văn – Trước 2014

Tăng thân, những nghệ nhân nặn tượng

 

Thắp sáng ý thức chánh niệm

Khi thắp sáng ý thức chánh niệm giúp cho con dừng lại những cái gì con sắp muốn cho ra. Thật sự thì mình không muốn làm tổn thương mình và người khác, nhưng do những tập khí của tổ tiên trao truyền sang mình và do mình thực tập còn yếu kém nên nó mới phát ra. Mình chấp nhận những hạt giống đó để chuyển hóa, ai cũng có những hạt giống đó và không ai muốn làm cho người khác bị tổn thương vì mình. Hiểu và nhận ra được những điều này thì mình dễ dàng chấp nhận mình và người khác, dễ dàng thông cảm và bao dung hơn.

 

Hơi thở trị liệu

Hơi thở cũng giúp con trị liệu bệnh rất có hiệu quả. Trước khi về lại Làng con cũng đi điều trị bệnh. Có những lúc cơ thể con rất mệt mỏi và đau nhức. Những khi bị sốt cơ thể của con cũng hay làm hạch, con chỉ đặt tay lên đó và thở sâu, không kháng cự hay bực bội. Con trở về với hơi thở và có mặt với cơ thể của con, áp dụng phương pháp Niệm thân vào sự thực tập, một trong bốn phương pháp trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm. Con đặt bàn tay vào nơi vùng đau nhức, đưa năng lượng từ trong mình chuyền ra theo lòng bàn tay hay các đầu ngón tay và để cho năng lượng đi vào nơi đang đau nhức, nó có công năng xoa dịu cơn đau trong mình. Con chỉ thở sâu mà không làm gì nhiều, có mặt đó và biết cơn đau dần dần dịu xuống. Những gì Thầy đã dạy thì con áp dụng vào cuộc sống của con và con thấy rất có hiệu quả, đôi khi con không cần dùng một thứ thuốc nào để đẩy lui cơn đau của con cả mà chỉ cần đến hơi thở thôi, đây là những kinh nghiệm thực tế mà con đã và đang áp dụng.

Mỗi đêm thường con ngủ rất ít, hai đến ba tiếng đồng hồ thôi nhưng đại chúng thấy con vẫn khỏe, vẫn tỉnh táo và tươi đủ. Những lúc không ngủ thì con nằm buông thư và theo dõi hơi thở, gởi tình thương và lòng biết ơn đến với cơ thể của con mà không để cho thời gian đi qua vô ích. Nằm buông thư trên đơn và con tự trị cho con rất nhiều, sáng ra con vẫn đi thời khóa, vẫn làm việc, vẫn cuốc đất trồng rau, vẫn nấu ăn rửa dọn bình thường. Con thực tập nắm lấy hơi thở trong khi đi thiền hành, nghe pháp thoại, ăn cơm.v.v.. và con tham dự được hết thời khóa. Chừng nào con còn làm được như vậy thì con vẫn làm, con thấy rất nhẹ nhàng và khỏe. Khi mình khỏe thì các chị em cũng khỏe và được nuôi dưỡng. Trong đại chúng đây nếu ai đang có bệnh hay những đau nhức thì thử trở về áp dụng phương pháp thở sâu và có mặt với cơn đau của mình xem có hiệu quả không. Cái thân và cái tâm có mặt cho nhau sẽ giúp mình trị liệu bệnh rất dễ.

Mình có Bốn Lãnh Vực Quán Niệm (Niệm Thân, niệm Thọ, niệm Tâm và niệm Pháp) nhưng khi mình thực tập một cái thì con thấy được ba cái kia đồng thời có mặt. Bốn lãnh vực này có liên quan với nhau trong khi mình thực tập. Trở về Niệm Thân nhưng đồng thời mình nhận diện được các cảm Thọ đang xảy ra và Pháp cũng có mặt đó trong khi mình niệm Thân. Tại mình nói mình niệm Thân mà không có Pháp và Ý thức không có mặt thì không đúng. Có Ý thức và biết những gì đang xảy ra mình mới trở về chăm sóc thân của mình. Cho nên thực tập niệm thân con cũng thấy được ba pháp kia nằm trong một pháp mà con đang thực tập.

