Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Làng Mai năm qua

Làng Mai số 38 ra ngày 19/02/2015

Hôm nay, ngày 12/2/2015, tại Làng Mai bốn chúng đã tập hợp tại Thiền đường Nước Tĩnh, chùa Pháp Vân – xóm Thượng để làm lễ Tự tứ, kết thúc khóa An cư Kết Đông năm 2014-2015. Sau lễ Tự tứ, đại chúng được thăm và thưởng thức chợ hoa do các sư cô xóm Mới tổ chức. Buổi chiều, đại chúng quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng, bánh tét. Trong lúc đó thì Ban biên tập Lá Thư Làng Mai cũng đang nỗ lực để Lá Thư Làng Mai được ra đời đúng vào dịp Tết Ất Mùi, làm món quà tinh thần gởi đến tất cả mọi người trong dịp đón chào năm mới. Sau đây chúng tôi xin thuật lại sơ lược những gì xảy ra trong năm 2014:

Con đường vui – Khóa tu xuất sĩ (20 – 27/2/2014)

Khóa tu An cư kết đông 2013 – 2014 vừa kết thúc thì một tuần sau đó, tại xóm Thượng, Làng Mai đã diễn ra khóa tu xuất sĩ dành riêng cho chúng xuất gia với chủ đề “Con đường vui”. Hai trăm bốn mươi lăm xuất sĩ từ các chùa Pháp Vân, Sơn Hạ, Cam Lộ, Từ Nghiêm, Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB) ở Đức và Thiền đường Hơi thở nhẹ ở Paris đã hội tụ về đây cùng đi trên Con Đường Vui, được tu học, làm việc, chơi trong tình thầy, tình đệ huynh thật ấm áp, tươi vui.

Điều đặc biệt của khóa tu xuất sĩ năm nay là chương trình đố vui để học. Những bàn tay khéo léo, những tấm lòng đã làm nên sân chơi Đường Về Làng lần 2, với những câu hỏi từ dễ đến khó, từ nội điển tới ngoại điển. Chương trình đã đem lại cho đại chúng những giờ phút thật vui, tràn đầy tiếng cười mà cũng hồi hộp không kém gì chương trình Đường lên đỉnh Olympia trên truyền hình. Đêm văn nghệ xuất sĩ với những tiết mục đặc sắc như Khúc Hải triều (The Sound of the Rising Tide) do thầy Pháp Linh sáng tác, điệu múa Hoa Ưu Đàm,… đã để lại những ấn tượng khó quên trong lòng mọi người. Sư Ông cũng có mặt cho các sư con trong buổi văn nghệ hôm ấy và xem đến 10h mới về.

Đại học Hồng Kông vinh danh Thầy

Sáng ngày 13/03/2014, tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng Làng Mai, Giáo sư Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng (Vice Chancellor and President) trường Đại Học Hồng Kông đã trao bằng Tiến sĩ Danh Dự trong lĩnh vực khoa học xã hội cho Thầy để vinh danh những đóng góp của Thầy cho nền hòa bình thế giới.

Đại học Hồng Kông đã gửi thư mời Thầy sang Hồng Kông để nhận bằng Tiến sĩ Danh dự nhân Đại hội lần thứ 190 của trường (được tổ chức vào ngày 18/03/2014). Tuy nhiên, do thời gian này ở Làng Mai đang có khóa tu mùa xuân nên Thầy không sang được. Vì vậy đoàn đại biểu của Trường (gồm 7 người) đã bay từ Hồng Kông sang để trao tặng Thầy tấm bằng danh dự này.

Nhân dịp này, Thầy và Giáo sư Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng trường Đại Học Hồng Kông đã có buổi đối thoại về chủ đề  “Tuổi trẻ ngày nay”. Thầy đã có lời chia sẻ với các bạn trẻ nói chung và các sinh viên của Đại Học Hồng Kông nói riêng: “Điều mà tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là: nếu các bạn có một giấc mơ lớn và muốn cho giấc mơ đó thành tựu thì các bạn cần có một tăng thân. Điều thứ hai tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là: hãy mở rộng tình thương của mình để ôm trọn cả hành tinh này, không nên giới hạn tình thương của mình chỉ với đất nước và dân tộc mình mà thôi. Chính tôi đã nhận ra rằng quê hương tôi là cả hành tinh này, cả trái đất này. Tôi không giới hạn tình thương của mình trong một dải đất ở châu Á có tên là Việt Nam mà thôi. Tôi đã được chuyển hóa và trị liệu rất nhiều nhờ vào cái thấy này. Có thể tình thương trong bạn còn quá nhỏ bé, bạn cần làm cho tình thương đó lớn rộng ra để bao trùm cả trái đất này. Đó là tình thương của một vị Bụt, tình thương của những bậc đại nhân như Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Mẹ Teresa, v.v.”.

Khóa tu mùa Xuân

Mùa xuân năm nay Thầy được ở nhà, không phải đi dạy ở đâu cả. Một mùa xuân mà thầy trò được ở chung và thực tập với nhau thì còn hạnh phúc nào bằng. Những buổi thiền hành giữa rừng hoa mai nở trắng xóa thật mầu nhiệm không thể nói. Đất trời như mở hội và lòng người cũng thế.

Cũng trong không khí mùa xuân, hơn 500 thiền sinh đã về Làng tham dự khóa tu dành cho người nói tiếng Pháp (4 – 11/04/2014). Những khóa tu dạy bằng tiếng Pháp rất hiếm ở châu Âu, nên thiền sinh nói tiếng Pháp về tham dự khóa tu này mỗi năm mỗi đông thêm. Thầy đã cho hai bài pháp thoại và một buổi vấn đáp. Thiền sinh rất hạnh phúc với những buổi thiền hành cùng Thầy và đại chúng, đặc biệt còn có những buổi ăn trưa picnic trên đồi mận, được nghe quý thầy, quý sư cô đàn violin, thổi sáo, thật là những giây phút nhiệm mầu!

Hoằng pháp tại Tây Ban Nha (25/04 – 12/05)

Ngày 25/04/2014, Thầy cùng một phái đoàn gồm hơn 50 xuất sĩ đã lên đường đi Tây Ban Nha để hoằng hóa. Thầy đã từng qua Tây Ban Nha giảng dạy vào thập niên 70. Trước đó tăng đoàn Làng Mai chưa thành lập, mỗi lần Thầy đi qua Tây Ban Nha giảng dạy chỉ có một thị giả đi cùng. Nhưng lần này lại khác, Thầy dẫn cả một tăng đoàn gồm hơn 50 xuất sĩ với nhiều quốc tịch khác nhau, đặc biệt là có sư chú Trời Hy Mã, người Tây Ban Nha cũng được theo Thầy và Tăng thân để hoằng pháp trên chính quê hương yêu dấu của mình. Sư chú vô cùng hạnh phúc! Ban thị giả kỳ này cũng khá đông, gồm có các thầy Pháp Lâm, Pháp Nguyện, các sư cô Chân Không, Phùng Nghiêm, Tráng Nghiêm, Băng Nghiêm, Đạm Nghiêm và Bình Nghiêm.

Ngày Thầy và Tăng đoàn đến Madrid, mỗi người trong tăng thân đều chuẩn bị thêm trên bàn ăn chiều của gia đình một phần ăn tượng trưng dành cho một người xuất sĩ để bày tỏ sự trân quý và lòng tôn kính của họ đối với sự có mặt của Thầy và Tăng đoàn tại đất nước này. Điều này đã làm phái đoàn rất cảm động.

Đi bộ cho hòa bình (Peace Walk)
Chuyến hoằng pháp tại Tây Ban Nha với chủ đề Nghệ thuật sống tỉnh thức (“El Arte de Vivir Despiertos”) được mở đầu bằng sự kiện Đi bộ cho Hòa bình (Peace Walk) tại quảng trường lớn trước cung điện hoàng gia Palacio Reál vào buổi chiều ngày 27/04. Trước khi bắt đầu buổi Đi bộ cho Hòa bình, sư cô Chân Không đã hướng dẫn khoảng 1500 người tham dự cùng ngồi yên, trở về theo dõi hơi thở và làm lắng dịu thân tâm.

Quảng trường rất lớn và có rất nhiều nhóm người khác nhau. Có nhóm chơi nhạc, nhóm du khách, nhóm người trẻ tụ tập cuối tuần v.v. Có thể nói rất nhiều loại âm thanh xen lẫn nhau nơi quảng trường này. Vậy mà hôm ấy có một loại âm thanh làm cho không biết bao người phải ngạc nhiên, đó là âm thanh của sự im lặng (the sound of no sound). Sự tĩnh lặng của một tập thể hùng tráng đã có công năng đem mọi người đến với nhau mà không cần một lời mời gọi.

Sau 30 phút ngồi thiền, thầy Pháp Lưu chia sẻ về pháp môn thiền hành. Do loa âm thanh khá nhỏ trong khi quảng trường thì lại quá lớn nên đại chúng đã áp dụng phương pháp “truyền tin” (human microphone), một người nói muôn người lặp lại. Đứng giữa một quảng trường lớn như vậy mà cả ngàn người đều “dị khẩu đồng thanh” thì không chỉ những người đó được nghe mà những người khác cũng được ảnh hưởng.

