Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Niềm vui của cháu – hạnh phúc của dì

Chân Bạch nghiêm

Niềm vui của Cháu Cách đây ba tháng tại Tu viện Lộc Uyển, người chị thứ nhì của tôi dắt cậu con trai út của mình, bé Hiếu lên thăm dì nó một cách bất ngờ vào ngày thứ hai của khóa tu tiếng Anh.

Mang tiếng lên thăm dì nhưng Hiếu đã tung tăng tự mình đi chơi để khám phá Lộc Uyển. Tôi đến gặp Hiếu vào giờ ăn chiều, cháu đang cầm tô cơm trong tay, chỉ chào tôi rồi đi theo nhóm thiếu niên. Tôi khá ngạc nhiên vì cháu mới tới đây chưa đầy mấy giờ mà đã có bạn mau đến thế.

Sáng hôm sau, lúc đang đứng khất thực buổi sáng, tôi bất ngờ khi lại thấy cháu cũng đi ăn với nhóm thiếu niên. Tôi cứ tưởng Hiếu đã về với chị tôi chiều hôm qua rồi! Ai ngờ cháu đã làm quen được với một số bạn trong chương trình thiếu niên, thấy vui quá nên đã xin mẹ mình cho ở lại hết cuối tuần.

Buổi trưa Hiếu đi vào quán sách để kiếm tôi cho bằng được như có chuyện gấp cần chia sẻ. Mà gấp thiệt, vì bé Hiếu “cầu cứu” tôi: “Dì Út ơi! ngày mai con phải đi học rồi nhưng con chưa muốn về. Bây giờ con phải làm sao? Con không muốn về thật mà!” Tôi nhìn cháu, mỉm cười, không biết mình có nghe lộn không hay cháu đang giỡn với mình vì xưa nay có bao giờ cháu thích đi chùa, huống chi là ở lại qua đêm; bây giờ cháu còn không muốn về nhà thì đúng là chuyện bất bình thường. Nhưng tôi nói với cháu:

– Nếu Hiếu thật sự muốn ở lại thì điện cho mẹ để xin phép nghỉ học một ngày. Cứ thử đi!

Nghe vậy, Hiếu như cảm thấy yên tâm vì ít nhất cũng có dì yểm trợ. Bé Hiếu vừa đi khỏi, tôi điện cho chị tôi liền lập tức để cho chị biết trước là con trai chị đang vui trong khóa tu nên xin phép nghỉ học. Chị cũng bất ngờ như tôi nhưng hai chị em đều đồng ý cho Hiếu ở lại thêm một ngày. Đến ngày chị tôi lên đón Hiếu về thì cháu lại nhất quyết xin ở lại thêm bởi vì Hiếu muốn thức dậy sớm để cùng với nhóm thiếu niên leo núi ngắm cảnh mặt trời mọc.

Thật là lạ vì ở nhà Hiếu hay ngủ nướng và hình như chưa bao giờ trong đời có thể thức dậy được lúc 4g sáng, nhưng đến Lộc Uyển thì cái gì cũng có thể thay đổi. Trong thời gian này hai dì cháu ít gặp nhau vì Hiếu đi theo thời khóa dành riêng cho các em teens, còn tôi vừa phụ quán sách vừa hướng dẫn pháp đàm cho người trẻ, nhưng lúc nào cháu muốn ăn kem hay uống nước ngọt thì vào quán sách gặp tôi.

Đây đúng là một sự mầu nhiệm bởi tôi không cần phải dụ dỗ hay năn nỉ cháu mình đi dự khóa tu mà nhờ khung cảnh yên bình của Lộc Uyển, năng lượng của đại chúng, và đặc biệt là nhờ sự hướng dẫn của sư cô Đẳng Nghiêm và sư chú Trời Hiện Tại. Sự hướng dẫn của hai vị này làm cho các em thiếu niên như Hiếu rất thích thú với những sinh hoạt chung có tính cách vừa tu vừa chơi.

