Lá thư Làng Mai 39 – 2016

Hạt mầm chắp tay chào ánh sáng

Chân Đăng Nghêm

Hình như trong nắng có mưa

Vẫn cái nắng gần bốn mươi độ của mùa hè Thái Lan. Nóng! Chắc là nóng rồi. Dễ làm cho con người ta thấy bứt rứt khó chịu chăng? Một phần. Cáu gắt, thiền định khó hơn vì trời như đổ lửa? Dĩ nhiên không rồi. Mà trái lại, nguồn năng lượng đầm ấm, tươi mát, hồn nhiên và những tiếng cười trong trẻo đã xóa tan đi cái nóng bức. Và long lanh đâu đó cố giấu những hạt mưa! Chắc mọi người nghĩ tới những cơn mưa mùa hè, nếu có thì tuyệt quá. Nhưng ở đây, con muốn nói tới những hạt mưa long lanh, chảy dài trên những khuôn mặt thân thương – các “Đức Bụt trẻ thơ” (baby Buddha) của đại chúng.

Hôm 19 tháng Tư, ngày các sư cô, sư chú sa di nhỏ về lại gia đình sau khóa xuất gia gieo duyên ba tuần lễ tại Làng Mai Thái Lan. Hình ảnh các sư cô, sư chú tí hon nước mắt ngắn, nước mắt dài, cánh tay bé nhỏ ôm chầm quý thầy rồi sang thiền ôm với quý sư cô như muốn đem cả tăng thân về nhà với mình. Thiền đường sau giờ cơm quá đường trưa nay bỗng mưa tầm, mưa tã trong khi ngoài trời vẫn nắng. Có một em trai nhỏ chắp tay lạy tạ từng thầy, từng sư cô dù không nói được lời chia tay nào vì tâm hồn em, trái tim em được lấp đầy bởi tình thương yêu, em không muốn xa một chút nào. Có em dõng dạc tuyên bố: năm sau chắc chắn con sẽ về lại, xin cho con được ở lâu hơn. Có em lại nói: mặc dù con không còn là sư cô, sư chú nữa nhưng chúng con cũng vẫn là con của đại chúng, chúng con xin được trở về như về lại ngôi nhà của mình mỗi lúc chúng con được nghỉ lễ. Con không muốn về đâu mà tại con phải đi học…

Các “baby Buddha” ra đời

Sau khi chương trình xuất gia Năm năm ra đời và được áp dụng khá thành công, vào khoảng đầu năm 2014, Sư Ông có ước muốn tổ chức các khóa xuất gia gieo duyên ngắn hạn cho các em thiếu nhi hoặc người trẻ. Theo Sư Ông, đây là cơ hội để các em có thể thực tập và trải nghiệm đời sống thực sự của người tu trong một khoảng thời gian ngắn. Ở lứa tuổi đó những hạt giống của giáo pháp, của hiểu biết và thương yêu được tưới tẩm sẽ rất dễ ươm mầm và lớn lên tươi tốt. Nơi thích hợp nhất để thực hiện chương trình này là trung tâm Làng Mai Thái Lan. Nơi đây, người Thái đã có sẵn truyền thống xuất gia gieo duyên trong một tuần, hai tuần… vào các dịp lễ Tết, mùa An cư kết Hạ, để được có thêm kinh nghiệm tu tập và là cơ hội cúng dường phước đức cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Ước mơ của Sư Ông đã thành hiện thực khi khóa tu gieo duyên đầu tiên được tổ chức tại Làng Mai Thái Lan trong ba tuần (30.03 – 19.04.2015), dành cho các em thiếu nhi từ tám đến mười hai tuổi. Tuần đầu tiên của khóa tu, các em được hướng dẫn và làm quen với nề nếp, cách sinh hoạt trong tu viện. Tuy cùng trang lứa nhưng trông các em gái lớn hơn và đã tự chăm sóc cho mình được tốt rồi, còn các em trai thì trông nhỏ hơn. Phần đông các em chưa từng xa nhà lâu, chưa rời mẹ bao giờ.

