Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Thiền đường xóm Hạ ngày xưa

Chân Định Nghiêm

Các sư em thân thương,

Hôm nay ngồi họp trong thiền đường Nến Hồng ở xóm Hạ, các anh chị em mình đã ý thức rằng chỉ trong vài tháng nữa, mình sẽ không còn được ngồi trong khung cảnh thân thương này khi toàn bộ tòa nhà sẽ được xây cất lại và sẽ đổi mới hoàn toàn. Trước khi bắt đầu buổi họp, mình đã được nhâm nhi bánh và trà Ấn Độ (chai) thật thơm ngon. Ngoài ra, đặc biệt chị đã rất hạnh phúc tận hưởng từng giây phút ngồi đây, bởi vì chính trong thiền đường này chị đã được xuất gia, được thiền trà ăn mừng sau đó với Sư Ông và đại chúng.

Thiền đường Nến HồngCác sư em đã từng nghe kể rồi đó, thiền đường Nến Hồng đã từng là thiền đường lớn nhất và “le” nhất của cả hai xóm Thượng và Hạ khoảng trước năm 1990. Sau đó, Làng xây thêm hai thiền đường lớn hơn là thiền đường Cam Lộ ở xóm Hạ và thiền đường Nước Tĩnh ở xóm Thượng, nhưng hai thiền đường này chỉ để dùng vào khóa tu mùa Hè và các Đại Giới Đàn thôi. Tất cả các sinh hoạt còn lại kể cả Giáng sinh, Tết ta hay Tết tây cũng vẫn còn được tổ chức trong thiền đường Nến Hồng tại xóm Hạ hoặc pháp đường Chuyển Hóa ở xóm Thượng (những năm đầu, thiền đường Chuyển Hóa được gọi là pháp đường). Không phải chỉ riêng chị mà hầu hết các sư cha và sư mẹ của các em đều đã được Sư Ông xuống tóc và truyền giới tại hai thiền đường này.

Đại giới đàn đầu tiên tại Làng là Đại Giới Đàn Cam Lộ, được tổ chức vào đầu năm 1992. Chính tại thiền đường Nến Hồng vào buổi sáng đã có các buổi Lễ Thỉnh Sư cho các giới tử cầu xin tiếp nhận giới Khất sĩ, Nữ khất sĩ và Thức xoa ma na. Vào chiều hôm đó, Sư Ông và hội đồng truyền giới đã truyền giới khất sĩ cho sư cha Nguyện Hải, giới nữ khất sĩ cho các sư mẹ Diệu Nghiêm và Chân Vị, và giới Thức xoa cho các sư mẹ Đoan Nghiêm, Bảo Nghiêm, Hoa Nghiêm, Từ Nghiêm và các vị khách tăng khác nữa. Trong Đại giới đàn Hương Tích mùa Hè năm 1994 và nhiều đại giới đàn khác sau đó, đại chúng đã làm lễ cung thỉnh giới bổn Ba la đề mộc xoa cũng từ thiền đường Nến Hồng đến thiền đường Cam Lộ hay tháp chuông để làm lễ khai đàn.

Lễ Giáng sinh đầu tiên chị được tham dự ở Làng và đã có ấn tượng sâu sắc cũng tại thiền đường Nến Hồng vào năm 1993. Trong chương trình năm đó có tiết mục nghe chuông nhà thờ Moscow từ băng cassette ngay sau giờ ngồi thiền, có rước đèn với những cây đèn cầy đủ màu, dài và thon. Nhiều ngày trước lễ Giáng sinh, chị và sư mẹ Tuệ Nghiêm đã chuẩn bị hết lòng: làm chân đèn cầy với đủ hình sắc bằng bột mì rồi nướng lên; tập hát thánh ca với sư mẹ Chân Đức và một số các vị cư sĩ Tây phương… Tất cả các tiết mục đó đã xảy ra tại thiền đường này.

Gia đình Con Cá 1 tuổiThiền đường Nến Hồng vào những năm đó chưa có tượng Bụt lớn như bây giờ. Lúc đó, chỉ có chiếc bàn nhỏ và thấp nằm chính giữa sát tường, trên đó để một tượng Bụt nhỏ xíu bằng đồng đen. Phía trên tường có treo một bức thư pháp có bốn chữ Nho là Dục An Đắc An do Sư Ông nhờ ông Hoàng Thơ viết. Lúc thầy Đức Thiện – một khách tăng đầu tiên – từ Việt Nam qua Làng, thầy đã hết sức thất vọng khi thấy tượng Bụt ở Làng nhỏ bé tí như thế. Đến năm 1995, Sư thầy chùa Đình Quán mới gửi một tượng Bụt lớn qua cúng dường Làng mà mình đang thờ cho đến ngày hôm nay. Bước vào cửa thiền đường Nến Hồng, nhìn qua tường bên trái, trên tường có treo một bản kinh Bát Nhã thật to trên nền thảm màu tím đậm, một phẩm vật được cúng dường lên Sư ông từ Đại Hàn. Lúc chị còn là sa di ni, bản kinh này đã gây một nguồn cảm hứng cho chị và cho sư mẹ Tuệ Nghiêm học tiếng Hán mỗi ngày. Mỗi khi có các sinh hoạt trong thiền đường này, chị thường nhìn bản kinh và ôn thầm bài tiếng Hán của mình. Ngoài ra, trong thiền đường còn có một tủ đựng kinh nằm bên phải, vài cái tọa cụ, vài cái bồ đoàn nhồi mạt cưa và một cái lò sưởi củi đen đủi và cũ kỹ. Tuy thấy cũ kỹ vậy đó chứ cái lò sưởi này là một vật sang trọng khi Làng mới mua nó về. Trước đó, đâu có phòng nào có được cái lò sưởi lớn như vậy?

