Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Hạt lành đã đơm hoa

Chân Hài Nghiêm

Con rất hạnh phúc khi có cơ hội được chia sẻ một chút về cuộc “phiêu lưu” tuyệt vời mà con đã tham dự vào mùa thu vừa qua khi chúng con gồm bốn thầy (Pháp Liệu, Pháp Lưu, Pháp Khải, Pháp Thệ), ba sư cô (Bội Nghiêm, Sứ Nghiêm và con là Hài Nghiêm) cùng ba cư sĩ có một chuyến hoằng pháp tại năm nước Mỹ La-tinh (Chile, Ecuador, Colombia, Nicaragua và Mexico). Chúng con đã có các hoạt động như: pháp thoại công cộng, hướng dẫn các ngày quán niệm và tổ chức các khóa tu. Chuyến đi này cũng giống như một hạt giống đã được gieo trồng từ mười năm qua, và giờ đây khi các nhân duyên hội tụ đầy đủ thì nảy mầm, đơm hoa.

Chúng con, bảy vị xuất sĩ và ba cư sĩ cùng tạo thành một tăng đoàn tứ chúng thu nhỏ. Dù chưa có dịp biết nhau nhiều nhưng chúng con tin rằng tổ tiên đất đai Mỹ La-tinh đã chọn chúng con và mong muốn chúng con đi với nhau như một dòng sông trong chuyến đi sáu tuần ấy để cùng nhau thực tập và hiến tặng các pháp môn tu tập của Làng Mai đến hàng ngàn người dân trên mảnh đất này.

Đồng hành cùng các vị Bồ tát

Con muốn giới thiệu về ba người bạn cư sĩ, những vị bồ tát cùng đi trong nhóm. Người đầu tiên là anh Wouter Verhoeven, một nhà làm phim đến từ Hà Lan, thực tập chánh niệm rất giỏi trong khi làm công việc quay phim.  Anh làm việc rất chăm chỉ, từ sáng sớm cho đến tối mịt. Anh quay hết các buổi pháp thoại của quý thầy và quý sư cô bằng tiếng Tây Ban Nha, rồi quay cả những hình ảnh thực tập của các thiền sinh ở năm nước mà chúng con đã đi qua. Anh ấy có thể thu vào máy sự tĩnh lặng của các thời thiền tọa mà không làm phiền đến một ai. Anh làm việc yên đến nỗi chúng con thường không biết là anh đang đứng đâu đó trong thiền đường với máy quay phim… Giờ đây Wouter đang sử dụng những tư liệu mà anh đã quay được trong suốt chuyến đi để làm thành một phim tài liệu, chia sẻ pháp môn thực tập Làng Mai đến mấy chục hay thậm chí mấy trăm ngàn người nói tiếng Tây Ban Nha trên thế giới.

Bên cạnh đó, chúng con cảm thấy rất may mắn với sự có mặt của Aurora Conde và Joaquin Carral, một đôi bạn trẻ người Mexico. Họ đã tham gia tăng thân Wake Up ở New York từ rất nhiều năm. Họ cũng là những người tiên phong xây dựng tăng thân Latino tại New York. Cả hai người đều rất tốt, vui nhộn, rất thuần thành với pháp môn và nhất là rất thương quý các thầy, các sư cô. Cả hai là những bác sĩ có tâm muốn quảng bá lợi ích về sức khỏe của việc ăn chay (mà không dùng các sản phẩm từ sữa – Veganism) đến cho cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha. Cũng giống các thầy và các sư cô, hai bạn trẻ này rất thích các món ăn ngon lành làm từ rau củ quả ở Nam Mỹ nên trong chuyến đi, các bạn luôn được mời chia sẻ về pháp môn thiền ăn và giới thứ năm về sự thực tập tiêu thụ có chánh niệm. Ngoài ra hai bạn còn thông dịch không mệt mỏi từ tiếng Anh ra tiếng Tây Ban Nha (hay ngược lại) và hướng dẫn thiền buông thư.

