Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Vẫn một niềm thương

Chân Chuẩn Nghiêm

 

Hôm nay khi lật xem cuốn lịch năm mới 2014, con thấy có hình cổng Tam Quan, nhà Thủy Tạ và hồ Sao Mai, con bỗng nhớ tới chùa Tổ và Diệu Trạm quá chừng. Vậy nên con xin viết đôi dòng cho bớt nhớ. Những tháng ngày con ở Diệu Trạm, Từ Hiếu không quá nhiều nhưng cũng không quá ít, chừng đó đủ để cho con nhớ và thương. Đó là những tháng ngày thật đẹp. Con thương mùi hoa Sứ, nhớ mùi hoa Mưng và nhớ những buổi ngồi chơi của hai chúng. Càng viết thì bao nhiêu kỉ niệm càng hiện ra rõ ràng hơn trong con.

Nhớ mùa hoa Sứ

Vẫn một niềm thươngBên cạnh hồ Bán Nguyệt có rất nhiều cây bông Sứ. Cây đã nhiều tuổi, thân xù xì nhưng vẫn cho rất nhiều hoa. Con không nhớ chính xác là hoa nở vào tháng mấy nhưng đó là những ngày nắng và khô. Vào những ngày quán niệm, chúng con được qua chùa Tổ sớm để sắp xếp thiền đường. Không gian ở chùa Tổ vào buổi sớm mai thật yên tĩnh và mát mẻ. Trên đường từ Diệu Trạm qua Từ Hiếu chúng con đã lượm rất nhiều hoa Sứ để trang trí thiền đường. Ngày thứ Năm, đại chúng được ăn cơm vòng tròn, giữa vòng tròn rải đầy hoa Sứ, thỉnh thoảng có những chữ “thở” và “cười” được kết bằng hoa Sứ thơm lừng.

Vào những đêm trăng sáng, đại chúng được thiền trăng bên nhà Thủy Tạ hay hồ Sao Mai. Hương hoa Sứ tỏa ra ngào ngạt, chị em con chỉ muốn ngồi đó mãi để thưởng thức ánh trăng. Nhưng đâu có được, phải về thôi, trễ rồi! Có những hôm quý sư cô được ngồi thiền trên sân thượng của thiền đường Ni xá Diệu Trạm. Hương cau nhè nhẹ quyện cùng hương hoa Sứ dưới ánh trăng đem lại cho chúng con một cảm giác thanh bình chi lạ. Có lẽ nhờ vậy mà mùi hoa Sứ đi vào trái tim con và tất cả mọi người.

Thương mùa hoa Mộc

Một hôm khi đi làm cỏ cho luống hoa ngoài thiền đường Trăng Rằm, xóm Mới, con đã sững người khi ngửi thấy mùi hoa Mộc. Con tự hỏi: “Mùi hoa Mộc ở đâu thế nhỉ? Không lẽ mình đang đứng ở Từ Hiếu?” Đưa mắt nhìn lên, con thấy có một cây hoa Mộc thật và trên cành có mấy chùm hoa. Con đứng nắm lấy lá cây một lúc lâu và thầm cảm ơn cây, bỗng nhiên hình ảnh hai cây hoa Mộc trước chánh điện Từ Hiếu như đang hiện ra trước mắt con.

Cây Mộc ở Từ Hiếu đã nhiều tuổi nhưng còn xanh tốt lắm. Ôn và quý thầy chăm cây rất kỹ. Mùa hoa Mộc về thì trên cây chi chít những hoa. Hoa Mộc thường để dành cúng Bụt. Hương của hoa Mộc mới đặc biệt làm sao, vừa nhẹ nhàng, vừa thanh thoát. Con nhớ những ngày quán niệm, Ôn thường dẫn đại chúng thiền hành qua sân chánh điện làm các bạn mới tới phải hỏi nhỏ: “Mùi gì mà thơm thế?” Chúng con không nghe tiếng trả lời, chỉ thấy có cánh tay chỉ về hướng cây hoa Mộc. Chị em con cũng rất thích mùi hoa Mộc nên thỉnh thoảng cũng “xin” hái trộm vài chùm rồi bỏ túi áo cho thơm. Có lẽ vì thế mà dù đã đi xa, con vẫn nhớ mãi mùi hoa Mộc.

Trái bùi kho

Cây bùi được trồng khắp nơi trên đất Tổ. Con nhớ có một năm, bùi sai trái rất nhiều. Hôm ấy mới sáng sớm mà quý thầy đã gọi điện cho sư cô tri sự chia người qua để lượm bùi. Chị em con mừng quá mang bao nhiêu là rổ để lượm. Thì ra chiều hôm trước quý thầy trèo thang để hái, các điệu thi nhau lượm những trái rụng dưới đất nhưng vẫn còn nhiều quá, vậy là phải nhờ quý sư cô qua lượm phụ. Nhìn những trái bùi tròn mẫn, đen lánh, đẹp mắt, chưa cần kho con đã thấy ngon rồi. Ở chùa Tổ, mỗi khi cúng kị mà đương mùa bùi thì nhất định là phải có một đĩa bùi kho. Trái bùi đem ngâm tro bếp rồi lấy ra kho thì ngon tuyệt.

