Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Tình thầy trò nghĩa tăng thân

 

“Tăng là đoàn thể đẹp
Cùng đi trên đường vui
Tu tập giải thoát
Làm an lạc cuộc đời”

Thầy kính thương,

Dạo chơi trước buổi triển lãm thư phápSáng nay thức dậy, con đốt trầm, pha trà rồi thực tập lạy Bụt và tổ tiên. Trước mặt con là cửa sổ kính rộng lớn. Con ngồi tĩnh lặng thưởng thức trà trong hương trầm thoảng dịu và nhìn làn khói nhỏ đang bay lên nhè nhẹ. Con ý thức được Thầy đang có mặt trong con, bởi vì con đang thưởng thức một tách trà có chánh niệm và có hạnh phúc.

Bầu trời sáng nay thật đẹp. Con ngồi ngắm những đám mây bạc đang thong dong dạo chơi, nhìn những chú chim bay qua bay lại trên bầu trời. Cuối thu, những cành cây đang khoe mình với những chiếc áo muôn màu rực rỡ. Trong không khí yên tĩnh của một buổi sáng, tâm con rất nhẹ nhàng và trong sáng. Đây là giây phút thiêng liêng mà con dành riêng cho chính con. Con được ngồi yên và cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Sáng nay trong khi uống trà, có lúc tàng thức của con gợi lên những hình ảnh thật tuyệt đẹp. Con chỉ ngồi đó, nhận diện và tận hưởng những hình ảnh muôn màu muôn vẻ mà tàng thức của con đang chiếu lại. Thầy có biết sáng nay tàng thức của con chiếu lại những hình ảnh gì không? Đó là những hình ảnh đẹp của thầy trò mình, hình ảnh của tăng thân mình trong chuyến hoằng pháp vừa qua tại châu Á cũng như châu Mỹ.

Trong chuyến hoằng pháp vừa qua tại Thái Lan, thầy trò mình đã làm được biết bao nhiêu việc và đem lại nhiều sự lợi lạc cho đất nước này. Trong mấy năm qua, việc tranh chấp giữa hai đảng áo Vàng và áo Đỏ đã đem lại cho người dân Thái Lan nhiều bất an. Thầy trò mình đã qua hướng dẫn một ngày quán niệm cho giới lãnh đạo chánh trị và lãnh đạo xã hội, trong đó có hai đảng áo Vàng và áo Đỏ tại trường đại học Mahidol trong tháng 3 năm 2013 vừa qua. Sự kiện này làm con nhớ đến những câu chuyện ngày xưa vào thời của Bụt. Khi có sự tranh chấp giữa hai phe hoặc hai nước thì Bụt cũng đến giúp hòa giải. Bụt không có làm lơ và Thầy bây giờ cũng thế. Thầy đã mở lòng từ bi dùng phương tiện giúp họ ngồi lại, lắng nghe và hòa giải với nhau. Một hành động rất cách mạng có tính cách lịch sử với chất liệu từ bi và tấm lòng bao dung cao cả của Thầy, một việc mà ít ai dám làm.

Cũng trong chuyến đi này, vào một buổi trưa trong một khóa tu, ba thầy trò mình (Thầy, sư anh Pháp Hữu và con) ngồi làm việc bên nhau rất vui. Ba thầy trò cùng dùng chung một cái bàn ăn dài để làm việc. Thầy ngồi đầu bàn viết thư pháp, sư anh Pháp Hữu ngồi cuối bàn làm chứng chỉ truyền đăng, còn con thì ngồi ở khoảng giữa làm sổ sách. Hôm ấy bên ngoài mưa gió rất lớn, vậy mà thầy trò mình vẫn ngồi làm việc bên nhau rất bình thản ở bên trong. Sau khi thầy trò làm việc một hồi, con đứng dậy đi pha trà rồi ba thầy trò ngồi bên nhau uống trà, ngắm mưa và nghe gió hú bên ngoài cửa sổ. Thật hạnh phúc!

Con nhớ có một chuyện vui con xin kể cho Thầy nghe. Trong một buổi thầy trò mình đang dùng cơm chiều tại trung tâm mới ở Thái Lan, có một sư em vào báo là có các thầy ở Thái Lan đến xin đảnh lễ Thầy. Con bảo sư em ấy ra thưa lại với các thầy là Thầy đang dùng cơm chiều và chút nữa thị giả sẽ ra gặp các thầy đó sau. Sau khi thầy trò mình dùng cơm chiều xong, sư anh Pháp Hữu và con đi ra gặp các thầy đó. Chúng con thấy có một thầy Thái Lan, một chú cư sĩ người Đại Hàn và một chú cư sĩ người Tích Lan. Chúng con xá chào và thưa không biết chúng con có giúp được gì cho quý vị không. Họ cho biết họ đi đường sá xa xôi đến đây để xin đảnh lễ và cúng dường Thầy. Chúng con cảm ơn lòng hảo tâm và sự tôn kính của họ đối với Thầy, nhưng chúng con từ chối vì bây giờ khá tối và chúng con cho họ biết hôm nay Thầy đã làm quá nhiều việc, đặc biệt là trong 30 phút nữa Thầy sẽ có một buổi họp với các vị giáo thọ. Họ kèo nài đủ cách để được vào gặp Thầy và chúng con cũng tìm đủ cách để từ chối. Con nói: “Tối nay dù quý vị nói như thế nào thì chúng tôi cũng không thể sắp xếp cho quý vị vào gặp Thầy chúng tôi được và Thầy chúng tôi chỉ còn ở đây thêm 2 ngày nữa là sẽ đi qua Đại Hàn.”

