Sáng cưỡi mây, chiều tắm nắng

Chân Trời Nội Tâm

Buổi sáng thức dậy, mở mắt ra thấy mình còn sống, đâu phải chỉ sống với cái thân thôi đâu, mình đang còn có cơ hội sống với cái tâm của mình nữa. Bạn đừng bỏ phí cơ hội này nhé. Ngồi lắng nghe xem cái tâm nói gì, hỏi xem: “Tâm ơi, hôm nay em có khỏe không, em có thấy hạnh phúc không khi em còn thở, khi em còn giữ được sự tinh khôi và trong sáng.

Ngày mới, mở mắt là thấy mình tinh khôi, mỉm cười là thấy mình trong sáng. Thật đấy! Đừng buồn là hôm qua tâm bạn lăng xăng và đôi khi có hơi vẩn đục, ai mà chẳng thế, ít hay nhiều mà thôi”. Bạn xếp chăn lại cho thật gọn, xỏ dép và đi ra khỏi phòng bạn sẽ thấy: “Chà chà! Không khí buổi sáng mới tươi mát làm sao!”

Nếu để ý kỹ bạn sẽ thấy có mùi thơm của cỏ, mùi nồng nồng của đất và chút gì đó còn sót lại của sương đêm. Có những hôm sao nhiều lắm, nếu biết về thiên văn, bạn sẽ biết tên của một số vì sao. Mình thì chẳng biết gì về thiên văn cả, may ra mình biết sao Mai, có lẽ nhờ nó to và sáng nhất. Hồi bé mình nghe kể, mỗi một vì sao là đại diện cho một con người. Hiện tại mình vẫn tin vào điều đó, thậm chí mỗi lần có sao băng là mình đều ước cả. Cũng có lần mình ước riêng cho mình, cũng có lần mình ước cho người khác. Mình cũng không quan trọng là nó đúng hay sai, nhưng mỗi lần như thế mình thấy vui vui, mình có thêm những khát vọng trong cuộc sống. Mà nhiều lần mình thấy nó đúng thật, thử đi rồi bạn sẽ biết. À! mình mời bạn “ăn xoài” nhé!

Trước phòng mình có treo vài chậu lan. Mỗi sáng thức dậy nhìn thấy hoa là mình vui lắm, mình cũng chẳng hiểu gì về lan đâu, nhưng khi chăm sóc, mình thấy mình trở thành thi sĩ. Cái thú chăm lan ấy nhiều khi mình thấy nó mang cái gì đó thanh tao và thoát tục, nó có hương vị của thiền. Mà mình thì thích thiền, nhiều lúc mình cũng muốn trở thành thiền sư, được: “Sáng cưỡi mây, chiều tắm nắng”.

Bạn hiểu câu “Sáng cưỡi mây” này không? Thật ra đó là những gì giản đơn và dễ làm lắm, ấy thế mà không phải ai cũng làm được đâu nhé, dễ mà khó, khó mà dễ. Thầy mình ấy, mỗi lần Thầy đi khóa tu, đi từ nơi này qua nơi khác là Thầy dùng “Mây hành thần thông”. Bởi vì Thầy mình mỗi khi cần di chuyển trong máy bay, Thầy sẽ đi thiền hành và thưởng thức từng bước chân an lạc và thảnh thơi trên khoang máy bay, đâu phải ai ở trên máy bay cũng biết là mình đang cưỡi mây đâu, vì vậy mình gọi là Thầy đang luyện “Mây hành thần thông”. Ngày còn bé mình cứ nghĩ cưỡi mây là ngồi lơ lửng trên mây, tha hồ biến hóa phép thuật, bây giờ mình thấy ngồi trên máy bay mà có an lạc, có hơi thở ý thức thì đó là phép lạ. Mặc dù mình chưa bao giờ được đi máy bay nhưng Thầy mình dạy: “Đất và mây là một, đi trên mặt đất mà có ý thức là cũng đang Địa hành thần thông – Mây hành thần thông”.