Ngày 28 tháng Ba phụ huynh đưa các em đến để dự ngày quán niệm cuối tuần và sau đó để các em ở lại tu viện. Ải thứ nhất phải trải qua là “tập xa mẹ”. Có em, khi mẹ về rồi, giờ cơm trưa bưng chén khóc tấm tức. Lại có em ngồi một mình ở bậc tam cấp dẫn lên thiền đường, đến khi có sư cô ra hỏi thăm: sao em ngồi đây một mình mà không vào thực tập thiền buông thư với các bạn? Em nói: con muốn chờ mẹ. Sư cô nghĩ thầm: lại một “ca” khó giải quyết đây. Rồi sư cô ngồi xuống làm bạn, lân la hỏi thăm và phát hiện ra là em không nhõng nhẽo đòi về với mẹ đâu mà chỉ muốn thấy mẹ, chào mẹ trước khi mẹ về. Muốn được ôm mẹ một cái thôi vì chưa xa mẹ lâu bao giờ. Vẫn còn có một “đấng anh hào” hai, ba ngày sau, chiều tối lại khóc thật nhiều. Nhớ mẹ lắm, xin phép sư cô cho con ở ngoài, không vào thời khóa. Muốn gọi điện cho ba mẹ nhưng nhất định không gọi vì sợ ở nhà mẹ lại lo lắng. Cậu bé đi dạo quanh tu viện ngắm trăng, trò chuyện với bác tình nguyện viên người Thái để phần nào đỡ nhớ mẹ. Rồi cậu bé cũng vượt qua được nỗi nhớ đó để tiếp tục ở lại tu viện.

Các em tới từ nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau, từ khá giả, điều kiện đầy đủ, được nâng niu nuông chiều hay tới từ các mái ấm tình thương, mồ côi, và có em đang ở với mẹ vì ba mẹ đã chia tay. Với truyền thống lâu đời tại Thái Lan, người nữ đi xuất gia rất hiếm, mà nếu có thì những vị ấy đã lớn tuổi, vô chùa cạo tóc và mặc đồ trắng, gọi là Maechi, các vị chỉ thọ Tám giới. Các câu hỏi gửi về rất nhiều từ các em gái là: con thích đến khóa tu này lắm nhưng con không cạo tóc được không? Con cạo đầu cũng được nhưng hết nghỉ hè con phải đi học lại, con sợ bạn bè trêu chọc. Tại sao lại phải cạo đầu? Và rất nhiều phân vân từ các em gái. Cuối cùng tổng cộng đơn ghi danh gồm hai mươi em trai và mười một em gái.

Thời gian đầu để các em có thể sống chung với nhau, chấp nhận và chăm sóc nhau thì thật quả là giai đoạn mà người ta gọi “vạn sự khởi đầu nan”. Vì điều kiện phòng ốc, tiện nghi không đầy đủ như ở nhà, các em phải ngủ giường tầng và một phòng gần mười người nên một số em cũng khó ngủ. Nhưng có em lại rất thích thú trèo lên, tuột xuống khi chọn ngủ giường tầng trên. Xa ba, xa mẹ tuy khó nhưng tới giai đoạn này các em đã làm được, còn xa gấu bông cưng lại là một vấn đề “nan giải”. Các thầy, các sư cô, sư chú trẻ (thường được gọi là “baby monks” và “baby nuns”) nay bất đắc dĩ trở thành Y chỉ sư hết, nhận trách nhiệm chăm em và nuôi em. Mỗi em đều có các Y chỉ sư đi theo chăm sóc, nhắc nhở và hướng dẫn trong mọi thời khóa.

Trong các buổi học Uy nghi mỗi ngày, quý thầy, quý sư cô giáo thọ hướng dẫn và dạy cho các em chi tiết các chương uy nghi căn bản của một vị sa di. Những buổi học của tuần đầu tiên thật là đau đầu. Các em vốn là con nít nên hiếu động, thích chạy nhảy, vui nhộn, nô đùa. Các khóa tu trước đây của tu viện dành cho con nít hoặc thanh thiếu niên chỉ kéo dài năm ngày là dài nhất. Lần này đến hai mươi mốt ngày mà nội dung là chuyển hóa, uốn nắn các cô bé, chú bé từ “nguyên chất” thành một vị “tu sĩ”, vì vậy mà quý thầy, quý sư cô phải vận dụng thêm nhiều “phương tiện quyền xảo” hơn.

