văn – Trước 2014

Vẽ một chữ Tâm giữa trời (Thư gởi chị – phần 2)

Tác giả: Áo Trắng

Vốn liếng tu học

chutamgiuatroi1.jpg Những ngày tại thủ đô, em đã đánh rơi mất quyển sổ tay của mình. Đó là một vật phẩm mà em luôn nâng niu gìn giữ. Nhưng em cũng không hề tiếc chi cả! Vì em có được một thứ còn quý giá gấp ngàn lần hơn, đó là những người bạn. Em muốn tri ân tất cả. Em xin lưu giữ biết bao những ân tình của Về Nguồn. Bát cơm lạc vừng hay chung trà nóng thơm của các anh chị có thể vẫn còn đang vương vấn nơi kẻ răng đầu lưỡi em. Khi gặp một người bạn có chung một truyền thống tâm linh thì ta thấy thanh thản và nhẹ lòng lắm. Ai cũng đều công nhận điều đó với em hết, chị à. Hai người không hề quen biết nhau. Nhưng chỉ cần gặp nhau trong khoá tu. Chỉ cần biết là có sinh hoạt trong tăng thân thì mọi bức tường vách ngăn vỡ đổ. Mọi hàng rào vật chắn được dỡ bỏ. Em đến với tăng thân. Tăng thân đến với em. Chân thật và vui sướng.

Em muốn viết thật nhiều về Khoá Tu Mùa Thu. Em muốn kể cho chị nghe nhiều lắm. Nhưng em thấy khó khăn vô cùng. Nhiều kỉ niệm đẹp và lành quá mà ngôn từ ta có khi không thể diễn bày, tỏ tường được. Thôi thì em xin giữ cho riêng em. Đó sẽ là vốn liếng của em trên con đường tu học.

Nói về chuyện tu học, em muốn kể cho chị về quyển sổ tay đã thất lạc của mình. Chị có muốn khám phá nó hay không?

Sổ tay của em đó không phải là nhật ký đâu chị. Vì nhật ký thì mình phải ghi lại hết tất cả những giận hờn, buồn vui. Nhưng sổ tay thì khác. Mình có một cách thức ghi chép khác. Em chỉ biên vào đó những kế hoạch, dự định và những điều tích cực thôi. Em rất hạn chế lưu trên trang giấy những gì mang tính tiêu cực, khổ đau, sầu vướng.

Ví như hôm nay em dậy sớm. Khi dùng bữa thì em thấy mình ăn chậm và nhai kỹ. Em đi học hay tham dự một công việc nào đó đúng giờ… thì em sẽ ghi vào:

Thành công của tôi hôm nay là:

– dậy sớm,

– Ăn chậm,

– Nhai kỹ.

– Đúng giờ giấc.

Kết luận: Tôi vẫn đang làm chủ được thời gian và công việc.

Đây không phải là sự tự kỷ ám thị. Đây là sự chọn lọc những thức ăn cho tâm thức của mình. Hơn một năm nay, em đã bắt đầu như vậy. Tất cả những lời hay, ý đẹp em đều cho vào trong trang giấy thơm của mình. Mỗi ngày em đều tích cóp vào đó một chút. Cuốn sổ tay bé nhỏ như một quyển sổ tiết kiệm, không khác gì một vật báu.

Nghe có vẻ trẻ con phải không chị? Nhưng đây không phải là trò chơi tuổi thơ. Em biết là hiện tại đang có nhiều người làm giống như em lắm.

Em được dạy là mỗi một lời nói, hành động hay suy nghĩ của mình dù nhỏ hay lớn đều để lại một dấu ấn trong tâm. Giống như là khi mình đạp lên cỏ hoang vậy. Ngày qua tháng lại, dấu chân mình sẽ tạo nên con đường đi. Những điều thiện, điều lành, cái hay, cái đẹp trong khi nói, khi làm, khi tư duy em đều lưu giữ lại. Đôi khi em viết bằng tay phải. Có khi em viết bằng tay trái. Viết tay trái, tay không thuận sẽ gặp một ít khó khăn. Nhưng khi viết như thế thì ta tập trung hơn. Những dấu ấn có điều kiện khắc sâu vào tâm thức mình hơn. Cũng có lúc em dùng màu sắc để minh hoạ. Em làm đủ cách để cuốn sổ nhỏ mình trở nên thú vị, đáng yêu. Và em phát hiện là cuộc sống mình có thêm nhiều phúc lạc. Em đang tạo tác, góp nhặt một chút cát đá cho con đường của ý thức mình. Em đang dựng xây những viên gạch an lành đầu tiên cho nẻo về tâm thức.