Vừa rồi con bị ong chích và đại chúng biết đó, con đóng kịch là bị đau chân thiệt chứ không phải giả vờ. Con ong to và đen bóng nên nó chích rất là đau. Ong chích mà sốt nhức một ngày một đêm, cái chân nó sưng đến ba ngày sau nó mới hết. Vậy đó mà các sư em cứ rủ con ra tập kịch với đại chúng. Tuy đau, nhưng con vẫn ra chơi với các chị em. Con không dùng một viên thuốc giảm đau hay gì hết mà chỉ nằm theo dõi cơn nhức và thở, đó là lúc thực tập quán thân và thấy rõ những cảm thọ đang đi lên trong mình rõ nhất, mình biết rõ sự diễn biến của từng cơn nhức lúc mạnh lúc dịu, cuối cùng nó cũng qua và bây giờ thì nó tặng cho con một cái sẹo nơi chân.

 

Niềm tin vào sự thực tập

Con thấy trong quá trình thực tập của con có sự chuyển hóa thiệt và con rất có niềm tin vào sự thực tập của con. Hằng ngày khi ở với các sư em, con không thấy các sư em con lớn mà lúc nào cũng như vậy. Sư em Đôn Nghiêm vẫn là Đôn Nghiêm của ngày trước nhưng sau một thời gian, giờ  gặp lại các sư em ở Bát Nhã, con thấy sư em nào cũng lớn hết, lớn rất nhanh và vững chãi hơn.

Con cũng nhìn lại con, nhìn lại sự thực tập xem thử mình đã chuyển hóa được chừng nào rồi thì con thấy mình làm ăn cũng đỡ. Ngày xưa giận mình cho ra nhưng bây giờ giận thì có cho ra nhưng ít hơn trước, con nhận ra điều này hồi còn ở Bát Nhã. Hồi đó lớp học Trái Tim Của Bụt có một nhóm các anh chị em phụ trách hướng dẫn cho các sư em. Mỗi lần cho các em làm bài kiểm tra xong thì ít người thích chấm bài, mỗi lần thâu bài xong con chia ra cho nhiều người chấm. Có hôm con đi làm về thì thấy trên bàn con làm một chồng bài, cứ nghĩ ai mà giỏi, mà chấm nhanh vậy và con có ý nhờ người đó chấm giúp, ai ngờ đó là bài chưa chấm. Các sư em đông nên có đến hơn một trăm bài kiểm tra. Ý nghĩ khởi lên đầu tiên là con đi gặp người đó để nói chuyện, nhưng khi đứng thở một lúc thì con dừng lại ý định đó và vui vẻ chấm luôn phần bài của các chị em. Hơi thở thật là mầu nhiệm và con có thêm niềm tin vào sự thực tập nắm lấy hơi thở để điều phục tâm mình. Có niềm tin vào sự thực tập sẽ giúp mình đi tới trong quá trình thực tập. Khi con áp dụng hơi thở vào sự trị liệu bệnh con thấy khỏe nhiều. Ngày trước mỗi khi đau con la làng la xóm lên, bây giờ thì con nằm rất yên. Hay ngày trước giận thì con liền áp dụng ba chiêu thức, một là đóng phòng, hai là đóng lòng và ba là vung vãi. Bây giờ thì không như vậy nữa.

 

Hai bước chân trong ngày

Con nhớ lúc ở Bát Nhã con hướng dẫn lớp thi kệ cho các em tập sự vào mỗi sáng thứ Hai, tức là ngày làm biếng. Con chia lớp ra thành từng nhóm cho các em học, thuyết trình và chơi. Hôm đó trong trò chơi thì có mục “Giải mã bước chân.” Giải mã bước chân hay giải mã hơi thở gì cũng giống nhau hết. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu bước chân trong một ngày, cũng giống như có bao nhiêu hơi thở trong ngày. Các em trả lời nhiều câu rất vui. Đáp án của nó là chỉ có hai bước chân và chỉ có hai hơi thở thôi, đó là bước chân chánh niệm và bước chân không có chánh niệm, hay hơi thở có ý thức và hơi thở không có ý thức. Các em học và thuyết trình rất là vui. Con nhìn lại bước chân của con trong ngày xem thử bước chân nào nhiều hơn, có ý thức nhiều hay thiếu ý thức nhiều để biết mình đã đánh mất mình bao nhiêu phần trăm trong ngày. Con đang làm cái đó với con bằng cách viết sổ công phu để biết một ngày mình làm ăn lời lỗ ra sao. Từ khi Thầy ra phương pháp viết sổ công phu cho đến nay con vẫn duy trì cái đó, con muốn biết, muốn nhận diện ra trong một ngày con đã thực tập như thế nào nên con viết xuống và thực tập, điều này nuôi dưỡng con rất nhiều.