Nuôi dưỡng sơ tâm

Những đôi mắt tròn to đen láy, nụ cười còn e dè, nhìn các em trong bộ đồ vạt hò nâu, không ai còn có thể phân biệt được đâu là trẻ em thành phố, đâu là trẻ em đến từ vùng quê. Các em đều giống nhau ở một điểm nữa là hồn nhiên và tinh nghịch. Chương trình cho các em được bắt đầu với những tiết học nhạc kinh, thiền ca và thực tập uy nghi.

Mỗi sáng các em có thời khóa ngồi thiền mười lăm phút thay vì ngồi ba mươi phút với đại chúng lớn, sáu giờ sáng đi thiền hành cùng các thầy, các sư cô. Giờ thiền hành vẫn còn trong giờ thực tập im lặng hùng tráng, nhưng các em thực tập rất tốt. Vốn dĩ con nít là phải ngọ nguậy không ít thì nhiều mà. Các em trông như những chú chim nhỏ hòa vào đường bay của cả đàn chim lớn. Từng bước chân thiền hành mỗi sáng quanh vườn chùa làm cho những mỏm đá to nhỏ cũng thấy vui.

Mặt trời vừa ló dạng là đã thấy các em thiền hành. Vừa thấp vừa bé bằng một nửa người lớn, nhưng chăm chỉ và hết lòng thực tập không thua gì đâu! Có em mải theo dõi bước chân và sự tiếp xúc của bàn chân với mặt đất hay sao ấy, bất thình lình khi người lớn phía trước đã dừng lại để thưởng thức ánh nắng, sương sớm mà em không nhận ra, vẫn bước tiếp và tông thụi vào cả người phía trước. Những buổi thiền hành có các em bỗng nhiên sinh động hẳn lên. Thỉnh thoảng có cả những tiếng cười khúc khích của ai đó khi thấy những chú bé đi trước cả người dẫn chúng. Đi một hồi rồi các em dừng lại chờ người hướng dẫn và đại chúng tới.

Các em biết tiếp xúc với thiên nhiên, cây cỏ và hoa lá. Ngắm núi, thiền trăng và đi picnic, leo núi, tha hồ chạy nhảy hít thở không khí trong lành miền núi Khao Yai. Buổi trưa hơi nóng, các em được thực tập thiền buông thư. Con nít mà, ai chịu ngủ trưa! Có buổi, các em chạy chơi quanh vườn, đuổi bắt. Mải nô đùa mà quên giữ im lặng, thế là quý thầy xuất hiện và gọi hết vào nhà. Hôm sau dù không ngủ cũng tập nằm yên, theo dõi hơi thở và nghe hướng dẫn thiền buông thư. Trò chơi heo mẹ chở heo con là trò các em thích nhất. Chùa có những chiếc xe kéo hai bánh dùng để chở đồ, di chuyển rau từ vườn lên nhà bếp hay đại loại như vậy. Còn các em thì người khỏe nhất kéo xe trong khi ba, bốn em khác ngồi trên xe. Hì hục mà cười vang trong nắng trưa, mồ hôi nhễ nhại. Các vị chăm sóc lúc nào cũng phải cố gắng có mặt để trông nom các em. Nếu cần qua phòng khác làm việc gì thì các giác quan vẫn phải để ý các em. Nếu bỗng nhiên không khí yên ắng lạ thường là biết trò gì đó đã được phát minh.

Ngủ dậy phải tập xếp mùng mền, phải treo hoặc xếp đồ lên móc là những việc mà ít em nào làm ở nhà. Lúc đến đây, các em cũng được tập làm, một hồi cũng thấy vui. Giờ chấp tác các em xuống vườn hoa nhổ cỏ, cuốc đất, phụ phân loại rác, giặt bao nylon tái chế. Sống chung, các em có cơ hội huân tập cho mình nếp sống biết thương yêu, chăm sóc và giúp đỡ nhau.

