văn – Trước 2014

Trái tim thanh niên phụng sự xã hội

Người viết: Chân Diệu Hải

Con kính bạch Sư Ông,

Con biết là con vẫn còn nhạy cảm đối với những chuyện đàn áp và kỳ thị. Khi nhận được tin một số các thầy các sư cô ở tu viện Bát Nhã không còn ở Việt Nam. Con không thể nào ngồi yên nên đã sang tận Thái Lan để thăm và chia sẻ những ngày ăn Tết xa quê hương đầu tiên của các thầy các sư cô trẻ. Con hết sức ngạc nhiên khi thấy mọi người ai cũng tươi vui, bình an và vững chãi, mặc dù họ vừa trải qua một thời gian bị khủng bố tinh thần lẫn vật chất. Thật đúng là ‘trái tim Bát Nhã bất diệt!’. Ngồi ngẫm lại con thấy, không những ‘trái tim Bát Nhã’ vẫn còn đập mà ‘trái tim Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội’ cũng vẫn còn đập. Con là một người trong cuộc, xin phép được nói lên tâm trạng của người Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội.

Năm mươi năm trước, khi đất nước còn đang chìm đắm trong chiến tranh, người dân nông thôn Việt Nam bấy giờ phải sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật, thất học và vô tổ chức. Thấy được nhu cầu cấp bách ấy, Sư ông đã sáng lập ra phong tràoThanh Niên Phụng Sự Xã Hội để tạo điều kiện cho những người có cùng tâm huyết, chung chí hướng phụng sự, có tình thương và trách nhiệm đối với đất nước được đến với nhau, cùng đồng sự và lợi hành với người dân làng xóm. Và con là một trong số những người trẻ đã tìm đến Thầy trong thời gian ấy – thời Hoa Sen trong Biển Lửa – trong khi  bạn bè đồng trang lứa của con ai cũng đi tìm cho mình sự nghiệp công danh, tiền tài và quyền thế.

Năm 1964, con được nhận vào khóa đầu tiên của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội cùng với  hơn một trăm học sinh, sinh viên và tăng ni sinh khác. Chúng con mang trong mình thao thức của một người trẻ có chí hướng phụng sự, chấp nhận gian khổ, sẵn sàng dấn thân vào đời sống thôn quê, lắng nghe ước vọng của người dân để tìm cách giúp đỡ họ bằng tất cả tấm lòng và tình thương của đạo Phật. Trong tinh thần ấy, chúng con, những người Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội được rèn luyện kỹ càng và phải học những môn cần thiết như khả năng sư phạm, giáo dục cộng đồng, tâm lý giáo dục, xã hội học, y tế, nông ngư học, khí hậu học, thổ nhưỡng và cả về âm nhạc như hát hò và sử dụng được một loại nhạc cụ. Chúng con còn được học sơ lược qua về giáo lý, cũng như cách tổ chức và sinh hoạt của các tôn giáo khác đang có tại Việt Nam, để có thể hòa mình với người dân, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, không khí tôn giáo nào, cũng không bị bỡ ngỡ hay gây va chạm.

Chúng con được Thầy trang bị cho một chương trình giảng huấn rất toàn diện do các chuyên viên và giáo sư từ các trường đại học hướng dẫn. Vì kính quí tâm nguyện của Thầy mà họ đã cống hiến sự giảng dạy suốt cả niên khóa học. Mùa hè thì các tác viên xã hội đi thực tập tại các làng Hoa Tiêu thuộc vùng ven thành phố như quận Tân Bình và Thủ Đức.

Thời gian chúng con được rèn luyện là hai năm đầy, ăn ở nội trú luôn trong chùa. Chùa Pháp Vân là cơ sở chính thức của trường, một ngôi Chùa Lá đơn sơ với khuôn viên có nhiều đất rộng, được bao quanh bởi ruộng đồng mênh mông và xóm làng thưa thớt. Tăng xá và giảng đường thì được xây bằng gạch (nay là trường Trung Học Trần Phú), còn lưu xá nữ thì mái được lợp bằng tôn, nằm ở bên hông phía sau chùa. Lúc bấy giờ trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đã mang hình thức một tăng thân có bốn chúng gồm: Tăng, Ni, Cư sĩ nam và Cư sĩ nữ. Tất cả cùng học và làm việc rất nhiều, ăn uống thì toàn chay tịnh. Nếp sống tuy rất đạm bạc nhưng ai nấy đều vui vẻ và quyết tâm học. Chúng con thấy mình được nuôi dưỡng trong tình thầy trò và lớn lên trong tình huynh đệ.