Mỗi ngày các em đều ăn chung ba bữa ngoài tháp chuông, ngồi thiền và có những buổi chia sẻ như pháp đàm ở ngoài yurt (lều Mông Cổ, một loại lều hình khối có nền gỗ, sườn gỗ như một cái nhà nhỏ), hay leo núi Yên Tử. Các em, như cháu tôi đều xem sư cô Đẳng Nghiêm như một người mẹ tâm linh: vừa cứng rắn vừa dịu dàng, biết cách chăm sóc và hiểu tâm lý đối với nhu cầu các em tuổi mới lớn. Còn sư chú Trời Hiện Tại mà các em hay gọi là Brother Now, tuy mới xuất gia trong gia đình cây Kim Ngân (Honey Suckle) được gần một năm nhưng sư chú trẻ trung, năng động, có khả năng chơi và hướng dẫn các em một cách tự nhiên làm cho các em dễ chia sẻ thật những điều trong lòng. Chính vì vậy mà Hiếu thấy Brother Now không những là một người anh lớn để nương tựa mà cũng là một người bạn tốt để chơi. Hiếu rất thích Brother Now. Đi đâu hay làm gì Hiếu cũng nhắc đến Brother Now hết.

Sau buổi leo núi đó, đại chúng có giờ vấn đáp với Thầy. Các em thiếu nhi và thiếu niên thường được ưu tiên đặt câu hỏi trước người lớn. Lúc đó tôi ngồi ở ngoài trời, dưới bóng cây Olive vì thiền đường đông nghẹt người. Sau vài câu hỏi, tôi chợt nghe một giọng nói quen thuộc cất lên. Đúng là giọng của Hiếu. Không ngờ Hiếu lại can đảm lên tự thú nhận với Thầy trước mặt đại chúng gần 1000 người rằng Hiếu bị bệnh ghiền chơi “game”, có khi cắm đầu chơi tới 8 tiếng một ngày và Hiếu cầu cứu Thầy chỉ cho Hiếu phương pháp để chấm dứt cơn bệnh này, cơn bệnh mà nhiều thiếu nhi và người trẻ ở Mỹ dễ sa vào.

Tôi không ngờ đứa cháu tôi có thể hỏi Thầy một câu hỏi như vậy. Điều ngày chứng tỏ rằng Hiếu có niềm tin nơi Thầy để giúp cho cháu. Ở nhà, mẹ Hiếu và các cậu, dì đã khuyên cháu hết lời nhưng không có hiệu quả. Thầy đã dạy cho Hiếu rằng có khi mình muốn trốn chạy khổ đau của mình bằng cách khỏa lấp nó qua những cuộc giải trí nên mình đánh mất cái mầu nhiệm của sự sống, cái thiên quốc của Chúa trong giây phút hiện tại. Mình phải biết xử lý khổ đau của mình, biết tiếp xúc với thiên nhiên, và không lãng phí thời gian quý báu mà sự sống đã cho mình. Nhưng đây không phải là vấn đề riêng của người trẻ mà cha mẹ và giáo viên cũng có trách nhiệm để giúp người trẻ biết cách xử lý khổ đau của họ.

Sau buổi vấn đáp ấy, tôi nghe nói các em teens sẽ có buổi thực tập Làm Mới với bố mẹ. Tôi liền điện thoại cho chị tôi biết tin và nói với chị một cách dứt khoát: “Chị ơi! Em biết chị đang bận việc làm nhưng chị phải tìm cách về Lộc Uyển để kịp dự buổi Làm Mới với Hiếu. Sự có mặt của chị bây giờ có thể là quan trọng nhất và có thể thay đổi cả cuộc đời của chị và Hiếu.” Chính tôi cũng lo đi kiếm người thay tôi hướng dẫn pháp đàm để tôi cũng có thể có mặt cho Hiếu. May mắn có sư chú Trời Quán Chiếu sẵn sàng giúp tôi.