Hoa nở tự vườn tâm

Mỗi một nụ hoa tượng trưng cho những điều đẹp đẽ, tinh khôi và tươi sáng nhất mà các em dâng tặng Bụt, chư Tổ, Sư Ông và đại chúng. Trưa mồng 04 tháng Tư, sau buổi cơm quá đường, các em được hướng dẫn lên trước đại chúng để làm lễ dẫn thỉnh. Các em đi đứng oai nghiêm và trang trọng nhưng vẫn mang một sắc thái rất trẻ con. Buổi lễ làm cho Ôn Thủ tọa, quý thầy, quý sư cô và đại chúng ai cũng hoan hỷ vì mình sắp có thêm các sư em ngộ nghĩnh, dễ thương. Trước đó các em đã có thêm một cơ hội nữa để xác định lại tâm bồ đề của mình, dù xuất gia chỉ hai tuần thôi. Một tuần vừa qua là thời gian để các em thử xem mình có thể đi hết chặng đường hay không.

 

Hôm đó là một ngày cuối tuần đẹp trời, các phụ huynh, gia đình các em đến rất đông. Có em còn có cả dòng họ đến để được chứng kiến cảnh con em mình xuất gia. Từ thiền đường xuống nhà bếp đâu đâu cũng thấy niềm vui. Gia đình nào cũng đem đến cúng dường nào sữa, nào bánh, nào rau… Quý thầy, quý sư cô thay phiên nhau tiếp khách, hướng dẫn. Các thiền sinh được chăm sóc và tiếp đón rất chu đáo, mỗi lần đến chùa cũng là cơ hội được về nhà, được tu tập.

Buổi chiều ba giờ, lễ xuất gia được cử hành trong không khí nghiêm trang và ấm áp. Hôm ấy, khắp thiền đường rực rỡ và hùng hậu với bao nhiêu là hoa và khung cảnh đại chúng đắp y vàng. Các em được mặc đồ truyền thống của Thái Lan, hoặc đồ đẹp nhất của mình, có em đã chọn mặc đồ học sinh. Buổi lễ dài hơn một tiếng đồng hồ. Các em quỳ gối trang nghiêm, tắm mình trong năng lượng hào hùng, linh thiêng, như mưa pháp tưới mát tâm hồn. Đất tâm của các em vốn đang tươi tốt màu mỡ nay được tiếp nhận những hạt giống đẹp đẽ, chắc chắn hoa trái sẽ tươi tốt, làm hạnh phúc và lợi lạc cho rất nhiều người. Dòng nước cam lộ rưới lên những mái đầu xinh xắn.

Gia đình xuất gia cũng có thứ tự trên dưới, có sư anh, sư chị và sư em. Các em bắt đầu biết chăm sóc, thương yêu và giúp đỡ nhau. Biết đâu là anh chị, đâu là em rồi, các em cũng tự nhiên biết trách nhiệm và bổn phận của mình. Sau khi đã được cạo sạch mái tóc, mặc chiếc áo nhật bình vào, các em nữ thì chít khăn, tất cả trông thật sáng, thật tươi. Ai cũng chững chạc, tươi sáng và thánh thiện. Buổi tối thiền trà với đại chúng là một buổi tối đầy tiếng cười, ấm áp, hạnh phúc phản chiếu trong ánh mắt các bậc phụ huynh. Mẹ của sư em Núi Tỉnh Thức chia sẻ trong nỗi xúc động và niềm vui trào dâng khi thấy con mình nay là xuất sĩ. Vì mẹ em bị tai biến, em thật sự muốn xuất gia gieo duyên để cúng dường phước, để cầu nguyện cho mẹ sống lâu với em. Biết là khó khăn nhưng đó là điều duy nhất em làm được cho mẹ. Còn có rất nhiều chia sẻ cảm động từ các sư cô, sư chú sa di mới và gia đình, nhiều sự chuyển hóa đã xảy ra chỉ sau hơn một tuần.

Mầm non đạo pháp

Uốn nắn một cây tre còn non nớt là cả một nghệ thuật và bao nhiêu tình thương, bao nhiêu tâm huyết của đại chúng nơi đây. Mỗi em mỗi tính nết, mỗi tập khí, ngay cả khi nhõng nhẽo cũng không ai giống ai. Có em rất giỏi, ngoan và gương mẫu nhưng có em muốn được thương nhiều, được các thầy, các sư cô để ý tới mình nhiều nên làm đủ thứ “khác người”.