Giờ thì con sẽ kể một vài chuyện đã xảy ra trong suốt chuyến đi từ Chile, Ecuador sang Colombia, Nicaragua đến Mexico. Nhưng trước tiên nếu ai có một tấm bản đồ gần đó thì xin hãy nhìn qua để biết các nước đó nằm ở đâu trên quả địa cầu.

Thiền quýt tại Santiago, Chile

Tại Santiago – thủ đô của Chile, chúng con đã chia sẻ về thiền quýt ít nhất là ba lần, mỗi lần đều do một thầy hoặc một sư cô khác nhau đảm trách. Chia sẻ vui nhất là của thầy Pháp Khải. Mới đầu thầy mời mọi người nhận diện hình dáng, màu sắc và kết cấu của trái quýt, quán chiếu thật sâu để thấy được các nhân duyên đã tạo nên trái quýt như là cây quýt, mưa, mặt trời, người nông dân…, cũng như thấy được những tiềm năng có trong trái quýt. Thầy nói: “Bạn biết không, trái quýt này có thể trở thành… một bài hát, bởi vì khi ăn trái quýt này ta thấy hạnh phúc, và khi hạnh phúc thì có thể ta muốn sáng tác một bài ca! Bây giờ thì ta hãy từ từ lột vỏ quýt. Cố gắng đừng phạm vào múi quýt nhé! Ngửi, mỉm cười, thấy nước bọt đang ứa ra, lấy một múi quýt đặt trên lưỡi… Đừng vội cắn! Từ từ nhai, để ý tới từng cử động của lưỡi và hàm trước khi nuốt nhé!”.

Thiền điện thoại tại Ecuador

Sau chín ngày ở Chile, chúng con đến Ecuador vào ngày 01/10. Buổi tối đầu tiên tại Ecuador, chúng con có một buổi sinh hoạt tại trường Đại học Simon Bolivar. Con sẽ nhớ hoài bài thực tập do sư cô Bội Nghiêm hướng dẫn: bạn hãy đưa điện thoại di động đã tắt ra trước mặt và dùng nó như một tấm gương. Hãy mỉm cười với bóng mình trong điện thoại, sau đó tạo vẻ mặt giận dữ, rồi lại mỉm cười. Bạn cảm thấy như thế nào? Bạn có thể nói với chính mình “Tôi thương bạn lắm” trước khi gọi điện cho một người nào đó. Làm thế nào ta có thể thay đổi thế giới nếu như ta không thương được chính bản thân mình? Nếu muốn tâm được tự do, muốn thương và được thương thì chúng ta cần có một chiều hướng tâm linh cho tất cả những hoạt động trong đời sống hàng ngày, bắt đầu từ những việc bình thường nhất như nói chuyện trên điện thoại.

Khi chia sẻ về thiền ăn, chúng con phát hiện ra là ở Ecuador, phần đông mọi người rất may mắn, vì ở đây bữa cơm gia đình hàng ngày vẫn còn được duy trì. Đây là một bài học rất lớn mà con đã học được từ người dân Ecuador. Khi chúng con cho vấn đáp, có một vị đại diện cho Bộ chăm lo Hạnh phúc của toàn dân (đúng vậy, ở Ecuador có một bộ như thế đó, tên tiếng Tây Ban Nha là “Ministerio del Buen-Vivir”) đã lưu ý chúng con về tình trạng bạo động ngày càng phổ biến trong các em trai tuổi thanh thiếu niên. Dựa vào những tuệ giác mà Thầy đã trao truyền về vấn đề này trước đây, chúng con đã gợi ý rằng: điều mà ta có thể làm để cải thiện tình trạng này là cố gắng tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn nào đã dẫn các em đến những hành vi bạo động đó, và chúng ta làm tất cả những gì có thể để biểu lộ sự quan tâm và thương yêu đối với các em, hơn là sự trừng phạt. Ngoài ra chúng con còn khuyến khích người lớn dạy chánh niệm và từ bi cho con em của mình từ khi các em còn rất nhỏ; xây dựng môi trường sống an toàn, có thương yêu để cho các hạt giống bạo động không có cơ hội được tưới tẩm.