Con nói chưa xong thì chú cư sĩ Đại Hàn ngắt lời và nói: “Nhưng mà chúng tôi không thể trở lại đây vào ngày khác, bởi vì tối nay chúng tôi cũng phải có việc đi xa.”

Con thưa: “Như vậy chúng tôi mời quý vị về Làng Mai chơi. Nếu có cơ hội và sức khỏe của Thầy chúng tôi cho phép chúng tôi sẽ sắp xếp cho quý vị vào gặp Thầy, còn bây giờ thì không thể nào được.”

Chú cư sĩ Đại Hàn lại nói: “Bây giờ hai thầy còn không cho chúng tôi vào gặp Thiền sư thì có thể khi về Làng hai thầy cũng nói như thế.”

Sư anh Pháp Hữu tiếp lời: “Nếu quý vị thật tình tôn kính Thầy của chúng tôi thì quý vị cũng phải tôn trọng sức khỏe của Thầy tôi. Quý vị không nên ép anh em chúng tôi.”

Nghe sư anh Pháp Hữu lên tiếng mạnh, họ chuyển sang đề tài khác. Thầy Thái Lan nói: “Ai cắt móng tay và cạo tóc cho Thiền Sư?”

Con tự hỏi tại sao thầy ấy lại hỏi câu này, việc này có liên quan gì với thầy? Nhưng để cho lịch sự, con trả lời: “Anh em chúng tôi hớt tóc cho Thầy.”

Thầy ấy lại hỏi: “Vậy quý vị làm gì với móng tay và tóc của Thiền sư?”

Con lại nghĩ ông thầy này thật là kỳ lạ. Thật ra thầy muốn gì đây? Con cũng tiếp tục lịch sự trả lời: “Chúng tôi giữ lại để dành lưu trữ.”

Thầy Thái Lan bây giờ mới phát lộ: “Xin lỗi nãy giờ chúng tôi phải hỏi dài dòng. Mục đích của chúng tôi đến đây để xin vài cái móng tay, vài cọng tóc và một bộ đồ của Thiền Sư về trưng bày trong bảo tàng mới thành lập của chúng tôi tại Chiang Mai.”

Thì ra là thế! Họ có một bảo tàng ở Chiang Mai (một thành phố lớn ở miền bắc Thái Lan) chuyên môn sưu tầm và trưng bày những vật sở hữu của các thiền sư nổi tiếng trên thế giới dù đang còn tại thế hay đã qua đời. Con mỉm cười rồi trả lời: “Chuyện này hả? Chắc phải hỏi lại tăng thân. Quý vị cứ viết thư và gửi cho chúng tôi đi. Chúng tôi sẽ trình cho tăng thân và sẽ trả lời cho quý vị sau. Còn bây giờ chúng tôi xin phép về lo cho Thầy chúng tôi để chuẩn bị cho buổi họp.”

Chú cư sĩ Đại Hàn lên tiếng: “Ngày xưa trước khi Bụt nhập Niết bàn, thầy Anan đã được Bụt cho phép để người cư sĩ vào gặp Ngài lần cuối. Còn bây giờ tại sao hai thầy không cho chúng tôi vào gặp Thiền sư?”

Chúng con thì thầm: “Nhưng mà Thầy của chúng tôi không phải là Bụt, chúng tôi cũng không phải là thầy Anan và Thầy chúng tôi cũng chưa dự định nhập Niết bàn sớm như vậy.”

Tới đây chúng con xin tạm biệt và chúc họ ra về thượng lộ bình an.

Khi tới Đại Hàn, sức khỏe của Thầy đi xuống rất nhiều, lý do vì Thầy làm việc quá nhiều ở Thái Lan, một phần do khí hậu thay đổi bất thường từ mùa Hè nóng bức ở Thái Lan cho đến mùa Xuân lành lạnh ở Đại Hàn. Và cũng như ở Thái Lan, chương trình giảng dạy ở Đại Hàn cũng khá đầy. Dù sức khỏe rất yếu nhưng Thầy vẫn ra hướng dẫn khóa tu và những buổi sinh hoạt đều đặn mà không bỏ buổi nào. Có những hôm nhìn Thầy khá yếu, ăn không ngon và ngủ không được khiến anh em chúng con cảm thấy rất xót xa. Chúng con biết làm gì hơn ngoài việc nguyện cầu chư Tổ gia hộ cho sức khỏe Thầy được tốt và chúng con thực tập có mặt đó cho Thầy.

