Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Tim Bụt Cốt Tiên

Chân Hội Nghiêm

tim bụt cốt tiên

Tim Bụt Cốt Tiên

“Tim Bụt Cốt Tiên”. Con đang mỉm cười nhìn vào câu thư pháp treo trước mặt mình trên chiếc bàn ngồi yên. Con thích nhìn nó và mỉm cười, thỉnh thoảng lại nhắm mắt cho nó thấm vào từng tế bào cơ thể mình. Con muốn tập cho mình có trái tim từ bi, không biên giới của Bụt và cốt cách phóng khoáng, tự do, không vướng bận của tiên ông. “Tim Bụt Cốt Tiên” là câu thư pháp con chọn trong buổi triển lãm thư pháp năm ngoái. Con chọn nó hay nó chọn con, theo con về nhà?

Năm ngoái trong khóa tu xuất sĩ có một buổi triển lãm thư pháp của Thầy dành cho giới xuất gia. Thầy có nhiều buổi triển lãm thư pháp rất hoành tráng, nhưng đa phần là cho quan khách. Năm ngoái là buổi triển lãm đầu tiên đặc biệt dành riêng cho giới xuất gia, được tổ chức rất dễ thương, thanh nhã, thiền vị mà rất ấm cúng, tươi vui, có cả hòa nhạc. Không khí rất yên ấm, thân mật và đậm tình thầy trò.

triển lãm thư pháp của Thầy Mỗi thầy, sư cô được chọn một câu thư pháp mình thích do Thầy viết. Chung quanh phòng triển lãm là những câu thư pháp của Thầy được treo lên với nhiều cách trang trí khác nhau. Chính giữa là bàn Thầy đang ngồi viết thư pháp với các sư con đang quây quần xung quanh. Có một số quý thầy, quý sư cô xin Thầy viết ngay cho mình câu thư pháp mình thích. Ai cũng hí hửng và thích ý. Thật cảm động! Cái giây phút ấy thật đẹp! Nhiều người đứng bên Thầy xem Thầy viết thư pháp và chụp hình. Con cũng đứng nhìn, nhìn thật lâu vì cảnh tượng quá đẹp và quá xúc động. Một bậc Thầy già gần 90 tuổi mà ngồi viết từng tờ thư pháp cho các sư con. Giây phút này đâu dễ có lại lần thứ hai? Viết được một lúc thì Thầy đứng dậy đi, Thầy cũng đi xem những câu thư pháp của mình do các học trò trưng bày. Có lẽ Thầy cũng thích và vui. Đại chúng tiếp tục đi thưởng thức và chọn cho mình câu thư pháp thích ý. Nhiều người thốt lên: “Nhiều câu hay quá không biết nên chọn câu nào”. Con cũng theo dòng chảy đó, đi ngắm thư pháp và thấy mình được tưới tắm nhiều niềm vui. Đập vào mắt con là câu “Tim Bụt Cốt Tiên”. Thích quá! Có một cái gì chấn động trong lòng con mà không hiểu tại sao. Con đứng đó rất lâu nhưng chưa chọn vội, đi tiếp một vòng nữa, có những câu thư pháp rất hay và rất mới như: Kiên nhẫn là dấu ấn của thương yêu, hay Trong mẹ có Bụt trong mẹ có con, Trong ba có Bụt trong ba có con, hay Con đang thừa hưởng những tài năng và đức độ của ba mẹ, hay Thả cho nó bay, hay Ta phải là ta thì ta mới đẹp v.v… và v.v… Câu nào cũng hay, câu nào cũng thích, nhưng cuối cùng thì “Tim Bụt Cốt Tiên” đã theo con về nhà. Con không dám chắc là mình hiểu hết câu thư pháp này và hiểu được diệu dụng của Thầy nhưng không biết sao cứ thích mà không thể không chọn.

Sau khóa tu xuất sĩ chúng có mười mấy ngày làm biếng. Những ngày làm biếng dài là món quà quý cho con và cho rất nhiều người nếu không muốn nói rằng tất cả. Những ngày này là những ngày cho con quân bình thân tâm, là ngày mà con có thể đáp ứng được những nhu yếu của mình khi những ngày qua không có nhiều thời giờ để làm. Có khi là để ngồi thiền hay đi thiền thêm, có khi là để nghe thêm pháp thoại, có khi chỉ để nghỉ ngơi và đọc sách, có khi để ngồi yên và nhìn lại mình… Sau những ngày làm biếng dài như vậy, mặt người nào người nấy sáng lên như thể… vừa mới chứng đạo.