Để đảm bảo an ninh cho buổi thiền hành giữa lòng thủ đô Madrid, một lực lượng cảnh sát giao thông hùng hậu được cử đến và tháp tùng đoàn thiền hành trong suốt quảng đường đến Templo de Debod – một ngôi đền cổ do chính quyền Ai Cập đã tặng cho người dân Tây Ban Nha năm 1968. Có thể đây là lần đầu tiên người dân nơi thủ đô Madrid được chứng kiến một hiện tượng lạ như thế. Trước đó, trên đại lộ nơi đoàn thiền hành đi qua thường tấp nập người và phương tiện đi lại, vậy mà hôm nay đột nhiên cả đại lộ đều chậm lại. Khi những người đi bộ bên đường được biết là tăng thân đang đi thiền hành cho hòa bình thì rất nhiều người cũng đi theo.

Khi đến Templo de Debod, đoàn thiền hành dừng lại và ngồi yên bên nhau trên ngọn đồi cao, nhìn xuống thành phố Madrid rất đẹp. Buổi thiền tọa chấm dứt bằng 10 động tác chánh niệm và những người tham dự được mời thực tập thiền ôm với người thương của mình đang ở bên cạnh. Thiền ôm là nhìn thật sâu đối tượng mình sắp ôm như cha, mẹ, anh, em hay chồng, vợ, con, cháu để trân quý sự hiện hữu của họ trong đời mình rồi mới giang tay ra ôm người kia và thở thật sâu, đầy năng lượng tôn trọng và thương quý. Sau đó mọi người cùng nhau hát bài ‘Mira la felicidad’ (Ta hạnh phúc liền giây phút này).

Pháp thoại công cộng tại nhà hát lớn Teatro Lope De Vega
Sau hoạt động Đi bộ cho Hòa bình, trong buổi tối cùng ngày đã diễn ra buổi pháp thoại công cộng tại Nhà hát lớn Teatro Lope De Vega ngay trung tâm thành phố. Sức chứa của nhà hát này là 1800 người. Khi công bố bán vé trên mạng, chỉ trong một ngày số vé đã bán hết. Rất nhiều người muốn đi nhưng không còn chỗ.

Hôm đó, Thầy dạy về nghệ thuật chế tác bình an bằng hơi thở ý thức và làm chủ cảm xúc buồn, vui, giận, ghét của mình. Sau cùng Thầy cho mọi người có cơ hội đặt câu hỏi. Người đầu tiên đặt câu hỏi: “Những gì học được sáng nay rất có giá trị và quan trọng cho con trong đời sống hàng ngày. Nhưng con không biết những thực tập này có tác dụng như thế nào trong hoàn cảnh có chiến tranh và xung đột?” Thầy đã trả lời rằng mình không cần phải đợi có chiến tranh rồi mới thực tập. Nếu biết cách thực tập trong thời gian hòa bình thì đã ngăn chặn được chiến tranh xảy ra rồi. Chiến tranh xảy ra là do hằng ngày mình không biết thực tập. Thầy nói rằng Thầy đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và rất khó để thực tập trong hoàn cảnh đó. Vì vậy trong thời gian hòa bình, chúng ta nên thực tập chánh niệm để nhận biết rằng hòa bình đang có mặt. Hòa bình và chiến tranh tương tức với nhau. Nếu mình biết trân quý hòa bình thì mình sẽ không để cho chiến tranh xảy ra.

Khóa tu gia đình (từ ngày 30/04 – 04/05/2014)

Ngày 30/04/2014, vào lúc 3 giờ chiều, thiền sinh từ khắp các thành phố của Tây Ban Nha bắt đầu về đến Khu du lịch El Escorial (El Escorial Resort Park) để tham dự khóa tu năm ngày với chủ đề Nghệ thuật sống tỉnh thức. Khu du lịch El Escorial tọa lạc trên dãy núi Guadarrama, hướng Tây Bắc của thành phố Madrid, cách thành phố Madrid khoảng một giờ lái xe. Số thiền sinh tham dự khóa tu này có đến 800 người, trong đó có 60 người trẻ và 35 trẻ em. Phần lớn thiền sinh được ngủ trong bungalow (nhà gỗ một tầng), số còn lại thì ở lều trong khuôn viên của Khu du lịch. Nơi đây khá khang trang và mát mẻ. Các thầy và các sư cô cũng được ở trong những bungalow và cắm lều trong khu vực dành riêng cho giới xuất sĩ. Sư Ông cùng các thị giả thì ở trong một ngôi nhà yên tịnh gần đó.

Chuyến hoằng pháp năm nay tại Tây Ban Nha được tổ chức bởi tăng thân cư sĩ địa phương với sự hướng dẫn của thầy Pháp Lưu (người Mỹ) và thầy Pháp Liệu (người Pháp gốc Việt). Cả hai đều nói được tiếng Tây Ban Nha rất thông thạo. Vì đây là lần đầu tiên tổ chức một khóa tu lớn do Thầy và tăng thân hướng dẫn tại đất nước Tây Ban Nha nên Ban tổ chức không nghĩ là số người tham dự sẽ đông như những khóa tu mà Thầy và Tăng thân đã tổ chức ở những nơi khác (thường những khóa tu đó đều có hơn 1000 người tham dự). Họ nghĩ rằng chắc ít người Tây Ban Nha biết đến Thầy. Vì vậy Ban tổ chức chỉ tìm một địa điểm cho số lượng 600 người tham dự mà thôi. Nhưng một điều rất bất ngờ là khi đưa tin lên mạng để cho thiền sinh đăng ký thì chỉ trong 24 giờ, số người ghi danh đã đầy và kết quả lại có hơn 600 người khác nằm trong danh sách chờ đợi. Thật là một điều đáng tiếc cho những thiền sinh không được tham dự.

Thầy và Tăng đoàn đến Barcelona
Sau hơn mười ngày ở Madrid, Thầy và tăng đoàn đã có mặt tại Barcelona ngày 06/05, ngày 08/05 có pháp thoại công cộng tại trung tâm hội nghị Museu De Ciències Naturals. Đầu tiên Ban tổ chức dự định tổ chức buổi pháp thoại công cộng tại nhà thờ Santa Maria del Mar cổ kính tọa lạc tại trung tâm thành phố, nhưng vì sức chứa chỉ hơn 1000 người nên cuối cùng đã chuyển sang trung tâm hội nghị Museu De Ciències Naturals. Trung tâm này rất hiện đại, sức chứa lên đến 3200 người. Vé cũng được bán trên mạng và hết rất sớm, còn nhiều người muốn tham dự nhưng không được.

Từ ngày 9 – 16/05 là khóa tu dành cho các nhà giáo dục với chủ đề: “Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới”. Khóa tu này được tổ chức tại trường đại học Barcelona (University of Barcelona). Trong bài pháp thoại ngày 10/05, Thầy đã chia sẻ về sự thực tập thành công của giáo sư Henri Nguyễn Văn Kỷ Cương, người đã đem sự thực tập chánh niệm vào trong lớp học. Ngoài ra Thầy còn dạy về bốn yếu tố của một tình yêu chân thật là từ, bi, hỷ, xả và bốn loại thực phẩm: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Thiền sinh đã có rất nhiều hứng khởi khi đem các phương pháp được học ứng dụng ngay trong khóa tu. Thầy giảng thêm hai bài then chốt và các vị giáo thọ tiếp tục giảng luôn đến ngày cuối cùng của khóa tu.

Buổi ngồi thiền tập thể cho hòa bình (Flashmob 11/05)
Vào chiều Chủ nhật, ngày 11/05, Thầy và Tăng đoàn đã hướng dẫn buổi ngồi thiền tập thể (Flashmob) cho hòa bình tại Khải Hoàn Môn Arco De Triunfo, ngay trung tâm thành phố Barcelona. Buổi ngồi thiền công cộng này là sự kiện cuối của chuyến đi hoằng hóa Tây Ban Nha năm nay. Đây cũng là dịp để người dân Tây Ban Nha đúc kết, chiêm nghiệm và cũng để khắc sâu những lời dạy quý báu mà Thầy trao truyền trong suốt chuyến đi. Có khoảng 5000 người đã tham dự sự kiện này.

Lúc18 giờ 45 phút, Thầy và tăng đoàn đã ngồi tĩnh tọa trên lễ đài. Hàng ngàn người cũng ngồi yên lặng như thế trong vòng 20 phút tạo nên một năng lượng rất hùng tráng. Vì địa điểm của buổi Flashmob nằm ngay ở trung tâm thương mại nên có rất nhiều tiếng ồn bởi xe và người đi lại. Tiếng chuông trầm hùng cùng lời khai thị thiền hướng dẫn của Thầy như một sức mạnh giúp mọi người dừng lại mà không chạy theo cuộc sống ồn ào, huyên náo bên ngoài.
Mặc dù hôm đó gió nhiều có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng Thầy vẫn có mặt đó cho mọi người bằng sự vững chãi của một bậc đạo sư. Thầy đã từ bi chia sẻ về sự mầu nhiệm của sự thực tập lắng nghe danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm và tặng thính chúng một bài pháp thoại sau khi Tăng đoàn niệm danh hiệu Bồ tát. Pháp thoại nhắn nhủ mọi người tinh cần thực tập chánh niệm, chuyển hóa khổ đau, tái lập truyền thông trong gia đình và với mọi người xung quanh. Pháp thoại kết thúc trong sự biết ơn và lòng hoan hỷ của hàng ngàn người tham dự. Sau khi Thầy rời khỏi khán đài, sư cô Chân Không đã hát tặng và động viên mọi người nên hòa giải với người thương của mình ngay tối hôm đó. Có rất nhiều người, nhiều gia đình đã thiền ôm với nhau ngay sau đó. Đứng trên khán đài nhìn xuống thấy hàng ngàn người thực tập như vậy thật cảm động.