Vào những năm đầu, cả xóm Hạ chỉ có một lò sưởi củi duy nhất nằm tại nhà bếp. Vì vậy vào mùa đông, căn bếp này nền nhà còn bằng xi-măng, là trung tâm của cả xóm. Sinh hoạt nào cũng xảy ra tại đây: nấu nướng, ăn uống, làm việc, học hành, phơi áo quần, kể cả ăn Giáng sinh và ăn Tết. Sau khi nấu nướng và dùng cơm trưa, các sư cô ở lại đây nghỉ trưa luôn cho ấm. Giặt áo quần xong cũng phơi ngay tại đây thì áo quần mới khô nổi. Vào dịp Giáng sinh, thầy trò xuất sĩ và cư sĩ quây quần ngồi dùng cơm tối xung quanh bốn cái bàn kê sát lại thành một cái bàn thật lớn. Dùng cơm xong, tất cả mọi người kéo ghế ngồi về phía bức tường xoay mặt ra ngoài trời, nhìn về phía mấy cái bếp là sân khấu, để thưởng thức chương trình văn nghệ. Tuy chỉ có mấy thầy trò và vài người khách cư sĩ nhưng chương trình văn nghệ cũng xôm tụ lắm, nào là hát tân nhạc, nào là cải lương, ngâm thơ, v.v… Ngoài ra, sau những bữa cơm, Sư Ông thường kể chuyện xưa cho các đệ tử nghe, chuyện lúc Sư Ông còn ở Nhật, ở New York và những thành phố khác trong thời gian kêu gọi hòa bình.

Cũng tại nơi đây, Sư Ông đã đem đồ nghề từ Sơn Cốc về để dạy chúng thường trú (lúc bấy giờ chỉ có các sư mẹ Chân Không, Chân Đức, Chân Vị, Sư cô Quảng Giải (tức là sư cô Thanh Lương), anh Đức, chị Đoan, chú Hoàng, cô Tịnh Thủy…) sắp trang và dán gáy cho những cuốn sách như Tý, Tình Người, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Kinh Pháp Ấn, Kinh Tám Điều Giác Ngộ Của Các Bậc Đại Nhân… Căn nhà bếp cũng đã từng là “cơ sở làm báo Làng Mai” ngày xưa. Sau khi đánh máy bằng máy đánh chữ (khi chưa có máy vi tính) hay bằng cái máy vi tính đầu tiên của Làng, Sư Ông và cô Tịnh Thủy (sư mẹ Quy Nghiêm) thường bày la liệt tất cả những trang báo trên những cái bàn kê sát lại rồi cắt ra từng khoảnh bố trí theo chủ đề, cắt dán thêm hình xen kẽ để cho mỗi trang báo có thêm không gian, và nhìn khỏi thấy “nhức mắt”. Sau này, “cơ sở làm báo” được dời qua phòng Mai Vàng kế thiền đường Nến Hồng, hiện nay là văn phòng ghi danh Xóm Hạ. Sư Ông cũng dạy các sư cô và các anh chị viết văn để làm báo. Sư Ông còn dạy mọi người cách thiết kế những bài thi kệ thực tập trên những miếng giấy rất nghệ thuật và dán trên những tấm gỗ vuông xinh xắn để phát hành. Anh Đức đã là người đi lùng hết các tiệm gỗ để lựa và đặt gỗ về làm công việc này. Mỗi khi sáng tác xong một bài hát mới như bài Ba Sự Quay Về nương tựa, bài Boong boong, Đã Về Đã Tới, Sư Ông thường ngồi đây để dạy đại chúng hát. Sau một chuyến đi dạy ở Brazil về, trên máy bay Sư Ông đã đặt nhạc cho bài Uyên Nguyên. Về đến Làng, Sư Ông đã dạy anh Đức hát bài này tại nơi đây.