Tại thành phố Busan miền Nam Đại Hàn, trước giờ pháp thoại mà Thầy vẫn còn nằm trên giường, thân thể yếu hẳn, trông Thầy kiệt sức không đứng dậy nổi. Chúng con rất bối rối không biết nên phải làm gì vì buổi giảng hôm nay có hơn 10.000 người tham dự. Chúng con phân vân không biết nên báo cho ban tổ chức biết để hủy bỏ buổi giảng không, hay kiên nhẫn chờ đợi sự mầu nhiệm xuất hiện. Chúng con biết Thầy thấy được sự lo lắng và lòng phân vân trong ánh mắt của chúng con. Và cuối cùng thì sự mầu nhiệm ấy cũng xuất hiện. Thầy tự mình đứng dậy được, mặc áo và thầy trò bước ra xe. Khi đến giảng đường, chúng con biết tất cả đại chúng ai cũng đều lo, vì thính chúng đến nghe quá đông và đang chờ đợi Thầy ban cho một bài pháp nhũ. Hôm ấy Thầy cho một bài pháp thoại thật tuyệt vời. Thầy đã nói đúng tim đen của họ. Thật là một liều thuốc hữu ích cho người dân địa phương nói riêng cũng như người Đại Hàn toàn quốc nói chung. Thật mầu nhiệm! Con có cảm tưởng rằng bài pháp thoại hôm ấy là do chư tổ Đại Hàn nói. Sau buổi giảng, con có nói nhỏ với cô Emi trong ban tổ chức là chư tổ Đại Hàn đã cho bài pháp thoại qua Thầy hôm nay. Cô ta cảm thấy rất ngạc nhiên và hỏi: “Ô, thiệt không?”

Cũng trong một khóa tu ở Đại Hàn, một hôm Thầy dẫn đại chúng đi thiền hành bên bờ suối. Con nhớ hôm ấy trời rất đẹp. Nắng đã lên, tiếng suối chảy mạnh, những cành cây đang khoác lên mình những chiếc áo xanh mới tinh đón chào mùa Xuân, những nụ hoa Đỗ Quyên đủ màu đang vươn mình khoe sắc dưới ánh nắng ban trưa. Thầy dẫn đại chúng đến ngồi bên cạnh mé rừng. Khung cảnh thật thanh tịnh, mọi người ngồi yên ngắm cảnh và đang tận hưởng những giây phút hiện tại tuyệt vời. Sau buổi thiền hành, một cô thiền sinh Đại Hàn đến ngồi nói chuyện với sư cô Chân Không. Cô thiền sinh thưa: “Con chưa bao giờ nếm được giây phút an lạc và hạnh phúc trong cuộc đời con như lúc đi thiền hành ngày hôm nay. Ngồi bên Thầy và đại chúng con thấy con không còn mong cầu gì nữa. Lúc ấy con nhìn vào chiếc nhẫn hột xoàn mà con đang đeo trên ngón tay. Con bỗng thấy nó không còn giá trị nữa và con muốn buông bỏ nó đi. Con muốn tặng chiếc nhẫn này cho Sư cô để gây quỹ cho chương trình trẻ em nghèo mà Sư cô đang làm.”

Sư cô Chân Không rất cảm động trước lời chia sẻ ấy. Sư cô bình thản trả lời: “Nhưng tôi phải làm gì với chiếc nhẫn này?”

Cô thiền sinh tiếp lời: “Sư cô có thể đem đi bán.”

Nói xong cô ta mới nhớ lại Sư cô là người tu thì đâu có thể nào nhận đồ nữ trang quý giá được. Cô liền nói: “Để con đem đi bán rồi đem tiền lại cúng dường cho Sư cô.”

Đúng như thế, vài hôm sau cô đem đến ba phong bì lì xì đỏ: một cái cúng dường Thầy, một cúng dường cho Sư cô và cái to nhất còn lại cho chương trình trẻ em nghèo. Con nhớ hôm ấy Thầy rất hoan hỉ khi nghe câu chuyện này và chia sẻ với chúng con rằng: “Người này đã nếm được thế nào là an lạc. Giây phút buông bỏ ấy là giây phút giác ngộ.” Thầy hoan hỉ vì thấy rằng những hạt giống mà thầy trò mình đã và đang gieo trồng đang được đâm chồi nẩy lộc. Đó là những hạt giống yêu thương, an lạc, hạnh phúc và giác ngộ.

Tại Hồng Kông, mình có khóa tu hơn 1.300 người tham dự và một buổi pháp thoại công cộng có gần đến 12.000 người đến nghe. Công trình hoằng pháp của thầy trò mình thật là rộng lớn. Thiền sinh đến tham dự khóa tu có nhiều chuyển hóa và an lạc. Buổi pháp thoại công cộng Thầy dạy về Tứ Niệm Thực (Bốn loại thức ăn), rất thích hợp với căn cơ thời đại ở Hồng Kông, đặc biệt là khi Thầy dạy về sự ảnh hưởng của đường lối tiêu thụ. Buổi giảng hôm ấy đã để lại nhiều suy tư và ấn tượng cho người đến nghe.