 

Nguyện tu học và sống bình an

Trong khóa tu Mùa Thu, đại chúng đang pháp đàm về đề tài làm sao để có niềm tin trong sự tu học và làm thế nào để nuôi dưỡng được sự bình an trong mình… Những đề tài pháp đàm trong mùa Thu này rất hay, con cũng đặt câu hỏi cho con là làm sao mà con vẫn có mặt trong đại chúng đến ngày hôm nay? Câu trả lời cho con đó là nhờ vào nguyện lực. Nguyện lực tức là sức mạnh của lời phát nguyện. Con nhớ khi con đi tu và xuống tóc lúc con 16 tuổi, năm 1990. Con xuống tóc ngày 19/6/âl, tức là ngày vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Ở Việt Nam những ngày lễ lớn các chùa thường cho các điệu xuống tóc như ngày Bụt đản sanh, ngày Bụt xuất gia, ngày Bụt thành đạo hay ngày Rằm tháng Bảy…

Hồi đó tuy 16 tuổi nhưng con đẹt lắm, người nhỏ chút cỡ như sư em Họa Nghiêm bây giờ nhưng chắc chắn cái mặt thì non hơn, vì vậy con có để cái chóp. Tính lại thì đã hai mươi mốt năm trôi qua rồi, nhanh quá. Ngài Quán Thế Âm có phát lên mười hai lời nguyện như là thường cư Nam Hải nguyện, tức là Ngài ở ngoài biển Nam Hải để cứu vớt các nạn nhân trên biển. Tầm thanh cứu khổ nguyện là Ngài nguyện luôn lắng nghe sâu tiếng kêu của chúng sanh để cứu giúp hay Thường hành bình đẳng nguyện, tức là Ngài nguyện thương yêu hết tất cả mọi loài với tâm bình đẳng mà không có sự phân biệt.v.v.. Lúc đó con muốn phát nguyện như Ngài nhưng mười hai lời nguyện thì nhiều cho con quá, mình còn điệu mà, vì vậy con viết xuống hết những lời nguyện đó rồi bỏ vào trong một cái hộp. Thất của sư cô con có tượng lộ thiên, tức là thờ tượng Ngài Quan Âm ngoài trời, con ra đó và lạy xuống ba lạy, xong con bốc một câu, câu con bốc trúng câu: Thường hành bình đẳng nguyện. Trong bài kệ Thầy truyền đăng cho con cũng nói đến tình thương, “Đất mẹ ươm đầy những hạt thương và con thấy nó tương ứng với lời nguyện của con, thương yêu bình đẳng. Con đem câu đó đi hỏi quý sư cô giáo thọ, hồi còn điệu con có hai sư cô giáo thọ dạy cho con, một sư cô dò kinh và một sư cô dò luật. Hồi đó con học hai thời công phu và bốn quyển luật tiểu, học bằng chữ Nho và con học thuộc bài trên bàn se nhang, vừa se nhang vừa học bài.

Sư cô giải nghĩa cho con hai chữ Bình đẳng là tình thương không có sự phân biệt, thương yêu trẻ em cũng như người lớn, đàn ông cũng như đàn bà, người giàu cũng như người nghèo, tu sĩ cũng như cư sĩ đều đem lòng thương và giúp đỡ hết mà không phân biệt hay loại trừ một ai. Làm việc cũng làm với tâm bình đẳng mà không phân biệt. Cho nên bây giờ đại chúng thấy con đến chơi với các anh chị em rất bình đẳng, ai con cũng đến chơi được hết. Trước đây con làm không được bởi trong con có hạt giống sợ hãi, nhút nhát rất nhiều. Nhờ vào lời phát nguyện mà con đã chuyển hóa được hạt giống sợ người trong con và bây giờ thì con đã đến chơi được với rất nhiều người trong chúng. Những ai con ít tới không có nghĩa là con không thích mà vì con còn ngại thôi,… chắc phải để từ từ.