Trước kia, nhà bếp có cánh cửa thông với hành lang nhà Tùng Bút, nơi đặt cái điện thoại độc nhất của xóm. Từ đó, mình có thể đi thẳng vào căn phòng cạnh thiền đường Nến Hồng, nơi có chiếc đàn piano bây giờ, lúc đó còn là phòng của anh Đức và chị Đoan, căn phòng ngủ độc nhất được lót gỗ bởi chính chủ nhân. Chính tại căn phòng này, anh Đức, chị Đoan và cô Tịnh Thủy đã đánh máy cuốn Đường Xưa Mây Trắng với cái máy Macintosh đầu tiên của Làng do nhà xuất bản Parallax cúng dường. Đó là vào mùa đông năm 1987. Sư Ông viết sách ở xóm Thượng, tại căn phòng trên lầu của nhà Friendship đối diện nhà bếp. Xung quanh Sư Ông toàn là kinh và sách dùng để tham khảo. Sư Ông viết với một tay, còn tay kia hơ trên lò sưởi củi cho đỡ lạnh. Thỉnh thoảng Sư Ông vói tay lấy ly trà từ trên lò sưởi uống một ngụm để cho ấm mà viết tiếp. Viết được vài chương, Sư Ông chuyền xuống ngay cho anh Đức, chị Đoan và cô Tịnh Thủy để đánh tiếp vào máy vi tính. Trong phòng anh Đức và chị Đoan chưa có lò sưởi nên chị Đoan và cô Tịnh Thủy luôn luôn phải trùm một cái mền dày kín mít. Cô Tịnh Thủy chỉ để hở hai con mắt ra để thấy đường mà đọc bài, chị Đoan mang găng tay đánh máy nhưng tay vẫn bị cóng. Tuy vậy, hai chị em làm việc ngày đêm say mê quên ăn quên ngủ. Có một lần đang làm việc hăng say, bỗng dưng cô Tịnh Thủy im ru, không ơi hỡi gì nữa, chị Đoan đang đánh máy ngon trớn cũng phải dừng lại, xoay qua nhìn thì mới thấy cô Tịnh Thủy đang ngẹn ngào lau nước mắt, đó là đoạn Bụt nhập Niết bàn!

Đến mùa Đông năm 1988, Làng sắm được một cái lò sưởi củi nhỏ xíu màu nâu với giá 100 quan tiền để đặt trong căn phòng kế phòng chú Hoàng và cô Tịnh Thủy ở cư xá Hồng Dòn, sau này là thư viện. Mùa đông năm đó, Sư Ông đã dạy Duy Thức Tam Thập Tụng cho chúng thường trú cạnh cái lò sưởi mới ấm áp này.

Mùa đông kế tiếp, Làng lại sắm thêm được hai cái lò sưởi củi thật to, một cái cho thiền đường Nến Hồng và một cái cho nhà ăn. Từ đó, nhà bếp đánh mất vai trò trung ương, bởi vì các bài pháp thoại và các lớp học được chuyển qua nhà ăn. Trong các mùa An cư kiết Đông liên tiếp từ 1989 đến 1994, chính tại nhà ăn này Sư Ông đã giảng Đại tạng Nam truyền, Đại tạng Bắc truyền, Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu, Phật Pháp Căn Bản, Truyện Kiều… Cuối mùa An cư 1993-1994, Sư Ông cho các thầy các sư cô thi dưới hình thức “pháp hội”. Sư Ông viết xuống 50 đề tài để mỗi người bốc thăm. Ngay tại chỗ, ai bốc được đề tài gì thì phải lên ngồi giảng về đề tài đó trong vòng 10 hay 15 phút! Thời đó, đa số các sư mẹ sư cha của các em vẫn còn là sa di, sa di ni hoặc thức xoa, vì vậy các sư em có thể tưởng tượng là đại chúng lo lắng và hồi hộp như thế nào. Có một sư mẹ sợ quá, ngồi khóc thút thít rồi đi xuống. Riêng chị thì chị nhớ là chị đã làm cho mọi người cười rất vui trong khi chị giảng huyên thuyên về bát chánh cần tứ chánh đạo. Tại đây, Sư Ông cũng đã gọi sư cha Nguyện Hải lên để “trả bài” về sự thực tập Làm Mới, đã dạy lại cách thỉnh chuông khi nghe một sư mẹ thỉnh chuông không được hay cho lắm, và sư mẹ đã khóc nức nở. Cũng tại nơi đây, Sư Ông giảng truyện Kiều đến đoạn Từ Hải bị cung tên bắn và đứng chết ngay tại chỗ như một trái chôm chôm, Sư Ông ráng hài hước một chút để làm đại chúng cười, nhưng chẳng ai buồn cười mà lại còn sụt sùi nước mắt, cô Tịnh Thủy thì còn bật khóc ra tiếng nữa.

Tất cả các bàn ăn cũng như bàn Sư Ông ngồi giảng đều là những tấm ván ép màu trắng được đặt trên những cái chân bàn xếp bằng gỗ trên nền xi-măng. Đại chúng ngồi trên những chiếc ghế nhựa màu trắng từ thời đó. Những năm đầu, các sư mẹ Chân Không và Chân Đức luôn luôn thâu thanh những bài pháp thoại của Sư Ông, mỗi người đảm trách một cái máy. Tuy vậy, Sư Ông cũng thâu với cái máy riêng của Sư Ông. Cái máy thâu thanh đầu tiên của Sư Ông thâu với cassette, màu đen, khá to và nặng. Sau đó, Sư Ông chuyển qua thâu với cái máy walkman, rồi một cái khác nhẹ hơn. Các pháp thoại luôn luôn bị gián đoạn mỗi khi Sư Ông cần phải đổi mặt băng hoặc thay pin. Có khi băng hết hoặc pin hết lúc nào Sư Ông không biết. Đến khi giảng xong mới biết rằng thâu thanh đã bị mất một đoạn. Đó là lý do tại sao phải thâu với nhiều máy để bổ túc cho nhau. Sau này Sư Ông có một cái máy walkman mới tự động đổi mặt băng. Mùa đông 1993, cô Chân Tuệ Hương từ Úc đem cúng dường cho ban âm thanh một cái máy Dat mới nhất với một cái micro thật to để thâu được giọng của Sư Ông từ xa mỗi khi Sư Ông đứng dậy viết bảng. Năm sau Sư Ông đi dạy ở Đông Nam Á và có người cúng dường một cái máy thâu với minidisc vừa xuất hiện trên thị trường. Cũng vào năm đó, Sư Ông bắt đầu dùng micro cài trên áo.