Những ngày này con ra cốc Tuổi Ngọc ở yên, nghỉ ngơi và chơi với cái tâm của mình. Con mang theo “Tim Bụt Cốt Tiên” vừa như là một tác phẩm nghệ thuật, vừa như là một công án thiền. Trời mùa Đông ngồi ở cốc Tuổi Ngọc nhìn ra ngoài đẹp lắm. Bên trái là hai cây sồi cao lớn vững chãi, can trường, không biết đã có mặt từ bao đời. Chệch về bên phải là đồi Mận chỉ còn lại những cành trơ xương đang dồn hết sinh lực để nuôi mình, chuẩn bị cho mùa xuân tới đơm hoa kết trái. Trước mặt là cánh rừng Bạch Dương mà con thường thích gọi là Thánh đường. Mỗi lần đi vào giữa lòng rừng Bạch Dương, ngước nhìn lên thì chẳng khác nào Thánh đường. Những hàng cây thẳng tắp, cao vút, đẹp và uy nghiêm. Gần hơn nữa là hồ sen mà mùa này chỉ còn nước. Có những buổi sáng trời lạnh, hơi lạnh ngưng tụ lại, rồi khi có hơi ấm mặt trời, hơi lạnh lại bốc lên thành khói, thành mây làm cho đồi núi cứ chập chùng, lúc ẩn lúc hiện, cộng với những ráng hồng ráng đỏ, tạo thành những áng mây hồng, tím quyện vào nhau, nhẹ nhàng và thanh thoát, như bồng lai tiên cảnh, cứ từ từ thấm vào người mình.

Những ngày ở yên trong cốc thật vui. Nhiều khi mở cửa ra thì thấy ai đó đem cho hũ mắm, có khi cho bát cơm, có khi cho hũ muối sả, có khi cho mớ rau, có khi cho vài trái cây. Dễ thương và đầy tình nghĩa. Có ngày, ai đó cho mấy củ khoai mì mà quê con gọi là củ sắn. Con đón nhận tất cả với niềm trân quý và biết ơn. Hôm đó ăn củ mì xong, để chừa lại mấy cái tim trên bàn. Nhìn tim củ mì rồi bất chợt nhìn lên câu thư pháp “Tim Bụt Cốt Tiên” con bảo: “Tim Bụt thì Cốt Tiên, còn đây là tim củ mì nên vẫn là cốt Hội”, rồi ngồi cười một mình.

Thế rồi một buổi sáng tinh sương, trời giá lạnh, như thường ngày, con thức dậy sớm, ngồi yên, uống trà, ngắm nến, ngắm mình. Thật yên lắng, tĩnh mịch và thanh bình. Ánh sáng từ từ xuất hiện đẩy lùi màn đêm tối. Con vẫn ngồi yên để tận hưởng cái giây phút tĩnh lặng và bao la đó. Trời sáng, con mở tung hai cánh cửa sổ cho hơi lạnh tràn vào và cảm nghe cái tỉnh táo, sảng khoái của buổi sáng đang thấm vào mình. Nhìn ra bên ngoài là cả một khu trừng trắng xóa. Đẹp quá! Trong suốt và thanh khiết. Có lẽ hôm qua tuyết đã rơi cả đêm. Con ngồi yên đó để tận hưởng cái yên lành đẹp đẽ của đất trời. Bỗng từ đâu một con nai xuất hiện tung tăng giữa đồi mận, có lẽ nó cũng không chịu nổi trước vẻ đẹp của đất trời nên mặc cho giá lạnh vẫn cứ chạy chơi. Tự nhiên con cũng muốn bước ra dạo chơi giữa khu rừng trắng xóa ấy. Bao la quá! Tinh khiết quá! Nhưng rồi con vẫn ngồi yên đó và có cảm tưởng như mình đang ở trên một ngọn núi tuyết, thanh bạch và trắng trong. Tự nhiên hình ảnh một ông tiên trong bộ đồ trắng xóa xuất hiện, đang quảy một chiếc nón dạo chơi từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, nơi nào thích thú thì tiên ông dừng lại, chơi cờ, uống trà và đàm đạo với những tiên ông khác. Chẳng có gì để vướng bận, chẳng có gì để nghĩ suy. Thanh thản, tự do, an nhiên, tự tại. Con ngồi yên thưởng thức khung cảnh đẹp đẽ ấy. Và thấy hồn mình nhập vào cốt cách tiên ông.