Một hướng đi tâm linh cho người trẻ Colombia

Sau bảy ngày ở Ecuador, chúng con đến với đất nước Colombia. Có thể nói đây là một đất nước nổi tiếng nhất Nam Mỹ về tình trạng bạo động. Tin tức về bạo động xảy ra ở đất nước này luôn chiếm phần lớn trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, chuyến viếng thăm của chúng con ở đây rất tuyệt vời. Chúng con rất xúc động và có nhiều hứng khởi khi được chứng kiến hàng trăm người đang hướng về một đời sống tâm linh, đặc biệt là các bạn trẻ và các gia đình có con nhỏ. Chúng con đã có một khóa tu ba ngày trên một ngọn núi cao 3000 mét so với mặt nước biển. Từ trong nhà nhìn ra ngoài cửa sổ, ta dễ dàng bắt gặp những chú chim hummingbird đang chao liệng trong không gian. Trong khóa tu, có một buổi vấn đáp thật sống động và sâu sắc, kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ với rất nhiều câu hỏi dành cho quý thầy, quý sư cô. Có một số câu hỏi đã được trả lời rất chính xác và ngắn gọn: “Làm sao để buông bỏ được quá khứ? – Hãy thở”. “Làm thế nào khi tiếp xúc với những người có cách nhìn tiêu cực? – Hãy giữ thái độ tích cực”.

Nhưng điều đáng nhớ nhất chính là tinh thần gắn kết, cởi mở và đầy nhân bản tràn ngập thiền đường trong buổi sáng hôm ấy, ngày kết thúc khóa tu. Sau buổi thiền hành cuối cùng, Camilo – một thiền sinh trong tăng thân, cũng là một diễn viên và là người đang tham gia một dự án thúc đẩy hòa giải của Liên hiệp quốc – đã cống hiến một vở kịch câm có tên “Mindfoolness” (một cách chơi chữ với từ “mindfulness” – chánh niệm, còn fool trong mindfoolnesss có nghĩa là khờ, là ngốc nghếch). Đó là một vở kịch châm biếm về sự điên rồ của lối sống hiện nay và về sự thực tập của một người đang tu thiền.

Nét đẹp nơi mảnh đất và con người Nicaragua

Nước thứ tư trong hành trình tại Nam Mỹ là Nicaragua. Đây là đất nước để lại dấu ấn trong con nhất, có lẽ vì sự nghèo đói và một lịch sử chông gai qua nhiều thế kỷ mà hậu quả của nó vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân. Mặc dù như thế, con vẫn thấy có rất nhiều cái đẹp nơi mảnh đất và con người nơi đây. Thầy Pháp Liệu nói là trong năm nước mà chúng con đi qua, đây là đất nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam nhất, có lẽ một phần là vì ở đây có rất nhiều loại cây trái giống ở Việt Nam như ổi, xoài…

Con rất vui vì phần lớn những người tham dự khóa tu cuối tuần ở Managua – thủ đô của Nicaragua là các tác viên xã hội, các nhà hoạt động xã hội, và cả những người trẻ đang làm công tác bảo vệ phụ nữ khỏi nạn bạo hành trong gia đình hoặc giúp cho trẻ em có hoàn cảnh sống nghèo khổ, đầy hiểm nguy, những trẻ em đường phố, nạn nhân của lạm dụng tình dục, nghiện ngập… Ngoài ra, tham dự khóa tu còn có một số thanh thiếu niên đã thoát ra từ các hoàn cảnh khó khăn như thế và những phụ nữ đã thành lập các hợp tác xã nông nghiệp… Giờ đây, rất nhiều vị Bồ tát như thế đã biết cách thở và đi trong chánh niệm để tiếp tục giúp cho chính mình và cho quê hương.