 

Quản lý Nghiệp

chutamgiutroi3.jpg Khoa học bây giờ người ta bắt đầu sử dụng nhiều danh từ Karmic Management đó chị! Thuật ngữ “Quản lý Nghiệp” đã bắt đầu xuất hiện trong những chương trình đào tạo nâng cao hay trong các buổi học dành cho những doanh nghiệp lớn. Ngoài đời giờ đây người ta dùng nhiều từ hay lắm. “Định hình tư duy triệu phú”. “Tư duy lại tương lai”. “Pháp sư tạo mưa tiền”… “Quản lý Nghiệp” là một trong số đó. Nghiệp ở đây không phải là nghề nghiệp, một công ăn chuyện làm mà là một danh từ Phật học. Nghiệp bao gồm những lời nói, hành động và suy nghĩ của mình. Các nhà tâm lý học bây giờ đã thấy một sự thật rằng: Suy nghĩ tạo ra cảm xúc. Cảm xúc tạo ra những hành động. Hành động đưa tới những thói quen. Và thói quen hình thành nên kết quả. Và người ta đang cố gắng học hỏi cách thức tư duy của những thiên tài. Họ chuyển nó thành những mô hình, công thức rồi áp dụng chúng cho số đông quần chúng .

Nghe thật hay phải không chị! Khoa Quản Trị Kinh Doanh đã tiến đến việc quản trị cả Nghiệp. Có cả một quyển sách bán rất chạy về về đề tài này. Đã có nhiều những buổi hội thảo, những khoá học định hình tư duy. Và tất nhiên, những hoạt động như vậy không hề mang một màu sắc của một tôn giáo nào. Số lượng người tham gia vào những chương trình như vậy rất đông đảo. Ai ai cũng cảm thấy thoả mãn. Học viên có cảm giác là mình đang tìm được một cách thức quản lý cuộc đời mình. Họ cảm thấy mình có chủ quyền hơn, có tự do hơn. Và họ khởi đầu việc Quản Lý Nghiệp bằng việc viết cho mình một quyển sổ tay tâm linh, vẽ cho mình một bản đồ tư duy.

Những người đó đâu có khác gì chị em mình, phải không chị? Chúng ta đang làm một việc giống nhau. Thiết lập cho riêng mình một con đường, một nẻo về của ý. Nhìn vào xu hướng đó, chị em ta có thể nói với nhau: Đạo Bụt đã đi vào cuộc đời. Đạo Bụt đang đi vào cuộc đời. Nhưng đó cũng chỉ là một cách nói mà thôi phải không chị?  Vì Đạo vốn đã nằm sâu trong Đời. Đạo Bụt từ hằng nghìn năm nay đã trầm tích trong nền văn minh lúa nước sông Hồng. Và công trình để cho những báu châu, những viên ngọc quý có thể lộ thiêng giữa chốn nhân gian vẫn còn đang dang dở, vẫn còn đang đợi chờ những bàn tay khai phá. Mẹ Tổ quốc vẫn ngày đêm trông ngóng đôi bàn chân của những đứa con- những em bé thơ mang trong lòng mặc cảm nghèo hèn thấp kém, những người con trai con gái khờ dại đã nhận giặc làm cha, quên đi tình anh em ruột thịt – trở về, tiếp nhận gia tài…

 

Ai là Phật tử?

Em thường được nghe câu hỏi: “Anh có phải là Phật tử không?”. Và có khi em phải nhìn kỹ người đối diện để trả lời không hoặc có. Nhưng chị biết không, em nghĩ rằng sự im lặng chính là sự xác nhận hay nhất. Và chúng ta cũng không nhất thiết phải hỏi nhau một câu như vậy.

Mảnh đất mà em đang sống, đang ăn, đang thở là Giao Chỉ. Cái nôi của văn hoá Việt và cũng là một trong ba cội nguồn của Phật Giáo thế giới. Sự thật là đạo Bụt đã hình thành và phát triển song hành cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những giáo lý của Đức Thế Tôn đã trở thành một thực thể sống động thấm tan, hoà quyện vào phong tục, tập quán của người dân nước Nam. Đâu chỉ dừng lại ở đó, ông cha ta đã khéo léo sử dụng nguồn tuệ giác của Bi-Trí-Dũng để bảo vệ một dãy giang sơn mỹ lệ, đắp xây một nền đạo đức thuần từ. Lịch sử cho ta thấy rõ ràng những điều ấy. Nhưng vì những khổ đau, vì chiến tranh, vì sự rẽ chia của lòng người, vì những hờn ganh bé nhỏ, chúng ta đã đánh rơi thanh gươm báu. Chúng ta đã bỏ đi tấm bản đồ chỉ đường. Và ta trở nên lạc lối, yếu ớt. Ta mặc tình cho bóng đêm sai sử. Ta thuận lòng cho dòng đời đẩy xô…