 

Bụt và thiên thần

Không biết những con thiên thần từ đâu bay đến đậu trên bàn học con, càng lúc càng đông. Con bắt đầu chơi thiên thần từ đó. Sắp xếp, ngắm nghía và thích thú. Những con thiên thần thật ngây thơ, hồn nhiên, vô tư, trong sáng và đẹp. Nó chơi đủ trò đủ kiểu, chẳng có gì để lo nghĩ. Có con cứ ngồi ôm gối mà nhìn, có con thì co hai chân lên trời. Có con thì cứ trèo lên tuột xuống trên một quả cầu. Có con thì cũng đã trèo lên tới đỉnh. Có con thì cố bay lên cao để với đến những vì sao. Có con thì cứ chống cằm suy tư, từ ngày này sang ngày khác, không biết chuyện gì. Có lẽ nó nhìn Bụt và cứ trầm tư không biết ông này là ai mà cứ ngồi yên hoài như vậy. Nó cũng thích chơi với Bụt lắm, cứ ở bên Bụt hoài. Có một con, con vô ý làm gãy cánh nó, thân hình trần trụi, ấy vậy mà nhìn nó vẫn thấy thiên thần. Đã là thiên thần thì làm gì cũng thiên thần, cũng dễ thương. Con thường nhìn nó để quán chiếu về cái tâm của mình. Dù chuyện gì xảy ra thì cũng giữ cho tâm mình hồn nhiên, vô tư và trong sáng. Đôi cánh không làm nên thiên thần, chính sự hồn nhiên trong sáng ấy mới làm nên thiên thần. Có lúc thiên thần cũng bị tổn thương nhưng thiên thần biết trở về chăm sóc vết thương, im lặng, không nói năng chi, chỉ dùng ý thức để làm lắng dịu niềm đau. Thế rồi vết thương cũng được chữa lành.

Con thích chơi thiên thần nên cũng thích tiếp xúc với những thiên thần trong các sư chị, sư em của mình. Khi thấy người đó là thiên thần rồi thì người đó làm gì cũng thấy dễ thương và thiên thần, kể cả khi người đó giận. Có nhiều sư chị sư em rất hiền lành, thật thà, hồn nhiên, vô tư và trong sáng. Chỉ cần nhìn người đó là mình thấy hạnh phúc. Người đó có làm gì cho mình đâu, thế mà sự hiện diện của người đó là một nguồn hạnh phúc lớn cho mình. Điều đó nhắc nhở con rằng là làm người tu đâu cần phải làm gì nhiều, chỉ cần vun bồi những đức tính ấy cho dầy sâu là đủ, đừng để bất cứ một thứ gì làm vướng bận lòng mình.

Trên bàn học của con cũng có một tượng Bụt nhỏ. Con thích ngắm tượng Bụt lắm, nhưng tất nhiên đó phải là những tượng Bụt đẹp, bình an và thanh thoát. Ngắm nhìn Bụt bên ngoài để nuôi lớn Bụt bên trong. Những lúc buồn giận, lo lắng, bất an, con mời thiên thần và Bụt ngự trị trong con, để giữ được sự hồn nhiên vô tư trong sáng, giữ được sự vững chãi, tỉnh thức trong mình. Con thấy an ổn trở lại.

Thầy thường dạy vững chãi và thảnh thơi là hai đặc tính của Niết bàn, nhưng Niết bàn của thiên thần thì phải có sự hồn nhiên, vui tươi, vô tư và trong sáng.

 

Có những Mùa như thế

Bây giờ đang là mùa Đông, trời lạnh nhiều. Năm nay quý chị em xóm Hạ bị bệnh nhiều, có người bị tái đi tái lại hai, ba lần. Ở đây, một năm có bốn mùa rõ rệt Xuân, Hạ, Thu, Đông. Ở quê con, đặc biệt là Cam Ranh thì một năm chỉ có hai mùa mưa nắng.