Ngoài thâu thanh, chú Hoàng (thầy Pháp Lữ) phụ trách thâu hình lúc bấy giờ. Chị còn nhớ trên máy thâu video, chú cột một ống tre dài ra phía trước, trên đầu ống tre gắn cái micro. Đó là cách chú làm để đặt micro gần Sư Ông hơn và thâu giọng Sư Ông rõ hơn. Sau này mình mới biết có những video có hình mà không có tiếng hoặc có tiếng mà lại không có hình. Nhờ những cuộn băng Sư Ông thâu được mà sau đó, chú có thể ráp tiếng vào hình. Ngày nay kỹ thuật tân tiến, các em thấy có được một cái băng giảng CD hoặc băng hình DVD là một chuyện tầm thường, lại còn có pháp thoại sống trên mạng đủ thứ, nhưng vào thời đó mà thâu được đầy đủ và giữ gìn được cho đến ngày hôm nay là cả một công trình bền bỉ và cần mẫn.

Năm 1991, anh Đức và chị Đoan mang về Làng một máy vi tính Macintosh thứ nhì. Máy được đặt trong phòng sư mẹ Đoan Nghiêm, bây giờ là nhà kho sách của quán Ô Môi. Vào thời đó chưa có cư xá Mây Tím, cũng chưa có phòng học hay phòng sinh hoạt chung (common room) cho các sư cô, nên các sư cô học bài và làm việc ngay trong phòng ngủ luôn. Nhiều cuốn sách của Sư Ông đã được sư mẹ Đoan Nghiêm đánh và dàn trang (layout) trên máy này với phông chữ Bình Minh, rồi sau đó đổi qua phông VPS như Nghi thức truyền giới cho Khất sĩ và Nữ khất sĩ, Sáu Học Pháp của Thức xoa ma na, cuốn Con Đường Chuyển Hóa (bố trí lại), Kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não, Năm Cánh Tỏa Kỳ Hương, Giếng Nước Thơm Trong, Về Việt Nam… Vào thời đó, trong chúng chỉ có từ 10 đến 20 sư cô, người thì ít mà công việc thì nhiều. Thường thường trước và sau mỗi khóa tu mùa Hè, đại chúng phải bỏ ra cả hai tuần lễ chấp tác sáng chiều với “staff” cư sĩ mới chuẩn bị cho tạm xong. Trong năm, mỗi người nhận ba bốn tri (trách nhiệm) cùng một lúc, ấy vậy mà mỗi năm sư mẹ Đoan Nghiêm cứ phụ Sư Ông cho in thêm sách mới thường xuyên. Và chính tại căn phòng này, sư mẹ Đoan Nghiêm cũng đã đánh máy tập Hồi ký của Sư Ông.

Trước mùa xuân năm 1993, các sư cô đã dời nhà bếp qua nhà ăn. Nhà bếp cũ trở thành văn phòng nơi đặt máy photocopy. Trong nhà bếp mới, có ba cái “lò ba chân” được đặt dọc bức tường kế phòng khử trùng bây giờ, cạnh đó là cái tủ “garde-manger”. Một cái kệ úp chén bát, nồi niêu được đặt dọc bức tường cạnh mái hiên nơi rửa chén bây giờ. Trước giờ pháp thoại, đội nấu ăn phải dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp và chỉ được tiếp tục nấu sau giờ pháp thoại. Căn phòng này lại trở thành trung tâm của xóm Hạ: vừa là pháp đường nơi Sư Ông cho pháp thoại,vừa là nhà ăn, nhà bếp, phòng họp, lớp học. Lớp nấu ăn chuẩn bị cho khóa tu mùa Hè (học cách tính số lượng thức ăn phải nấu cho đủ số người ăn), các lớp tiếng Pa-li, tiếng Phạn, kinh Nam truyền do sư mẹ Chân Đức dạy, lớp uy nghi của sư cô Như Phước, lớp tiếng Hán của sư cô Viên Quang, lớp tiếng Quan thoại của Feifei, lớp dâng hương của sư mẹ Đoan Nghiêm… Ngày nay, các buổi họp cho các xóm trước những khóa tu lớn rất nhanh và gọn, đó cũng chính là nhờ vào các buổi họp trong những năm đầu tại đây đã thiết lập được cách tổ chức cũng như thời khóa để đại chúng cứ theo đó mà bổ sung thêm trong những năm sau này.