Về Hồng Kông, thầy trò mình được nghỉ ngơi nhiều hơn. Thầy trò lại có cơ hội leo núi rồi đi biển. Có một hôm Thầy trò đi dạo chơi dưới biển. Tất cả đều đi chân không. Thầy đặt bàn chân xuống biển và Thầy dạy con thế nào là quán cảm thọ trong cảm thọ. Ngày hôm ấy thật vui! Nhưng Thầy trò mình phải đi về vì Thầy có hẹn với ông Dương (người cúng dường Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Á). Trong mấy năm qua, mỗi lần Thầy đến Hồng Kông, ông Dương thường đến xin đảnh lễ và cúng dường. Lần này cũng thế, ông đến với bà Dương cùng một số bạn bè. Họ bay từ Lục Địa về Hồng Kông và sau khi xuống máy bay thì đoàn đến thẳng thăm Thầy. Ông Dương và mọi người vào đảnh lễ Thầy và được Thầy mời xuống trà.

Ông Dương chia sẻ: “Trước khi “ngọ” đến đây, “ngọ” có cho những người bạn của “ngọ” biết là “ngọ” sẽ đến thăm Thầy. Bạn của “ngọ” hỏi có phải Thầy Nhất Hạnh là thầy đi rất chậm, nửa tiếng chỉ có vài bước đó phải không?”

Mọi người cười ầm lên và Thầy cũng cười. Sư cô Chân Không tiếp lời: “Bạn của ông nói đúng lắm. Thầy của chúng tôi đi rất chậm, nhưng khi nói tới chuyện chuyển hóa thì rất nhanh.”

Mọi người lại cười lên, cuộc đàm thoại giữa Thầy và ông Dương hôm ấy rất vui và thân thiện, cho thấy sự gần gũi giữa Thầy trò và cũng chứng tỏ rằng ông Dương rất thoải mái với Thầy.

Ngoài chuyến hoằng pháp ở châu Á vào mùa Xuân năm 2013, thầy trò mình còn đi giảng dạy ở châu Mỹ vào mùa Thu. Chuyến hoằng pháp bắt đầu ở Toronto, Canada, xuống New York, qua Washington D.C., sang Boston, rồi qua tu viện Mộc Lan ở Mississippi và kết thúc chuyến hoằng pháp ở California. Chuyến đi kéo dài hơn hai tháng rưỡi. Trong chuyến hoằng pháp ở Bắc Mỹ kỳ này sức khỏe của Thầy khá hơn so với những chuyến hoằng pháp khác. Khóa tu cho giới giáo chức ở Toronto quá thành công. Khóa tu có hơn 1300 người tham dự, trong khi đó có khoảng 700 người trong danh sách chờ đợi. Con rất hạnh phúc khi khóa tu đem lại rất nhiều lợi lạc cho thiền sinh, nhưng con hơi tiếc là mình không có đủ chỗ cho 700 người trên danh sách chờ đợi kia tham dự. Hơn 20 năm rồi Thầy mới trở lại thành phố Toronto. Thiền sinh ở vùng Bắc Mỹ này thương kính Thầy lắm. Hy vọng những người không có cơ hội tham dự khóa tu kỳ này sẽ có cơ hội tham dự những khóa tu khác của Thầy.

Điều làm cho con nhớ nhất là mấy ngày đầu đến thành phố Toronto. Huynh đệ đến từ khắp nơi: có người đến từ Làng, có người tới từ các trung tâm ở Mỹ, có người tới từ Phật Học Viện ở Đức, có người tới từ tu viện ở Thái Lan và có người tới từ Việt Nam. Huynh đệ gặp nhau một nhà, tay bắt mặt mừng, kể cho nhau nghe biết bao nhiêu là chuyện quanh những ly trà và tặng cho nhau những tiếng cười giòn. Không khí thật vui, con thấy tình huynh đệ là một cái gì đó rất thật, sống động đang thật sự xảy ra.

Về tới tu viện Bích Nham ai cũng vui, cũng cảm thấy như được về nhà. Cốc của Thầy đã được thầy Pháp Chiếu, anh Lộc và các huynh đệ chuẩn bị rất khang trang và sạch sẽ. Những con đường nhỏ rẽ vào cốc Thầy, đi qua thiền đường, đi vào tăng xá và đi ra nhà ăn đều được tráng nhựa. Các huynh đệ ở Bích Nham làm việc rất hết lòng để chuẩn bị đón Thầy và đại chúng về cũng như cho khóa tu. Có người nói rằng: “Tu viện Bích Nham nhìn giống như nơi nghỉ mát quá! Cái mà con nhớ nhất là mùa thu ở Bích Nham. Khu rừng của Bích Nham mùa thu thật sống động. Những cây lá vươn mình khoe những chiếc áo đủ màu trước khi ẩn mình vào mùa Đông lạnh lẽo. Thầy thường dẫn chúng con thiền hành trong khu rừng này. Rất tiếc là kỳ này mình về lại Bích Nham quá sớm nên không có dịp thưởng thức hết vẻ đẹp thiên nhiên của rừng. Nhưng cái mà thầy trò mình cũng như thiền sinh thưởng thức được là một bức tranh sống động của tình huynh đệ. Nhìn cách quý thầy và quý sư cô sinh hoạt, chơi và làm việc trong niềm vui, thiền sinh cảm được điều này và họ rất hạnh phúc.