Những ngày Hè khi mới đến Làng, con cứ ngạc nhiên: “Sao chín, mười giờ tối rồi mà mặt trời chưa lặn?” Và mùa Hè thì mặt trời to lắm, to hơn một vòng tay, có lẽ to bằng cái sàng gạo ở quê, nhất là lúc mặt trời mới bắt đầu mọc và lặn. Và lúc mới bắt đầu mọc thì mặt trời đỏ ửng. Những cánh đồng hoa Hướng Dương và hoa Cải vàng cũng theo ánh nắng mặt trời làm sáng rực cả một vùng không gian. Mùa Hè cũng là mùa trái chín. Những cây Lê, cây Mận, cây Dâu, cây Cherry… cũng bắt đầu chín, mọi người tha hồ hái trái cây ăn. Bàn chân các chị em cứ liến thoắng từ cây này sang cây khác. Mùa Hè là mùa có ngày dài nhất nên tha hồ rong chơi.

Đến mùa Thu, cây bắt đầu đổi màu. Từng cánh rừng vàng, đỏ nối nhau rồi lại chen nhau, rất đẹp. Đặc biệt là những lúc có ánh nắng xuyên qua, khu rừng trở nên rực rỡ, huy hoàng. Những chiếc lá chín không muốn ở lại đã ngoạn mục lìa cành, trông như những đàn bướm tung tăng trong nắng mới, rồi từ từ trở về với đất Mẹ. Mùa này các bác nông dân cũng bắt đầu gặt hái. Những ruộng nho, những đồng cỏ, những đồng lúa chín được các bác nông dân gặt về.

Đến mùa Đông mọi vật như được nghỉ ngơi, những khu rừng đang ủ lá, cây không nuôi lá nữa, chỉ nghỉ ngơi và dồn hết sinh lực để nuôi thân chuẩn bị cho mùa Xuân tới. Nó rất kiên cường khi phải gánh chịu nhiều sương gió. Người ta không trồng trọt gì vào mùa này cả, đất cũng được cày lên để nghỉ ngơi. Những ngày tuyết rơi, ai cũng thích ra chơi tuyết, có người say sưa đến cả bệnh, nhất là những chị em mới từ Việt Nam qua mới thấy tuyết lần đầu. Những ngày có tuyết rơi, nhiều khi Thầy cũng có cảm hứng mời quý sư cô lên chơi tuyết, cả mấy Thầy trò đi dạo giữa rừng tuyết, rất vui và đẹp. Có khi Thầy lại ngồi xuống cào những lớp tuyết lại rồi rưới sirup lên và múc ăn, Thầy lại đưa cho học trò thưởng thức nữa… Ui cha là vui. Ai cũng mắc cười.

Mùa Xuân đến, cây đâm chồi nảy lộc và lớn lên rất nhanh. Các loài hoa bắt đầu khoe sắc, hoa Daisy, hoa Bồ Công Anh, hoa Thủy Tiên, hoa Tulip… không biết từ đâu chui lên, nở ra đủ sắc màu. Vì vậy người ta gọi mùa xuân là mùa tuôn dậy. Sự sống dâng tràn. Trên những trụ điện dọc đường người ta cũng treo lủng lẳng những chậu hoa đủ màu, đủ loại. Đi đâu cũng thấy hoa, nhà nhà đều có hoa. Có nơi hoa mọc thành rừng. Đặc biệt là những đồi hoa Mận, trên là màu trắng của hoa Mận, dưới là màu vàng của hoa Bồ Công Anh trải dài thành những tấm thảm, trông rất đẹp.

Mỗi mùa đều có một vẻ đẹp, một cái hay riêng của nó. Không mùa nào giống mùa nào mà mùa nào cũng mầu nhiệm, kể cả mùa Đông. Con học được rất nhiều bài học từ các mùa trong năm. Mùa nào đến thì đón nhận hết lòng mùa đó, không mong mùa này là mùa khác, không mong mùa Đông ấm áp có nhiều hoa cỏ, mùa Đông có cái giá trị riêng của mùa Đông.