Sáng ngày12/05, Thầy và tăng đoàn tạm biệt thành phố Barcelona với trái tim ấm áp và tràn đầy niềm vui. Dường như tất cả quý thầy, quý sư cô cũng như các bạn thiền sinh Tây Ban Nha đều trải nghiệm được sự chuyển hóa, trị liệu và niềm vui khi được thực tập cùng nhau như một tăng thân. Một bạn thiền sinh chia sẻ rằng: “Chuyến hoằng pháp lần này của Thầy và Tăng thân Làng Mai chưa kết thúc, đây chỉ mới là sự mở đầu cho mối nhân duyên gắn bó giữa Làng Mai và người dân Tây Ban Nha”.

Đại Giới Đàn Cam Lộ Vị (23/05 – 29/05)

Mọi năm Đại giới đàn ở Làng thường được tổ chức sau khóa an cư kết đông. Nhưng năm nay, Thầy muốn Chư Tôn Đức sang Làng Mai khi trời bớt lạnh, được thưởng thức mùa xuân ở Làng với hoa Mộc Lan nở hồng cây, với rừng hoa thủy tiên vàng rực, với hoa mai hồng, mai trắng nở rộ trong hội Hoa Mai, đồng thời tạo điều kiện cho những vị muốn tham dự khóa tu 21 ngày vào tháng 6 nên Đại giới đàn được chuyển sang tháng 5 (từ ngày 23/05 đến ngày 28/05/2014).

Đại giới đàn Cam Lộ Vị đã cung thỉnh được Chư Tôn Đức: Hòa thượng Như Huệ, Hòa thượng Minh Cảnh, Hòa thượng Minh Nghĩa, Ni Sư Như Minh… vào Hội đồng truyền giới.

Đại giới đàn đã truyền các giới cận sự (Năm Giới), giới Tiếp Hiện, giới Khất sĩ và Khất sĩ nữ. Có tất cả 35 vị được thọ giới Khất sĩ, 49 vị thọ giới Khất sĩ nữ, 43 vị thọ giới Tiếp Hiện và 100 vị được thọ Năm giới. Ngoài ra, còn có 63 vị tập sự giáo thọ (28 xuất sĩ và 35 cư sĩ) được truyền đăng trong Đại giới đàn này. Năm nay các thầy, các sư cô trong gia đình xuất gia Hướng Dương và Hồng Dòn trở thành những giáo thọ trẻ nhất trong Làng.

Dưới đây là danh sách các vị tân giáo thọ, xuất sĩ và cư sĩ, được truyền đăng trong Đại giới đàn Cam Lộ Vị cùng với bài kệ truyền đăng mà các vị ấy đã tiếp nhận:

Thầy Chân Pháp Thuyên
( Huỳnh Hữu Thanh)
Chánh pháp trao truyền đẹp ước mơ
Hải triều thuyên giải ý chân thừa
Tiếp thu hữu đắc thành vô đắc
Cam lộ trần gian thỏa nguyện xưa.

Thầy Chân Pháp Ngưỡng
(Nguyễn Cửu Tuấn)
Pháp mầu vừa được tuyên dương
Đem tâm kính ngưỡng, lên đường xuất gia
Đâu đâu cũng thấy là nhà
Ăn cơm Thiện thệ, ngồi tòa Như Lai.

Thầy Chân Pháp Tri
(Hoàng Văn Hào)
Pháp lữ trên đường phục vụ
Là người tri kỷ cùng nhau
Một khúc tâm ca vừa tấu
Khắp nơi như ý sở cầu.

Sư cô Chân Sách Nghiêm
(Huỳnh Thị Xuân Mai)
Đây một mùa xuân sách tấn
Diệu nghiêm trời đất tinh khôi
Thao thao chảy dòng ước nguyện
Hoa mai nở trắng lưng đồi.

Sư cô Chân Khán Nghiêm
(Nguyễn Thị Nhàn)
Trên sóng ngồi yên khán thoại đầu
Thanh nhàn nghiêm tịnh suốt đêm thâu
Thấy trong nỗi khổ niềm an lạc
Sen nở trần gian cảnh nhiệm mầu.

Sư cô Chân Băng Nghiêm
(Lê Thị Thắm)
Gia phong băng tuyết giữ gìn
Trang nghiêm giới hạnh, nhân thiên ngợi tài
Đạo tràng này chốn Thiên Thai
Cùng tăng thân bước, độ người trầm luân.

Sư cô Chân Ích Nghiêm
(Hồ Thị Cẩm Hằng)
Chí cầu lợi ích quần sinh
Trang nghiêm giới định, tâm hình sáng trong
Một mai thế giới đại đồng
Đường xưa mây trắng thong dong cùng về.

Sư cô Chân Phương Nghiêm
(Cao Thị Mỹ Hà )
Phương bối quê xưa còn đó
Diệu nghiêm bếp lửa cháy hồng
Ấm áp trần gian muôn lối
Hướng nào cũng gặp tri âm.

Sư cô Chân Quảng Nghiêm
(Nguyễn Thị Diễm Hằng)
Pháp Bụt thần thông quảng đại
Cứu đời nghiêm sắc hiện thân
Dòng biếc Tào Khê tuôn mãi
Nhân gian sạch hết cát lầm.

Sư cô Chân Cảnh Nghiêm
(Nguyễn Ngọc Hồng Lệ Giang)
Chân tâm biểu lộ nên chân cảnh
Tịnh độ trình bày cõi diệu nghiêm
Tráng lệ nến hồng vừa thắp sáng
Triều âm pháp lực đã trao truyền.

Thầy Chân Pháp Năng
(Phạm Đình Trung)
Giáo pháp gieo đầy trên đất tâm
Hạt lành năng biến lại năng huân
Trung kiên một tấm lòng con thảo
Cùng với tăng thân kết giải đồng.

Sư cô Chân Khoan Nghiêm
(Nguyễn Thị Cẩm Vân)
Đất tịnh đi từng bước khoan thai
Trang nghiêm hiện pháp tọa liên đài
Cẩm tú giang sơn còn mãi đó
Đường về mở lối đẹp tương lai.
Sư cô Chân Thể Nghiêm
(Trương Thị Mỹ Hòa )
Giới thể tạo thành nét đẹp
Làm cho cõi nước trang nghiêm
Đường về nở hoa chân thiện
Hóa duyên trọn vẹn ước nguyền.

Sư cô Chân Ước Nghiêm
(Lê Thị Ngọc Vân )
Ước nguyện năm xưa quyết đạt thành
Nghiêm trì tịnh giới chứng vô sinh
Ngọa vân ghi dấu người Yên tử
Suối ngọc còn reo giấc mộng lành.

Sư cô Chân Tuyết Nghiêm
(Nguyễn Thị Thiên Trang )
Giới thân thanh tịnh dường băng tuyết
Nghiêm hộ uy nghi đạo nghiệp thành
Gươm báu trao rồi tay hảo hán
Vào đời cứu độ vạn sinh linh.

Sư cô Chân Duyên Nghiêm
(Lê Phi Kiều Ái Liên )
Nhân duyên quán chiếu pháp trang nghiêm
Sen nở hồ tâm được chánh truyền
Kiều diễm mùa xuân vô tận ý
Nguyện lòng một hướng đạt chân nguyên.

Sư cô Chân Lĩnh Nghiêm
(Hứa Thu Nguyên )
Nhìn về Thứu lĩnh cảnh trang nghiêm
Thông suốt thiền cơ vẹn ước nguyền
Tuổi xuân thao thức bao hoài bão
Này ánh trăng xưa dọi trước thềm.

Thầy Chân Pháp Cứu
(Đỗ Vĩnh Phúc )
Niệm lực nghiêm trì giới pháp
Định tâm tham cứu thiền cơ
Một tay tháo tung rào cản
Dựng lên đạo lớn chân thừa.

Sư cô Chân Cẩn Nghiêm
(Nguyễn Thị Bích)
Mỗi bước chân đi cẩn trọng
Tạo thành Tịnh độ trang nghiêm
Trái tim sáng ngời định lực
Trước sau trọn vẹn ước nguyền.
Sư cô Chân Đáo Nghiêm
(Trương Thị Ngọc Minh )
Âm Hán Việt:
Bộ bộ, đáo bỉ ngạn
Xứ xứ đắc hoa nghiêm
Hiện pháp thường an trú
Thử pháp thị chân thiền.
Nghĩa:
Mỗi bước đáo bỉ ngạn
Cõi nào cũng hoa nghiêm
Hằng an trú hiện pháp
Đây mới thật chân thiền.

Thầy Chân Pháp Giao
(Nguyễn Duy Tân)
Pháp môn ứng dụng tuyệt vời
Thiền âm giao hưởng khung trời duy tân
Chuyến đi gặp một mùa xuân
Chuyến về kết nối cội nguồn thanh lương.

Sư cô Chân Thiền Nghiêm
(Nguyễn Thị Hoa)
Đóa hoa thiền uyển nở đoan nghiêm
Hương sắc xua tan mọi não phiền
Đại địa trình bày muôn cảnh giới
Theo đường phạm hạnh sống an nhiên.

