Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Vun bồi sự sống

Tâm Nguyên Chính

Lâu lâu chúng ta có một chuyến đi xa, khi trở về thế nào cũng có nhiều người hỏi: “Sao, chuyến đi có vui không?”. Dĩ nhiên là phải vui chứ! Nếu buồn ai mà dám đi, phải vậy không? Được có dịp đi đây, đi đó mà không cần phải bận tâm về công ăn việc làm, được thay đổi không khí và không cần lo lắng gì hết thì thật không có niềm vui nào bằng. Tất cả chúng ta nếu có dịp cũng nên đi, dù là vài ngày, một tuần, hay dài hơn càng quý. Nhất là trong lúc này vì ai cũng muốn biết tình hình ở Làng thế nào? Sức khỏe của Sư Ông ra sao?

Gia đình chúng con rất may mắn có đầy đủ thuận duyên được qua Làng thăm quý thầy, quý sư cô, luôn tiện thăm thầy Pháp Triển thân thương của chúng con, được đón Christmas và New Year. Lần nào đến Làng con cũng được đón nhận nhiều sự ân cần thăm hỏi. Khi gặp quý thầy, quý sư cô, ai cũng tươi cười hỏi thăm: “Ba má có khỏe không? Cám ơn ba má đã hiến tặng thầy Pháp Triển cho tăng thân, chúng con rất được nuôi dưỡng với sự có mặt của ba má và gia đình v.v…” Cứ thế, ngày nào con cũng được nuôi dưỡng bởi những nụ cười tươi như hoa hướng dương, những ánh mắt hồn nhiên, vui tươi. Rứa mà không vui là chuyện lạ.

Qua Làng có hai tuần mà con lên cân thấy rõ, vì sáng nào cũng được ăn bánh mì bagguette của Pháp. Mommy ăn mà cứ tấm tắc khen “mì dòn” (bánh mì bagguette Pháp nổi tiếng, sao mà không ngon được). Thế là Mommy có ý định sẽ đóng một thùng về làm quà cho quý thầy, quý sư cô ở Mộc Lan ăn cho biết nó khác với mì ở WallMart ra sao, nhưng vì thiếu trợ duyên nên rốt cuộc không mang được ổ nào cả. Về tới Mỹ rồi mà Mommy vẫn còn tiếc hụt: “biết rứa khi đó mình liều đóng đại một thùng là được rồi. Lần sau không những chỉ đóng một thùng mà có lẽ phải đóng bù nhiều hơn!”.

Tuy nhiên, ai cũng muốn biết về tình trạng sức khỏe của Sư Ông. Thật ra trong chuyến đi, chúng con nghĩ rằng có nhiều Tôn Túc tăng, ni và nhiều đệ tử lớn của Sư Ông từ khắp nơi về, ai cũng muốn viếng thăm và đảnh lễ Sư Ông, làm gì tới phiên mình được đến thăm? Vả lại Sư Ông cũng cần có không gian yên tĩnh để trị liệu. Được qua Làng thăm quý thầy, quý sư cô thì coi như cũng đã được thăm Sư Ông rồi.

Nhưng may mắn quá! Vì con đi cùng nhóm trẻ lên chơi với quý thầy, quý sư cô thị giả nên con cũng được hưởng ké. Vừa đến nơi, quý thầy, quý sư cô thị giả cho biết liền: “quý vị rất may mắn, hôm nay Sư Ông khỏe và đang mở mắt to và sáng lắm!”. Vậy là chúng con hân hạnh được diện kiến Sư Ông. Nhìn hình hài Sư Ông, chúng con không khỏi bồi hồi xúc động, chúng con đứng lặng yên trong giây lát để nhận diện và ôm ấp cảm xúc dâng trào. Trong lúc ngắm nhìn, thăm hỏi, Sư Ông gật đầu như nói với chúng con là Sư Ông vẫn khỏe, không sao đâu. Sư Ông đưa tay trái lên “phẩy phẩy” để chúng con lại gần, khi đó chúng con chỉ biết gục đầu kính lễ và nâng nhẹ bàn tay “ốm gầy” của Sư Ông, lòng ngậm ngùi thương kính mà không biết nói gì thêm.

