Lá thư Làng Mai 38 – 2015

Có dễ hiểu không con

Chân Định Nghiêm

Thường sau các buổi pháp thoại, Thầy tôi hay hỏi: “Có dễ hiểu không con?”. Đối với tôi, bài pháp nào Thầy giảng cũng thật dễ hiểu, kể cả những đề tài khó học như giáo lý Trung Quán hay Duy Biểu. Ngay cả bọn con nít cũng hiểu được sự thật về vô sinh bất diệt khi Thầy đưa ra những ví dụ cụ thể như hạt bắp không bao giờ chết mà vẫn tiếp tục nơi cây bắp, hay đám mây không bao giờ mất mà luôn còn có mặt trong tuyết, trong mưa, v.v.

Tuy pháp Thầy dạy dễ hiểu như vậy, nhưng tôi không bao giờ dại gì nói hớ: “Bạch Thầy, con đã hiểu!”. Đó là vì có lần chúng tôi đã từng được nghe câu chuyện đức Thế Tôn dạy thầy A Nan: “Này thầy A Nan, thầy đừng vội nói rằng thầy đã hiểu giáo lý duyên khởi. Giáo lý này thậm thâm vi diệu vô cùng, cần phải học và hành cả đời mới mong hiểu thấu”. Tuy rằng chưa từng trả lời hớ với Thầy lần nào, trong thâm tâm tôi cũng ngấm ngầm tin rằng mình đã hiểu, ít nhất là những điều căn bản mà Thầy thường dạy. Mãi cho đến gần đây, mới gần đây thôi, tôi mới phát hiện ra rằng ngay cả những điều căn bản nhất, xưa nay tôi cũng chẳng hiểu gì cả.

Như các bạn đã biết, cuối năm ngoái Thầy bị xuất huyết não và nằm trong hôn mê nhiều tuần. Trước đó hơn ba tháng, Thầy bắt đầu yếu và ngã bệnh, vì vậy các thị giả luôn túc trực bên Thầy từ lúc đó. Một trong những điều mà các vị thị giả không bao giờ được quên là Thầy ở đâu thì cái đồng hồ nhỏ kêu tích tắc phải ở đó. (Những cái đồng hồ kêu tích tắc bây giờ rất hiếm có. Ngoài chợ, họ chỉ toàn quảng cáo và bán các loại đồng hồ không gây tiếng động). Như bạn đã từng nghe trong nhiều bài pháp thoại, Thầy dạy chúng ta cách dùng tiếng tích tắc của đồng hồ để duy trì hơi thở chánh niệm. Một hơi thở vào có thể kéo dài 5 hay 7 giây và hơi thở ra 7 hay 9 giây, hoặc lâu hơn nữa. Nếu bạn đã từng thử phối hợp hơi thở với tiếng tích tắc của đồng hồ, chắc hẳn bạn cũng đã cảm được thực tập như vậy thì dễ dàng và dễ chịu như thế nào phải không? Trong thời gian Thầy bệnh, các thị giả mới có cơ hội ở bên Thầy 24 trên 24 giờ, và đã chứng kiến Thầy đã thực tập như vậy ngày cũng như đêm, Thầy chưa bao giờ rời cái đồng hồ. Trong nhà, bất kỳ khi Thầy ngồi hay nằm ở đâu thì cái đồng hồ cũng được đặt trên chiếc bàn thấp ngay sát đó. Ngoài trời, trong khi Thầy ngồi nghỉ ngơi dưới những cây tùng hùng vĩ ở Sơn Cốc hay dạo chơi trong sân hoa của Nội viện, Thầy luôn đặt cái đồng hồ trong chiếc nón len nâu ngay phía trên lỗ tai.

Vì vậy trong khi Thầy hôn mê, các thị giả đã không quên đặt chiếc đồng hồ bên cạnh Thầy. Trước kia, ngay cả trong những giấc mơ khi ngủ, Thầy cũng đã thấy mình thực tập an ban thủ ý và đi thiền hành. Trong lúc hôn mê, Thầy đã luôn tiếp tục thở thật sâu, khi tất cả các thức, trừ mỗi một tàng thức, đều đã ngưng hoạt động. Thầy đã không hề cần đến máy thở như đa số các bệnh nhân ở tình trạng nặng như thế. Theo các bác sĩ chuyên môn về não bộ, sau cơn xuất huyết não, từ ngày thứ ba đến ngày thứ năm bộ óc bệnh nhân sưng to nhất và họ thường chết trong khoảng thời gian này. Mặc cho những gì xảy ra trong những ngày ấy, tàng thức của Thầy cứ thản nhiên tiếp tục thực tập an ban thủ ý một cách miên mật, không ngừng nghỉ.