Sư cô Chân Lịch Nghiêm
(Nguyễn Ngọc Thúy)
Hơi thở khơi dòng lịch sử
Bước chân tạo cõi trang nghiêm
Ngọc sáng vốn không tỳ vết
Chân tâm soi sáng đại thiên.

Sư cô Chân Cẩm Nghiêm
(Đinh Thị Hồng Hà)
Non sông cẩm tú còn đây
Pháp môn thực tập tháng ngày tinh nghiêm
Trước sau trọn vẹn lời nguyền
Về nơi bỉ ngạn ngồi trên pháp tòa.

Sư cô Chân Hy Nghiêm
(Hoàng Thị Thu Hồng)
Xuất gia học đạo trời hy hữu
Giới luật tinh nghiêm sống đẹp lành
Gom cả mùa xuân làm Tịnh độ
Gia phong mây trắng gọi trời xanh.

Sư cô Chân Lộc Nghiêm
(Trần Thị Thu Trang)
Tìm về Lộc uyển chốn thần tiên
Tâm hướng siêu trần cõi diệu nghiêm
Ngồi trên bảo thạch sen ngàn cánh
Bước chân tiếp xúc ấn chân truyền.

Thầy Chân Pháp Nhàn
(Nguyễn Văn Vinh)
Giới thân nghiêm tịnh pháp thân nhàn
Mùa xuân đạo lý đẹp thênh thang
Đạt tới vô sinh nhờ địa xúc
Tăng đoàn vững mạnh tỏa hào quang.

Sư cô Lâm Huyền Hậu
(Nguyễn Thị Ánh Tuyết)
Giáo pháp truyền trao huyền nhiệm
Công phu thâm hậu mỗi ngày
Sắc không hai đường vượt thắng
Đường xưa mây trắng vẫn bay.

Chân Mật Lâm
(Lennis Lyon)
Thâm mật một kho giáo nghĩa
Trao truyền tự chốn thiền lâm
Tĩnh lặng trái tim mầu nhiệm
Phút giây tiếp thọ ân cần.

Chân Tịnh Sinh
(Michelle Pillot)
Mỗi bước đi vào Tịnh độ
Góp vào sự nghiệp độ sinh
Lắng nghe niềm đau nỗi khổ
Đưa người tới cõi an lành.

Chân Bảo Trì
(Jean Claude Blootaker)
Châu ngọc không gì bằng Tam bảo
Công phu nhật dụng khéo duy trì
Mùa xuân đạo lý ngời an lạc
Đất trời hợp tấu khúc từ bi.

Chân Thường Hỷ
(Tôn Nữ Diệu Liên)
Chánh niệm thường xuyên tu tập
Là nguồn hỷ lạc thân tâm
Đóa sen nhiệm mầu tinh khiết
Phát huy diệu dụng siêu trần.
Chân Giác Điền
(Nguyễn Hoàng Hùng)
Đuốc sáng soi về giác ngạn
Gia phong còn lại phước điền
Quán chiếu đây nguồn niệm lực
Trên tay đèn tuệ quang minh.

Chân Giác Sơn
(Nguyễn Minh Chánh)
Nguồn tâm xuôi về giác ngạn
Chân tình gửi lại Thứu sơn
Bên tai vẳng lời nguyện cũ
Vững chân từng bước an tường.

Chân Cam Lộ
(Nguyễn Kim Lê Việt)
Tào khê một giọt chân cam lộ
Sống dậy niềm tin cả vạn đời
Cứu hộ trần gian thường ứng hiện
Tâm lành cảm ứng đẹp muôn nơi.

Chân Phước Quả
(Trần Dung Hạnh)
Phước đức gieo trồng tự kiếp xưa
Bao nhiêu quả báu thấy bây giờ
Đường tu một hướng, tâm bền vững
Tiếp nối duyên lành đẹp nét thơ.

Chân An Tĩnh
(Bùi Hữu Tường)
Thiền lực chuyên vào một điểm an
Trăng soi biển tĩnh đẹp huy hoàng
Trời khuya thắp sáng ngời muôn nến
Gió mát trăng hiền đẹp thế gian.

Chân Giác Lưu
(Bùi Thị Kiều Trang)
Tuyển chọn đó đây vườn giác uyển
Kết thành liên đóa thật xinh tươi
Lưu truyền hậu thế ngàn muôn thuở
Vốn liếng tâm linh đẹp đất trời.

Chân Nguyệt Đăng
(Nguyễn Lê Diễm Trang)
Mở lòng, tâm lượng bao dung
Sông in bóng nguyệt tuệ đăng rạng ngời
Tìm về xứ sở thảnh thơi
Đi theo tăng bảo, cuộc đời vững an.
Chân Đại Trí
(Thomas Barth)
Quán chiếu tánh không chân đại trí
Trần gian lưu lộ biển từ bi
Công phu nuôi dưỡng nguồn tư niệm
Độ sinh sự nghiệp nguyện duy trì.

Chân Linh Từ
(Jean-Pierre Roussel)
Nhìn lên núi Thứu, đỉnh linh từ
Thanh thoát tâm hồn dậy ý thơ
Tục lụy trần gian buông bỏ hết
Phút giây nào cũng đẹp như mơ.

Chân Nguyệt Sắc
(Peggy Smith)
Trời khuya ánh nguyệt sáng ngời
Long lanh không sắc, tuyệt vời khúc ca
Bước chân đưa tới quê nhà
Lắng nghe ngôn thuyết rụng sa bao lần.

Chân Mật Hạnh
(Alexa Singer-Telles)
Siêu việt lưỡng nguyên chân mật ý
Hành vô hành hạnh phước không cùng
Tháng năm nuôi dưỡng tình huynh đệ
Công phu làm vững mạnh tăng thân.

Chân Bản Địa
(Terry Helbick-White)
Bản địa vốn là chân thật địa
Tình thương chân thật chẳng biên cương
Niệm lực dưỡng nuôi đường bát chính
Quán vô thường thấy được chân thường.

Chân Viên Hỷ
(Martine Serrano)
Thâm tín đạo mầu viên giác
Chế nên hỷ lạc từ bi
Ân nghĩa đôi đường trọn vẹn
Tiếp thu sự sống diệu kỳ.

Chân Đạo Xả
(Diana Daoud)
Trái tim tầm đạo năm xưa ấy
Mang đầy hỷ xả với từ bi
Hơi thở bước chân mang hạnh phúc
Công phu nhật dụng khéo duy trì.
Chân Đạo Từ
(Joelle Grosjean)
Bát chánh con đường thánh đạo
Dưỡng nuôi trí tuệ từ bi
Quán chiếu tuôn dòng suối ngọt
Công phu sớm tối hành trì.

Chân Minh Lộ
(Đặng Văn Thành)
Phương Đông bừng ánh quang minh
Lên đường sẵn có lộ trình tin yêu
Tình huynh nghĩa đệ còn nhiều
Cùng theo chí nguyện cao siêu một dòng.

Chân Đạo Lữ
(Andre Velino)
Chánh pháp dựng xây tình đạo lữ
Tăng thân hòa hợp đất trời vui
Ngoài kia chìm đắm bao nhiêu kẻ
Biển khổ thuyền dong cứu độ người.

Chân Anh Chân
(Laureen Osborne)
Tăng thân hòa hợp nẩy anh tài
Bao đóa chân tình đã mãn khai
Mỗi bước chân đi thành Tịnh độ
Đất trời trình diễn hội Hoa Mai.

Chân Diệu Học
(Mihaela Andronic)
Diệu pháp trao truyền sáng tỏ
Ba học phòng hộ sáu căn
Trái tim ứa đầy cam lộ
Hạt gieo hạnh phúc xa gần.

Chân An Lực
(Chantal Jacques)
An trú ngay trong hiện pháp
Ngày đêm niệm lực duy trì
Thân với tâm thường hợp nhất
Bình an mỗi bước chân đi.

Chân Viên Tụ
(Letizia Di Fonzo)
Giới đàn gặp hội đoàn viên
Đất trời quy tụ thánh hiền bốn phương
Bước chân hơi thở an tường
Đắp xây truyền thống, mở đường tương lai.
Chân Linh Tụ
(Giuseppe Gambadella)
Về đây linh khí chốn thiêng liêng
Tụ lại non sông đẹp một miền
Cùng bao thiện hữu ngời tri thức
Phúc tuệ song hành đủ phước duyên.

Chân Bồ Đề
(Nguyễn Văn Minh)
Chân tâm gốc rễ vẫn tài bồi
Bóng mát bồ đề rợp khắp nơi
Then cửa nhiệm mầu tay nắm giữ
Nhìn trong hiện pháp thấy tương lai.

Chân Trì Hỷ
(Matt Sherman)
Công phu chánh niệm tu trì
Khơi nguồn hỷ lạc từ bi cho đời
Bắc cầu hòa giải nơi nơi
Giong thuyền cứu độ bao người trầm luân.

Chân An Đức
(Tô Xuân Kỷ)
Bước chân hơi thở bình an
Vun trồng bốn đức, không màng lợi danh
Lắng nghe, nói những lời lành
Gieo mầm hỷ lạc, viên thành nguyện xưa.