Chiến tranh thảm khốc vẫn tiếp tục diễn ra mỗi ngày, và những người dân vô tội vẫn là những người trực tiếp phải hứng chịu hậu quả. Mọi hoạt động của trường nhằm để xoa dịu bớt nỗi khổ nhọc của người dân quê và bù đắp phần nào cho tình trạng đói nghèo, bệnh tật và thất học. Chỉ trong một thời gian ngắn, một hoạt động tôn giáo mang tính tự nguyện, hoàn toàn không có thế lực và tiền bạc như thế đã gây được nhiều cảm tình cho người dân, và được nhiều thành phần trong dân chúng ủng hộ. Vì thế, đã có một vài tổ chức chính trị kể cả chính quyền và một số người cực đoan của tôn giáo khác ganh ghét, nghi ngờ và đố kỵ. Từ đó có nhiều ngộ nhận và ác ý xảy ra.

Tháng 5 năm 1966, một buổi chiều Thầy đến thăm chúng con tại trại Tình Thương ở Bình Khánh. Đó là lần cuối cùng chúng con được gặp Thầy để hôm sau Thầy lên đường đi kêu gọi Hòa Bình. Thầy Thanh Văn là phó Giám Đốc của trường được đề cử thay Thầy làm xử lý thường vụ choTrường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Nhiều biến cố cứ xảy đến dồn dập. Bắt đầu từ tháng 4 năm 1967, có một quả lựu đạn ném vào phòng nơi chúng con đang ngồi học bài buổi tối, làm cho hai bạn gái bị chết và mười người khác bị thương. Sau đó không lâu lại có một cuộc khủng bố tàn sát tám anh em trẻ khác hiện đang là tác viên của trường trong đêm tối. Ngày 16 tháng 5 năm 1967, trước những đau thương của trường và nỗi đau của xã hội, chị Nhất Chi Mai, một trong những thành viên đầu tiên của trường đã phát nguyện tự thiêu tại sân chùa Từ Nghiêm để nói lên tiếng nói của mình. Lúc bấy giờ ba mẹ của con rất lo lắng nên đã đến chùa Pháp Vân  xin phép thầy Thanh Văn đưa con về nhà. Con gái thời đó chưa được độc lập và tự quyết. Con phải miễn cưỡng rời trường, phần vì thời thế nhiễu nhương. Từ đó con sống theo bổn phận. Rồi những ngày sau đó Thầy không được phép trở về nước nữa.

Chuyện đã qua bốn mươi bốn năm, khoảng thời gian đủ dài cho những ai cần quên để tâm tư khỏi phải vướng bận. Nhưng đối với các anh chị em tác viên cũ chúng con, nó vẫn mãi mãi là “thời hoa niên”, một thời đẹp nhất của lứa tuổi hai mươi, được sống một cuộc sống có ý nghĩa, có lý tưởng và đậm tình người. Chúng con, những người học trò đầu tiên của Thầy, đến nay vẫn còn giữ mãi trong lòng lời Thầy dặn dò trước những biến cố đau thương lớn như vậy – “Hãy lấy tình thương mà xóa bỏ hận thù, kẻ thù ta không phải là người…”

Con theo gia đình đi định cư tại Montreál. Duyên may cho con được gặp lại Thầy vào mùa thu năm 1985, trong lúc Thầy qua Canada hướng dẫn một khóa thiền tập cho phật tử Việt Nam ở đó. Rồi tiếp tục mỗi năm Thầy đều sang để hướng dẫn cho thiền sinh tu tập. Nhân duyên cũng hội đủ để Làng Cây Phong được thành lập. Nhờ thế mà con tìm lại được vết chân cũ của Thầy, tìm thấy lại hướng đi của đời mình và tiếp tục với con đường chí nguyện năm xưa. Năm 1989, tại Bắc Mỹ đã chính thức có một cơ sở tu học đầu tiên cho thiền sinh về thực tập chánh niệm theo pháp môn Làng Mai do Thầy chỉ dạy.