Cơm vỉa hè

Nhớ thời còn đi học, con thường nghe nói tới “cơm bụi” là cơm dành cho sinh viên nhà nghèo. Vì cơm ăn ở các quán vỉa hè, bụi bặm nhiều bởi xe cộ qua lại nên mới gọi là “cơm bụi”. Bây giờ vô chùa rồi, vào những ngày làm biếng có ăn cơm picnic, chị em con lại được ăn cơm “vỉa hè” với nhau. Khi chuông báo giờ khất thực vang lên, chị em con bưng bát đi liền. Vỉa hè của chúng con là hành lang dọc các phòng của ni xá Diệu Trạm. Cơm vỉa hè dù chỉ có bún, xì dầu và rau thôi nhưng vui lắm, làm con cứ nhớ mãi. Chỉ cần chị em có mặt cho nhau, con thấy vậy là đủ lắm rồi.

Nhớ ngày Tết Đoan Ngọ năm ngoái, chị em con đang cùng nhau ăn cơm “vỉa hè” thì quý thầy bên chùa Từ Hiếu gọi điện thoại bảo chúng con qua lấy chè kê về ăn vì quý thầy lỡ nấu hơi nhiều. Vậy là hai em tập sự nữ qua mang về tới… một xô. Ăn không hết, chúng con bỏ vô tủ đá làm kem, vài ngày sau lấy ra ăn vẫn ngon như thường. Giờ nhắc lại làm con bỗng thấy thèm chè hạt kê quá!

Bữa cơm hình chữ U

Một hôm vào ngày quán niệm thứ Năm, quý sư cô Diệu Trạm qua Từ Hiếu nấu ăn vì đại chúng được ăn chiều chung bên Từ Hiếu. Sau giờ cơm trưa, con nghe nói Thầy Mãn Phước đã xin phép Ôn cho các điệu ở Từ Hiếu ăn chung với tập sự ở Diệu Trạm tại sân trước thư quán. Quý thầy, quý sư cô thì tùy hỷ tham dự, khi đi xin mang theo bánh kẹo, con thật vui khi nghe tin này. Con chẳng có bánh, chẳng có kẹo nhưng vẫn được vô ăn chung. Chiều hôm đó, không biết vô tình hay cố ý mà chiếu được trải thành hình chữ U, các điệu ngồi một bên và các em tập sự ngồi một bên. Thầy Mãn Phước đã xin được tiền để đãi các em ăn bánh kẹo, trái cây và uống nước mía. Sau bữa ăn chiều là chương trình văn nghệ. Hồi đó em Diễm Quỳnh (là sư em Trăng Tỏ Tường bây giờ) nhỏ tuổi nhất Diệu Trạm nhưng đã chơi và hát rất dễ thương và hết lòng. Lúc đó có vài vị khách nước ngoài đi tham quan, họ thấy đại chúng chơi vui quá nên đã dừng lại xem. Chúng con hát tặng cho họ vài bài hát bằng tiếng Anh làm họ hạnh phúc quá chừng. Cuộc chơi còn dài nhưng tiếng chuông đại hồng vọng lên nên chúng con nghỉ. Đại chúng cùng nhau dọn dẹp mà lòng vui phơi phới.

Nước mía chùa

Lòng con vui như mở hội mỗi khi được tham dự ngày quán niệm mà tăng thân ban tặng. Con nhớ có một hôm, thầy Từ Giác thông báo cho đại chúng biết là sau giờ pháp đàm buổi chiều, mời đại chúng tập trung về nhà xe để uống nước mía. Thế là sau giờ pháp đàm đại chúng chưa về lại xóm liền mà đi uống nước mía… miễn phí.

Con không biết là thầy Từ Giác “tậu” được máy xay nước mía ở đâu và chuẩn bị mía từ bao giờ, lên tới nơi thì đã thấy thầy đứng xay nước mía cho đại chúng rồi. Mía đã được làm sạch, chỉ cần cho vào máy và trong nháy mắt đã có một ly nước mía thật thơm, thật mát. Huế đang mùa nắng, dưới cái oi bức của mùa Hè mà được uống ly nước mía mát lạnh thì hạnh phúc biết bao. Tay thầy làm nhanh thoăn thoắt, thầy còn xay cả trái tắc cho nước mía thêm ngon. Đại chúng chỉ cần đứng chơi mà cũng có nước mía để uống. Nhà xe bỗng dưng trở nên vui như hội. Mỗi người một ly, đứng uống nước mía mà tiếng cười của đại chúng như phá tan đi cái nóng của mùa Hè. Nhìn thầy Từ Giác lưng áo đẫm mồ hôi, thầy mang chiếc tạp dề cũ nhưng cười rất tươi, thầy làm việc không biết mệt là gì để hiến tặng hạnh phúc cho đại chúng. Con thầm cảm ơn đại chúng, cảm ơn thầy Từ Giác đã cho con những giây phút thật tuyệt vời.