Chân Đại Hiếu
(Anton Bank)
Thế giới vươn lên hướng đại Đồng
Trên đường hiếu Thuận bước thong dong
Trái tim Bồ tát hằng nuôi dưỡng
Hóa độ nhân gian thỏa nguyện lòng.

Chân Minh Kính
(Nguyễn Thị Hải)
Chọn được tình thâm trả nghĩa thâm
Minh kính đài gương chẳng nhiễm trần 
Nghe hải triều lên bừng tỉnh ngộ
Sáu trần thoát lạc, nhẹ thân tâm.

Chân Minh Khai
(Nguyễn Tấn Thọ)
Thiện duyên thấy được nẻo quang minh
Khai mở đường văn hạt giống lành
Đất mới lên xanh màu triển vọng
Mùa xuân tiếp nối nét đan thanh.
Chân Hỷ Lạc
(Nguyễn Khoa Diệu Dung)
Hành giả ngày đêm thường quán chiếu
Tạo nguồn hỷ lạc, vốn tư lương
Lấy nguyện dựng tăng làm sự nghiệp
Lắng nghe ái ngữ đẹp khôn lường.

Chân Thiện Quả
(Hà Quốc Ngọc)
Ngàn năm nhân thiện, quả lành
Giữ sao được mãi tâm thành, ý trong
Nhớ câu lấy Bụt làm lòng
Bước chân nhẹ nhõm, thong dong đường về.

Chân Tịnh Tâm
(Corine Marquis)
Tịnh giới đóa sen tinh khiết
Hương thiền xông ngát chân tâm
Nuôi lớn trái tim đại nguyện
Mắt thương quán chiếu cõi trần.

Khóa tu 21 ngày (1 – 21/06/2014)

Theo truyền thống Làng Mai, mỗi hai năm lại có một khóa tu 21 ngày. Năm nay, khóa tu được khai mạc vào ngày 01/06/2014, ngay sau Đại giới đàn Cam Lộ Vị. Trong suốt 21 ngày của khóa tu, hơn 200 xuất sĩ cùng 700 thiền sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có rất nhiều vị giáo thọ cư sĩ và các thành viên Tiếp Hiện đã cùng nhau thực tập và quán chiếu về chủ đề: “Cái gì xảy ra khi ta chết?” (What will happen when we die?). Thầy dạy rằng nếu mình quán chiếu và có được một cái thấy chính xác về cái chết thì lúc đó mình mới thật sự sống, vì sự sống và cái chết nương vào nhau mà có. Chúng ta chỉ có thể biết được “Cái gì xảy ra khi ta chết?”, khi ta trả lời được câu hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra trong giây phút này, khi ta đang còn sống?”.

Cũng trong khóa tu này, Thầy đã giải tỏa những băn khoăn, lo ngại của nhiều người, trong đó có các giáo thọ cư sĩ, về việc có nên đem chánh niệm vào lĩnh vực doanh nghiệp để giúp các doanh nghiệp làm giàu thêm, hoặc đem chánh niệm để giúp những người lính trong quân đội… Thầy đã cho một bài pháp thoại thật hùng, trong đó Thầy nhấn mạnh rằng: thực tập chánh niệm là pháp môn tu học dành cho tất cả mọi người, không loại trừ bất kỳ một ai. Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt rõ giữa chánh niệm và tà niệm. Chánh niệm là một con đường mà không phải là công cụ để phục vụ cho một mục tiêu nào đó (ví dụ như làm ra nhiều tiền hơn, đào tạo nhiều sát thủ hơn v.v.); chánh niệm không thể tách rời những yếu tố khác của Bát chánh đạo, trong đó có chánh kiến. Vì vậy chúng ta không cần phải lo lắng là chánh niệm có thể bị lạm dụng. Chánh niệm không thể nào gây hại cho bất kỳ ai, vì trong chánh niệm đã có chánh kiến, và khi đã có chánh kiến rồi thì ta không bao giờ có thể làm những điều sai lầm.

Rất nhiều thiền sinh mong muốn được tham dự khóa tu này, nhưng Làng không đủ chỗ ở. Mặc dù vậy, có nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã chấp nhận cắm lều ngoài trời trong thời tiết khá lạnh để có thể tham dự trọn khóa tu.

Lễ xuất gia của 29 Cây Trắc Bá (02/07/2014)

Ngày 02/07/2014 là ngày biểu hiện của 29 Cây Trắc Bá – 29 thành viên mới của gia đình Áo Nâu: Trời Đại Nghĩa, Trăng Linh Mẫn, Trăng Linh Dị, Trăng Linh Tuệ, Trời Đại Đạo, Trời Đại Đồng, Trời Phạm Trú, Trời Đại Dụng, Trăng Thiên Nga, Trời Quang Thái, Trăng Bối Diệp, Trăng Linh Các, Trăng Thanh Khí, Trăng Chí Nguyện, Trăng Linh Tú, Trời Quang Minh, Trăng Kỳ Vọng, Trăng Bích Thủy, Trời Đại Lượng, Trăng Thanh Sơn, Trời Nhất Quán, Trời Quang Huy, Trời Quy Nguyện, Trăng Cố Quận, Trăng Cổ Tích, Trời Tây Nguyên, Trời Tây Sơn, Trăng Linh Ứng, và Trăng Linh Bảo. Đây là niềm vui lớn của tứ chúng Làng Mai trước khi bước vào khóa tu mùa Hè. Gia đình Cây Trắc Bá khá đa dạng từ người trẻ nhất là 17 tuổi đến anh cả 54 tuổi và gồm 8 quốc tịch: Việt Nam, Thuỵ Sĩ, Úc, Anh, Malaysia, Singapore, và Ukraine.

Khóa tu mùa Hè (04/07 – 01/08)

Khóa tu mùa Hè là cơ hội duy nhất trong năm cho các em thiếu nhi và thanh thiếu niên (teens) được về Làng tu học cùng với cha mẹ của mình. Trung bình mỗi tuần có khoảng 60 em thanh thiếu niên về Làng trong khóa tu mùa Hè. Không khí thật sống động và tươi vui.

Năm nay, các xóm của Làng đón được nhiều thiền sinh về tu học hơn mọi năm vì quý thầy, quý sư cô trong ban văn phòng mướn được thêm những nhà trọ bên ngoài. Tuần nào Làng cũng đón trên 1000 người về tu học. Mùa đông, Làng Mai chỉ có năm xóm: xóm Thượng, xóm Hạ, chùa Sơn Hạ, xóm Mới và xóm Tây Hồ (còn gọi là Happy Farm – Nông Trại Hạnh Phúc, nơi có các cư sĩ nam ở, chuyên lo trồng rau sạch cung cấp cho các xóm của Làng). Nhưng mùa hè thì có thêm xóm Đoài, xóm Trung; xóm Mới thì mở thêm nhà Đầu Thôn, nhà Giếng Thơm, nhà Lưng Đồi. Xóm Trung là xóm dành cho đồng bào người Việt, vào mùa hè còn phải thuê thêm nhà nghỉ ở ngoài mới đảm bảo đủ chỗ ở. Năm nay xóm Trung có thêm nhà Nắng Lưu Ly, có nhà vệ sinh và nhà tắm ngay trong phòng ngủ. Các bậc cha mẹ có con nhỏ tranh thủ ghi tên sớm để giữ chỗ cho bé khỏi phải ngủ lều như các năm trước. Năm nay có đoàn phim SENA từ Việt Nam sang với gia đình chị Giám Đốc Châu Thổ cùng nữ diễn viên Việt Trinh hiền từ, sâu sắc và khiêm hạ. Mọi người trong đoàn làm phim đều tham dự thời khóa rất miên mật và hạnh phúc. Một số thành viên trong đoàn còn đưa người thân sang Làng tu học. Khi về Việt Nam, những vị này cũng lập tăng thân trong nhóm để sách tấn tu học chung hằng tuần.

Khóa tu cho người Đức và người Hà Lan tại EIAB (10 – 24/08)

Vừa xong khóa tu mùa Hè, ngày 03/08/2014, một số quý thầy quý sư cô đã lên đường đi Đức để phụ tổ chức hai khóa tu tiếng Đức và tiếng Hà Lan tại Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB). Như mọi năm, Thầy và các thị giả bay sang Đức trễ hơn. Chiếc lều thật to đã căng lên làm chỗ cho Thầy giảng pháp thoại và nhiều lều nhỏ làm quán sách, phòng ăn, phòng uống trà cho thiền sinh đã được quý thầy, quý sư cô sắp xếp trước. Nhờ sáu mẫu đất có rừng, có vườn táo của Viện mà rất đông thiền sinh được cắm lều. Nhà vệ sinh và nhà tắm đã được mướn sẵn. Có một điều không may là trời mưa gần như suốt cả hai khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan. Khóa tu dành cho người Đức có cả ngàn thiền sinh tham dự mà ở trong nhà chỉ chứa được 200 người, ở khách sạn gần Học viện chưa tới 50 người. Hơn 700 thiền sinh phải cắm lều ngoài trời. Sư Ông cũng bị nhiễm lạnh vì thời tiết. Tuy lều lớn dùng làm thiền đường năm nay to hơn, có vẻ sang trọng hơn năm trước và có vách vải bọc kín hẳn hoi, nhưng gió cứ thốc từng hồi phần phật.