Lúc con thọ giới Sadini sau ba năm làm điệu, con phát lên lời nguyện thứ hai là “Nguyện đời đời kiếp kiếp, dù cho thịt nát xương tan con vẫn mãi là một người tu”. Trong cuộc sống con có nhiều hạnh phúc nhưng cũng có những khó khăn và niềm tin trong con cũng có khi bị lung lay. Có những thắc mắc trong cuộc đời tu của mình mà tự mình chưa tháo gỡ được, nhất là những năm ở Huế xảy ra chuyện chia rẽ giữa Tăng đoàn và Giáo hội. Đó là những lúc niềm tin trong con bị lung lay nhiều nhất. Con đau là đau chung cho tình trạng Phật giáo ở quê mình. Mình không biết phải làm sao và nên nghe ai đây vì tất cả quý Ngài lớn hai bên đều là người mà mình thương kính hết. Trải qua nhiều năm như vậy, nhưng nhờ nương vào lời nguyện nên con đã vượt qua được những gì nó đến với con.

Đến lúc thọ giới lớn, Ni Sư thầy của sư cô Thuần Khánh hướng dẫn cho các giới tử sắp thọ giới đã chia sẻ cho chúng con về tinh thần của một Tỳ kheo ni. Ni Sư nhấn mạnh đến đời sống của một tỳ kheo ni là sống hòa hợp và bình an. Điều này đã đánh động con nhiều, vì vậy khi đã thọ giới lớn con tiếp tục phát thêm một lời nguyện nữa là “Nguyện tu học và sống bình an”. Trong cuộc đời của con từ khi xuống tóc đến khi thọ giới lớn con đã phát lên ba lời nguyện đó.

 

 

Đừng quên lời nguyện năm xưa

Con kính thưa đại chúng! Lúc điệu con được học về kinh Phát Bồ Đề Tâm văn, kinh đó rất hay là nhắc cho mình biết về sự phát tâm đi tu. Trong đó Ngài Thật Hiền dạy rằng: Nguyện có lập thì chúng sanh mới độ, tâm có phát thì Phật đạo mới thành. Nếu không phát tâm cho rộng lớn và lập nguyện cho kiên cố thì dù trải qua nhiều kiếp tu hành vẫn trở lại luân hồi, tức là trở lại với những vòng quay của ham muốn, những tập khí cũ mà mình chưa chuyển hóa. Con thấy khi phát lên một lời nguyện rồi thì lời nguyện đó có giá trị rất lớn và rất cần thiết cho con.

Hồi ở nhà đi chăn bò con ham chơi nên để mất bò hoài. Mất một hai lần thì không sao nhưng làm mất bò hoài, có thương con mấy thì ba con cũng phải cho ăn đòn thôi. Có ngày đó, trời nắng nóng mà cả ba và anh chị con phải đi tìm bò, con thấy mình có lỗi rất lớn, con đã làm cho cả nhà mệt vì sự ham chơi của con. Nghĩ vậy rồi con đi vào bàn thờ, thắp hương cắm trước bàn thờ ông Nội con. Thật sự thì con chưa hề biết mặt ông Nội con vì ông con mất khi ba con mới ba hay bốn tuổi gì đó còn chú con hình như chưa sinh. Ông con mất trong chiến tranh chống Pháp và hiện thì xác vẫn còn nằm bên Lào chưa tìm về được. Con thương ba con và rất thương ông Nội con nên khi thắp hương lên bàn thờ ông Nội con khóc nhiều lắm. Con khóc và hứa với ông Nội con là từ bây giờ trở đi con xin hứa với ông Nội là con không để mất bò nữa. Khi con hứa với ông Nội con rồi thì từ đó trở về sau con chăn bò rất cẩn thận và không để mất bò nữa. Cho nên khi con phát nguyện cũng vậy, đã lập ra một lời nguyện thì con nguyện đi theo, dù khó khăn cực khổ thì con cũng thực hiện cho được lời nguyện đó. Có những lúc mình quên đi lời nguyện của mình, đôi khi con cũng để quên những lời nguyện ấy. Ban đầu mình mới vào chùa mình siêng năng lắm. Cũng như các bạn thiền sinh khi mới xin được việc làm ở sở, công ty hay cơ quan, thời gian đầu làm việc cũng hết lòng lắm, nhưng được một thời gian thì mình lơ là công việc của công ty hay cơ quan giao phó. Đi tu cũng vậy, ban đầu thì tham dự thời khóa đầy đủ, nhưng sau dần dần thì cảm thấy mệt mỏi và nghỉ đi thời khóa sinh hoạt của chúng đưa ra. Ban đầu thì siêng năng, về sau thì nhác. Cái này trong kinh Phát Bồ Đề Tâm dạy là “Nội trược ngoại thanh, thỉ cần chung đãi”. Nội trược ngoại thanh nghĩa là bên ngoài nhìn thì rất đẹp, rất thanh lịch nhưng bên trong thì có nhiều vấn đề lắm, tham, sân, si gì cũng có hết. Chữ trược có nghĩa là ô trược, là không sạch. Nhìn bên ngoài thì đàng hoàng lắm nhưng bên trong thì chứa nhiều vấn đề, đủ thứ hết, đường đường tăng tướng nhưng mà dung mạo thì… khả nghi, đó là nội trược ngoại thanh. “Thỉ cần chung đãi” là ban đầu thì siêng, về sau thì nhác. Đãi có nghĩa là giải đãi, nhác nhớm. Lúc mới tập sự ai nhờ chi cũng làm, ngày làm biếng nhờ ra ga cũng được, ai nhờ chở đi đâu cũng ok. Nhưng sau khi trở thành sư cô sư chú rồi thì mình có rất nhiều lý do. Hôm nay là ngày làm biếng của tôi mà, không được đụng tới ngày làm biếng. Con cũng từng thấy con như vậy. Thời gian đầu mới vô chùa mình rất là siêng năng, mình muốn đóng góp, muốn hiến tặng. Nhưng sau một thời gian thì mình bị lờn, mình quên đi lời phát nguyện của mình, mình quên làm mới lời nguyện của mình, quên đi cái tâm ban đầu, con thấy điều này rất rõ trong con.