Chị thương mến! Em nói ra tất cả những điều này không phải với tư cách một tín đồ hay một người con Phật. Em viết trong hình tướng của một học trò, viết với tâm thế của một người đi tìm. Tìm lại hình bóng quê cha đất Tổ.

Nhìn sâu vào Tam Tạng Kinh Điển, ta thấy rằng Đạo Bụt đâu thật sự sở hữu một chân lý hay sự thực nào. Chân lý hay sự thật thuộc về mọi người. Và ai cũng có thể giang tay cầm nắm. Ai cũng có thể gọi tên thực tại bằng ngôn ngữ, bằng cách hiểu của riêng họ. Nhưng em thấy mình thật may mắn, chị à. Vì em đã tìm được ở người xuất sĩ tĩnh lặng của dòng họ Thích Ca những cách thức cụ thể để xây dựng lại ngôi nhà thân tâm. Người Sa môn ấy đã chỉ cho em  một con đường sáng rõ để tìm về suối nguồn tâm linh Văn Lang Âu Lạc.

Phần lớn chúng ta đều có thể khẳng định Đạo Bụt rất cao siêu mầu nhiệm. Vâng, chị em mình có thể đồng ý hoàn toàn với sự thật đó. Nhưng Đạo Bụt cũng có những phương cách rất thực tiễn để có thể thực tập, ứng dụng vào đời sống. Đạo Bụt cũng là một ngành khoa học về tâm. Một ngành khoa học không phải chỉ để nghiên cứu mà còn có thể thực nghiệm. Nếu như ai cũng biết những điều này, nếu như ai cũng được trao truyền như chị em mình thì em nghĩ  rằng mọi người sẽ tiết kiệm được nhiều công sức, thời gian và tiền bạc lắm.

Chị biết không, những khoá học về tư duy lên đến cả ngàn mỹ kim. Và học viên nhiều khi phải sang Singapore, Thái Lan, Malaysia và có ghi sang cả Mỹ mới học được. Em đã nhìn thấy một khuynh hướng giáo dục đắt đỏ như vậy đó, chị à. Thật là lạ, phải không chị của em! Những người phương Đông đang chạy sang phương Tây để học, để tìm kiếm một thứ mà chính mình đang nắm giữ trong kho tàng văn hoá dân tộc. Nó có ngay trong truyền thống tâm linh mình chứ đâu. Bản đồ tư duy – The mind map, Tư duy triệu phú – The Millionaire Mind, tất cả những tinh hoa đó đều có thể tìm thấy trong kho tàng Duy Thức Học. Và nếu có sự thực hành về Duy Thức Học một cách có hệ thống và khoa học thì em nghĩ là những người thực tập đặc biệt là các bạn trẻ sẽ có khả năng đi sâu, đi xa và đặt những bước chân vững chãi hơn rất nhiều. Vì ta sẽ chạm tới những phần gốc rễ, ta không chỉ bàn về những thứ hoa lá cành. Ta tiếp xúc đến tận cùng của bản thể, của tàng thức.

Cho nên em tiếc lắm chị à. Những người trẻ họ vẫn đang đi trên một con đường vòng rồi cuối cùng có thể họ sẽ nhận ra mình đang quay về lại nơi chốn cũ. Đó không phải là lỗi của họ. Đó là lỗi của chúng ta. Là lỗi của tất cả….

Nhưng may mắn thay, đâu chỉ có những tiếc nuối, lỡ lầm. Cuộc đời vẫn còn có những tin vui.

 

Thiền và ngoại ngữ

thienhanhyeuchi.jpg Chị của em, gần trường Đại Học Sân Khấu ở đường Mai Dịch có một lớp học rất đặc biệt. Vào các sáng chủ nhật hằng tuần, trên căn phòng 403 khu A17, chung cư Đồng Xa thầy Lê Khánh Bằng vẫn thường xuyên tổ chức những khoá học về tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung…. Gần mười năm nay, rất nhiều người đủ mọi thành phần tuổi tác đã đến với ngôi nhà bé nhỏ này. Vị thầy ấy có gì hay mà đã thu hút đông đảo học viên như vậy? Bí mật là phương pháp giảng dạy. Người Chủ nhiệm bộ môn Lý Luận dạy học (Khoa tâm lý giáo dục Trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội) đã có một cách thức độc đáo: Dạy ngoại ngữ kết hợp với phương pháp thở. Trước mỗi buổi học, học viên được yêu cầu phải ngồi thật tĩnh lặng.