Hiếu rất ngạc nhiên khi thấy cả Mẹ và Dì của mình có mặt trong buổi làm mới. Đây là lần đầu tiên tôi ngồi tham dự buổi làm mới có gia đình huyết thống của mình, chứng kiến chị và cháu tôi làm mới với nhau rất tự nhiên và rất thật lòng. Hai mẹ con đã có thể mở lòng với nhau, tôi ngồi lắng nghe mà cảm động. Tôi đã hướng dẫn nhiều buổi làm mới cho gia đình thiền sinh trong những chương trình con nít, chương trình teens, đã thấy được sự chuyển hóa của họ. Bây giờ tôi lại được chứng kiến sự chuyển hóa của chính gia đình mình trong không khí một khóa tu lớn tại tu viện.

Khi đến phiên tôi thực tập tưới hoa cho Hiếu tôi cảm động quá, nước mắt tôi chảy xuống làm tôi không mở lời được liền. Tôi im lặng theo dõi hơi thở để lấy lại sự bình an. Nhìn vào đôi mắt ngây thơ của Hiếu, tôi nói: “Đây thật sự là giây phút hạnh phúc khi dì Út được ngồi đây để lắng nghe Hiếu và mẹ của Hiếu làm mới với nhau. Cả gia đình mình đang thật sự có mặt cho nhau. Khi nghe trưa nay có buổi làm mới, dì và mẹ của Hiếu bằng mọi cách muốn tới đây để có mặt cho Hiếu vì ai cũng thương Hiếu. Dì Út rất vui khi Hiếu đến thăm dì và tự quyết định ở lại hết khóa tu. Dì rất mừng khi thấy Hiếu tự lập, tham dự tất cả sinh hoạt, làm quen nhiều bạn, đem lại niềm vui cho nhiều người như đây là nhà của Hiếu vậy. Dì Út đã từng chứng kiến sự ra đời của Hiếu, thấy Hiếu khi còn là một đứa bé dễ thương mập mạp, đã từng ôm Hiếu vào lòng khi cho Hiếu bú sữa bình, đã thay tã cho Hiếu, nhưng bây giờ Hiếu đã lớn lên sắp trở thành một người thanh niên. Rất tiếc sau này dì Út đi tu không còn nhiều cơ hội để chơi với Hiếu nên mùa đông này Hiếu hãy về Làng chơi với dì Út. Đặc biệt bên Làng có rất nhiều thầy và sư cô trẻ để Hiếu có thể chơi cùng. Dì Út cám ơn Hiếu đã can đảm lên đặt câu hỏi với Sư Ông, tự thú trước đám đông thói quen chơi video games của mình để cầu cứu sự giúp đỡ. Câu hỏi của Hiếu không những giúp được Hiếu mà sẽ giúp rất nhiều người trẻ như Hiếu.”

Sau đó Hiếu đã cam kết với tôi và mẹ cháu là mỗi ngày sẽ giảm chơi trò điện tử thành một giờ. Khi trở về nhà Hiếu đã thực hiện được lời hứa của mình và còn biết phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa. Tôi mừng nhất là Hiếu đồng ý về Làng trong mùa đông, đặc biệt sau khi nghe nói có Brother Now cũng sẽ về Làng. Trước khi trở về Pháp, tôi và mẹ Hiếu đến trường học gặp người tư vấn (counselor) của Hiếu để bàn về cách tốt nhất cho cháu có thể đi Pháp mà không bị ảnh hưởng nhiều đến việc học.

Sau khi nghe tôi giải thích, bà đồng ý cho Hiếu nghỉ học một tháng và nhà trường sẽ cho bài tập làm ở nhà để không bị mất điểm. Vấn đề còn lại là Hiếu mới 12 tuổi, cần phải có người lớn đi theo. Chỉ còn mấy ngày nữa là tôi phải trở lại Làng còn mẹ Hiếu thì không thể đi được. May quá, khi cả nhà ngồi chơi đông đủ, tôi thuyết phục được anh đầu của tôi đưa Hiếu qua Pháp để hai cậu cháu có thể yểm trợ lẫn nhau. Thật là một giấc mơ sắp thành sự thực. Xưa nay tôi đã ao ước biết bao cho gia đình của tôi được qua Làng tu tập để được hưởng năng lượng hùng hậu từ Thầy và đại chúng lớn. Tôi dặn Hiếu không cần đem theo máy laptop, điện thoại di động, máy nghe nhạc trừ cái đồng hồ báo thức để Hiếu có thể đi chơi với quý thầy cho đúng giờ bởi vì bên Làng vui lắm, Hiếu không cần những thứ đó.