 

Tâm ban đầu

Có câu chuyện vui con xin kể cho đại chúng nghe. Chuyện kể về hai anh chị, ban đầu mới quen nhau thì hay hẹn hò nhau đi chơi đây đó. Mỗi lần hẹn thì anh chàng tới rất đúng giờ, có khi tới sớm hơn giờ hẹn nữa. “Hôm nay em tới đó nhé, anh sẽ tới đó đón em vào giờ đó…”, đại khái là như vậy và không bao giờ sai hẹn. Hồi đó anh chàng chỉ có chiếc xe đạp và anh chở cô bạn trên chiếc xe đạp đó. Khi chở lên dốc thì cô bạn hỏi anh có mệt không để cô ta xuống xe. Nhưng anh trả lời là không, anh không mệt tí nào hết, em cứ ngồi yên đó để anh chở. Sau một thời gian quen biết và hai người cưới nhau. Cưới nhau về được một thời gian thì cũng hai người đó, nhưng mỗi khi cô ta hẹn anh tới chở thì anh cũng tới, nhưng tới trễ. Khi thì trễ mười phút, khi thì mười lăm hai mươi, ba mươi phút. Và cũng con đường đó, con đường ngày xưa hai người thường chở nhau đi, cũng con dốc đó và khi lên dốc cô ta cũng hỏi anh có mệt không. Đại chúng biết anh ta trả lời sao không: “Bộ trâu hay sao mà không biết mệt!” Mình thử hỏi lại vì sao mà như vậy, đó là do mình quên đi lời hứa ban đầu, mình không chịu làm mới, không nuôi dưỡng hạnh phúc ban đầu và không biết cách thực tập chế tác hạnh phúc trong cuộc sống của mình.

Đại chúng đang có chủ đề pháp đàm chia sẻ về niềm tin, với con niềm tin đi kèm với  nguyện lực  giúp cho con vượt qua rất nhiều khó khăn chướng ngại. Sở dĩ con thực tập tin vào pháp môn, nương vào hơi thở cũng nhờ vào lời nguyện. Khi đến với tăng thân cũng vậy, bởi con đã phát nguyện sống bình an nên dù con đang đi học nhưng trong việc học của con, bình an thì ít mà áp lực thì nhiều cho nên con nghỉ học và đến với tăng thân. Ở chùa con, con sống cũng rất vui, con cũng đi học và làm việc rất vui, nhưng sự bình an ít hơn nên con đến đây để thực hiện lời nguyện của con. Ở đây con được nuôi dưỡng bằng sự thực tập chuyển hóa những tập khí và làm mới chính con, điều này cho con sự bình an rất lớn nên con luôn biết ơn Thầy và tăng thân, biết ơn Sư Bà và các huynh đệ đã yểm trợ cho con. Con phát nguyện là phải nắm cho được hơi thở của mình, phải thở cho đàng hoàng và làm chủ hơi thở của con để giúp con nhận ra những gì trong con. Hôm nay con chia sẻ ra đây có Bụt Tổ, có tăng thân chứng minh cho con nên con thấy rất là sướng. Mình phát nguyện và nói ra để khi nào mình làm chưa được thì có các sư anh sư chị và sư em, bạn bè mình nhắc cho mình, không có gì để quê, để xấu hổ hay mắc cỡ hết.