“Chiều tắm nắng” là sao? Có phải đi bộ dưới nắng vào buổi chiều là tắm nắng? Mình còn nhớ ngày trước vào lúc hoàng hôn buông xuống, cả gia đình tâm linh đều tha hồ mà “tắm nắng”. Các sư cha, sư mẹ, sư con thực tập với “Từng bước chân thảnh thơi, mặt trời như trái tim đỏ tươi”. Từng bước chân khoan thai như hôn vào đất mẹ, đại chúng đang thưởng thức hoàng hôn tím. Chắc bạn có mơ cũng chẳng thể tưởng tượng nổi. Thôi, mời bạn ăn xoài lần hai. Chắc bạn hiểu từ ăn xoài rồi chứ gì. Tu viện mình có cả một vườn xoài, chịu khó “ăn xoài hoàng hôn tím”, rồi sẽ được “ăn xoài Pakchong”.

Thầy mình ngày nào, phút nào cũng “ăn xoài hết”. Thầy thưởng thức từng miếng xoài trong hạnh phúc và Thầy luôn luôn mời mọi người “ăn xoài chung với Thầy”. “Xoài” mà mình nói từ nãy đến giờ là Chánh niệm (Mindfulness), là hơi thở ý thức và bước chân ý thức. Thầy mình thường dạy: “Nếu chưa biết thực tập hơi thở ý thức và bước chân ý thức là mình chưa biết ăn xoài”. Nhiều khi mình chưa bao giờ nếm được vị ngọt của xoài, vì mình mải ngắm nghía nó, coi nó là một bảo bối để trưng bày và chưa một lần ăn thử. Nếu chưa ăn xoài thì sao biết vị của xoài dù bạn ngắm nó hàng giờ, hay nghe kể về nó hay đọc tư liệu về nó dù cả nghìn trang. Trong chúng ta ai cũng có quả xoài của chánh niệm cả, thế mà mình không biết, quên mất hoặc có khi biết mà coi thường nó. Nhiều lúc mình cũng “quên ăn xoài”, thở mà không biết mình đang thở, đi mà không biết mình đang đi vì đã quen đi cái kiểu “ma đưa lối quỷ dẫn đường”.

Từ Thầy, mình nghe nó thân thương lắm. Ngày xưa, ở quê mình hay gọi bố là Thầy, gọi mẹ là U. “Con mời Thầy U dùng cơm”, hay “U ơi! U đi chợ nhớ mua quà cho con nhé!”, nghe dễ thương chưa. “Thầy U ơi, con đang có mặt bên Thầy U đây”. Chắc mình sẽ thử tập nói như vậy với bố mẹ mình xem sao. Thành ra chữ Thầy đối với mình còn hiểu là người cha, người cha tâm linh. Thầy của mình là Sư Ông, mà Thầy cũng như là bố mình vậy.

Trong thời gian này Thầy mình đang bị ốm. Ban đầu mình cũng có buồn, mình ước mơ được làm thị giả cho Thầy dù chỉ một ngày. Mình sẽ thức dậy thật sớm, pha một ấm trà, đốt lò sưởi cho ấm, rồi mình sẽ đứng nghiêm trang, chắp tay lại, nhìn Thầy từ từ bước ra khỏi phòng, rồi mỉm cười xá Thầy. Mình chỉ ước vậy thôi, nhưng suy đi tính lại mình thấy ngày nào mà mình có chánh niệm là mình đang pha trà, rót nước, đang xá Thầy rồi. Vì vậy ngày nào mình cũng ăn xoài, ngày nào cũng làm thị giả cho Thầy, sáng nào cũng cưỡi mây, chiều nào cũng tắm nắng. Đừng đợi khi Thầy bảo: “Ăn xoài đi con!”.

 

Làng Mai Thái Lan  8 – 01- 2015