Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Về đây học tiếng nói yêu thương

Chân Trời An Lạc

Sư chú Chân Trời An Lạc thuộc gia đình xuất gia Cây Sen Xanh (27/05/2010). Đây là đợt xuất gia đầu tiên tại Trung tâm Làng Mai Thái Lan từ khi tăng thân có mặt nơi này. Dưới đây là những lời chia sẻ giữa chú và chị gái đã được sư chú ghi lại thành một bức thư. Bằng sự thực tập truyền thông với gia đình huyết thống, sư chú đã chia sẻ sự tu học của mình với chị gái, giúp chị thấy rõ hơn về đời sống của người xuất gia và lý tưởng của những người con Bụt. Để rồi đến một lúc: “Bỗng dưng chị cũng thấy vui lây” và ý thức rằng “em mình là một người tu, một người tu trẻ có hoài bão và đầy lòng nhiệt huyết”.

Em yêu thương của chị,

Lá thư trước em đã báo tin nơi đó hãy còn một chút khí lạnh của mùa đông, nhưng em có biết không, nơi chị ở đã rộn ràng vào xuân. Sáng nay, có mấy chiếc thuyền hoa từ miền Tây Nam Bộ xuôi dòng lên Sài Gòn, cập dọc các con kênh của Quận 7, Quận 8. Từng chậu cúc mâm xôi nhỏ xinh trên thuyền như mang theo cả hơi thở trong lành của đất trời về đây, nó khiến chị thầm nghĩ đến em, đến những tháng năm mơ xanh ngựa gỗ của hai chúng ta.
Ngày ấy em rất dung dị, ngoan hiền. Em hay lẽo đẽo theo sau đòi ngậm kẹo mút. Rồi em nói với chị bằng một giọng hết sức ngây ngô: lớn lên em sẽ lấy một người luôn thương em như chị vậy, khiến chị cười giòn tan trong một chiều lộng gió.

Ấy vậy mà, khi những người con trai khác hướng về một đời sống gia đình thì em của chị lại không như họ. Em chia sẻ, mình cần một thứ yêu thương khác, lớn mạnh hơn, vô bờ hơn. Ban đầu chị rất ngỡ ngàng em à! Nhưng rồi cũng tập cho mình quen dần với ý nghĩ: mình có một cậu em hàng xóm dễ thương nay đã đi tu. Em còn nhớ không, ngày em về nước thăm chị sau ba năm sống xa gia đình, rèn luyện phẩm hạnh người tu, chị thấy em sao mà đẹp quá! Tà áo nâu và chiếc nón lá tuy nhìn rất đơn giản nhưng lại ẩn chứa một sức mạnh nội tâm cao đẹp. Hai di sản đó của Việt Nam đã theo dấu chân em và tăng thân đi khắp năm châu bốn bể, làm sáng rỡ một góc thân thương nơi quê nhà. Bỗng dưng chị thấy mình cũng vui lây! Một niềm tự hào len lỏi trong chị, ừ – em mình là một người tu, một người tu trẻ có hoài bão và đầy lòng nhiệt huyết.

Em vốn không phải là người nói nhiều, tính lại trầm lặng. Vậy mà đi tu rồi, ai cũng thấy em mở lòng ra hơn trước rất nhiều. Em thường mỉm cười hơn, nụ cười đôn hậu như nắng mai. Ngồi bên em mà chị thấy lòng bình yên lạ!

Có nhiều hôm chị chọc em: “Em còn thương chị như xưa nữa không? Có còn muốn lấy người như chị không?” Chị thấy hai mắt em lấp lánh. Em vừa nói vừa cười: vẫn còn thương chứ, thương nhiều hơn nữa kia. Ai nói với chị đi tu thì mình không được phép thương nữa? Nhưng mình phải tập thương như thế nào để làm cho nhau mỗi ngày thêm hạnh phúc bằng cách tưới tẩm cho nhau những chất liệu an lành, tránh nói hoặc làm những gì gây đổ vỡ trong nhau. Mình thương như là Bụt thương vậy đó, không vướng mắc, không kỳ thị… để còn có mặt cho nhau và ở trong nhau hoài hoài.

Nói rồi em đọc cho chị nghe bài thơ Hộ Trì Sáu Căn của Sư Ông:

“Mắt là đại dương sâu
Với những đợt sóng ngầm
Với những loài thủy quái
Với những trận cuồng phong
Thuyền tôi đi trong chánh niệm
Xin nguyện nắm vững tay chèo
Để không đắm chìm trong biển sắc mênh mông.

Cùng hơi thở nhiệm mầu
Tôi hộ trì nhãn căn
Giữ gìn cho tôi và giữ gìn cho anh
Để cho ngày hôm nay còn tươi sáng…”.

Rồi em kể về đời sống hôn nhân của mình cho chị nghe, đó là một cuộc kết hôn tâm linh. Chính cuộc hôn phối đó đã mở ra cho em một chân trời mới, nơi mà em mỗi ngày vẫn thích làm một đứa trẻ học tiếng nói yêu thương. Em nói: yêu thương lạ lắm chị, đó là một tiến trình thực tập dài lâu – từ hữu ngã đi đến yêu thương vô ngã, từ vị kỷ đi đến từ bi, từ chiếm hữu đi đến ý thức bảo hộ để cùng nuôi dưỡng cho nhau.