Đến năm 1995, các sư cô lại dời nhà bếp vào lại trong nhà bếp cũ. Lúc đó có bác Tư từ Úc sang ở lại Làng vài năm, bác là tác giả của những tấm bảng gắn rải rác nơi các xóm viết bằng nét chữ đều như in của thầy giáo ngày xưa, và cũng là tác giả của nhiều bài hát như “Mời bạn hãy dâng ly trà, Hiểu và Thương, Sáng nay em ra vườn thấy bông hường…” Bác nói: “Cái nhà bếp rất là quan trọng mà các sư cô cứ dời lui dời tới như vậy thì trong chị em thế nào cũng có chuyện lục đục.” Nghe bác Tư nói vậy, các sư cô quyết định để luôn nhà bếp tại đó cho đến ngày hôm nay.

Khi chị về Làng để tập sự xuất gia, cư xá Đồi Mận và cư xá Hồng Dòn vừa được cài hệ thống sưởi ga, tất cả những cư xá còn lại vẫn còn dùng sưởi củi. Thời sư mẹ Đoan Nghiêm thì các sư mẹ còn phải đi lượm gỗ bỏ tại những xưởng cưa đem về xài thêm để không phải mua củi nhiều quá. Những khúc củi to mua về được chất dưới hiên, nơi đặt cái nhà lạnh bây giờ. Những khúc củi to quá khổ, phải được bổ ra mới vừa với lò sưởi. Và các chị được dạy là “hai tay cầm thật chặt một cái rựa to và nặng, đưa cái rựa cao lên quá đầu rồi giáng nó xuống khúc củi theo chiều dọc để bửa nó ra.” Chắc có nhiều em bây giờ đâu biết làm cái việc này phải không? Phải học mới làm được các sư em à. Sau khi được bửa nhỏ, những khúc củi này vẫn còn quá dài cho cái lò sưởi. Vì vậy giai đoạn kế đến là phải cưa ngắn củi lại với cái máy cưa bằng xăng. Sư mẹ Đoan Nghiêm đã từng là chuyên viên bửa củi giỏi lắm đó, các em có biết không?

Ngoài việc học bửa củi, chị còn được học làm tàu hủ nữa. Vào thời đó làm gì mà có máy xay đậu nành tân tiến như bây giờ! Mấy chị xay đậu với máy xay sinh tố rồi nhồi tay với nước nóng để làm sữa đậu nành trước khi nấu lên thành tàu hủ. Thức ăn đơn sơ hơn bây giờ nhiều lắm. Lâu lâu mới có tàu hủ hoặc món tráng miệng. Vì chưa quen với “chế độ ăn uống” này nên năm đầu chị rất thèm ngọt. Có một lần cô Tịnh Thủy tặng sư mẹ Tuệ Nghiêm một hộp sô-cô-la Léonidas. Thế là mỗi trưa sau giờ cơm, sư mẹ Tuệ Nghiêm rủ chị đi dạo dưới những hàng cây mận. Ngồi xuống dưới bóng mát, sư mẹ cho chị một viên sô-cô-la và hai chị em cùng thưởng thức thật lâu, mỗi ngày mỗi người chỉ được ăn một viên thôi nhé. Thưởng thức xong, chị trở về lại phòng để nghỉ trưa và để sư mẹ đi chơi tiếp một mình. Có một lần nhận được một thùng bánh từ Mẹ chị gửi qua, chị liền xin một cái hẹn với sư mẹ Tuệ Nghiêm để Làm mới trong thiền đường Nến Hồng. Sư mẹ Tuệ Nghiêm lo lắng ra mặt. Đến khi gặp nhau trong thiền đường, chị đem thùng bánh ra chia với sư mẹ làm sư mẹ thở phào nhẹ nhõm. Thùng bánh này đã giúp chị vượt qua được cơn thiếu ngọt.

Ngày nay, các em chấp tác trong đội luân phiên mỗi ngày và cảm thấy đây là chuyện bình thường. Nhưng hệ thống làm việc có tổ chức này là do sư cô Thanh Lương khởi xướng đầu tiên và đã làm cho các sư mẹ của các em vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ. Chị còn nhớ mỗi ngày có một sư cô trong các đội chuông phải thức trước giờ thức chúng khoảng 30 phút. Đố các em biết để làm gì? Trước hết là để đi đốt lò sưởi trong thiền đường. Đốt sớm như vậy thì một giờ sau thiền đường sẽ đủ ấm cho đại chúng ngồi thiền. Những lần đầu chị không biết cách chụm lửa, củi đã không chịu cháy mà lại còn bị khói bay mù mịt hết cả thiền đường. Trong trường hợp như vậy thì phải mở toang cửa cho khói bay ra ngoài trời. Chưa sưởi được bao nhiêu mà lại làm cho thiền đường lạnh hơn trước nữa! Để đề phòng những “bất trắc” như vậy có thể xảy ra thì phải dậy thật sớm để đốt lò. Phòng Hoa Cau (phòng của Sư Ông) lúc đó cũng chỉ có lò sưởi củi. Thị giả của Sư Ông có nhiệm vụ đốt lò, sưởi ấm phòng trước khi Sư Ông đến. Đó là vì sao có một chương uy nghi dạy về cách đốt lò sưởi củi trong cuốn Luật Sa Di của mình đó các em. Đa số các sư mẹ sư cha của các sư em là dân thành phố, về Làng tu đều phải được học tất cả, từ bửa củi, cưa củi, đốt lò cho đến trồng rau, làm tàu hủ, không thiếu một thứ chi.