Vào ngày cuối của khóa tu, chúng con cùng nhau trồng một cây ổi để làm kỷ niệm. Cây ổi này sẽ cùng lớn lên với 500 cây ăn trái khác do tăng thân Làng Mai cúng dường cho hợp tác xã của phụ nữ ở Rio Blanco như là một biểu tượng của tình thương đối với các thế hệ tương lai. Đây cũng là một hành động có ý nghĩa góp phần giảm thiểu khí carbon do những chuyến bay xuyên lục địa thải ra.

Chuyển hóa bạo động và sợ hãi ở Mexico

Sau Nicaragua là Mexico, chặng cuối cùng của chuyến “phiêu lưu” Nam Mỹ. Một sự kiện bất ngờ và nặng nề chào đón chúng con ngay khi máy bay vừa đáp xuống: cả đất nước Mexico đang vô cùng bức xúc trước sự mất tích của bốn mươi ba người trẻ. Sự kiện này giống như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, bởi vì đã có hơn chục ngàn người đã bị mất tích hoặc bị giết hại trong mấy năm qua, nghe đâu do những người buôn lậu ma túy gây ra. Vì thế, trong một cuộc họp báo, chúng con đã giới thiệu phương pháp chăm sóc các cảm xúc mạnh như giận dữ, sợ hãi, tuyệt vọng dựa trên hơi thở ý thức và phương pháp lắng nghe với tâm từ bi. Thầy Pháp Lưu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các cộng đồng có thương yêu để ngăn ngừa và làm chấm dứt tình trạng bạo động đang lan tràn. Thầy đã dùng bộ phim “Mateo” của đạo diễn Maria Gamboa để làm một thí dụ gây rất nhiều cảm hứng. Phim được sản xuất ở Colombia năm 2014 và đã được đề cử cho giải Oscars.

Trong suốt thời gian diễn ra khóa tu tại Mexico, lúc nào con cũng có cảm giác như mình đang sống cùng gia đình huyết thống. Đêm 31/10, chúng con tổ chức một buổi lễ tưởng niệm những người đã khuất, nhân dịp đất nước này đang nhộn nhịp với lễ hội “Dia de los Muertos” – một lễ hội của những người chết, khá nổi tiếng ở Mexico. Trên bàn thờ được trang trí theo kiểu truyền thống có để di ảnh của những người thân đã mất do các thiền sinh mang tới. Buổi lễ bắt đầu bằng những phút mặc niệm, sau đó mọi người niệm tên của người thân trong gia đình, của các vị thầy tâm linh và tổ tiên đất đai, những người đã hiến tặng rất nhiều tình thương và công sức để cho chúng ta được bình an và hạnh phúc như ngày hôm nay.

Thầy Pháp Liệu đã hướng dẫn mọi người cách tiếp xúc với tổ tiên để có thêm sức mạnh giúp ta đi qua những giai đoạn khó khăn. Thời nay, các bạn trẻ hiếm có cơ hội được tiếp xúc với chính mình, với những cảm xúc trong con người mình, nói chi đến việc tiếp xúc với tổ tiên. Đó là lý do tại sao thắp một nén hương lên bàn thờ tổ tiên và theo dõi hơi thở vào ra là một cách để đưa thân tâm trở về một mối, để tiếp xúc với tình thương, với sức mạnh của dòng chảy tâm linh cũng như huyết thống trong ta, từ quá khứ cho đến hiện tại và tương lai.

Chúng con cùng tất cả các thiền sinh đã đứng rất lâu xung quanh một đống lửa. Mỗi người bỏ vào lửa một mảnh giấy, trong đó có ghi lại lời phát nguyện chuyển hóa những tập khí tiêu cực của mình và hiến tặng bình an cho thế giới. Hành động này là biểu tượng cho niềm tin vào tăng thân, niềm tin vào mọi người, mọi loài đang giúp chúng ta thực hiện ước mơ có ý nghĩa nhất của mình.