Chị thấy lạ quá, khái niệm yêu thương này hoàn toàn trái ngược với quan niệm yêu thương của người đời. Nếu cô gái thấy chàng trai ít dành thời gian ở bên cạnh mình là đã sinh hờn ghen vô cớ, hoặc chàng trai thì lúc nào cũng muốn trái tim và khối óc của cô gái chỉ có nghĩ đến mình thôi. Thậm chí, họ còn nhân danh tình yêu để bắt người kia phải làm theo ý nguyện của mình nữa, bằng không thì đôi lúc sẽ đổ vỡ. Khi đó họ thường lấy lý do người kia không phù hợp với tính cách của mình, không sao dung hòa được. Rồi đường ai nấy đi…

Nghe chị trình bày xong, em lại mỉm cười. Em nói: yêu – cũng là một pháp môn cần phải thực tập hết lòng thì mới đem lại hạnh phúc cho nhau. Nó đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và bao dung. Yêu thương thật sự có thể làm cho nhân cách trong nhau phát triển toàn diện. Theo cái thấy của em thì mỗi chúng ta đều là những đứa trẻ trong tình yêu. Đứa trẻ ấy cảm thấy bản thân không an toàn thì khóc thét lên, thấy thiếu thốn cũng khóc thét lên, đòi hỏi người thương đáp ứng thì mới chịu thôi mà chẳng bao giờ chịu tìm kiếm và tự thưởng thức suối nguồn yêu thương thật sự đang nằm ở bên trong mình. Suối nguồn ấy chính là tâm từ bi và lòng bao dung. Tâm từ bi càng lớn mạnh bao nhiêu thì sẽ lưu xuất ra một nguồn lực muốn hiến tặng cho đời, cho đạo. Lấy hạnh phúc của tha nhân làm hạnh phúc của riêng mình.

Chị lại hỏi, vậy thì có giây phút nào em sống cho riêng mình không? Nếu chỉ nghĩ đến việc đi “vác tù và hàng tổng” như thế thì liệu em có cảm thấy mình kiệt sức không? Em lại đáp, người tu chính là người đang học nghệ thuật yêu thương bản thân mình đúng cách. Biết yêu chính mình rồi thì mới có đủ khả năng yêu thương và ôm ấp người khác. Em nói mỗi sáng em vẫn hay dành thời gian để thực tập thiền đi một mình rất lâu, tập lắng nghe bước chân mình đang hòa điệu với hơi thở và đất trời. Một nụ hoa sớm cũng là người thương, một hòn sỏi nhỏ cũng là người thương. Em có thể tâm sự buồn vui với hoa lá cỏ cây, cũng như với Bụt nữa. Bụt ở đây chính là tăng thân, là những huynh đệ cùng mang ba y một bát rong chơi ngàn dặm. Thỉnh thoảng em cũng thấy cô đơn, cũng thấy nhớ nhà nhưng sau đó em ý thức được là mình có may mắn được sinh ra trong một đoàn thể có tu học, vững chãi, thảnh thơi, nên chất liệu của yêu thương đang lớn mạnh trong em từng ngày…

Chắc bây giờ em đang tự hỏi, chị nhắc lại những giây phút ấy để làm gì phải không? Kỳ thực, chị muốn em nhìn lại xuất phát điểm ban đầu của mình để tự nuôi dưỡng trong những lúc khó khăn. Sự tươi mát, an hòa của em đã truyền cảm hứng cho chị thực tập, và chị mong em luôn giữ được sự tươi mát ấy. Nhưng chị cũng hiểu là đời người như con sông, có lúc êm đềm phẳng lặng, lại có lúc như muốn tung bờ trắng xóa. Muốn sống trong an lành và hạnh phúc thì mình cần phải chuyên cần thực tập, tiếp tục nuôi dưỡng những tiếng nói yêu thương mỗi ngày thì mới mong có hoa thơm trái ngọt để ăn tiếp em ạ!

Cũng như mùa xuân đang về ở nơi này được báo hiệu bằng một nhành mai vàng rực trước hiên nhà. Có ai hay biết, mai cũng phải qua bao độ sương giăng mới có thể tỏa ngát mùi thơm đến vậy?
Em là một chàng trai mang tâm hồn thanh cao hướng thượng, đã từng lập nên nguyện lớn “cắt ái từ sở thân – xuất gia hoằng thánh đạo”, và chị mong em bồ đề tâm luôn kiên cố. Chút khó khăn chỉ như cái lạnh sẽ lùi dần trước mặt trời chánh niệm phải không em? Buồn huynh, giận đệ cũng chính là tự giận và làm khổ mình đó. Hiểu lầm nhau một chút, hãy xem như rác nuôi dưỡng cho hoa ngày sau em nhé. Có sự nghiệp nào cao quý hơn sự nghiệp đi thắp sáng yêu thương đâu? Trong sự nghiệp ấy, nếu mình hành xử như một giọt nước, mình sẽ mau chóng bị bốc hơi trước khi về đến đại dương xanh thẳm. Như vậy thì mình không thành tựu được lý tưởng như lúc ban đầu rồi.
Cho nên, em hãy thường xuyên “trở về nhà” và học cách nói yêu thương nơi tăng thân cho thật giỏi rồi dạy lại cho chị nhé! Ở nơi này, chị luôn cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất cho em!
Thương em nhiều lắm!