Trong chúng cũng có những mùa như thế. Mùa Thu là mùa yên ả nhất, thiền sinh cứ về đều đều theo chúng tu học. Mùa Đông cây trở về dồn hết sinh lực để nuôi thân thì quý thầy, quý sư cô cũng tập trung vào sự tu học để nuôi lớn thân tâm mình. Mùa xuân cùng với hoa cỏ và đất trời, lòng người ai cũng hân hoan, mọi người tung tăng đi khắp các nẻo đường, các sư anh sư chị thì đi mở khóa tu đem niềm vui hiến tặng cho mọi người, các sư em ở nhà thì tự chế tác niềm vui cho mình và chế tác niềm vui cho nhau, rủ nhau đi hái lá hái hoa, dạo khắp các con đường làng. Mùa Hè là mùa hiến tặng. Khắp nơi người ta kéo nhau về tu học, họ rủ bạn bè, gia đình về đông vui như hội. Quý thầy quý sư cô phải ra hướng dẫn, giúp họ thực tập để chuyển hóa khổ đau và chế tác hạnh phúc. Niềm vui của họ nuôi lớn niềm vui của mình. Rồi sau những khóa tu rộn rịp là những ngày làm biếng dài, mười ngày hay có khi đến mười lăm ngày. Những ngày này mình không cần phải làm chi cả, chỉ cần có mặt cho mình. Ấy thế mới thấy người tu thật sang. Người đời ai dám bỏ ra mười mấy ngày ngồi không mà không cần làm chi cả? Có khi cả chúng lại đi chơi núi mấy ngày. Con đón nhận những mùa đi qua như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mỗi mùa đều nuôi dưỡng con một cách khác nhau với những nét riêng của nó. Có mùa bận rộn, có mùa thảnh thơi, có mùa nghỉ ngơi, có mùa tận hưởng.

Rồi trong mình cũng có những ngày mùa như thế đi qua. Có khi vui nhộn đầy sức sống như mùa Xuân, có khi lại đằm thắm yên ả như mùa Thu. Có khi lại trầm lặng như mùa Đông. Có khi niềm vui phải rụng xuống để đơm tuệ giác, cũng như hoa phải rụng xuống thì trái mới kết thành. Rồi cũng phải đợi, phải cho thời gian, không gian để trái chín, để hiến tặng. Con nhìn mình, nhìn những tâm hành của mình như những mùa đi qua như thế với nhiều điều thú vị.

Trong các sư chị, sư em cũng có những mùa như thế đi qua, mỗi mùa đều có một nét đẹp, nét hay riêng. Mỗi mùa đều có một giá trị riêng. Con thấy trân quý và biết ơn.

 

Gia đình huyết thống và tâm linh

Ngược dòng thời gian con thấy con nằm trong bào thai của mẹ rồi mở mắt chào đời bằng tiếng khóc tu oa. Con chập chững bước những bước đầu tiên và bập bẹ cất tiếng nói me, ba. Con tung tăng bước vào đời và lớn lên với nhiều niềm vui và hạnh phúc. Cũng như thế, con được tái sinh trở lại, được nằm trong bào thai của Thầy và tăng thân. Thầy và tăng thân đã sinh con ra, nhưng con không chào đời bằng tiếng khóc tu oa mà chào đời bằng những nụ cười hạnh phúc. Con cũng chập chững bước những bước chân đầu tiên ý thức, tập thở những hơi thở lắng sâu và tập nói những lời hòa ái thương yêu. Con cũng lớn lên với nhiều niềm vui và hạnh phúc.

-Ai mua gạo không? Tiêu, hành, mắm, muối, hành ngò, xà lách ai mua không? Chú mua gạo không chú?

-Vào đây bán cho tui vài lon gạo.

Đó là lời rao hàng của một cô chủ nhỏ năm, sáu tuổi, gánh hai đầu nào là cát làm gạo, hoa cỏ làm rau, nước lạnh làm nước mắm, xì dầu… đi bán cho khách hàng là ba mình, là mẹ mình, là chị mình. Và ba cô là một khách hàng thân tín luôn luôn đáp ứng lời mời gọi của cô – “Vào đây bán cho tui vài lon gạo.” Hai cha con chơi với nhau rất vui, giống như là cô chủ quán và khách hàng thứ thiệt vậy, rất hết lòng và tận tình mua bán. Có khi cô chủ nhỏ lại làm một cô giáo mà ba, mẹ, anh, chị là học sinh của mình. Cô lớn lên, từ từ được học hỏi những điều quý giá từ ba mẹ và các anh chị. Tuy nhiên một ngày nọ cô nhận ra rằng những điều xấu thì dễ nhiễm mà những điều đẹp thì khó học. Những tập khí không đẹp của ba mẹ cô đều lãnh đủ mà những đức tính tốt của ba mẹ thì cô ít được thừa hưởng.