Sau khi đốt lò sưởi ở thiền đường, sư cô trong đội chuông đi đốt lò sưởi trong nhà ăn, rồi nấu nước sôi chế đầy vào bình thủy, pha một bình trà và đặt bình trà vào trong một cái giỏ mây lót nệm xung quanh và có nắp đậy để giữ trà ấm lâu cho những ai trong đại chúng muốn uống trà trước khi đi ngồi thiền. Ban đầu thì bình thủy nước và bình trà được đặt trên cái tủ trắng dài trong nhà ăn, đến năm 1997 thì được đặt ngay trên bàn trước cửa ra vào thiền đường (đi từ phòng Ô Môi) vì trong một buổi pháp thoại, Sư Ông cho phép đại chúng uống trà trong lúc ngồi thiền.

Làm xong những công việc này rồi, sư cô mới đi thỉnh chuông thức chúng. Thời điểm đó chưa có bình nấu nước bằng điện, vì đó là hàng quá sang. Bình nấu nước đại chúng dùng bấy giờ là loại bình bằng nhôm với cái vòi cong. Nhiều khi cái vòi bị hở và rỉ nước làm cho chú Hoàng (thầy Pháp Lữ) phải đem ra ga-ra ở Loubès-Bernac để mượn người ta cái máy hàn mà hàn cái lỗ hở lại. Trong mỗi phòng đều có lò sưởi củi, nên muốn nấu nước thì chỉ cần đổ nước vào một cái nồi nhôm đặt ngay trên lò sưởi củi, chỉ 2 phút sau thì nước sôi liền. Ni sư Diệu Đạt, trụ trì chùa Đông Thuyền ở Huế, lúc qua Làng năm 1994 cũng nấu nước sôi theo cách này như mấy chị vậy.

Ngày xưa, Sư Ông thường uống trà Thiết Quan Âm trong hộp thiếc màu đỏ hình chữ nhật, được bán ở các tiệm Việt Nam, chỉ có 2 quan tiền một hộp (bây giờ là 5 đô Mỹ một hộp). Vì vậy thỉnh thoảng Sư Ông có cho các sư cô một ít loại trà đó để pha uống.

Những lò sưởi trong phòng của các sư cô chỉ nhỏ bằng một phần tư của lò sưởi trong thiền đường, cho dù các sư cô chất củi đầy lò trước khi đi ngủ cũng chỉ đủ để sưởi ấm phòng đến ba giờ khuya rồi sau đó là tắt ngấm. Vì vậy sư cô nào cũng có sẵn vài túi nước nóng ấp trong mền. Cư xá Đồi Mận tuy là có lò sưởi ga nhưng cũng không ấm áp gì hơn vì các bức tường và trần nhà chưa có hệ thống cách nhiệt. Nền nhà bằng xi-măng, tường xây bằng gạch đỏ còn để lộ màu sắc của những viên gạch, các cửa phòng chính và cửa sổ đều hở dưới, hở trên và hai bên. Thiền đường cũng vậy đó. Các vách tường bằng đá nên cũng rất lạnh. Cho nên những chiếc bồ đoàn gần lò sưởi là những chỗ ngồi “hạng nhất” (chúng xuất gia chưa ngồi thiền theo thứ tự hạ lạp vào thời đó). Mỗi sáng mùa đông mà được ngồi thiền chung gần lò sưởi thật ấm cúng, mùi hương thơm ngát của củi đốt và tiếng củi lửa reo lách tách, đó là một niềm hạnh phúc lớn của mỗi người mà ngày nay các sư em không còn được thưởng thức nữa.

Chị cũng còn nhớ trước và sau giờ ngồi thiền tụng kinh thường hay có khoảng 15, 20 phút rảnh, chị hay tranh thủ để đứng đọc sách Sư Ông ngay trong căn phòng cạnh thiền đường mà bây giờ có chiếc đàn piano. Lúc bấy giờ phòng này còn là quán sách Ô Môi, một cái quán không bao giờ khóa cửa bởi vì muốn bước vào thiền đường, mọi người phải đi thông qua căn phòng đó. Để giữ thiền đường ấm, cánh cửa chính chỉ được dùng trong những trường hợp đặc biệt như các buổi lễ lớn thôi. Cô Tịnh Thủy làm chủ quán, cô trưng bày sách và giới thiệu sách của Sư Ông trên một cái kệ. Nhờ vậy mà chị đã đọc được hết cuốn này đến cuốn nọ ngay tại đây. Đến năm 1994, quán Ô Môi lại được dọn qua Tham vấn đường cho đến ngày hôm nay.

