nhiên so với chín một cách tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời.

Quả cà chua thân mến ơi, xin em đừng chán nản khi biết rằng tổ tiên của em 50 năm về trước rất ngon lành và bổ dưỡng. Họ vượt trội hơn em những 30% về chất lượng bởi vì giờ đây em đã bị lai tạo để có bề ngoài hoàn hảo, ngoài ra em lại có rất nhiều anh chị em cà chua trên cùng cây mẹ. Tất cả đều giống hệt như nhau.

Nhìn thật sâu vào trong em, tôi thấy hơi sờ sợ bởi vì tôi biết rằng một số hạt giống bị biến đổi gien có thể tự tạo ra chất diệt trùng. Em làm cái đó được không? Khi em đi vào cơ thể tôi, em có tiếp tục tạo ra chất diệt trùng trong cơ thể của tôi không?

Tiếp tục nhìn sâu hơn nữa, tôi thấy chất phân hóa học trong em. Chất nitrat từng được dùng để chế tạo bom, giờ đây được dùng để tăng năng suất cây lương thực lên gấp ba lần. Tôi cũng thấy việc lạm dụng phân bón có chất nitrat đang làm ô nhiễm nguồn nước trên khắp thế giới.

Xin em cố gắng để đừng tuyệt vọng, hỡi quả cả chua to và bụ bẫm. Em đã được sản xuất ra thật đẹp, thật nhiều và thật rẻ. Thế nhưng tôi lại cảm thấy buồn vì cái đẹp đó có giá quá đắt. Cái giá đó chính là sự tổn thất về sự đa dạng của các gien di truyền – một điều kiện thiết yếu cho sự sinh tồn của chúng ta trên trái đất.

Em đã được nuôi lớn như thế nào? Để em có thể có mặt trên một bàn ăn ở nước Pháp trong mùa đông năm nay, tôi biết người ta phải mang em từ Tây Ban Nha đến. Thậm chí từ mặt trăng tôi cũng có thể nhìn thấy nơi chôn nhau cắt rốn của em. Một khu trồng cà chua diện tích 135 dặm vuông (khoảng 217km2), có mái nhựa phản chiếu ánh nắng mặt trời. Những cây cà chua không phải trồng trên mặt đất mà là trong những cái túi đựng đá và nước, được nuôi bằng cách nhỏ giọt chất lỏng phân hóa học.

Cũng có thể em được sinh ra ở Hoa Kỳ, trên những cánh đồng cà chua đầy nắng ở Florida. Những cánh đồng này đã giữ trong lòng nỗi đau 300 năm của chế độ nô lệ. Bây giờ lại một lần nữa được mệnh danh là “vùng tự do cho nô lệ thời hiện đại”. Tôi nhìn thấy hàng ngàn người nhập cư đang làm việc ở đây. Một số người không có giấy tờ hợp lệ, sống trong nghèo khổ và buộc phải làm việc kiếm sống trong những điều kiện làm việc tồi tệ. Tôi nhìn thấy giám đốc của các siêu thị, vì sợ mất việc nếu không làm tăng lợi nhuận, đã mặc cả ráo riết với các chủ vườn để giá bán càng xuống thấp hơn.

Nhìn thật sâu vào các loại rau củ, gạo và trái cây khác trong bát, con thấy chúng rất khác nhau nhưng chúng đều có chung một câu chuyện như trái cà chua. Phía sau những trái zukini có cùng kích cỡ, những loại gạo giá thấp, những loại nấm nhập khẩu, những trái táo hoàn hảo và những trái chuối vàng óng là những khổ đau cực kỳ to lớn. Nước sản xuất càng nghèo, sự bóc lột càng lớn do sự kiểm soát rất lỏng lẻo.

Con nhớ lại một câu trong bài hát của Joni Mitchell vào những năm 1970: “Hãy đưa cho tôi những quả táo có đốm, nhưng xin hãy giữ lại chim chóc và những chú ong”. Tương tự như thế, tăng thân xuất gia chúng ta hãy nói “không” với những rau quả hoàn hảo đã được sản xuất với một cái giá quá đắt cho môi trường và nhân loại như thế.

Chúng ta hãy yểm trợ những người trẻ có lý tưởng, những người đã rất can đảm làm ngược lại số đông, những người đã thành lập các nông trại, các gian hàng nho nhỏ ở địa phương sản xuất theo lối hữu cơ. Xin hãy gây cảm hứng cho hàng ngàn thiền sinh, những người đến tu học tại các trung tâm của chúng ta để họ cùng thực tập.

Chúng ta hãy cùng thưởng thức những quả táo sạch, mỗi quả đều có hình dạng riêng của chúng, mỗi mùa một loại, và mỗi quả là một phép lạ. Hãy vinh danh các củ cà rốt sạch dẫu trên mình chúng vẫn còn dấu vết của đất cát đã nuôi chúng lớn lên.

Xin hãy tiếp tục thưởng thức với lòng biết ơn xà lách tươi từ Nông trại Hạnh Phúc dù chúng phải được rửa đi rửa lại ba lần nước vì đã được trồng trực tiếp trên mặt đất. Một mặt đất sinh động và chưa bị tẩy trùng bằng thuốc trừ sâu.

Khi các nông phẩm được trồng mùa nào thức ấy, chúng sẽ có chất lượng rất cao. Vào mùa đông, sương giá làm củ cải vàng (parsnip) và củ cải Thụy Điển (rutabaga) ngọt hơn. Mùa hè, cà chua chín đỏ chứa đầy ánh nắng mặt trời.

Nông trại hạnh phúc (Happy Farm), Làng Mai, nước Pháp

Từ những năm 1970, Thầy đã bắt đầu nói về ích lợi của việc tiêu thụ các sản phẩm sạch. Mười một năm trước, tức là năm 2004, tại khóa tu xuất sĩ ở Lộc Uyển, Thầy đã kêu gọi chúng ta một lần nữa phải cấp thiết xem xét đề án tiêu thụ sản phẩm sạch trong tăng thân, và nhất là xem lại lý do tại sao chúng ta lại có sự phản kháng trong việc thay đổi thói quen tiêu thụ.

Một khi chúng ta nhìn thấy những khổ đau có liên quan đến các nông phẩm nói riêng và các sản phẩm nói chung mà chúng ta đang tiêu thụ, chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ được.

Giá cả của các sản phẩm sạch có đắt hơn, đúng thế, bởi vì giá cả ấy phản ánh giá trị đích thực của sản phẩm sạch, đó là một cái giá công bằng.

Chúng ta hãy thực tập Làm mới với đất Mẹ và cam kết yểm trợ lẫn nhau trong việc dành ưu tiên cho sự tiêu thụ sản phẩm sạch tại các trung tâm tu học của chúng ta. Chỉ có thế, chúng ta mới có thể ngăn ngừa sự tổn hại cho trái đất, khuyến khích hòa bình, bảo đảm tương lai và thật sự là một Người bạn của Trái đất (Friend of the Earth).