Một tháng sau khi tôi trở về xóm Mới thì anh tôi và Hiếu qua Làng và ở xóm Thượng. Ban đầu tôi cũng hơi lo lắng không biết anh và cháu mình từ Cali qua có chịu nổi cái lạnh mùa Đông của Làng hay không, trong khóa tu mùa Đông không có chương trình Teens cho Hiếu có bạn để chơi thì Hiếu có chịu nổi không v.v… Nhưng tôi nghĩ mọi việc đã được chư Tổ sắp đặt rồi, mình chỉ cần giao phó hết cho Tăng thân lo giúp. Thế là tôi đến với một số quý thầy và nhờ quý thầy chơi với Hiếu giùm tôi. Còn Brother Now thì tôi giao phó Hiếu làm y chỉ đệ của sư chú, nghĩa là sư chú sẽ phụ trách về hạnh phúc và sự tu tập của Hiếu. Nhờ vậy tôi thấy nhẹ lo hơn rất nhiều.

Hiếu về Làng bắt đầu vào dịp Noel nên không khí rất ấm cúng đối với Hiếu vì gia đình bên nội của Hiếu là Công giáo. Ngày Noel Hiếu ở trong bếp suốt ngày để phụ đội của Brother Now chiên chả giò, chiên khoai tây và dọn dẹp. Hiếu còn tới khoe với tôi là có nhiều Ông già Noel bí mật tặng quà cho Hiếu, tuy không nhiều bằng ở nhà nhưng cháu vẫn thấy rất hạnh phúc.

Hai dì cháu tôi ở khác xóm nên chỉ gặp nhau mỗi tuần hai lần trong ngày Quán niệm. Mỗi lần đi dự ngày Quán niệm tôi đều thấy Hiếu luôn luôn “sát cánh” bên một thầy rất thân thiện. Khi thì tôi thấy Hiếu nắm tay Brother Now, khi thì choàng vai thầy Pháp Triển, khi thì ngồi chơi với sư chú Trời Bằng Hữu, có lúc thì đi với thầy Pháp Tuyển. Nói chung là Hiếu dễ thích ứng với môi trường mới và dễ đến chơi với quý thầy như anh em một nhà. Tôi thấy yên tâm bởi Hiếu có rất nhiều Thầy để nương tựa một cách tự nhiên.

Có những ngày Hiếu vào văn phòng chơi với các thầy Pháp Áo, Pháp Linh, Pháp Triển trong khi các thầy làm việc. Ba thầy rất dễ thương, tuy bận rộn nhưng cũng cho Hiếu ở lại văn phòng chơi chung bằng cách cho Hiếu giúp việc trong văn phòng. Hiếu đã viết trong nhật ký của mình: “Ngày hôm nay tôi đã vào văn phòng để giúp cho ngày đưa đón khách. Tôi xem danh sách, gạch tên những người khách đã đến và dẫn họ về phòng.” Nghe nói Hiếu còn giúp quý thầy “đọc Email” nữa. Hiếu có vẻ thích thú bởi vì mình có thể làm chút gì đó cho văn phòng.

Vào buổi chiều của ngày Làm Biếng, Hiếu thường ra sân xem quý thầy đá banh hoặc cùng chơi bóng rổ. Nhiều lúc Hiếu được quý thầy chìu, cho vào tăng xá chơi. Có lần Hiếu lỡ chơi với quý thầy khuya quá nên được ngủ lại phòng của thầy Pháp Triển và sư chú Bằng Hữu là hai trong số những thầy trẻ tuổi mà Hiếu thích chơi nhất. Biết tính Hiếu ồn ào và nghịch ngợm, tôi nhắc cháu rằng thường lệ chỉ có người xuất gia mới được vào tăng xá của quý thầy nên Hiếu phải cẩn trọng, không đùa giỡn nhiều và hết sức nhỏ nhẹ để tránh làm phiền quý thầy. Hiếu nói với tôi ở trong tăng xá Hiếu chỉ đi thăm phòng quý thầy, uống trà, và nghe quý thầy kể chuyện. Hiếu được quý thầy đãi trà nhiều quá, đến nỗi khi chuẩn bị về lại Mỹ cậu ta đòi sắm một bình trà và bình thủy y hệt như quý thầy. Cuối cùng sư chú Bằng Hữu biết ý, cho Hiếu một cái bình thủy của sư chú và tôi tặng cháu bốn cái ly uống trà để Hiếu có thể về nhà đãi trà cho mẹ và anh.