Thiền sinh Đức mới tới hai ngày đầu đã nổi bực vì trời mưa ướt át và lạnh quá. Trong dự tính của thiền sinh thì vào tháng 8 mùa hè, đi tu mà cắm lều thì thật tuyệt vời, tối ngắm trăng sao, sớm nghe chim hót và cả ngày được tu, được nghe pháp, được đi thiền hành với Thầy trong công viên, được ăn cơm chay do quý thầy, quý sư cô nấu rất ngon, được tham dự thiền buông thư, thiền lạy. Kể như là một cuộc du lịch tâm linh rất lãng mạn. Nhưng vừa vào khóa tu thì trời mưa ơi là mưa, cắm lều xong thì đường vào lều khá trơn trợt. Có một anh thiền sinh chỉ đem theo một cái quần ngoài bị dính bẩn và mang quần có bệt đất sét suốt tuần luôn. Nhiều vị đã định bỏ cuộc về nhà ngay, nhưng sáng ngày đầu tiên, sau khi nghe cả trăm quý thầy, quý sư cô niệm danh hiệu Bồ Tát Avalokiteshvara rất hùng và được nghe pháp thoại của Thầy thật sâu sắc, kế đến được đi thiền hành chung, hưởng năng lượng bình an và pháp đàm quá vui trong các nhóm nhỏ, rồi lại được gặp những người bạn mới dễ thương, biết lắng nghe… họ đã thay đổi ý định và quyết định ở lại cho đến hết khóa tu. Số người bỏ về trong số 1040 thiền sinh chỉ có năm sáu người! Ngày Quán niệm, trời cũng thương nên không mưa, thiền sinh được đi thiền hành với Thầy khá hạnh phúc.

Khóa tu tiếng Đức kết thúc, đại chúng có một ngày nghỉ ngơi, làm việc chuẩn bị đón hơn 530 thiền sinh về cho khóa tu tiếng Hà Lan (từ ngày 19 đến ngày 24). Những người con của xứ sở cối xay gió mang tặng cho mỗi gia đình pháp đàm rất nhiều hoa hướng dương cùng năng lượng an nhiên, nhẹ nhàng. Trời vẫn mưa nhưng có phần ít hơn khóa tu tiếng Đức. Nhờ sự yểm trợ hết lòng của tăng thân Hà Lan mà các thầy, các sư cô đỡ phần vất vả trong khóa tu. Sự kết hợp nhịp nhàng, hòa hợp của bốn chúng cùng sự trải lòng, thực tập hết mình của thiền sinh đã góp phần tạo nên kết quả tươi đẹp như những đóa hoa hướng dương mà các bạn đã mang đến đầu khóa tu.

Khóa tu tiếng Ý (26/08 – 31/08)

Năm nay, Thầy không đi Ý nên người Ý xin được về Làng để thực tập. Đoàn đi có tới 15 xe buýt và nhiều xe nhà. Thầy cho pháp thoại bằng tiếng Anh nhưng được thông dịch ra tiếng Ý từng câu. Khi có thông dịch ra tiếng Ý, các sư cô rất ngạc nhiên khi thấy nhiều vị hàng xóm của Làng đến nghe giảng trực tiếp bằng tiếng Ý. Xưa nay mình giảng tiếng Pháp họ không qua nghe pháp, nhưng nhờ có vợ chồng anh Alain, chị Tú Hoa quảng cáo nên ông bà hàng xóm D’Incau qua nghe suốt thời gian sư cô Chân Không giảng về phương pháp Làm Mới. Nghe đâu con trai ông bà mới có vấn đề, sắp bị vợ bỏ. Hy vọng ông bà nghe lọt tai vài điều để giúp được cho con trai mình. Dù mệt nhưng Thầy vẫn cố gắng ra giảng ba bài pháp thoại trong khóa tu này vì muốn giúp họ chuyển hóa và đem hạnh phúc cho hơn 700 người Ý từ xa tới tham dự.

Khóa tu mùa Thu

Sau khóa tu tiếng Ý, thầy trò được nghỉ ngơi. Mận năm nay cũng được mùa, thu hoạch được khá nhiều. Thầy ăn uống không ngon dù các sư cô nấu thật khéo với rất nhiều tình thương. Sức khỏe của Thầy cứ yếu dần. Khóa tu mùa Thu diễn ra êm đềm dù Thầy cần sự túc trực của nhiều thị giả như các thầy Pháp Hữu, Pháp Áo, Pháp Nguyện, các sư cô Chân Không, Định Nghiêm, Thao Nghiêm và Nho Nghiêm. Thời gian này tuy không có khóa tu nhưng Thầy vẫn tiếp tục giảng giải những kinh quan trọng. Thầy vẫn nhuận văn những bài giảng của Thầy để hoàn thành quyển Tri kỷ của Bụt, vẫn tiếp tục viết chú thích những bài Sám hay nhất trong Thiền Môn Nhật Tụng và có cái thấy mới nên đã dịch lại Tâm Kinh Bát Nhã.

Những ngày Quán Niệm trong khóa tu mùa Thu này đã được các giáo thọ của Làng hướng dẫn và giảng dạy. Thiền sinh vẫn đến tu học khá đông trong khi Thầy nghỉ ngơi và chữa bệnh.

Khóa tu tiếng Pháp dành cho giáo chức (25/10 – 01/11)

Thầy và Tăng thân Làng Mai đã tổ chức nhiều khóa tu chánh niệm cho các giáo chức ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á trong 30 năm qua và đã thành lập chương trình đào tạo có tên “Wake Up Schools”. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một khóa tu dành cho các giáo chức được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Khoảng 600 thiền sinh hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đã về tham dự khóa tu này. Mặc dù đang bệnh nặng, Thầy vẫn cố gắng có mặt với thiền sinh trong ngày đầu tiên của khóa tu và cho một bài pháp thoại tuy ngắn nhưng gói trọn tất cả những điều tâm huyết mà Thầy muốn trao truyền và gửi gắm đến các giáo chức: “Chúng ta không thể tiếp tục như hiện nay, vì nếu các giáo chức không có hạnh phúc, không có sự bình an và hòa hợp với nhau thì làm sao mình giúp được cho những người trẻ bớt khổ và thành công trong sự học hành. Xây dựng tăng thân là công việc tối cần và mỗi giáo chức phải là một người dựng tăng…”

Khóa An cư kết đông 2014-2015

Sáng ngày 15/11/2014, tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng đã diễn ra lễ Đối thú An cư năm 2014 – 2015. Điều đặc biệt là lễ Đối thú an cư năm nay đã diễn ra với sự chứng minh của Chư Tôn Đức cùng đông đảo quý thầy, quý sư cô lớn về từ các trung tâm Làng Mai ở Mỹ, Hồng Kông, Paris… Sự có mặt của Chư Tôn Đức và quý thầy, quý sư cô lớn khiến cho ai trong đại chúng cũng xúc động trước năng lượng ấm áp và hùng hậu của một đại gia đình tâm linh. Tất cả đại chúng đều ý thức rằng Thầy vẫn đang có mặt và đang an cư cùng đại chúng.

Mùa an cư năm nay, tại xóm Thượng và Sơn Hạ có 52 vị tỳ kheo, 18 vị sadi, 60 vị cận sự nam, tổng cộng là 130 vị; tại xóm Hạ có 57 vị tỳ kheo nữ, 5 vị sa di nữ và 13 vị cận sự nữ, tổng cộng là 75 vị; tại xóm Mới có 57 vị Tỳ kheo nữ, một Thức xoa ma na, 9 vị Sa di nữ và 18 cận sự nữ, tổng cộng là 85 vị. Như vậy, số người an cư tại đạo tràng Mai Thôn trong mùa an cư kết đông năm nay là 290 vị, tất cả đều an trú, tu tập miên mật trong 90 ngày.

Trong thời gian Thầy nằm bệnh viện, tứ chúng tu tập miên mật hơn, hết lòng hơn. Ai cũng quay về chăm sóc lấy mình để yểm trợ cho Thầy và cho tăng thân. Năng lượng tu tập tại các xóm, các trung tâm rất hùng tráng.

Thiền hành trong lãnh thổ Vatican
Nhận lời mời của Đức Giáo Hoàng Francis, dù Thầy không đi được, một phái đoàn gồm 22 quý thầy, quý sư cô Làng Mai, trong đó có sư cô Chân Không và thầy Pháp Ấn – Viện trưởng Viện Phật học Ứng dụng châu Âu (EIAB), đã có mặt tại Rome từ ngày 1 – 2/12/2014 để đại diện và chuyển tải thông điệp của Thầy đến Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới về xóa bỏ nạn buôn người, một hình thức “nô lệ hiện đại”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới (Anh Giáo, Chính Thống Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Hindu và Phật Giáo) đã quy tụ tại Vatican để cùng lên tiếng chống lại chế độ nô lệ hiện đại. Buổi gặp gỡ đã diễn ra vào sáng ngày 02/12/2014, ngày Quốc tế xóa bỏ chế độ nô lệ, tại trụ sở của Hàn lâm viện Tòa thánh ở Nội thành Vatican.

Tại buổi gặp gỡ này, sư cô Chân Không đã đại diện Thầy đọc thông điệp trước Hội nghị. Sau đó, khi ký kết bản Tuyên Bố Chung bày tỏ quyết tâm hiệp lực với nhau để xóa bỏ vĩnh viễn chế độ nô lệ hiện đại trước năm 2020 với các nhà lãnh đạo tôn giáo khác, sư cô Chân Không và thầy Pháp Ấn, đại diện cho hai chúng tỳ kheo và tỳ kheo ni của Làng, đã cùng đóng con dấu ký tên Thầy.