May mắn thay, gia đình tâm linh đã cho cô một cơ hội mới. Trở về nhận diện những tập khí của ba mẹ trong mình để chuyển hóa và nhận diện những đức tính đẹp lành mà mình được trao truyền từ ba mẹ tổ tiên để làm lớn mạnh thêm. “À, đây là tập khí của ba này, à đây là tập khí của mẹ này, con sẽ chuyển hóa cho ba, con sẽ chuyển hóa cho mẹ.” Cô thấy nhẹ nhàng. Không cần phải gồng mình, vật vã hay phải dụng công nhiều. Chỉ cần nhận diện tập khí thì tập khí từ từ nhẹ đi và được chuyển hóa. Rồi, “Ba có tính tốt này nè, mẹ có tính tốt này nè, sao mình không có?” Cô bé từ từ tìm cách nuôi lớn nó. Có khi cô mỉm cười sung sướng thấy mình được thừa hưởng những đức tính quý báu từ ba và mẹ.

Mẹ rất sạch sẽ, gọn gàng, tháo vát và đảm đang. Mỗi lần dọn dẹp nhà cửa là con thấy mẹ đang biểu hiện. Những buổi sáng sớm mùa này, thức dậy là mẹ ra vườn thăm mấy cây hoa, tưới tắm làm sao cho kịp Tết. Tết nào cũng có một vườn hoa rực rỡ. Mấy anh chị, ai cũng đến xin mẹ mấy chậu hoa về ăn Tết. Mẹ còn để dành hoa đem lên chùa cúng Bụt. Ba là một người có tinh thần khỏe mạnh, kiên trì, bền bỉ, luôn tìm tòi nghiên cứu. Lúc còn đi học, con học lịch sử qua ba, hình như điều gì ba cũng biết. Điều mà con học nhiều nhất là những đức tính tốt của ba – “Dù người ta có đối xử với mình như thế nào đi chăng nữa thì mình cũng phải đối xử tốt với họ và không bao giờ gây niềm thù hận”. Đức tính ấy giúp con rất nhiều. Có lẽ vì vậy mà anh chị em trong gia đình đều thương yêu nhau, anh rể cũng như chị dâu, em ruột cũng như em rể. Mỗi khi có chuyện gì không hay xảy ra cho một người nào là con tự dặn mình, dù có như thế nào thì mình cũng không đánh mất liên lạc, không đánh mất truyền thông, không đánh mất tình thương với anh chị em của mình.

Con được thừa hưởng rất nhiều từ gia đình huyết thống để giờ đây trong gia đình tâm linh con có cơ hội làm lớn mạnh lên. Con thấy mình thật may mắn có một bậc Thầy đầy nhân từ và bao dung. Luôn luôn có mặt và tận tâm chỉ dạy cho mình một con đường vui, một con đường sáng đẹp. Thầy đã cho con thêm cơ hội để trở về vun bồi và trân quý hơn gia đình huyết thống của mình. Và trên căn bản thương yêu anh chị em ruột thịt, con trở về nuôi lớn tình thương trong mình đối với các anh chị em trong gia đình tâm linh. Các anh chị em ai cũng dễ thương. Ai cũng có những đức tính quý giá cho con học hỏi, mỗi ngày con được tưới tẩm nhiều điều hay, đẹp và lành từ các sư chị, sư em của mình. Trở về vun bồi gốc rễ hai gia đình, huyết thống và tâm linh, con thấy mình thật giàu có. Con thấy trân quý và biết ơn vô cùng. Bây giờ con cũng đang tập bước những bước chân ý thức nhưng bàn chân con đã bước thành những nốt nhạc vui, chạy nhảy trên khắp các cung bậc thương yêu.