Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Núi Phú Sĩ đẹp lạ lùng

Chân Trai Nghiêm

Nếu đã từng có cơ hội nghe quý thầy, quý sư cô trì tụng danh hiệu Bồ tát Quan Thế Âm trước giờ pháp thoại của Sư Ông, hẳn quý vị sẽ nhận ra sư cô Trai Nghiêm trong vai người nghệ sĩ vĩ cầm, đóng góp những âm thanh du dương, trầm bổng vào bản đại hòa tấu của tăng thân. Sinh ra ở Nhật Bản và lớn lên trong môi trường Tây phương, sư cô Trai Nghiêm mang trong mình nét chân thành và nhiệt tình của người con xứ sở hoa anh đào, cùng với tính năng động và cởi mở của văn hóa Tây phương. Sư cô xuất gia trong gia đình Cây Sen Hồng năm 2009, hiện đang tu tập rất hạnh phúc tại xóm Mới, Làng Mai. Dưới đây là bài chia sẻ của sư cô về “những kỷ niệm ngọt ngào” trong chuyến hoằng pháp cùng tăng thân tại Nhật Bản năm 2015.

Vào ngày 15.4.2015, Thầy Pháp Thắng và con đáp máy bay từ Bordeaux đi Tokyo để chuẩn bị cho chuyến hoằng pháp ở Nhật của tăng đoàn Làng Mai năm 2015. Mỗi chúng con được phép tăng thân ghé thăm gia đình của mình ở Yokohama, một thành phố nằm cạnh Tokyo, rồi sau đó mới bắt tay vào việc.

Trên máy bay, con mở một phim sử thi ra xem, và không lâu sau con đã bắt đầu gà gật. Trong cơn mơ màng, con nghe Pharaoh Ramses của Ai Cập nói với đứa con trai đang ngủ của ông: “Con ngủ say như thế là bởi vì con biết con đang tắm giữa tình thương.” Câu nói này làm lòng con dâng lên một niềm biết ơn mà trước đây con chưa biết đến. Con biết ơn tất cả những thiện duyên đã giúp con có khả năng ngủ một cách thoải mái bất cứ nơi nào, giờ nào. Với niềm biết ơn đó, con đã đi vào một giấc ngủ thật sâu mấy tiếng đồng hồ, và chỉ bị đánh thức sau một cú dội nhẹ khi máy bay chạm đất.

Hủy bỏ hay không hủy bỏ, đó không phải là vấn đề

Vào năm 2011, chuyến hoằng pháp ở Nhật của Thầy đã bị hủy bỏ vì thảm họa sóng thần và vụ nổ nhà máy điện hạt nhân. Những năm vừa qua, một nhóm thiền sinh người Nhật đã làm việc không mệt mỏi để tổ chức một chuyến đi khác. Cuối cùng thì nhân duyên đã hội tụ đầy đủ để Thầy sang hoằng pháp ở Nhật vào mùa xuân 2015. Chúng con đã nghĩ như thế.

Mùa hè 2014, sức khỏe của Thầy yếu đi, các bạn Nhật bắt đầu lo ngại, không biết Thầy có thể sang Nhật được hay không. Người Nhật có thói quen lên kế hoạch trước, vì thế mọi việc đã được sắp xếp sẵn sàng cho chuyến hoằng pháp. Họ đã thuê địa điểm cho các khóa tu và các pháp thoại công cộng. Ngay vào lúc chuẩn bị bắt đầu cho mọi người ghi danh đăng ký, họ nhận được tin Thầy bị tai biến.

Chúng con biết Thầy sẽ không bao giờ muốn hủy bỏ chuyến hoằng pháp ấy. Thầy muốn đại chúng tiếp tục công việc của Thầy. “Thầy có trong tăng thân. Thực tập của chúng ta là không kính ngưỡng một cá nhân, mà là nhận diện và nuôi lớn Bụt – Pháp trong Tăng thân.” Thầy đã nhắc đi nhắc lại câu ấy rất nhiều lần. Vì thế quý thầy, quý sư cô cùng các bạn thiền sinh đều biết mình phải làm gì. Nói như thế không có nghĩa là việc quyết định tiếp tục chuyến hoằng pháp không có Thầy đã diễn ra một cách suôn sẻ, hoàn toàn không có một chút lo lắng, sợ hãi nào, nhất là đối với các bạn thiền sinh đang phải chịu trách nhiệm về mặt tài chánh của chuyến đi. Nhờ vào sự khuyến khích của thầy Pháp Khâm, sư cô Thoại Nghiêm và nhiều người khác mà các bạn ấy đã có đủ can đảm tiếp tục. Việc tổ chức khóa tu là sự thực tập tin vào tuệ giác của Thầy, tin rằng điều quan trọng vẫn là sự duy trì chánh niệm miên mật của mỗi chúng ta, rồi mọi việc khác theo đó sẽ được tốt đẹp.