Có nhiều buổi sáng Hiếu không thức dậy nổi để đi ngồi thiền nhưng quý thầy cũng thông cảm cho cái tuổi ham ăn thiếu ngủ nên không nhắc. Nhưng một ngày nọ Hiếu tự động thức dậy và ngồi thiền gần một giờ và cảm thấy “khỏe nhẹ và thư giãn” như đã viết trong nhật ký. Có một hôm vào ngày Quán niệm tại xóm Thượng, Hiếu đến ngồi kế bên tôi làm tôi tưởng là một em trai tập sự nào bởi vì Hiếu đã mang một bộ vạt hò nâu và đội mũ len nâu của quý thầy cho. Mặt Hiếu rất sáng và dễ thương.

Lần sau gặp lại, Hiếu làm cho tôi thêm bất ngờ khi cháu mặc áo tràng lam. Tôi hỏi: “Áo tràng đâu mà Hiếu mặc vậy?” Hiếu nhìn tôi vừa cười vừa nói: “Áo tràng của thầy Pháp Thạnh cho cháu. Quý thầy, đặc biệt là thầy Pháp Độ chỉ cho cháu cách mặc áo tràng và lạy Bụt.” Từ ngày đó đi đâu Hiếu cũng mặc áo tràng lam bên ngoài bộ vạt hò, vai lại đeo một cái đãy màu nâu giống hệt một em trai tập sự.

Tuần cuối cùng của Hiếu ở Làng, tôi xin phép các sư cô xóm Mới cho hai cậu cháu Hiếu về ở xóm Mới để tôi có dịp chơi với gia đình. Khi đến xóm Mới, thấy các sư cô và thiền sinh nữ đông quá, Hiếu mắc cỡ rút về phòng mình không dám đi đâu cả, nếu có đi đâu thì cũng theo sát lưng dì Út của nó. Vào ngày Làm Biếng tôi sắp xếp đưa gia đình đi chơi phố cổ của St.  Émilion, Hiếu loay hoay mặc áo tràng đi chơi. Sư mẹ Thoại Nghiêm bắt gặp và nói: “Con đi ra ngoài chơi không cần phải mặc áo tràng đâu.” Hiếu gật đầu, ra dấu là Hiếu muốn mặc. Rồi Sư mẹ nói tiếp: “Chỉ có tập sự mới mặc áo tràng khi đi ra ngoài thôi, con cũng muốn làm tập sự sao?” Hiếu lại gật đầu tiếp.

Sau này tôi mới nghe Hiếu kể lại là trước khi qua xóm Mới ở, Hiếu được quý thầy dạy kỹ càng là mỗi khi rời phòng đi đâu Hiếu đều phải mặc áo tràng lam vì nó là cái áo giáp bảo vệ Hiếu không cho một ai, dù là sư cô, có thể đụng tới Hiếu. Nghe vậy tôi ôm bụng cười vì quý thầy đã dùng phương tiện khéo léo cho Hiếu thích mặc áo tràng lam của mình. Cũng trong ngày đi chơi đó, khi đang ngồi ăn bánh mì ngoài trời, Hiếu chỉ vào một con chó đang đi lang thang và tiến gần đến nơi chúng tôi, nói: “Dì Út xem kìa, đó là một vị khất sĩ!” Tôi trợn mắt nhìn Hiếu: “Tại sao Hiếu dám nói con chó là một vị khất sĩ?” Cháu tôi trả lời rất tự tin: “Bởi vì trong sách Đường Xưa Mây Trắng, Sư Ông viết vị khất sĩ là người đi xin ăn.” Tôi chỉ biết cười với nhận thức ngây thơ của cháu vì cháu thấy con chó đang đi “ăn xin”, rồi giải thích cho Hiếu hiểu vị khất sĩ là như thế nào. Nhưng ít nhất là cháu tôi đang đọc Đường Xưa Mây Trắng. Điều này nhờ Hiếu được quý thầy như Brother Now và thầy Pháp Triển hướng dẫn kỹ lưỡng nên đọc những sách nào và mỗi ngày phải học tiếng Việt từ thầy Pháp Tuyển. Khi học tiếng Việt, Hiếu phải tập nói câu mới học được với ít nhất năm thầy. Câu đầu tiên Hiếu được học là “Mấy giờ thầy đi ngồi thiền?”. Câu này rất hay vì giúp cho Hiếu và vị thầy được hỏi đều phải đi ngồi thiền.