Một ngày trước đó (ngày 01/12/2014), phái đoàn tăng thân Làng Mai đã phối hợp với Ban Tổ chức Hội nghị để tổ chức một ngày tu tập chánh niệm chung cho các đại biểu tại Vatican. Đây là điều kiện của Thầy đưa ra khi được thư mời của đức Giáo Hoàng. Hôm đó, sư cô Chân Không và thầy Pháp Ấn thay nhau chia sẻ về sự thực tập chánh niệm, về Chỉ và Quán và Năm giới trong khi làm việc phụng sự. Một đại biểu Ấn Độ Giáo và một nữ tu Thiên Chúa Giáo cũng chia sẻ những việc làm của họ. Tất cả các đại biểu đại diện cho các tôn giáo cùng tham dự ngày tu tập chung nầy và cuối cùng gần hai trăm người đi ra khỏi sảnh đường để nghe thầy Pháp Ứng giảng và hướng dẫn đi thiền hành chung với nhau. Đức Giám Mục Marcelo Sorondo Sanchez, người đã đại diện đức Giáo Hoàng tới Làng Mai để đưa thư mời và ở lại tu tập ba ngày trên Xóm Thượng, bước thong thả bên cạnh thầy Pháp Ứng. Hẳn đây là lần đầu tiên có một tập thể đa tôn giáo bước những bước chân chậm rãi, thảnh thơi trong lãnh thổ của Vatican. Trưa hôm đó, có lẽ đây là lần đầu tiên, Vatican dọn thức ăn chay và nước uống, không có rượu cho mọi người.

Lễ xuất gia của 42 Cây Sồi Đỏ (18/12/2014)

Lễ xuất gia cho gia đình Cây Sồi Đỏ đã diễn ra vào ngày 18/12/2014 như đã dự tính, dù Thầy vẫn đang nằm trên giường bệnh. Hòa thượng Chí Mãn, sư em của Thầy từ Việt Nam qua đã thay mặt Thầy truyền giới cho các giới tử: 10 em được xuất gia tại Làng Mai, 31 em được xuất gia tại Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan và một em được xuất gia tại tu viện Lộc Uyển, Mỹ. Các sư cô, sư chú mới có các tên Trời Bến Giác, Trời Hải Thượng, Trời Hồng Bàng, Trời Văn Lang, Trời Tịnh Trú, Trời Vững Chãi, Trời Đại Địa, Trời Hoan Hỷ, Trời Dương Xuân, Trời Đại Việt, Trời An Trú; Trăng Trúc Lâm, Trăng Chánh Định, Trăng Thuần Hậu, Trăng Chánh Niệm, Trăng Chánh Tuệ, Trăng Mặc Chiếu, Trăng Thương Yêu (Bác Ái Nguyệt), Trăng Từ Hòa, Trăng Thảnh Thơi (Tự Tại Nguyệt), Trăng Viên Mãn, Trăng Thiên Lý, Trăng Từ Mãn, Trăng Thiên Ý, Trăng Bình An, Trăng Khiêm Cung, Trăng Ngân Hà, Trăng Bao Dung, Trăng Từ Bi, Trăng Hòa Hợp, Trăng Trung Hậu, Trăng Từ Hiếu, Trăng Tinh Tấn, Trăng Vô Ưu, Trăng Thiên Ân, Trăng An Lạc, Trăng Cát Tường, Trăng Tịnh Mặc, Trăng Tuổỉ Ngọc, Trăng Hòa Ái, Trăng Lam Điền, Trăng An Hòa. Sau hôm xuất gia, các sư cô, sư chú được lên bệnh viện đảnh lễ và thăm Thầy.

Cuối năm

Dù không có Thầy, thiền sinh về ăn Noel vẫn rất đông, hơn 600 người. Sư cô Chân Không cho pháp thoại đêm Noel, cám ơn thiền sinh đã chọn Làng Mai như ngôi nhà đoàn tụ. Noel đối với Tây phương là ngày về nhà đoàn tụ với những người thương như người Á Đông về quê “ăn tết” vậy. Sư cô đề nghị mỗi thiền sinh nên tập phương pháp đoàn tụ tâm và thân, nghĩa là đem tâm trở về với thân để có bình an vững chãi hơn mà tiếp xúc tâm Bụt trong người của mình, với Thượng đế trong chính mình. Sau đó sư cô chia sẻ về sự thực tập năm phép tu tập chánh niệm để nói về Năm giới rất thực tế và chấm dứt bằng sáu câu thần chú của Làng Mai.

Thần chú là gì? Là khi thân và tâm đoàn tụ, rất định tĩnh và lắng sâu, hay nói cách khác là tâm và thân trở thành một khối sáng suốt và vững chãi, thì khi đó những gì mình nói đều là thần chú cả, vì nó có thể thay đổi tình trạng một cách bất ngờ như một phép lạ.

Thần chú thứ nhất: Đương sự phải thật sự có mặt cho người kia, nhìn kỹ và thốt lên câu thần chú, như:
Mẹ ơi, bố ơi, con đang có mặt thật sự cho mẹ đây, cho bố đây. Con yêu mẹ lắm, con thương bố lắm!
Thần chú thứ hai: Công nhận sự có mặt của người kia. Đem tâm về với thân thành một khối và nhìn kỹ mẹ hay nhìn kỹ bố và thốt lên thần chú:
Mẹ ơi, bố ơi, con biết con còn mẹ, con còn bố sống bên con, nên con hạnh phúc lắm!
Thần chú thứ ba: biết người kia khổ nên mình thực sự có mặt cho người đó:
Mẹ ơi, con biết mạ đang khổ, con đang có mặt bên mẹ đây!

Thần chú thứ tư: nói cho người kia biết mình rất buồn vì cách hành xử hay nói năng của người kia nhưng nói rất nhẹ nhàng hòa ái và nói mình muốn nghe vì sao lại có sự kiện đó. Mình chưa hiểu, mình  mong thấy thêm vấn đề của phía bên kia  để hết giận.
Thần chú thứ năm: Nói cho mình và cho mọi người  biết “Đây là phút giây thật hạnh phúc”. Câu thần chú này là để bạn dừng tâm lại, nhìn kỹ hơn phút giây hiện tại để thấy được điều đó.
Thần chú thứ sáu: Khi mình bị chê, bị giận, bị trách oan, mình trở về hơi thở, thân và tâm định trong điềm tĩnh và nói với anh, hay em hay chị (người chê mình): chị chỉ đúng một phần thôi. Còn phần kia chị chưa thấy nên mới bực và nói không dễ thương vậy.
Còn khi mình được khen quá thì cũng nên trở về với hơi thở, thở cho sâu, định tâm và khiêm cung nói: chị chỉ đúng một phần thôi. Còn phần kia chị chưa thấy mặt không dễ thương của em nên mới khen em quá sức vậy.
Đó là nội dung bài pháp thoại của sư cô Chân Không như món quà cuối năm đoàn tụ gia đình của người Tây phương. Người Việt chúng ta cũng sắp về đoàn tụ Tết với gia đình, xin mời các đọc giả sử dụng thần chú với những người thân.

Tuần lễ cuối năm 2014, đầu năm 2015, số thiền sinh đến tham dự đông quá sức dự tính. Rất nhiều bạn tự mướn khách sạn bên ngoài vì biết Sư Ông đang ở bệnh viện, nghĩ rằng quý thầy, quý sư cô lo không xuể! Đêm “Giao thừa”, tổng số cũng hơn 1000 người. Ghi danh thì có 920 người nhưng từ các khách sạn Bergerac, Sainte Foy, người kéo về dự lễ khá đông và  hàng xóm đến tham dự không ghi danh trước. Thầy Pháp Đăng cho pháp thoại cuối năm, đi thiền hành và đốt lời nguyện ước trên đống lửa hồng. Buổi Văn nghệ cuối năm rất vui. Có nhiều cư sĩ lâu năm đóng góp hết lòng. Các em Wake Up các nơi về có tiết mục rôm rả nhất. Bốn mươi em trẻ Wake Up Hà Lan hát những bản nhạc tu học do các em sáng tác, 12 em nam trong đó có 5 em đang tập sự xuất gia hát nhạc Rap có nội dung tu học, biểu diễn chung với khí công rất  thời đại.

Trước khi chấm dứt chuyện Làng Mai năm qua, chúng tôi xin lược kể về tình trạng sức khỏe của Thầy mà chúng tôi biết các bạn rất quan tâm.