Mỗi khi có khó khăn hay trở ngại trong việc đem giáo pháp chia sẻ với người dân Nhật Bản, con lại nhớ đến Đại Hòa Thượng Giám Chân. Sau khoảng mười hai lần cố gắng, Ngài mới có thể đem giáo pháp từ Trung Hoa sang truyền bá tại Nhật Bản. So với những gì Ngài đã đi qua, những trở ngại của chúng con quả là không đáng kể. Trên một bình diện sâu hơn, con thấy những gì mình cho là trở ngại chỉ là những ảo tưởng mà mình tự tạo ra do cái tâm bận rộn và hạn hẹp của mình mà thôi. Con có niềm tin là nếu chuyện gì cần xảy ra thì Bụt Tổ sẽ yểm trợ thiện duyên để chuyện đó được biểu hiện, còn nếu nó không xảy ra là vì chưa phải lúc. Vậy thôi.

Nhìn lại những gì diễn ra liên quan đến chuyến đi, con thấy như thế đã là quá tốt. Ban đầu lượng người đăng ký cho khóa tu rất ít. Địa điểm tổ chức khóa tu nằm dưới chân núi Phú Sĩ. Thật may mắn, trước khóa tu một tháng, loạt phóng sự về Thầy và Làng Mai đã được chiếu trên đài NHK – đài phát thanh và truyền hình lớn nhất Nhật Bản. Nhờ đó, lượng người đăng ký đến khóa tu đã tăng vọt lên đến mức tối đa là 450. Thậm chí có người còn phải ghi tên vào danh sách chờ.

Nếu Thầy có mặt ở khóa tu, chắc sẽ có đông người tham dự hơn, nhưng có thể trong đó cũng không ít người đến chỉ để được gặp Thầy. Có thể thấy những thiền sinh đến với khóa tu này, dù biết rằng Thầy không có mặt, là những người thực sự có tâm tu học. Vì thế, năng lượng thực tập được chế tác trong khóa tu rất hùng mạnh.

Có một số người chia sẻ rằng khi nghe pháp thoại của các vị giáo thọ Làng Mai, họ cảm thấy rất gần gũi và dễ tiếp nhận. Trước đây, có lẽ vì quá thần tượng hóa Thầy nên những người này có mặc cảm là sẽ không bao giờ có thể thực tập được như Thầy. Điều đó đã trở thành một chướng ngại khiến cho họ khó có thể tiếp nhận hoàn toàn những lời dạy của Thầy. Con nhớ lời Thầy dạy là mình phải luôn cẩn trọng với xu hướng tuyệt đối hóa, thần thánh hóa vị thầy của mình, dù đó là Bụt. Có thể thấy thông điệp này rất rõ trong tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng. Trong khóa An cư 2012-2013, Thầy cũng đã mời đại chúng cùng quán chiếu và thực tập điều này để xem mình có phải là “tri kỷ của Bụt” hay không.

Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm”… Với 1000 cánh tay của Bồ tát Quán Thế Âm, pháp Bụt đã có mặt rất khế cơ khế lý, đáp ứng kịp thời cho mọi hoàn cảnh. Các bạn thiền sinh Nhật thật là may mắn khi được hưởng những bài pháp thoại do quý thầy, quý sư cô giáo thọ từ các trung tâm Làng Mai ở khắp nơi về giảng dạy. Con chắc Thầy sẽ rất hạnh phúc khi thấy quý thầy, quý sư cô chung tay làm việc trong tình huynh đệ và tiếp tục đem giáo pháp của Bụt đến cho mọi người theo cách thức rất riêng của từng vị.

Cuối khóa tu, rất nhiều tăng thân đã được thành lập trên toàn nước Nhật. Cho đến nay các tăng thân này vẫn tiếp tục duy trì sự tu tập một cách thường xuyên. Họ thường được cô Anh Hương và chú Thư, hai vị giáo thọ cư sĩ thuộc tăng thân Thuyền Từ ở Washington cho pháp thoại qua mạng bằng Skype.

Tiếp xúc với tổ tiên đất đai và làm mới chính mình

Mỗi khi trở về Nhật, con thường ở lại nhà một người cô tại Yokohama. Cô của con là giáo thọ trong một truyền thống khác của đạo Bụt. Một tuần bảy ngày, cô dậy sớm đi ngồi thiền lúc 5 giờ sáng ở một trung tâm sinh hoạt cộng đồng trong vùng. Sau đó, cô trở về nhà ngồi trước bàn thờ Bụt tụng một thời kinh ngắn và bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên đã hiến tặng cho mình một ngày mới. Bất cứ khi nào nhận được một món quà, điều đầu tiên cô làm là dâng món quà đó lên tổ tiên của mình. Khi nhận được những gói mận khô và những lọ mứt mận con mang sang từ Làng, cô cũng đã làm như thế. Sáng hôm sau, dượng con (chồng của cô) đã được thưởng thức mận khô, mứt mận với yaourt tự làm, bánh mì nướng và cà phê, những thức ăn quen thuộc mà sáng nào dượng cũng dùng.