Thế giới biến chuyển, tình hình xã hội cũng đổi thay. Khi đời sống văn minh kỹ thuật càng cao thì giá trị đạo đức và tâm linh càng suy thoái. Thời nay không thiếu gì người giàu có, danh tiếng và quyền lực, nhưng đời sống của họ cứ khổ đau bế tắc. Vì vậy mà Thầy vẫn trung thành với chí nguyện độ tha và làm cho tuệ giác của đạo Phật vẫn tiếp tục tuôn chảy. Từ “Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời” đến “Đạo Phật Ứng Dụng”. Thầy đã dạy rằng: “Đức Phật của thế kỷ thứ 21 là Đức Phật của Tình Thương. Tình Thương phải được chế tác bằng chất liệu của sự tu tập. Chỉ có công phu thực tập hàng ngày và thiền quán mới chế tác được Niệm Định Tuệ, nhờ đó mới có Hiểu có Thương. Đó là con đường thoát khổ, con đường của an lạc và hạnh phúc.”

Giáo pháp của Đức Phật thật thâm sâu uyên áo, không dễ cho mọi người có thể hiểu và áp dụng. Nhờ tuệ giác của Sư ông mà những giáo nghĩa uyên thâm đó được trình bày một cách dễ hiểu,  sâu sắc và cụ thể, có thể đem áp dụng được vào đời sống hằng ngày. Sư ông đã dày công dịch kinh điển từ Hán Tạng,Tạng Nam Truyền ra Việt ngữ và các ngôn ngữ khác như Anh ngữ, Pháp ngữ để giảng dạy và viết sách, làm sáng ý những lời Đức Phật dạy. Sư Ông đã khơi nguồn tâm cho biết bao nhiêu người, đã dẫn con đi vào cửa thực tập, giảng dạy bằng những lời lẽ dễ hiểu với kinh nghiệm thực chứng, nên con áp dụng được vào đời sống hàng ngày. Dạy cách nương theo hơi thở, bước chân chánh niệm mà nhận diện niềm đau nỗi khổ trong chính bản thân và quán chiếu để tìm cho ra gốc rễ của khổ đau. Một khi nỗi khổ niềm đau trong tự thân được hiểu, thì mình cũng có khả năng hiểu được người khác. Nhờ vậy mà tránh không gây thêm khổ đau cho người. Học cách hiến tặng niềm vui, hạnh phúc cho gia đình và những người xung quanh.

Chính bản thân con đã trải qua một thời gian bị gầy mòn héo hon vì căng thẳng và đè nén. May nhờ nghe được kinh Diệt Trừ Phiền Giận. Con đã tụng đi tụng lại nhiều lần kinh này, mầu nhiệm thay, lời kinh đã làm mềm đi khối nội kết trong con. Con đã biết cách ôm ấp được những bức xúc trong lòng, quán chiếu tự thân để dần dần nhận ra vấn đề và tháo gỡ được những buồn phiền lo lắng. Con đã hiểu ra những ẩn ức của mẹ chồng con khi bà góa bụa rất sớm, từ đó cảm thương được nề nếp khó khăn của bà mà tận tình chăm sóc. Con cũng hiểu được hoàn cảnh sinh ra và lớn lên của nhà con và chấp nhận được tánh tình anh mà không đòi hỏi anh ấy phải thay đổi. Con đã tự quay về sửa đổi lấy tâm ý và cách hành xử của mình, tự nhiên đời sống thấy dễ chịu hơn. Nhà con cũng được cảm hóa một cách âm thầm tế nhị. Anh bắt đầu tham gia sinh hoạt thiền tập hàng tuần với anh chị em Làng Cây Phong, rồi đi tham dự các khóa tu Thanh Sơn ở Rừng Phong nữa. Nhờ có sự cảm thông và chia sẻ của anh ấy mà con mới tích cực đóng góp được sự có mặt của con, cũng như góp chút ít thì giờ và công sức của con cho Tăng thân. Con đã đem sự thực tập về nhà, sống và làm gương cho con cái. May thay các cháu cũng hiểu được nhu cầu tu học của con mà đồng thuận hỗ trợ (nhiều khi cả ba thế hệ: mẹ-con, bà-cháu, cùng đi tham dự khóa tu). Con thực tập năm lạy mỗi sáng và đọc năm lời quán nguyện trước khi ăn cơm. Các cháu tuy còn trẻ tuổi, là những người khoa học và luật pháp, nhưng có niềm tin nơi đạo đức và biết nương tựa vào Phật pháp mỗi khi có khó khăn khốn đốn. Vì vậy trong gia đình con sự tu tập đã được tiếp nối cho thế hệ tương lai.