Từ cuối khóa tu mùa hè, Thầy đã không được khỏe lắm. Chuyến đi dạy ở Đức ngay liền đó khiến Thầy bị đuối sức vì trời mưa, lạnh và mỗi ngày phải lên xuống bốn tầng lầu do Viện Phật Học không có thang máy. Về lại Làng, Thầy vẫn gắng sức ra dạy cho khóa tu người Ý được ba hôm làm ai cũng cảm động. Tuổi đã lớn, làm việc nhiều, lại không ăn uống và không ngủ được nên sức khỏe Thầy suy giảm trầm trọng.  Ban thị giả gồm các thầy Pháp Hữu, Pháp Nguyện, Pháp Áo, các sư cô Chân Không, Định Nghiêm và Thao Nghiêm túc trực thường xuyên bên Thầy ở Sơn Cốc.  Sư cô Nho Nghiêm, vừa tốt nghiệp bác sĩ Đông y, cũng bay từ Mỹ qua để chăm sóc cho Thầy. Những khi không ngủ được, Thầy lại kêu thị giả tới để đánh máy những bài giảng mới và nhuận văn tiếp cuốn “Tri kỷ của Bụt”. Cũng trong thời gian này, Thầy có cái thấy mới về kinh Bát Nhã và đã dịch lại Tâm Kinh Bát Nhã dễ hiểu mà sâu sắc hơn. Thấy Thầy ngày càng yếu, ban thị giả năn nỉ Thầy đi bệnh viện xét nghiệm nhưng Thầy không chịu. Đến ngày 09 tháng 10, sau khi đã vào nước biển và y tá tới thử máu mà không có kết quả khả quan, Thầy mới đồng ý vào bệnh viện. Thầy ở bệnh viện một tuần, làm đủ thứ xét nghiệm rồi về lại Làng. Thời gian này ở Làng có khóa tu tiếng Pháp cho ngành giáo dục. Các giáo thọ chia phiên nhau hướng dẫn và thiền sinh cũng rất hoan hỷ với sự sắp xếp đó vì biết Thầy bệnh nặng. Vậy mà vừa hơi khỏe, Thầy lại bảo thị giả đưa Thầy ra giảng đường để thuyết pháp cho mọi người an tâm. Không ai ngờ là Thầy có thể giảng tới 45 phút như vậy. Rất đông thiền sinh cảm động quá đã bật khóc.

Cuối tháng 10, nhiều bác sĩ Đông y, Tây y được mời tới Làng để chữa trị cho Thầy nhưng đều không giúp được vì Thầy đã bị suy dinh dưỡng nặng, thiếu protein trầm trọng, đã vậy huyết áp có lúc lên rất cao, nhịp tim đập nhanh, chân sưng không đi lại được nên Thầy quyết định vào bệnh viện Polyclinique Nord Aquitaine điều trị. Bệnh viện này dễ thương lắm, cho phép một thầy thị giả được ngủ chung trong phòng Thầy ban đêm và ban ngày thì cho các thị giả được vào chăm sóc. Có lần thấy các thị giả ngủ ngoài hành lang, họ kéo giường tới cho mượn và thậm chí khi phòng đối diện không có bệnh nhân, họ cho mình mượn luôn để ngủ qua đêm. Ban thị giả, lúc này có thêm các thầy Pháp Linh và Pháp Đại, đã mướn hai phòng của một khách sạn gần đó (một cho các thầy, một cho các sư cô) để thay phiên qua bệnh viện chăm sóc Thầy 24/24 cho tiện. Ở đây, Thầy được chăm sóc chu đáo, sức khỏe đang hồi phục thì đột nhiên lúc 4 giờ sáng ngày 11 tháng11, Thầy có triệu chứng bị đột quỵ. Khi vừa kêu được thầy Pháp Áo đang ở gần đó đến bên Thầy thì Thầy không còn nói được nữa và bị hôn mê. Trúng ngày nghỉ lễ 11/11 của Pháp nên y tá không kêu được bác sĩ tới liền và bốn tiếng sau họ mới đưa Thầy đi chụp hình não. Kết quả cho thấy là Thầy bị xuất huyết não ở bán não trái và chỗ bị xuất huyết rất to, khoảng 1/3 diện tích của bán não, lại nằm giữa bộ óc nên không thể làm gì được trong tình trạng sức khỏe mong manh của Thầy. Bác sĩ thông báo là Thầy chỉ có thể sống được trong vài giờ tới vài ngày mà thôi. Trong khi mọi người tuyệt vọng thì may có bác sĩ Thái từ Paris, vốn là một bác sĩ đại diện cho Trung tâm nghiên cứu khoa học toàn quốc (CNRS – Centre national de recherches scientifiques) đã làm việc với các bác sĩ trong tất cả mọi chuyên khoa của nhiều nhà thương nên có rất nhiều kinh nghiệm, hướng dẫn và động viên các thị giả là vẫn còn cơ hội để não tự phục hồi. Các thân hữu của Làng, anh Pritam và anh Hussman, vận dụng sự quen biết của mình để giúp ban thị giả được tham vấn với bác sĩ Ming Ming, chuyên điều trị stroke nổi tiếng ở Mỹ (bệnh viện Massachusset) và bác sĩ Rouanet, phụ trách về chuyên khoa não bộ ở bệnh viện Pellegrin, Bordeaux. Sau đó hai ngày, Thầy được chuyển qua khu cấp cứu của bệnh viện Pellegrin là bệnh viện hàng đầu của Pháp về chuyên khoa não bộ.

Ở Pellegrin, bác sĩ Rouanet trực tiếp phụ trách việc điều trị Thầy với sự hợp tác của bác sĩ Ming Ming từ Mỹ. Ban thị giả cũng được phép túc trực 24/24 với Thầy và được các y tá chỉ cho cách sử dụng máy hút đàm, cách theo dõi các ghi nhận sức khỏe trên màn hình, cách thay đổi tư thế nằm cho Thầy sau mỗi bốn tiếng. Mỗi thị giả đều học hỏi để trở thành một “y tá phụ”, chăm sóc và theo dõi bệnh trạng của Thầy giúp các y tá. Lúc này, tin tức về Thầy đã lan truyền trên mạng và có nhiều tin đồn thất thiệt về tình trạng của Thầy nên sư cô Hiến Nghiêm, ngày xưa làm ở đài BBC, hiện đang phụ trách về PR của Làng, đã gia nhập ban thị giả để vừa giúp thông dịch tiếng Pháp vừa đưa tin ra. Sư cô Thoại Nghiêm, một sư cô lớn, cũng gia nhập ban thị giả để giúp sư cô Chân Không vừa lo cho Thầy vừa lo cho những việc ở Làng. Quý tôn túc khắp nơi không quản đường xa bay qua, trước là thăm Thầy, sau là để yểm trợ cho đại chúng đang trong mùa An Cư (ngày Đối thú diễn ra bốn ngày sau khi Thầy bị xuất huyết não). Hàng triệu độc giả, “fan” trên facebook, thân hữu, đệ tử cư sĩ, xuất sĩ khắp nơi đều được mời cầu nguyện cho Thầy trong những ngày Thầy đang đi qua ranh giới của sự sống chết. Mười ngày sau, hình chụp RMI cho thấy chỗ xuất huyết không nhỏ lại mà còn phù lan thêm qua bán cầu phải. Bác sĩ ở Pellegrin cũng nghĩ là Thầy không qua khỏi và đã ký giấy để đưa Thầy về Làng. Tuy nhiên, nếu không thấy hình chụp thì tình trạng lâm sàng của Thầy vẫn khá ổn định nên ban thị giả vừa tiếp tục chăm sóc cho Thầy vừa cầu nguyện. Và phép lạ đã xảy ra khi vài ngày sau, Thầy bắt đầu mở được mắt, lúc đầu khó khăn nhưng từ từ mở được lâu hơn, to hơn. Ngày 30/11 hình chụp cho thấy chỗ bọc nước bao quanh cục máu bầm đã nhỏ lại. Lúc đó bác sĩ Rouanet tuyên bố là tới hôm nay ông mới có hy vọng Thầy sống được. Ông thú nhận: “Je suis  absolument ignorant en ce qui concerne le cerveau humain!” (Là một bác sĩ về não bộ nhưng trong trường hợp của Thầy, tôi thấy mình thật sự chưa hiểu gì về não bộ hết). Thầy bắt đầu tỉnh thêm, rồi gật đầu, lắc đầu, xoay đầu. Tuy chậm, nhưng mỗi ngày đều có một dấu hiệu tích cực mới.

Để cám ơn sự hợp tác của bác sĩ Rouanet, bác sĩ Ming Ming đề nghị mình hỏi xem có thể tặng ông ta cái gì. Câu trả lời là sự thao thức của bác sĩ Rouanet về việc trang bị một máy chụp RMI tiên tiến nhất cho bệnh viện để giúp bệnh nhân được hữu hiệu hơn. Tiền mua máy họ đã có nhưng tiền để lắp đặt thì chưa được chính phủ đồng ý nên họ cần sự đóng góp của nhiều người để làm sức ép vận động chính phủ. Vì vậy trong lá thư kêu gọi hỗ trợ tài chánh để giúp ban thị giả trả tiền nhà và chi phí chăm sóc sức khỏe cho Thầy, sư cô Chân Không cũng xin trích một phần để gởi cho chương trình vận động này. Mặt khác, những người nào (đa số là người Pháp) hỗ trợ ý nguyện này thì gởi thẳng tiền tới bệnh viện. Sau gần hai tháng, bác sĩ Rouanet vui vẻ báo tin là chương trình chấm dứt vì sức ép đã đủ, chính phủ đã cho việc này lên lịch để tiến hành vào năm tới. Xin cám ơn thân hữu xa gần đã hết lòng tiếp tay cho việc công ích này.

Năm mới Ất Mùi, xin kính gửi đến chư tôn đức, các bạn thiền sinh và thân hữu xa gần hai câu đối của Thầy để chúng ta cùng thực tập, đem lại niềm vui và bình an cho những người thương trong năm mới:

Càng nhìn càng hiểu rõ
Biết lắng biết thương sâu.