Trên đường đi xe buýt từ New York qua Washington D.C., con nhớ Thầy có hỏi con: “Con nghĩ là Đức Thế Tôn có ngồi trong xe với mình hay không?” Con ngập ngừng nhưng hiểu được ý Thầy. Con trả lời: “Dạ thưa có!” Thầy hỏi: “Có chắc hay không?” Hôm ấy phái đoàn của mình tổng cộng có tới ba chiếc xe buýt. Thầy trò mình ngồi trong một chiếc và còn hai chiếc kia là quý thầy và quý sư cô. Thầy dạy: “Muốn biết là có Bụt ngồi trong xe hay không, chuyện đó cũng dễ thôi. Nếu năm chục người ngồi trong xe mà có một người thôi, đang thở trong chánh niệm thì có nghĩa là Bụt đang ngồi trong xe. Mà nếu có hai người, ba người, năm người cùng thở, cùng ngắm phong cảnh trong chánh niệm thì sự có mặt của Bụt rất là rõ ràng. Và nếu tất cả năm chục người đều đang thở thì chuyện đó là chuyện rất mầu nhiệm. Có Bụt ở trong xe thì tất cả mọi người trong xe đều được bảo hộ bởi năng lượng đó và trong xe có an ninh hơn nhiều.

Đi được nửa đường, xe ghé lại trạm nghỉ giải lao. Sau khi thầy trò mình dùng nhà vệ sinh xong, hai anh em con đi mua đồ ăn. Sư anh Pháp Hữu mua ‘French fries’ và bánh ‘veggie burger’. Hôm ấy Thầy chỉ ăn ‘French fries’ thôi, còn con và sư anh Pháp Hữu ăn bánh ‘veggie burger’. Thầy trò ngồi trong xe thưởng thức thật ngon lành. Tuy nhìn Thầy thưởng thức ‘French fries’ thật ngon miệng, nhưng trong con vẫn cứ lo lo. Con sợ không biết Thầy dùng rồi chút nữa có bị đau bụng không. Nhưng con lại nghĩ: “Thôi kệ đi! Lo cái gì? Để Thầy thưởng thức đi. Chừng nào đau bụng rồi tính sau.” Thật may mắn, hôm ấy Thầy không bị gì cả.

Thầy trò mình tới Washington D.C. và ở lại đó ba ngày. Ngày quán niệm tại World Bank rất thành công và đã để lại những hình ảnh rất đẹp trong mỗi người nhân viên của World Bank. Ông Chủ tịch Jim Young Kim rất hạnh phúc, được Thầy và tăng đoàn đến Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) hướng dẫn ngày quán niệm cho nhân viên và ông càng thỏa mãn hơn khi được tham vấn riêng với Thầy.

Mỗi lần thầy trò mình về tới tu viện Lộc Uyển, con hạnh phúc lắm. Con nghĩ bởi vì thầy trò mình có rất nhiều kỷ niệm ở tu viện Lộc Uyển. Mỗi buổi sáng thầy trò mình thường đi thiền hành lên xóm Vững Chãi uống trà với quý thầy và thường ghé qua phòng trà của Ôn Phước Tịnh. Trà của Ôn pha rất ngon. Có một hôm thầy trò đi thiền hành dưới những hàng sồi. Thầy thấy có rất nhiều lá sồi rụng xuống mặt đất. Thầy nhẹ nhàng đưa tay chỉ con: “Đây là cuộc tình giữa cây và đất.” Câu nói nghe rất thi vị và chứa đầy tuệ giác. Đất có khả năng nuôi dưỡng làm hạnh phúc cho cây và cây cũng có khả năng vun bón cho đất được mầu mỡ. Qua đó, con học được bài học về tình thương chân thật của cây và đất. Thương là hiến tặng cho nhau những cái hay, cái đẹp và cái hạnh phúc của mình cho đối phương.

Hôm ấy trên đường về lại cốc Tùng Bút, thầy trò mình đi qua thiền đường Thái Bình Dương. Hai bên đường có rất nhiều mùi hương của  cây ‘sage’. Thầy hái vài đọt ‘sage’ đem về, mùi ‘sage’ rất dễ chịu. Bầu trời sáng nay thật thanh bình nhưng có nhiều sương mù. Xóm Trong Sáng đang chìm dưới biển mây mù. Xa xa chỉ thấy được mấy ngọn cây Tùng Bút, Thầy đưa ngón tay chỉ về hướng Tùng Bút và đùa rằng: “Bây giờ Thầy trò mình đi xuống kia thăm ông Đạo.” Con như hiểu được ý Thầy, nên thưa rằng: “Bạch Thầy! Ông Đạo vừa đi vắng! Chỉ tại núi này thôi, mây mù không thấy được.” Thầy hoan hỷ mỉm cười.

Kỳ này trở lại Google, thầy Pháp Hải và sư cô Kính Nghiêm tổ chức rất khéo. Mọi thứ đều được sắp xếp rất chu đáo. Con nhớ khi Thầy và đại chúng tới trụ sở Google, cô Olivia và một số người của Google ra đón Thầy. Con rất vui khi gặp lại cô Olivia, người mà con có cơ hội làm việc chung để tổ chức ngày quán niệm tại Google kỳ trước vào năm 2011. Cô Olivia là nhân viên của Google và cũng là người chính giúp tổ chức ngày quán niệm tại Google. Cô đến xá Thầy và chào đón Thầy đến trụ sở Google. Con hỏi thăm cô có khỏe không. Cô cười rồi đáp: “Căng thẳng như thường xuyên!” Câu nói ấy xác nhận vì sao thầy trò mình có mặt ở đây.