Người Nhật không có thói quen chào bằng cách ôm nhau. Nhưng lần trước khi con đến thăm, cô dượng đã thấy con và con gái của cô dượng – chỉ nhỏ tuổi hơn con một chút – chào nhau bằng một cái ôm thật chặt. Thế là lần này khi con vừa mới đến, họ đã lập tức ôm con ngay (dù vẫn còn hơi ngượng ngùng) với một nụ cười rạng rỡ. Cô và dượng con đã trên 70 tuổi và khá là truyền thống, do đó con đã rất xúc động khi thấy hai người có tinh thần “chịu chơi” như vậy. Họ đã rất mở lòng và lắng nghe với một sự hiếu kỳ khi con kể về cuộc sống tu tập của mình ở Làng Mai.

Một trong những thực tập mà con rất thích là thực tập trong nhà vệ sinh. Con càng đặc biệt thích sự thực tập này mỗi buổi sáng trong thời gian ở tại nhà cô. Phòng tắm của cô lúc nào cũng được trang hoàng bằng một lọ hoa tươi, trên tường có treo một câu thư pháp nhật dụng. Trong một không khí như vậy, con thấy mình sử dụng phòng vệ sinh rất thong thả, buông thư, không quên thưởng thức câu thư pháp trên tường trước khi bước ra khỏi cái “thiền đường” nho nhỏ ấy.

Xe của cô cũng là một “thiền đường”. Mỗi khi cô ngồi vào sau tay lái, cô đều chắp tay lại rất nghiêm trang và nói: “Cám ơn xe đã giúp tôi đi đường một cách an toàn.” Nhờ cô mà con biết chắp tay lại đọc bài kệ lái xe mỗi khi con ngồi vào sau tay lái.

Đây là chuyến trở về Nhật Bản lần thứ ba trong cuộc đời xuất gia của con. Con thấy mình rất may mắn đã có thời gian để có mặt với gia đình và bạn bè, những người đã biết con từ lúc con chưa xuống tóc sáu năm về trước. Sau mỗi lần trở về, con đều thấy mình đã học thêm nhiều từ nếp sống của những người thân và bạn bè. Con nhận ra rằng dù phần lớn người dân Nhật không nghĩ là mình đang thực tập đạo Bụt một cách tích cực mà chủ yếu là chỉ đến chùa để làm đám tang hoặc cầu siêu, nhưng tinh thần chánh niệm vẫn đang có mặt trong nếp sống hàng ngày.

Từ khi còn nhỏ, trẻ con đã được dạy sau khi cởi giày ra phải xếp giày ngay ngắn và quay mũi ra ngoài trước khi bước vào phòng, giữ một cái khăn tay đã được ủi và xếp thẳng thớm trong túi để không phí phạm khăn giấy, khi trao vật gì cho ai thì phải đưa bằng hai tay… Người Nhật có đến 35 oai nghi trong cách sử dụng đũa mà phần lớn con không còn giữ nữa. Trong một lần đến chùa, một người bạn cũ đã nhắc con nên để ý hơn đến bước chân khi đi trong phòng có trải chiếu tatami. Chiếu tatami có các mép viền bằng vải màu, bước lên các mép này là không tôn trọng. Người bạn đó đã nhắc con phải luôn nhớ mang theo một đôi vớ sạch để mang trước khi bước chân vào chùa hoặc vào nhà của ai đó trong mùa hè để không để lại dấu chân có mồ hôi.

Thầy thường nhắc nhở con rằng đạo Bụt đã có sẵn trong huyết quản của người dân đất nước con, dù là Phật tử hay không Phật tử. Vì vậy điều quan trọng là cần giúp cho người dân Nhật trở về để tiếp xúc với gia tài tâm linh của mình.