Mùa xuân năm 1994, sau khi đã dịch hai bài kệ Hô canh sáng và tối từ tiếng Hán ra tiếng Việt, Sư Ông đích thân hô canh và thâu vào băng cassette để cho các sư cha và các sư mẹ của mấy em “ở nhà học” trước khi đi hoằng pháp ở châu Á. Trước đó, để bắt đầu những buổi ngồi thiền mình chỉ thỉnh ba tiếng chuông thôi. Mỗi thầy mỗi sư cô đều được phát một băng cassette hô canh để nghe và tự tập lấy. Mùa xuân năm đó đi đâu trong xóm cũng nghe các sư cô tập. Bây giờ vừa vào tu viện các em đã được nghe hô canh rồi, nghe hoài mỗi sáng tối nên học cũng nhanh. Còn thời đó, mấy chị mới được nghe lần đầu, phải tự học và học từ băng cassette, khó ơi là khó. Học xong điệu tụng lại phải học đến cách thỉnh chuông, khi nào thì thỉnh hồi, khi nào thì chỉ thỉnh một tiếng, khi nào thì nhấp. Ôi chao ôi là khó! Nhưng đó là một mùa tu học rất vui. Mỗi ngày mấy chị được nghe một kiểu. Không ngày nào là không có tiếng cười. Có một sư mẹ lần đầu tiên hô cho đại chúng và muốn chắc ăn, sư mẹ đem theo cái cassette, bật lên trong walkman và đeo ống nghe để nương theo đó mà xướng. Nhưng than ôi, không những sư mẹ nghe giọng Sư Ông xướng mà cả đại chúng cũng đều nghe. Và khi đeo ống nghe thì sư mẹ chỉ nghe được giọng Sư Ông trong cassette mà không nghe được giọng của chính mình, thế là hai giọng đi hai bè khác nhau. Sư mẹ hô canh hết lòng, đến gần xong sư mẹ mới phát giác ra là đại chúng đang ôm bụng mà cười còn sư mẹ thì chẳng hay biết gì! Đó là một kỷ niệm vui đã xảy ra tại thiền đường Nến Hồng đấy các em.

Có một thời gian chị được ở phòng Mai Vàng cạnh thiền đường Nến Hồng, “cơ sở làm báo Làng Mai” trước kia và văn phòng ghi danh bây giờ, với các sư mẹ Hoa Nghiêm và Tuệ Nghiêm hoặc sư mẹ Trung Chính. Khu Đồi Mận ngày xưa là nền xi-măng gồ ghề và lạnh ngắt được lót sàn gỗ vào năm 1994 – 1995, nên tất cả các sư cô ở Đồi Mận phải dọn tạm vào các phòng ở khu vực nhà chính. Chị còn nhớ trong phòng Mai Vàng, các sư mẹ Bảo Nghiêm, Hoa Nghiêm cùng với mấy chị, Định Nghiêm, Tuệ Nghiêm, Giải Nghiêm, Thuần Nghiêm, xếp nệm nằm ngủ như “cá hộp”. Có một buổi sáng ngày Làm Biếng thức giấc, chị nghe văng vẳng bên tai có tiếng các chị em nói chuyện rì rào vui ơi là vui. Tuần lễ đó cũng là một tuần lễ khó quên trong thời sa di của chị.

Cũng vào mùa xuân lúc chị còn ở tại căn phòng này, trong khi Sư Ông đi dạy xa, đại chúng quyết định rằng các sư cô được chọn một cái cốc hoặc một căn phòng để luân phiên nhập thất. Đó là một tin quá vui cho những sa di ni như mấy chị: không phải chấp tác, không phải làm gì hết, cả ngày chỉ tu thôi! Đến phiên chị, chị chọn nhập thất trong cái cốc lục giác của sư mẹ Diệu Nghiêm, chốn xinh tươi lý tưởng của bao nhiêu chị em. Sáu phía làm bằng cửa kiếng và trên trần cũng có kiếng. Nhìn ra bảy phía là cây xanh, cỏ xanh và trời xanh. Buổi sáng không cần để đồng hồ báo thức bởi vì tiếng chim hót rất lớn và ríu rít. Trước cốc có treo một cái võng để cho thiền võng. Cả ngày trong khi ngồi thiền, đi thiền, lạy Bụt và tụng kinh, chị có cảm giác như được thiên nhiên và đất trời nâng niu trong vòng tay. Đến giờ ăn thì có sư mẹ Tuệ Nghiêm, người “hộ thất” đem thức ăn ngon đến. Ngoài ra, chị còn lấy tiền túi để mua thêm những bánh trái và sữa chua mà mình ưa thích nhất. Chưa bao giờ trong đời mà chị thấy mình được ưu đãi như vậy, hạnh phúc ngoài sức tưởng tượng! Nhưng hạnh phúc này chỉ kéo dài chưa được đến một ngày! Các sư em có biết chuyện gì đã xảy đến với chị không? Sau khi ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn tuyệt vời thì chị cũng nhận thấy là màn đêm đã kéo đến. Vào ban ngày, từ trong cốc nhìn ra bảy phía thấy xanh tươi và huy hoàng bao nhiêu thì về đêm, cảnh vật lại đen thui và dễ sợ bấy nhiêu. Chị phải kéo màn cửa lại phủ kín mít, nhưng nhìn lên trên trần vẫn thấy một khoảng trống tối hù ngay trên đầu. Tối đó chị không dám tắt đèn và không tài nào ngủ được. Nguyên đêm lại nghe đủ thứ tiếng động mà không hiểu là tiếng gì.