Biết nói gì đây? Sư Ông đang từ từ phục hồi từng ngày, bấy nhiêu đó cũng đủ cho chúng ta vui rồi. Sư cô Chân Không nói: “Sao cũng được, miễn là Sư Ông còn sống là một diễm phúc lớn rồi!”. Chúng con chỉ biết tâm niệm mong sao Sư Ông sớm bình phục và kéo dài tuổi thọ để làm nơi nương tựa cho chúng con và nhiều người trên thế giới.

Có những cái ta không tính toán gì hết, nhưng đủ duyên thì nó tự đến. Chẳng hạn như mục đích con qua Làng là để thăm và chơi. Ấy vậy mà con được mời lên chia sẻ về Năm Giới, trong lúc tâm hồn của con đang rong chơi ngoài những cánh đồng hoang đầy sương mù bủa vây hay đang đứng trên đồi ngắm nhìn thung lũng cỏ vàng úa của mùa đông bao quanh hồ nước lắng trong, soi bóng những áng sương mù uốn lượn. Lúc đầu con cũng hơi bỡ ngỡ, có ý từ chốii nhưng làm như vậy coi sao được với tiếng tăm xuất thân sinh hoạt từ chúng Mộc Lan? Thế là con xin chia sẻ giới thứ Năm “Nuôi dưỡng và trị liệu”.

Thật ra, sự chia sẻ của con cũng chẳng có gì sâu sắc, ngoài những chuyện đi chơi với mấy cháu trẻ trong ngày làm biếng, cùng chụp hình “selfie” với cái cần “selfie stick”; cùng ra thăm vườn Bụt, và cứ tưởng như là những vị Bụt thật đang ngồi yên đó cho mình mà sung sướng ôm choàng, rồi hôn lên đầu, lên trán… với lòng cung kính, thú vị làm sao ấy. Ờ mà đúng vậy, được đi chơi, được ngắm nhìn thiên nhiên là một sự nuôi dưỡng cho tâm hồn và thể chất, chính đó là “xúc thực” và “thức thực”, đúng không? Vậy nếu mình có những khó khăn hay có con trẻ thì cũng nên tìm đến những chốn này, để được thiên nhiên nuôi dưỡng và trị liệu. Còn nếu để chúng ở nhà thì chúng chỉ biết vào internet, chơi games, hay xem TV với đầy dẫy những hình ảnh lôi cuốn, bạo động… không lành mạnh.

Chúng ta nên biết những games điện tử rất quyến rũ và đam mê, vì họ chế ra để người chơi có thể đạt được nhiều điểm, hay đạt đến những tầng cấp cao hơn và sau đó được thưởng theo điểm (reward points) hay tầng cấp (level), cứ như vậy nên mình mãi say sưa với chúng mà quên ăn bỏ ngủ. Đam mê như vậy thì gọi là “tiêu thụ không có chánh niệm”. Cho nên thực tập chánh niệm giúp chúng ta chọn lựa đúng đắn cho việc tiêu thụ, có bổ ích lành mạnh cho thân và tâm. Bấy nhiêu đó, cũng tạm đủ liên quan đến giới thứ Năm. Ôi! May quá, con muốn nói thêm nữa nhưng hết giờ.

Hai tuần tưởng chừng như dài lắm, nhưng không đủ để tham quan qua con đường “Huyền Thoại” nối dài từ xóm Thượng đến Sơn Hạ, hay lên đồi mận xóm Mới, hoặc men theo rừng sồi của xóm Hạ…, và càng không đủ để thưởng thức thêm bánh mì baguette “dòn khấm”. Thời gian trôi, trôi theo dòng đời, trôi theo những cảm xúc dấu yêu, niềm vui và hạnh phúc cũng xin gởi theo thời gian hòa tan vào hư không, để hẹn một ngày đẹp trời sẽ trùng phùng tao ngộ. Sự sống luôn hiện hữu có đó, chúng ta chỉ cần biết dang rộng vòng tay để đón nhận, hay mở rộng tầm nhìn để thưởng thức vẻ đẹp của đất trời. Tất cả cũng cần chăm sóc, vun bồi thì mới có ngày đơm hoa kết trái. Vun bồi sự sống là vậy.