Đối với việc xây dựng tăng thân, con đang thực tập hạnh khiêm cung và lắng nghe để sống hòa hợp được với tất cả anh chị em. Không hề tỵ hành phân bì mà cần mẫn làm việc với tình thương để phục vụ khóa tu. Luôn luôn sát cánh yểm trợ các tăng thân địa phương để cho sự tu học được phát triển rộng rãi. Chúng con tinh tấn sinh hoạt đều đặn hàng tuần với MPC và nhóm Phong Tía, duy trì ngày Quán Niệm và tụng giới với nhau vào mỗi tháng. Mỗi năm, Làng Cây Phong tổ chức được bốn khóa tu. Con mong ước được sống và được bao bọc bởi một tăng thân có phẩm chất tu tập, có sự hài hòa. Một tăng thân như vậy mới gây được niềm tin và cảm hứng cho mọi người đến cùng tu tập, mới tiếp nối được sự nghiệp của Thầy và không mang tội bất hiếu với chư Phật Tổ.

Đối với quê hương, con may mắn vẫn là cánh tay nối dài của anh chị em, liên tục cộng tác với các bạn tác viên Sài Gòn, Đồng Nai, Hàm Tân, Nha Trang, Huế và Quảng Trị… nuôi dưỡng, tiếp trợ và bảo vệ tăng ni. Làng Cây Phong chúng con vẫn tiếp tục đảm trách chương trình ‘Hiểu và Thương’ của tỉnh Khánh Hòa và trường Mẫu Giáo Gia Môn ở Quảng Trị do Làng Mai giao phó.

Con chỉ là một cư sĩ tại gia có niềm tin vững chắc vào sự tu tập. Nguyện cố gắng sống có ý thức tỉnh sáng trong từng giây, từng phút để nhận diện được những tập khí lâu đời còn vướng mắc trong con. Mỗi ngày con tu tập để chuyển hóa cho thân tâm con được bình an nhẹ nhàng, đem lại niềm vui và sức sống cho gia đình cũng như làm hạnh phúc cho tăng thân. Con chỉ mong được đóng góp phần nào phẩm chất hiểu biết và thương yêu của con để có thể tạo nên một xã hội có nhiều bình an, ổn định. Nhiều khi con tự hỏi: nếu con không được gặp Thầy giáo huấn, con không gặp được bạn đạo để thực hành chung, thì không biết giờ đây cuộc sống của con sẽ ra sao? gia đình con đi về đâu…?

Hôm nay là một ngày trọng đại trong đời tu học của con. Con xin cúi đầu nhận lãnh ngọn đèn chánh pháp từ tay Thầy truyền trao. Con tự biết mình còn  nhiều yếu kém, chưa thực tập đến nơi đến chốn để được vững chãi và thảnh thơi. Con cầu xin Sư Ông, quý thầy, quý sư cô và các bạn hiền dìu dắt nâng đỡ con tu học tinh chuyên hơn, để con có thể đem lại bình an và lợi lạc cho nhiều người.

Nhờ năng lượng từ bi, trí tuệ của chư Phật, chư liệt vị Tổ sư và bậc Thầy làm ánh sáng soi đường cho con.

Con nguyện mãi mãi làm kẻ đồng hành trên con đường thực tập chánh niệm. Con nguyện tu tập cho tổ tiên và con cháu để không cô phụ lòng Thầy, tiếp nối được sự nghiệp của các bậc giác ngộ, và làm cho dòng chảy chánh pháp luôn luôn lưu chuyển.