Ngày hôm sau rút kinh nghiệm, chị không buồn ngắm mặt trời lặn nữa, trước khi màn đêm kéo đến là chị đã lo lên giường và tìm đủ mọi cách đi vào giấc ngủ. Nhưng càng cố gắng ngủ thì lại càng không ngủ được.

Ngày hôm sau nữa, trước khi trời tối, chị lẳng lặng ôm mền gối trở lại phòng Mai Vàng. Sư mẹ Hoa Nghiêm và sư mẹ Tuệ Nghiêm đang ngồi học bài nhìn chị không hiểu chuyện gì, riêng chị thì làm như không có chuyện gì xảy ra, cứ đi thẳng đến giường mình nằm xuống và ngủ một giấc cho đến sáng rồi biến mất, trở lại vào thất. Đây cũng là một kỷ niệm chị không bao giờ quên được trong thời gian ở tại căn phòng này.

Chị cũng đã từng ở trong căn phòng kế bên, bây giờ là văn phòng chùa, khi thì với Ni sư Diệu Đạt, khi thì với sư mẹ Chân Vị, khi thì với Mẹ của chị. Mùa xuân năm 1994 trong lúc Sư Ông đi dạy ở châu Á, Mẹ chị mua vé máy bay qua Làng với ý định “xách cổ” chị về nhà. Nhưng sinh hoạt với các sư cô được vài tuần thì chị không nghe Mẹ chị đả động gì đến chuyện “xách cổ” chị về nữa. Được gần gũi các sư cô, Mẹ chị biết thêm về nếp sống xuất gia. Đến bây giờ Mẹ chị cũng vẫn còn thường nhắc đến những sư cô trong sáng và dễ thương, những giây phút hai mẹ con ngồi bên lò sưởi củi hơ tay và nghe tiếng lửa reo lách tách, những lúc trúng gió được các sư cô cạo gió… Trước lúc Mẹ chị lên máy bay về lại Hoa Kỳ thì đến ngày giỗ mãn tang của Ba chị. Tất cả các thầy, kể cả Sư bá, và các sư cô đã tập họp tại thiền đường Nến Hồng để tụng kinh cầu siêu cho Ba chị. Chị còn nhớ thầy Pháp Trú tuy bận nấu ăn cả ngày hôm đó mà cũng vẫn đến tham dự buổi lễ. Xưa nay ở các buổi lễ cầu siêu tại các chùa, chỉ có một hay hai thầy tụng kinh hộ niệm, chưa bao giờ Mẹ chị chứng kiến một người trong gia đình mà được các thầy các sư cô đắp y vàng tụng kinh đầy cả một thiền đường như vậy. Sau buổi lễ, Mẹ chị sung sướng không tả được và cứ tấm tắc khen ngợi buổi lễ quá trang nghiêm và đẹp. Còn chị thì quá biết ơn đại chúng, chị đã làm sẵn bánh flan để cúng dường mỗi vị trước khi ra về và tự hứa trong lòng rằng suốt đời sẽ không bao giờ giận ai mà đã tụng kinh cho Ba chị. “Nếu không có con gái đi tu thì làm sao Ba có được một buổi lễ cầu siêu như vậy phải không Mẹ?”

Kể từ giây phút đó, Mẹ chị bắt đầu luôn luôn yểm trợ chị trên con đường này.

Hiện giờ, bên trong nhà ăn và nhà bếp Xóm Hạ đã bị đập xuống và công trình xây cất đang xúc tiến để nâng cấp toàn bộ ngôi nhà. Đến mùa Hè này, các căn phòng sẽ mới hơn, đẹp hơn và tiện nghi hơn, nhưng có thể một số người đã từng được sống vào thời xưa sẽ không khỏi thương tiếc cảnh cũ, thương tiếc hình bóng vị Bồ tát đã từng che nắng che mưa cho thầy trò nhà mình, cho bao nhiêu người đã đến tu học và đã tìm lại nguồn vui sống, từ bao nhiêu nước trên thế giới? Điều này sẽ làm các sư em của chị mỉm cười bởi vì các sư em đã thấy sự tiếp nối của vị Bồ tát này ngay đó. Giống như cây thông tí hon đứng trước nhà ăn vẫn còn đó, bây giờ cao hơn và sum suê hơn thôi. Không có gì đã mất. Những cảnh tượng ngày xưa vẫn còn hiện thực và rõ ràng lắm. Và Bồ tát đã hóa thân đi khắp nơi, dưới hình thức của những thiền đường khác như thiền đường Thái Bình Dương, thiền đường Cánh Đại Bàng, và dưới nhiều hình thái khác nữa. Vị Bồ tát vẫn tiếp tục sự nghiệp phụng sự độ đời không mỏi mệt và không gián đoạn.