Trong buổi thuyết giảng, con ngồi ở dưới nghe mà lòng cảm thấy thương Thầy quá. Con nghĩ những người lãnh đạo tâm linh như Thầy bây giờ trên thế giới, có thể đếm trên đầu mấy ngón tay. Mấy ai với độ tuổi như Thầy mà vẫn còn đi khắp nơi giảng dạy, đặc biệt là đi đến những nơi như World Bank, Google, v.v. Cũng như chú Chade-Meng Tan hôm ấy giới thiệu Thầy trước thính chúng rằng: “Một Thiền Sư như Thầy có thể an trú trong định (một nơi ẩn cư nào đó) mà không cần phải đi vào cuộc đời, nhưng Thầy đã chọn đi vào cuộc đời để độ chúng sanh.” Sự có mặt của Thầy tại Google cũng như World Bank thật là một cuộc cách mạng vô cùng lớn và là cửa ngõ mới để đưa đạo Bụt đi vào cuộc đời. Con cảm thấy vô cùng trân quý và biết ơn Thầy, vì chỉ có Thầy mới có thể giúp mở được những cánh cửa như vậy để thế hệ chúng con dễ dàng tiếp nối.

Cuộc đối thoại giữa Thầy và bác sĩ James Doty tại trường đại học Stanford về đề tài tâm từ bi đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho thính chúng trong đêm hôm ấy. Thầy đã dạy làm thế nào để chế tác tâm từ bi qua phương pháp thực tập chánh niệm. Tâm từ bi là những gì có thể chế tác được, chớ không phải là một cái gì đó nói suông hay dùng phương pháp khoa học để đo lường. Ví dụ như dùng máy móc để đo lường tâm từ bi. Thầy cũng dạy tâm từ bi là một loại năng lượng và loại năng lượng ấy cần phải chế tác mới có được. Người có tâm từ bi là người có hạnh phúc. Cuộc đối thoại rất vui và rất hào hứng. Những lời giảng dạy của Thầy đã mở mắt và chinh phục được nhiều người trong đêm hôm ấy, trong đó có bác sĩ Doty. Thầy đã hiến tặng hết mức của mình. Con ngồi đằng sau nghe và thật sung sướng.

Trong các chuyến hoằng pháp vừa qua, con học hỏi được rất nhiều từ nhiều khía cạnh: trước nhất là từ một bậc Thầy đầy khả kính của chúng con, sau là từ các sư anh, sư chị, sư em và cả những người cư sĩ mà con có cơ hội được tiếp xúc và làm việc chung. Ở bên Thầy, con cảm được tình thương vô bờ bến của Thầy. Chúng con là những đứa con còn non dại, tuổi đời cũng như tuổi đạo còn non nớt, nên đôi lúc còn thích ăn mê ngủ nhiều. Có những lúc Thầy dậy sớm, thấy chúng con còn ngủ, Thầy nhẹ nhàng trở lại vào phòng để chúng con có thể ngủ thêm. Cũng có lúc Thầy nhẹ nhàng ra ngoài đi thiền mà không làm động đến giấc ngủ của chúng con. Có khi trong buổi ăn, chúng con không đủ đồ ăn thì Thầy lại chia hết phần ăn của Thầy cho chúng con. Tình Thầy, lòng từ bi của Thầy thật vô lượng, làm cho chúng con vô cùng cảm kích. Thầy mãi mãi là tấm gương sáng để chúng con noi theo.

Bạch Thầy! Tối qua trong giấc chiêm bao, con thấy Thầy không còn nữa. Thầy đã lìa khỏi chúng con đi vào kiếp ngoại. Khi thức dậy con biết rằng đó chỉ là giấc mơ, con vô cùng hạnh phúc, đặc biệt là ý thức rằng Thầy vẫn còn đó cho chúng con. (How wonderful it is to have Thay in the present form and how fortunate we are that Thầy is still here physically with us.)  Chúng con biết lúc nào Thầy cũng có đó cho chúng con, dù bằng hình thức này hay hình thức khác. Nhưng vô thường cho chúng con thấy rõ và biết trân quý sự hiện hữu của Thầy hơn tất cả. Hơn một năm qua con cũng đang thực tập chăm sóc và vun trồng Thầy ở trong con. Con thường xuyên trở về với hơi thở và bước chân, và con cũng biết chăm sóc cho thân tâm mình nhiều hơn. Con biết chăm sóc cho mình là chăm sóc cho Thầy và cho tăng thân. Mỗi ngày con học nuôi lớn tình thương và lý tưởng mà Thầy đã trao truyền. Nhờ cảm được tình thương vô bờ bến của Thầy, nó đã cho con một cái thấy rằng, nơi nào có tình thương, có tình huynh đệ, có tăng thân, có sự thực tập (hơi thở và bước chân) là nơi đó có Thầy. Con biết làm được như thế thì con sẽ mãi mãi có Thầy.