Nhớ thuở còn cắp sách tới trường, con thường ao ước: “Ước chi mình cũng được uống ly nước mía trong quán giải khát như những đứa bạn nhà giàu.” Nhưng con chỉ nhìn bạn bè uống nước mía thôi chứ chẳng dám vô quán vì tiếc tiền. Nhà nghèo, có cơm để ăn, có tiền đóng học là hạnh phúc lắm rồi. Nay đi tu, con được uống nước mía mà không phải mất tiền vì là nước mía… chùa.

Đẹp sao mùa hoa Mưng

Mỗi khi mùa hoa Mưng về, chùa Tổ vốn đã đẹp lại càng thêm đẹp, thơ mộng và hiền hòa. Năm cây hoa Mưng quanh hồ Sao Mai đã hiến tặng cho đại chúng những giây phút thật tuyệt vời. Vào mùa này, chị em chúng con thường qua chùa Tổ sớm để tranh thủ ngắm hoa Mưng trước khi vô thiền đường Trăng Rằm nghe pháp thoại. Buổi sáng sớm chùa Tổ mới đẹp làm sao! Những bông hoa Mưng nở tối qua rụng xuống đầy mặt nước và cả trên cầu của hồ Sao Mai. Giờ thiền hành, đại chúng hay được ngồi nghỉ quanh hồ Sao Mai. Các em nhỏ vốn đã dễ thương mà khi đưa mặt mình vô trong những chùm hoa mưng thì các em lại càng thêm xinh xắn như những thiên thần.

Nụ hoa Mưng mang màu xanh hiền dịu. Hoa nở, cả cây như được khoác trên mình một chiếc áo màu hồng đỏ. Những bông hoa nho nhỏ nhưng rất nhiều đã làm nên một bức tranh kỳ diệu. Đứng từ xa nhìn lại thì thấy cây hoa Mưng kiều diễm như một nàng tiên đang soi mình bên hồ nước. Đại chúng gọi hoa là chuỗi ngọc trời cho. Con nhớ một hôm trong mùa An cư, sau ngày quán niệm, Ôn đã cho phép chị em con ở lại chùa Tổ để chơi hội hoa Mưng. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, thầy Pháp Thủy mở đèn chiếu lên cây hoa Mưng, đại chúng cùng ồ lên kinh ngạc vì cảnh hồ đẹp quá. Hoa Mưng đã đẹp, dưới ánh đèn lại càng thêm rực rỡ. Hôm đó là tối mùng 3 nên bầu trời không có trăng, chỉ có một vài ngôi sao nhưng rất sáng. Dưới gốc cây Mưng, đại chúng cùng nhau uống nước mía, ăn chôm chôm và chơi với nhau trong tình huynh đệ. Vì là đang trong Hạ, đại chúng ai cũng ý thức rõ điều này nên huynh đệ chỉ ngồi chơi, nói chuyện với nhau, không có hát hò như những lần ngồi chơi khác, nhưng không vì thế mà mất đi niềm vui. Đại chúng đã kể chuyện cho nhau nghe. Mỗi câu chuyện là một bài học quý cho bản thân con. Hoa Mưng đẹp, vẻ đẹp thanh thoát đem lại cho con người một niềm tin yêu cuộc sống.

Khi thùng nước mía thứ nhất hết, thầy Từ Giác kêu mấy em thiền sinh nam lên xay mía tiếp. Hè đó, chùa Tổ tiếp nhận gần 30 em thiền sinh đến tu học. Các em chủ yếu là con em của những người quen, cũng có em quê ở Đăklăk, em trai của sư cô Khuyến Nghiêm. Các em rất ngoan, biết vâng lời quý thầy. Diệu Trạm cũng tiếp nhận 9 em cư sĩ nữ. Các em đến từ nhiều miền khác nhau nhưng các em chơi với nhau rất dễ thương. Cứ chiều chiều tới giờ thể thao, ni xá rộn vang tiếng cười đùa của các em.

Vẫn biết rằng theo dòng thời gian, mọi thứ đều thay đổi nhưng những kỉ niệm đẹp trong con sẽ còn mãi, còn hoài. Mọi người ai cũng yêu thương chùa Tổ vì chùa Tổ chứa đựng những cái mà nơi khác ít khi có được. Chùa Tổ đã là nơi nương tựa và nuôi lớn biết bao người con của Bụt. Những kỉ niệm đẹp về Từ Hiếu, Diệu Trạm trong con còn nhiều lắm. Con không biết kể đến khi nào cho hết, diễn đạt như thế nào cho thỏa. Con chỉ thấy rằng mỗi khi nghĩ về đất Tổ thì trong con lại dâng lên niềm vui của tình huynh đệ. Con kính gửi về Huế nguồn năng lượng an lành.