Lá thư Làng Mai 37 – 2014

Ai chịu chơi

Chân Hải Nghiêm

ai chịu chơiCó phải người chịu chơi là một người dám tu, dám học?

Có phải người chịu chơi là người dám làm, dám chơi?

Người chịu chơi phải chăng là người dám đối diện những gì đang nghịch cảnh?

Hay người chịu chơi là người dám từ bỏ những thú vui thường tình của xã hội để sống đời người tu trọn vẹn?

Con nhớ khi Thầy về Mộc Lan, Thầy đã cho chúng con một công án (có lẽ đối với con nó là một công án), đó là: “Ai chịu chơi?” Câu đó đã được khắc vào trên đá, nơi mà không có gì có thể xóa nhòa. Đối với con bây giờ, Mộc Lan cũng đã in sâu vào tâm trí, đã nằm gọn trong trái tim nhỏ của mỗi người, những người đã và đang cùng chung tay cho Mộc Lan được biểu hiện.

Khi mới bước chân về Làng Mộc, mọi thứ đối với con còn bỡ ngỡ. Thiền đường Hải Triều Lên ngày xưa khi con đến chỉ là những cái khung sắt trơ trọi, như bộ xương của một con khủng long to lớn đã hóa thạch. Xung quanh chỉ toàn bùn đất. Nhất là khi trời mưa thì ôi thôi, có ai muốn đi ra thiền đường mà chân được sạch?

Có hai câu thơ ngắn mà con thường nghĩ tới:

“Mỗi bàn tay xây đắp công trình
Mỗi ánh nhìn chan hòa từ ái”

Thật vậy, khi nhìn vào thiền đường lúc đã hoàn tất hầu như tất cả mọi người chứ không riêng gì ai, đều thấy được trên những bức vách thiền đường biểu hiện biết bao nhiêu bàn tay còn in dấu. Nó ghi lại bao kỷ niệm vui buồn của mỗi thành viên Làng Mộc. May mắn thay trong quá trình giúp các cô chú xây dựng thiền đường, chúng con không bị một tai nạn nào đáng tiếc xảy ra. Đó cũng đã là điều mầu nhiệm lắm rồi, không cần mong gì hơn được nữa. Và nếu có ai hỏi con, những tài năng đang có từ đâu ra, con dám chắc rằng nhờ đi tu mà có. Mỗi trung tâm con được ở cho con học được nhiều điều và phát huy thêm được những tài năng mới. Tăng thân đã cho con cơ hội học hỏi và cho đến khi con về Làng Mộc. Ngoài học thở, học cười, học đi trong chánh niệm, nay con lại được học thêm nghề đúc ngói, đúc hoa văn, xẻ gỗ, thậm chí cho đến đóng bàn, đóng ghế hay cả điêu khắc .v.v… Thử hỏi nếu không có cơ duyên vào Tăng thân thì chắc cả đời con cũng không biết mình sẽ làm được những gì trong cuộc sống.

Nhớ lại ngày đầu khi con phụ làm tháp chuông, chúng con giúp anh Ngân đúc từng viên ngói. Lúc đó niềm vui trong con rất lớn vì chính con không ngờ rằng con cũng có thể học đúc ngói được. Và khi đúc ngói xong thì chúng con được học đúc hoa văn. Đúng, chỉ khi mình thực chứng cũng như góp một bàn tay vào những gì mình làm thì mới thấy được nó quý, không những quý sức người mà còn quý hơn nơi mình đang ở. Con không thể quên hình ảnh của các cô chú vào mỗi đêm lúc trời mát đã đến tu viện để trải từng thảm cỏ cho kịp lên xanh trong khóa tu Thầy về. Hay có khi những ngày Chủ nhật quán niệm, các bác, các cô chú cho đến các em nhỏ cũng tới để cùng trải cỏ, làm đất hoặc trải dăm. Còn biết bao nhiêu niềm tri ân mà con không thể tả hết được.

Có một câu hát trong bài hát về Mộc Lan mà con thường nhớ: “những lúc ngồi bên nhau, em không nói nhưng ta hiểu thật sâu…” Con thấy rõ ràng là vậy. Chỉ khi mình đến và thực chứng thì mới thấy được cái đẹp, cái sâu sắc của nó, nơi đã và đang ôm ấp mình. Con may mắn được có mặt mỗi ngày trong thời gian đầu xây dựng thiền đường Hải Triều Lên và tháp chuông An Trú. Con được có cơ hội đóng góp, tu tập và học hỏi tại nơi này. Đó là một phước đức lớn mà con được nhận.

Khi mọi thứ hầu như hoàn tất, chúng con chỉ đợi đón Thầy và phái đoàn về cho khóa tu. May mắn lại đến cho chúng con là còn cơ hội gặp Thầy, được đi thiền hành với Thầy, làm thị giả cho Thầy, được nhìn Thầy viết thư pháp hay được ăn cơm chung với Thầy. Hạnh phúc lớn nhất mà con nhớ như trong giấc mơ mà Thầy từng kể là “nấu cơm cho huynh đệ từ xa về cùng ăn”. Đúng thật vậy, anh chị em từ khi loạn lạc chưa gặp mặt nhau, nay được gặp lại trong một không khí gia đình thân quen, tay bắt mặt mừng dù còn nhiều người con chưa hề gặp. Con nhớ có lần ba con kể cho chị em con là ba mẹ đặt cho các con tên giống nhau để sau này các con vẫn biết được đó là chị là em của mình, cùng chung một dòng máu. Thì trong tăng thân mình cũng vậy, tuy không hề biết nhau nhưng mình cùng chung một tăng thân, một gia đình tâm linh, cùng một Thầy nên không có gì có thể ngăn cách được những nụ cười, những cái ôm hay những cái bắt tay nhau sau một thời gian dài mới hội tụ.

Con thấy hạnh phúc trong con quá lớn, những điều kiện cũng luôn có mặt đó cho mình nên không cần đòi hỏi gì thêm. Con chỉ cần thả mình theo dòng chảy thì sẽ được nâng niu và ôm ấp. Như vậy là cũng đủ lắm rồi, không cần tìm cầu chi nữa. Và con thấy người chịu chơi cuối cùng có phải là người dám tiếp tục bước theo dòng chảy của Tăng thân, dám tiếp tục cống hiến cho Tăng thân mà không hề lùi bước trước những khó khăn trên suốt đoạn đường.