BTC Viet Wake Up đi chơi

Trong chuyến đi này con chơi nhiều lắm! Con chơi với các anh chị em của con nhiều hơn những chuyến đi trước đây. Trong chuyến hoằng pháp tại Bắc Mỹ năm nay, chúng con có kêu gọi tổ chức một chuyến Viet Wake Up tour 2014. Thầy và tăng thân rất từ bi yểm trợ cho chúng con. Đi đến đâu chúng con cũng nhận được rất nhiều tình thương và sự yểm trợ của các vị cư sĩ. Anh chị em chúng con đến với nhau, làm việc với nhau, chơi với nhau và cùng nhau tu học thật vui. Chúng con lo cho nhau và yểm trợ cho nhau rất hết lòng.

Bạch Thầy! Nghĩa đồng môn đang được hiện hữu trong tăng thân mình. Anh chị em chúng con nguyện đi hết con đường này với Thầy và với tăng thân. Xin Thầy an lòng! Con thấy tu học theo tăng thân thật là khỏe và vui. Mọi thứ là của tăng thân dù đó là lý tưởng. Khi mình có lý tưởng thì mình phải học cách làm thế nào để lý tưởng ấy trở thành lý tưởng của tăng thân, và khi nó đã trở thành lý tưởng của tăng thân rồi thì mình rất khỏe và rất nhẹ. Bởi vì bây giờ lý tưởng ấy có rất nhiều người cùng chung sức đóng góp và xây dựng. Có nhiều bàn tay cùng đóng góp, thì công việc sẽ được thuận lợi và vui hơn. Chúng con nói với nhau rằng, “Chuyến Viet Wake Up tour 2014 đã bắt đầu bây giờ rồi đó.” Điều này làm chúng con thấy rất rõ là khi làm việc và tu học bên nhau có tình huynh đệ, có sự hòa hợp và có hạnh phúc thì kết quả sẽ được biểu hiện ra rất lớn. Con có những sư anh, sư chị lẫn sư em tu tập cũng như làm việc và hướng dẫn rất giỏi. Mỗi khi thấy sư anh, sư chị cũng như sư em của con chia sẻ thì con lại thấy Thầy. Và con thấy rất rõ là tất cả đều được đúc ra từ ‘một lò’. Anh chị em của con, ai cũng là con của Thầy, là học trò của Thầy và con thấy ai cũng có khả năng để tiếp nối Thầy. Chúng con tiếp nối Thầy về nhiều phương diện khác nhau.

Cuối chuyến đi, con được về thăm gia đình huyết thống của con.  Con có cơ hội được nghỉ ngơi và nạp thêm năng lượng cho mình sau chuyến đi dài ngày. Con rất hạnh phúc được về nhà, ngồi trong lòng của gia đình với biết bao nhiêu là ánh mắt và tình thương mà người nhà dành cho con. Nhìn các cháu của con lúc này sao lớn quá, thấm thoát mà đứa nào cũng đã vào đại học. Trong thời gian thăm nhà, con có tổ chức một buổi thiền trà cho gia đình. Gia đình, anh chị em và các cháu ngồi bên nhau tận hưởng những tách trà nóng và sự có mặt cho nhau dưới những ngọn nến lấp lánh như đang đưa mọi nguời vào không gian tĩnh lặng. Sau khoảng 15 phút, con tưới hoa cho các cháu và gia đình, sau cùng, mọi người thay phiên nhau chia sẻ. Bạch Thầy! Có đi xa thì mới biết trân quý những giây phút bên nhau như vầy và có được những giây phút bên nhau như vầy thì mới thật sự biết trân quý sự có mặt của nhau nhiều hơn bao giờ hết. Cuộc đời quả thật là quý báu. Về thăm nhà kỳ này con được nuôi dưỡng rất nhiều.

Từ ngày xa nhà đi tu cho tới giờ, con thấy càng ngày con thương gia đình huyết thống của con nhiều hơn. Khi trái tim mình mở rộng thì tự nhiên tình thương của mình cũng lớn theo, nghĩa là mình thương thêm được rất nhiều người. Với tình thương không hạn hẹp ấy, mình lại càng thương những người thương của mình ngày xưa nhiều hơn bao giờ hết. Đó là sự mầu nhiệm của đại bi tâm. Con thấy đi tu có lời nhiều lắm, mà người có nhiều lợi lạc nhất trước tiên là mình, sau là tới gia đình mình rồi tới tất cả những người xung quanh. Khi mình đi tu mình sẽ trở thành một cột trụ tâm linh cho gia đình nương tựa. Mình được tu và mình cũng có cơ hội dìu dắt và hướng dẫn cho người nhà cùng tu. Từ ngày con đi tu đến nay, gia đình của con ít có chuyện xào xáo trong nhà và họ có nhiều bình an và hạnh phúc hơn. Điều đó cho con một cái thấy rất rõ về sự tương tức; nếu con ở chùa tu cho thật vững và ngồi cho thật yên thì gia đình của con ở nhà cũng được yên theo.