Có một cái gì đó thật sự đã đánh động tâm tư con trong những ngày cuối cùng ở Mexico, đến lúc này đây, khi nhìn vào những tấm hình chụp con mới nhận ra, đó là sự kết hợp hài hòa và tuyệt đẹp giữa các thầy, các sư cô Tây phương với các thầy, các sư cô người Việt. Dĩ nhiên một tăng đoàn quốc tế thu nhỏ, gồm những người tu cùng một màu áo nhưng có gốc gác khác nhau như Việt Nam, Pháp, Mỹ, Lebanon, Đức, Đông Âu và Madagascar… tự nó đã là một cái gì quá đặc biệt rồi. Ngoài ra địa điểm tổ chức khóa tu lại là một tu viện Công giáo dòng Benedictine ở Nuestra Senora de los Angeles. Đây là một nơi đầy năng lượng an lành nhờ sự thực tập và cầu nguyện tinh chuyên, sự phụng sự hết lòng và thái độ vô cùng cởi mở của mười bốn tu sĩ dòng Benedictine sống ở đây. Quý cha đã cho phép tổ chức một khóa tu đạo Bụt ở tại tu viện cho khoảng 150 người.

Thực tế thì trong những chuyến đi hoằng pháp trước đây, mỗi khi thấy tăng đoàn được đón tiếp niềm nở bởi các tu sĩ Công giáo, con luôn cảm thấy vô cùng may mắn và biết ơn vì con có khả năng kết hợp cả hai truyền thống trong sự thực tập của chính mình. Có lần ở một cửa hàng lưu niệm ở Columbia, có người hỏi quý thầy, quý sư cô có phải là những tu sĩ dòng Francis hay không. Nhìn lại, con thấy cũng hơi giống thật! Dù sao đi nữa thì con cũng thấy rất được khích lệ trước viễn cảnh Thiền Phật giáo có thể đi vào châu Mỹ La-tinh một cách rất tự nhiên (bởi vì đây chính là lục địa mà phần lớn người dân đều theo đạo Công giáo trong một vài thế kỷ gần đây). Điều này cũng sẽ góp phần vào nền hòa bình trên thế giới.

Ngoài hai dòng tâm linh đạo Bụt và đạo Thiên Chúa, dòng tâm linh thứ ba đã nuôi dưỡng từng hơi thở và bước chân của con trong cuộc hành trình này là tuệ giác của những người dân bản địa Mỹ La-tinh. Con luôn luôn cảm thấy rúng động trước sức mạnh của các giá trị tâm linh trên mảnh đất này, thí dụ như sự tôn trọng và kính ngưỡng đối với đất Mẹ, với mọi người và mọi loài; thái độ cởi mở để tiếp nhận những hiểu biết mới mẻ; sự phóng khoáng và lòng tri ân… Qua sự tiếp xúc với người dân nơi đây, mặc dù không nói ra bằng lời nhưng con cảm nhận được ý nghĩa thật sự của tình huynh đệ mà Thầy luôn muốn chúng con chế tác.

Đối với con, chuyến đi này quả là một món quà, vì qua chuyến đi con có cơ hội làm lớn lên tình thương trong con. Con thực sự biết ơn Thầy, biết ơn Tăng thân cũng như tất cả mọi người mà con có cơ duyên gặp gỡ trong cuộc hành trình, những người đã chỉ cho con biết làm thế nào để có thể trở thành một pháp khí tốt hơn. Trước khi lên máy bay về lại Pháp, Wouter đặt cho chúng con câu hỏi: “trong trái tim bạn, chánh niệm có nghĩa là gì?” (what mindfulness means in our heart?) và đề nghị mỗi người chúng con trả lời bằng một từ thôi, tiếng Tây Ban Nha. Và câu trả lời của con là: Esperanza – Hy vọng!