Còn mãi trong nhau những nụ cười

Khi nhóm tiền trạm từ Viện Phật học Ứng dụng châu Á (AIAB) và từ trung tâm Thái Lan đến, quý thầy, quý sư cô được sắp xếp nghỉ lại tại chùa Nhật Tân (Nissinkutsu), ở ngay trung tâm Tokyo. Chùa này do sư cô Tâm Trí – người Việt điều hành. Nhờ sự tận tâm của sư cô đối với cộng đồng người Việt ở đây nên có rất nhiều Phật tử Việt Nam đến chùa yểm trợ. Từ ngày phái đoàn Làng Mai đến Nhật, các cô bác người Việt đã chăm sóc quý thầy, quý sư cô rất hết lòng, cúng dường phái đoàn ba bữa ăn mỗi ngày. Tuy nhiên sau một vài hôm, quý sư cô nhận ra rằng từ khi đến Nhật chưa được ăn thức ăn Nhật lần nào. Thế là con gọi điện thoại cho cô của con và sắp xếp để các sư cô đến dùng cơm tối tại nhà cô. Dù là sắp xếp vào giờ chót, cô vẫn vui vẻ chuẩn bị một bữa ăn Nhật theo kiểu gia đình để đãi chúng con. Sau khi ăn xong, cả sáu sư cô cùng vào bếp để giúp cô rửa chén bát và dọn dẹp. Sau đó, chúng con hát tặng cô bài “In gratitude” (Lòng biết ơn) trước khi trở lại chùa.

Sau này cô của con có chia sẻ là cô đã rất cảm động trước sự thực tập của quý sư cô vào buổi tối hôm đó. Phần lớn các sư cô đi cùng hôm ấy đều còn trẻ trong tuổi đạo, và sư cô Linh Nghiêm là sư cô lớn nhất. Chỉ nhìn cách sư cô Linh Nghiêm nói chuyện trong bữa ăn, cô của con đã nhận ra sư cô là một giáo thọ lớn. Vì vậy sau bữa ăn, khi thấy sư cô Linh Nghiêm cùng các sư cô khác giúp dọn dẹp, lau chùi dầu mỡ đã văng ra trên bếp, cô của con đã rất cảm phục trước sự thực tập hạnh khiêm cung của sư cô. Từ đó, cô con cảm thấy có niềm tin nơi pháp môn thực tập của Làng Mai. Cô nhắc cho con nhớ là mình rất may mắn được tu tập trong một môi trường tốt, có những người đi trước như sư cô Linh Nghiêm để noi theo, ngoài ra lại còn có rất nhiều các sư cô lúc nào cũng tươi vui, dễ thương và vững chãi cùng đi trên một con đường.

Một lần khác, sau ngày quán niệm dành cho y bác sĩ và nhân viên y tế tại bệnh viện St Lukes, một vài vị trong chúng con được mời đi dùng cơm tối tại nhà hàng với giám đốc bệnh viện. Trên đường về, vì đã khá muộn nên chúng con quyết định đón taxi. Gió thổi mạnh báo hiệu một cơn mưa sẽ đến. Không đủ chỗ trong xe cho tất cả mọi người nên con cùng một người bạn, vì quen đường hơn những người khác, đã tình nguyện đi tàu điện ngầm thay vì đón thêm một chiếc taxi khác. Sau khi vẫy tay chào chiếc taxi chở đầy quý thầy và quý sư cô, chúng con rảo bước về trạm tàu điện ngầm gần nhất. Một lúc sau, chúng con thấy thầy Pháp Ấn đuổi theo phía sau. Chúng con ngạc nhiên vì chúng con nhớ là thầy đã lên xe taxi lúc nãy rồi. Trên tay thầy đang cầm một cây dù và thầy muốn đưa cây dù cho chúng con để phòng lúc trời mưa. Bạn của con đã vô cùng cảm động trước cử chỉ quá sức dễ thương của thầy. Cô ấy nói rằng có thể cô ấy sẽ quên những gì thầy đã giảng trong những bài pháp thoại, nhưng cô ấy sẽ không bao giờ quên được sự khiêm cung và lòng tốt của thầy.

Tại sao núi Phú Sĩ đẹp lạ lùng?

Một điều may mắn là năm nay, khóa tu năm ngày được tổ chức tại một địa điểm rất gần núi Phú Sĩ. Nếu nhân duyên thuận lợi thì đây sẽ là một khóa tu được tổ chức định kỳ hàng năm.

Trong suốt khóa tu, thời tiết rất đẹp, vì vậy mọi người có cơ hội thưởng thức thiền hành và tận hưởng quang cảnh tuyệt đẹp của núi Phú Sĩ với không khí trong lành bao quanh. Một thiền sinh hỏi con: “Sư cô có biết tại sao núi Phú Sĩ đẹp lạ lùng như thế không?” Con hỏi tại sao, chú ấy đáp: “Bởi vì mọi người trên thế giới luôn nói cho núi biết, rằng núi rất đẹp và vững chãi.” Con muốn sụp lạy trước mặt vị Bồ tát đã nói cho con một điều rất hiển nhiên, mà chính con không thấy được. Có thể nói đó chính là Duy biểu học ứng dụng. Đây là điều mà con cần ghi nhớ, đặc biệt là trong mùa soi sáng.

Từ đầu cho đến cuối chuyến hoằng pháp, con hoàn toàn được đắm mình trong sự giàu có của giáo pháp. Con biết ơn Tam Bảo đã cho con cơ hội được trải nghiệm một chuyến đi tuyệt vời như thế trên chính quê hương con.