Trong khi hôn mê, người bệnh mất đi khả năng nuốt. Trong khi đó thì hai lá phổi và hệ thống hô hấp phản ứng bằng cách tiết ra rất nhiều đàm. Vì không được nuốt, đàm có thể chảy vào phổi và gây nhiễm trùng phổi. Do đó có nhiều bệnh nhân chết không phải vì xuất huyết não hay hôn mê mà vì bị nhiễm trùng phổi sau đó. Trong suốt thời gian này, các thị giả liên tục hút đàm cho Thầy ngày cũng như đêm. Tuy nhiên, vẫn còn đàm rất sâu dưới cổ họng không hút tới được, vì vậy có một hôm, hình phổi của Thầy cho thấy rằng lá phổi bên trái vừa bị nghẽn bởi đàm. Lúc bấy giờ, Thầy chỉ thở bằng mỗi lá phổi bên phải. May thay, bác sĩ đã phát hiện kịp thời và đặt một cái máy để giúp Thầy thở vào sâu và mạnh. Khi đẩy dưỡng khí vào đầy phổi thì màng phổi hai bên tự động tách ra và lá phổi sẽ được thông trở lại. Đây không phải là máy thở, và nếu dùng máy này lâu, bệnh nhân sẽ đánh mất khả năng tự thở. Vì vậy Thầy chỉ được dùng máy trong vòng vài giờ đồng hồ chiều hôm đó, ngưng vài giờ rồi lại được tiếp tục chỉ trong một đêm. Kết quả ra sao thì sáng hôm sau, hình phổi sẽ cho biết.

Trong suốt khoảng thời gian thập tử nhất sinh, đây là lần đầu tiên tôi thật sự cảm nhận được ý nghĩa của: “Hơi thở là trị liệu”, “hơi thở là phép lạ”. Chưa bao giờ tôi biết trân quý hơi thở như vậy, hơi thở của người bệnh, hơi thở của chính mình, hơi thở đơn thuần mà không cần biết hơi thở của ai. Trong phòng cấp cứu, tôi hạnh phúc khi thấy Thầy vẫn còn thở. Tiếng thở đều của Thầy hòa vào và trở thành một với tiếng thở của các thị giả, với tiếng thở của tất cả các huynh đệ gần xa và của tất cả các bạn cư sĩ trên thế giới, những người cùng thực tập để cầu nguyện cho Thầy. Tất cả những lo lắng, tuyệt vọng, những lời tuyên bố của bác sĩ về kết quả hình chụp, v.v. đều đã được bỏ lại ngoài cửa. Trong phòng Thầy chỉ có hơi thở chánh niệm. (Sau này nghe kể lại, chúng tôi mới biết rằng các bác sĩ và y tá đã thường vào phòng Thầy để thâu nạp năng lượng bình an vào những giây phút căng thẳng nhất trong công việc).

Tôi đã tập nhìn thấy sự có mặt của Thầy khắp nơi chứ không phải chỉ trong hình hài này, nhưng tôi cũng vô cùng biết ơn Thầy đã tiếp tục thở. Tôi biết ơn mẹ tôi ở bên kia vòng trái đất. Mẹ tôi không cần phải làm gì, chỉ cần thở thôi cũng đủ làm cho tôi tràn đầy hạnh phúc rồi. Những người tôi thương cũng vậy. Và chính bản thân tôi, tôi biết rằng khi tôi thở giỏi, tôi cũng làm cho mọi người yên lòng.

Có những biến cố đau thương trong cuộc đời làm chúng ta lớn lên và thay đổi hoàn toàn, như da cây hé nứt đau đớn để cho những chồi non mới chào đời. Nếu cái “chết” của ba tôi đã làm tôi tái sanh để bắt đầu một cuộc sống mới, thì giờ đây cơn bệnh của Thầy cũng đang làm tôi lột xác để trở thành một con người mới.