 

Tăng thân, những nghệ nhân nặn tượng

Ở trong tăng thân con thả con ra giữa đại chúng, những tập khí, những thói hư tật xấu con cho nó hiện nguyên hình để mọi người thấy rõ chân tướng của con mà không cần phải che dấu chi hết. Con thấy đi tu, tăng thân  như những nghệ nhân nặn tượng không khác. Hồi nhỏ con có đọc chuyện của dân tộc Tà Ôi. Người Tà Ôi tin rằng sau khi chết, người ta lấy xương của người đã chết giã vụn ra và nặn lại thành tượng giống như người đã chết rồi gọi hồn về thì người đó có thể sống lại như cũ. Có anh chàng đó khi người thương của anh chết rồi thì anh cũng làm như vậy. Sau khi đã nặn tượng rồi nhưng anh thấy vẫn chưa đẹp và chưa giống cô bạn trước đây lắm, vì vậy anh đem tượng của cô đó ra để giữa ngã ba đường rồi anh núp vào trong một bụi cây gần đó. Những người qua đường thấy hình tượng thì lên tiếng: Ôi, ai giống như Akay (tạm gọi như vậy đi) nhưng con mắt hơi to. Anh chàng núp gần đó nghe được bèn đi ra sửa mắt cô ta cho nhỏ lại một chút. Rồi người khác đi qua và nói: Ôi, ai như Akay nhưng khuôn mặt còn hơi bị méo, vậy là anh ra chỉnh lại cho khuôn mặt tròn hơn một chút. Cứ như vậy, nhờ vào cái thấy của nhiều người mà anh chàng chỉnh lại khuôn mặt của cô gái và cuối cùng thì cô gái đó rất giống cô gái trước đây. Con cũng vậy, con thả con ra cho đại chúng nặn. Ôi, ai mà giống Như Hiếu nhưng sao bước chân đi nhanh quá thì con thực tập đi chậm lại. Ai mà giống Như Hiếu nhưng sao nói chưa dễ thương, con tập nói cho dễ thương hơn.v.v… Ở trong chúng có tăng thân chỉnh sửa để mình thực tập ngày càng đẹp ra. Con luôn hạnh phúc khi sống trong chúng, Thầy dạy mình phải biết chế tác và nuôi dưỡng hạnh phúc và con đang thực tập như vậy.

 

Bài thi trắc nghiệm

Đi tu con thấy không còn sợ những khó khăn nữa, khó khăn như một bài thi trắc nghiệm để giúp mình nhìn lại sự thực tập, cách sống và cách hành xử của mình để giúp mình đẹp hơn. Người tu tập thì chỉ cần nhận diện được những gì đang xảy ra trong tâm mình để chuyển hóa thôi. Cũng giống như đi chăn bò thì để ý đến bò đang ăn ở đâu cho chúng khỏi đi lạc vậy và khi chúng đi xa thì mình ví nó lại gần với đàn thôi. Mình lùa những con bò hay đi riêng về với đàn như đưa tâm về với thân không khác. Mình muốn giúp đỡ mọi người, các bạn thiền sinh muốn giúp đỡ gia đình, bạn bè mình cũng vậy, nếu chưa có bình an thì sẽ không giúp được ai hết, kể cả giúp mình. Mình muốn tổ chức các khóa tu, đi mở khóa tu để giúp mọi người rất cần, nhưng Thầy dạy mình phải chuyển hóa mình trước. Cách để giúp cho sự thực tập của mình có chánh niệm là  trở về có mặt với hơi thở, nắm lấy hơi thở để nhận diện sự có mặt của hơi thở và những cảm thọ của mình, phải biết những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của mình như đi chăn bò và để ý đến bò vậy. Đó là những gì con đã và đang thực tập, xin chia sẻ với đại chúng. Con kính chúc đại chúng có một ngày quán niệm vui, tận hưởng nắng ấm, tận hưởng mùa Thu cho hết lòng vì con nghe thời tiết tuần tới rất lạnh. Con cảm ơn đại chúng đã lắng nghe con chia sẻ.

( phần trước: chăn bò, chăn mình và chăn em)

(Pháp thoại Sư cô Như Hiếu chia sẻ ngày 16.10.2011 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ. BBT phiên tả)