Viết đến đây lòng tôi tràn đầy niềm biết ơn đối với Tăng thân đã chăm sóc và dìu dắt cháu tôi một cách nhiệt tình và bao dung. Hiếu là Mỹ con và đầy năng lượng nên cần rất nhiều tình thương và sự kiên nhẫn mới có khả năng ôm ấp và chơi với cháu. Hiếu đã tìm thấy ở đây một gia đình tâm linh ấm cúng, có tình huynh đệ, có nhiều niềm vui mà Hiếu chưa bao giờ nếm qua. Ở nhà Hiếu chỉ có ba mẹ con vì cha mẹ Hiếu đã ly dị khi Hiếu mới 4 tuổi. Do đó Hiếu rất thèm khát tình thương của một người cha và một anh trai lớn. Đến Làng, Hiếu đã tiếp nhận rất nhiều tình thương và sự quan tâm chân thật từ quý thầy. Hiếu đã nếm được cái hạnh phúc đích thật. Có những thầy như thầy Pháp Độ và thầy Pháp Thạnh đóng vai trò một người cha, thầy Pháp Tuyển như một người anh lớn, còn có những người như thầy Pháp Triển và sư chú Bằng Hữu như những người bạn, và có người như Brother Now vừa là y chỉ sư, là sư anh và là một người bạn tốt đối với Hiếu. Những hạt giống tốt đẹp mà Hiếu được thừa hưởng từ Tăng thân và tôi cũng được thừa hưởng. Và chính vì vậy niềm vui của Hiếu cũng là niềm vui của tôi.

Hai ngày cuối còn lại, hai dì cháu tôi dành hết thời gian để có mặt cho nhau trọn vẹn. Chúng tôi đã cùng vào bếp để nấu ăn cho ngày Quán niệm ở xóm Mới, chơi bóng rổ, bóng bàn, đi dạo trên đồi mận, đẩy xe rùa đi đổ compost. Những giờ cuối cùng Hiếu bắt đầu mở lòng để tâm sự với tôi như một người bạn. Tôi rất hạnh phúc khi thấy cháu mình có thể đến với mình để chia sẻ những điều trước đây khó chia sẻ. Nhờ pháp môn thực tập Hiếu đã mở hé được cánh cửa của suối nguồn tâm linh và huyết thống của mình. Những gì Hiếu được trải nghiệm ở Làng đều nhờ phước đức Ông Bà, nhờ phép lạ của Thầy và Tăng thân.

Tôi không đòi hỏi gì thêm cả, chỉ mong sao Hiếu biết duy trì những hạt giống tốt đã được tưới tẩm trong thời gian ở Làng làm vốn liếng cho mình và cho cả gia đình cùng bạn bè của cháu. Ngày đưa anh tôi và Hiếu ra ga xe lửa ở St. Foy, trong đãy Hiếu có ba thứ rất quý: tượng Bụt, hộp trầm và cuốn sách “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” của Sư Ông. Tôi biết trong lòng Hiếu sẽ mang theo những hình ảnh nuôi dưỡng khi ở đây, chia sẻ cùng mẹ và anh để trong mùa hè tới cả nhà sẽ về Làng như Hiếu đã từng nói với tôi trước khi chia tay.