 

Thở vào – ý thức hơi thở vào.
Thở ra – ý thức hơi thở ra.

Thở vào – tôi thấy bụng tôi phồng lên
Thở ra – tôi thấy bụng tôi đang xẹp xuống.

Giáo án của ông áp dụng đã tạo ra những kết quả hết sức khả quan. Nhiều người cho biết là họ chưa từng thấy một cách học ngoại ngữ nào chỉ trong một thời gian ngắn mà lại có hiệu quả cao như vậy. Một nhà văn đã nói được rành rọt tiếng Pháp chỉ trong vòng vài tháng. Một cô sinh viên đã thông thạo tiếng Anh để đi du học. Một công chức vượt qua được sự sợ hãi khi học thêm một ngôn ngữ mới. Và rất nhiều những trường hợp thành công khác… Phương pháp của giáo sư Lê Khánh Bằng là một sự kết hợp giữa những kinh nghiệm cá nhân của một người có thể nói được sáu thứ tiếng và những cách thức giáo dục tiên tiến trên thế giới như kỹ năng đọc nhanh, đọc chụp, lập bản đồ tư duy…Bên cạnh việc luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thiết lập một vùng ngoại ngữ trong vỏ não của người học, ông luôn khuyến khích học trò nghiên cứu kỹ các tài liệu về Thiền trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen. Và ông còn khuyến khích mọi người không nên chỉ ngồi thiền mà hãy đem thiền tập áp dụng vào những công tác hằng ngày. Và để minh chứng cho điều này, giáo sư Bằng có đề nghị mọi người đọc thêm tác phẩm Thiền Hành Yếu Chỉ của tác giả Nhất Hạnh…

Khi nghe được một tin tức như vậy, thì thật là vui phải không chị. Mình thấy một sự giao thoa, một sự gặp gỡ và đối thoại giữa hai thế giới. Một người sử dụng phương pháp điều phục hơi thở vốn được hình thành và khai triển tại Ấn Độ – một xứ xở ở miền Nam – để có thể đọc hiểu một thứ tiếng của phương Bắc. Ta dùng một thanh kiếm đã được rèn đúc ở đất Á để có thể khám phá thực tại ở trời Âu. Đông và Tây đã có thể liên lạc được với nhau. Ngôn ngữ là một con đường hữu hiệu để cho ta có thể đi sâu vào một nền văn hoá. Và khi hàng rào ngôn ngữ đã được gỡ bỏ thì cũng là lúc bao nhiêu hiểu lầm được hoá giải, vô vàn những thành kiến phải vỡ tan…

Em đã được gặp thầy Lê Khánh Bằng. Giáo sư đã đề tặng em cuốn sách của thầy. Cuốn sách hướng dẫn thiền trong việc học ngoại ngữ. Thầy có nói với em một câu rằng: Nếu con hiểu được và áp dụng phương pháp học này thành công thì con nên giới thiệu nó cho nhiều người khác.

Lời nhắn gửi ấy như một tiếng chuông lay động. Em bắt đầu tự vấn: Nếu ai cũng có thể biết kỹ năng vẽ bản đồ tư duy, thực hành nhuần nhuyễn Kinh An Ban Thủ Ý thì nhân loại sẽ như thế nào? Hành tinh xanh của chúng ta phải chăng sẽ có thêm những chàng trai cô gái như Siddhartha như Albert Einstein như Teresa như Marie Curie?  Chị ơi, đó chẳng phải là điều tuyệt vời nhất hay sao? Em muốn loan báo, truyền đi Tin Lành này….

Trưa hôm nay, em về lại góc phố thân quen. Mặt trời đã đứng bóng và phía dưới con đường vẫn còn là những cơn gió bụi. Nhưng trái tim em đã trở nên dịu ngọt, trong mát tự bao giờ. Mùa thu đang đi những bước khẽ khàng vào lòng em. Và không biết từ lúc nào trên những lối đi ngã rẽ khu vườn tâm thức, bao nhiêu hoa lá đã rụng rơi… khuất lấp…đầy tràn…..