Mỗi ngày trôi qua là một tông màu tinh khôi, mới mẻ mà các em tô điểm cho đời sống trong tu viện. Những câu nói ngây ngô, những nụ cười lém lỉnh và tính cách của từng em âm thầm gắn kết các em thành những tế bào thực thụ trong đại chúng. Khi mọi thứ được sắp đặt và thích nghi đâu vào đấy thì bỗng chốc ai cũng thấy thời gian sao ngắn quá. Các em được tham dự khóa tu gia đình hằng năm tại một khu nghỉ dưỡng. Hớn hở với chuyến “phụng sự” đầu đời lắm nhưng các em bỗng chốc cũng chen lẫn chút se lạnh trong lòng, vì trở về sau khóa tu, là lúc khóa xuất gia gieo duyên kết thúc.

Hình ảnh các em xuất hiện trong khóa tu đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng các bạn thiền sinh về một đạo Bụt mới, một ảnh hưởng mới, một cách tu tập mới. Vì các em không phải ai xa lạ, mà chính là con cháu của đất nước Thái Lan. Dù còn nhỏ nhưng các em là những “chiến sĩ” tí hon mang sứ mạng làm mới đạo Bụt. Có thể các em không ý thức về điều này nhưng các em đang góp phần vào công trình đó. Trong khóa tu, các em lon ton giúp các sư cô chăm sóc các bạn nhỏ. Buổi đi khất thực đầu năm, hàng áo nâu nón lá được nối dài ra thêm một đoạn bởi các sư cô, sư chú nhỏ. Các sư bé cũng nghiêm trang bình bát trong tay, bước đi thong thả và kính cẩn nghiêng mình mở nắp bình bát đón nhận phẩm vật từ các vị cư sĩ hai bên đường. Trước pháp thoại của một ngày trong khóa tu, đại chúng xuất sĩ tụng nhạc kinh với nhạc trưởng là sư cha Pháp Niệm. Sau đó, “sư cha tí hon” Trời Nắng Mai làm nhạc trưởng cho chúng xuất sĩ tí hon tụng bài Nguyện ngày an lành, đêm an lành bằng tiếng Thái. Hình ảnh những búp măng tươi xinh, được bao bọc và tận hưởng bóng mát của vườn tre tăng thân làm bao nhiêu người thấy hoan hỷ trong lòng.

Tăng thân về muôn lối, ngàn đời ta có nhau

Tiễn các em về rồi, hôm sau, ban chăm sóc các “baby Buddha” có buổi ngồi chơi “tổng kết” khóa xuất gia gieo duyên đầu tiên. Ai cũng có một tâm trạng như nhau, rằng các em về rồi mặc dù mình thở phào nhẹ nhõm thật, không khí yên ắng được trả lại thật, nhưng sao thấy là lạ. Công sức bỏ ra chăm cho mấy chục em một lần như vậy không quản ngày đêm, đủ chuyện phải lo, mệt thì có mệt thật nhưng rất hạnh phúc! Nghĩ lại giai đoạn đầu ai cũng ngán, không biết mình có đủ sức đi tiếp cho đến cuối khóa không. Đây cũng là một trải nghiệm đầu tiên cho các thầy, các sư cô.

Rồi mỗi em về lại nhà, về lại với nếp sống cũ, với những bộn bề của ba mẹ, những hối hả của xã hội và nhộn nhịp của trường lớp. Nghĩ cũng tiếc công mình uốn nắn các em, giờ trả lại với môi trường ngoài kia, dễ gì các em còn giữ được nếp sống mới được huân tập ở tu viện. Nhưng cái lớn hơn, cao đẹp hơn mà tăng thân đã gieo vào mảnh đất tươi non, chắc chắn không bao giờ mất, đó là tình thương. Dù các em có lớn bao nhiêu đi chăng nữa, có trôi theo dòng chảy của xã hội hiện đại nhưng những giây phút an bình của nếp sống tu tập sẽ đem các em về lại với tăng thân. Biết đâu lúc nào đó vấp ngã trên đường đời, tâm hồn mang nặng những vết thương, các em sẽ biết có một mái ấm cho mình trở về. Về bên đại chúng, bên tuổi thơ với những ngày mình là một “baby Buddha”.