Cô cháu ở ABC, NY

Trên đường bay về Làng, con nghĩ đến các anh chị em tâm linh của con ở Làng thật nhiều, đặc biệt là các anh chị em xuất gia cùng một lượt với con. Con rất thương quý các anh chị em cùng gia đình xuất gia của con. Con nhớ lúc mới xuất gia, có vài sư em chỉ có chút xíu, vậy mà bây giờ sư em nào cũng cao lớn hơn con nhiều. Thầy biết không, mỗi ngày quán niệm Chủ Nhật, trong giờ ăn cơm quả đường con thường nhìn hai bên xem các anh chị em con có vào ngồi đầy đủ hay chưa. Bữa nào đầy đủ thì trong lòng con cảm thấy vui lắm. Chắc các huynh đệ của con không biết chuyện này đâu, Thầy giữ bí mật cho con nhé. Bạch Thầy! Các huynh đệ của con tu tập rất giỏi và đóng góp được rất nhiều cho tăng thân. Các huynh đệ rất quan tâm cho nhau, hễ có người này bệnh thì người kia lại chăm sóc. Chúng con thực tập gìn giữ cho nhau. Gia đình tâm linh của mình bây giờ đông quá nên tháng nào chúng con cũng có bánh sinh nhật để ăn. Các huynh đệ rất dễ thương đã để thì giờ làm bánh chúc mừng nhau trong ngày tiếp nối. Thật ra đó chỉ là cái cớ để anh chị em chúng con ngồi lại chơi với nhau thôi. Chúng con hay thường nói với nhau rằng: “Cây Lê này đúng là có biệt danh ‘lê lết’.”

Được tham dự vào sự nghiệp của tăng đoàn là một phước đức lớn và con luôn luôn ý thức và trân quý điều đó. Đi theo tăng thân tới đâu con cũng cảm thấy hạnh phúc, cũng cảm thấy là về nhà. Tăng thân của mình khắp chốn. Ở Làng cũng hạnh phúc, đi qua Thái Lan, Hồng Kông, Đại Hàn, Gia Nã Đại, Bích Nham, Mộc Lan, Lộc Uyển và thậm chí khi về thăm gia đình huyết thống cũng như khi đi sinh hoạt ở nhà của tăng thân cư sĩ cũng hạnh phúc. Khi mình ở đâu thì nơi đó là nhà (home is where we are). Bạch Thầy! Con đang thực tập mỗi nơi tới là mỗi nơi về. Con tới với tăng thân, có mặt cho tăng thân ngay bây giờ và ở đây, cống hiến cho tăng thân và đồng thời con cũng thực tập trở về với chính con trong mỗi lúc tới.

Trong kinh nghiệm, con thấy khi đi ra ngoài, đặc biệt là những môi trường có sức cám dỗ cao, nếu không biết trở về thì rất dễ dàng bị kéo đi. Ví dụ, ABC (chỗ triển lãm thư pháp của Thầy ở thành phố New York) là một cửa hàng buôn bán dành riêng cho giới thượng lưu. Con được Thầy và đại chúng tin cậy gửi đến đây để giúp tổ chức buổi triển lãm thư pháp của Thầy. Ngày đầu tiên khi bước vào cửa hàng này, con mỉm cười và tự hỏi mình: “Một ông thầy tu như mình đang làm gì ở đây? Thế giới này hình như không phải là của mình?” Trước khi bước tiếp, con dừng lại, thở vào và thở ra vài hơi thì câu trả lời trong con đi lên rất rõ: “Mình đến đây để làm công việc mình cần phải làm, đó là độ đời.” Đó là tiếng chuông chánh niệm cảnh tỉnh con đang làm gì và cần phải làm như thế nào cho đúng pháp. Nghĩ như thế nên con ung dung đi vào với sứ mạng của con. Con thấy sự thực tập này bảo hộ cho con rất nhiều trong mỗi khi con có việc đi ra ngoài làm Phật sự.

Bạch Thầy! Biết bao nhiêu là hình ảnh tuyệt vời đã lần lượt lượt đi qua, giúp con nhìn lại và thấy rõ con đường và lý tưởng của tăng thân mình. Trong thời gian qua, thầy trò mình có rất nhiều kỷ niệm bên nhau. Thầy trò mình đã rong chơi rất nhiều và làm được biết bao nhiêu việc: đem lại hạnh phúc cho vô số người và giúp biết bao nhiêu người bớt khổ. Những lúc như vầy cho con thấy rất rõ, quá khứ đang nằm trong hiện tại và ta tiếp tục đem hiện tại đi về tương lai trong giây phút mầu nhiệm này. Tình Thầy, nghĩa tăng thân đã và đang in đậm trong trái tim con. Và con biết nó là hành trang thiết yếu giúp con lớn mạnh trên con đường tâm linh. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo luôn gia hộ cho sức khỏe của Thầy và cầu xin chư Tổ luôn soi sáng và gia hộ cho đàn cháu con tu tập càng ngày càng thêm vững chãi để làm chỗ nương tựa cho mọi loài.

Cung kính ôm Thầy với tất cả tấm lòng và niềm biết ơn của con.

Con của Thầy