văn – Trước 2014

Mẹ là biểu hiện của tình thương

 

“Con hư tại mẹ!” Đó là câu nói con thường được nghe khi người con có gì đó sai trái, lầm lỗi. Thuở nhỏ, con thường hay thắc mắc mỗi khi nghe câu nói ấy: “Tại sao lại là mẹ, phải là ba chứ! Bởi ba là người dạy dỗ, răn nhắc mà!”. Nhưng bây giờ thì con đã hiểu tại sao người ta thường nói như thế rồi.

Mẹ luôn là vậy. Thương yêu, dịu dàng, ngọt ngào, nuông chiều theo ý thích của con trẻ. Ngay từ thuở vừa mới tượng hình, chỉ là một giọt máu thôi mẹ cũng đã hết lòng chăm sóc và chìu theo ý con rồi. Khi ở trong bụng mẹ, con muốn được nếm mùi huyết heo thì mẹ ăn cho con, con muốn được thử vị dầu hay vị của đất mẹ cũng nếm cho con; khi con không hợp với mùi vị của một loại thức ăn nào đó, dù là món mẹ thích, thì mẹ cũng chiều con chẳng ăn trọn mấy tháng cưu mang.

Rồi để cho con được thoải mái khi ở trong cung điện của mình (tử cung) mẹ hết sức cẩn thận trong ăn, uống, đi đứng, nói cười. Làm việc gì mẹ cũng nghĩ đến con. Ăn như thế nào cho con được khỏe mạnh, sau này lớn lên không bị tật bịnh gì; nằm ngủ ở tư thế nào để con ở trong bụng  không cảm thấy khó chịu; rồi còn  năng làm những việc thiện, nói những lời lành để gieo nhân tốt cho con sau này,…

Trong cơn thập tử nhất sinh của chuyến đi biển mồ côi, mẹ đã không màng nghĩ đến những đau đớn trong thân, mà nụ cười thật tươi và ánh mắt rạng ngời niềm vui nở bừng trên khuôn mặt tái xanh, mệt mỏi của mẹ khi trông thấy con với hình hài trọn vẹn  cùng hơi thở nhịp nhàng.

Lúc con còn ở trong nôi, dù đang bận bịu việc gì mà chỉ cần nghe tiếng con khóc mẹ cũng bỏ đó để có mặt với con. Rồi mặc cho con quấy rối, khóc nhè, có lúc còn thải những chất dơ bẩn lên người mẹ vẫn dịu dàng ôm ấp, vỗ về con.

Mẹ! Một tiếng ngắn gọn, đơn giản nhưng chứa đựng trong đó biết bao nhiêu tình thương. Trên đời này không có món quà quý giá nào khác có thể thay thế người mẹ cho đứa con. Bởi vậy chỉ cần nghĩ đến mẹ là con đã thấy ấm áp và có niềm vui rồi. Tại sao vậy con cũng không biết nữa! Con chỉ biết mẹ là một cái gì đó gần gũi, thân thiết và không thể nào thiếu được trong cuộc đời của con. Có những điều con không nói ra và mẹ cũng không hỏi nhưng mẹ luôn hiểu được những gì con cần, con muốn.

Con nhớ thuở con và các chị em con còn nhỏ, đời sống vật chất của nhà mình hồi đó còn khó khăn, bởi lương giáo viên của ba mạ trong thời kì bao cấp mà lại nuôi tới tám đứa con tuổi ăn tuổi học. Cho nên mỗi lần mua được vải mạ để dành lại đó đến tết ngồi cắt, may áo quần  mới cho chúng con. Thời ấy nhà mình chưa có máy may, với lại đem tới thợ sẽ tốn tiền và không tiết kiệm được vải, và như thế sẽ đứa có đứa không, cho nên áo quần Tết của chị em con được mạ may bằng tay sau những giờ lên lớp hay bên chiếc đèn dầu.

Vải thì có  hạn mà mạ thì lại muốn đứa con nào cũng có đồ mới để bận Tết, nên  áo quần mạ may không như ở tiệm. Ống quần thường hẹp và dài, áo thì không kiểu cọ chi và những kiểu cứ tương tự nhau. Dù rằng trước khi may, mạ đã trải vải ra tính đi tính lại thật kĩ để chắp bên này nối bên kia rồi. Biết đồ mình may cho con không đẹp như đồ bạn bè cùng trang lứa của con, mạ đã thức đêm và tranh thủ thêm những giờ rảnh rỗi để thêu lên trên mấy cái áo những hình ảnh thật dễ thương, lúc thì chú thỏ ngậm củ cà rốt thật xinh, khi thì con sóc với chùm nho. Có  lúc mạ còn  may thêm những cái túi nhỏ thật dễ thương hoặc lấy dây ren làm  đường viền quanh áo nữa cho chúng xinh hơn. Tất cả những gì mạ làm là bởi muốn cho con được vui, bởi muốn con cái không buồn, tủi thân.

Hay có khi muốn cho con cái cũng được bận đồ model như bạn bè, mạ mua  đồ bán ở chợ với cái giá mạ có thể, rồi sau đó về nhà sửa sang lại cho con bận tết. Bởi thế, hễ gần đến Tết là chị em con háo hức chờ đợi có đồ mới. Và Tết nào cũng vậy, chúng con ai cũng có không áo thì quần tây, hoặc bộ đồ mặc trong nhà, hoặc đôi dép mới trong khi đó thì mạ chẳng sắm sửa chi cho mình. Áo quần mạ lúc nào cũng như lúc nào, ngày Tết cũng không ngoài những bộ đồ mang đi dạy thường ngày. Mấy cái quần đen của mạ thỉnh thoảng chúng con thấy mới hơn trước nhưng đó không phải là đồ mới, mà là do mạ đã lộn ngược vải lại để đổi mặt trái thành phải.

Những cái áo để dành cho chúng con mang trong mùa đông cũng không ngoài đôi bàn tay của mạ. Từ nhỏ đến khi vào Đại học con vẫn mang những cái áo mạ đan, móc cho. Cái áo nào cũng được mạ làm nên với tất cả tình thương trong đó, nhưng thuở nhỏ con nào có biết chi, con hay hờn dỗi và đòi hỏi khi thấy bạn bè có áo đẹp hơn mình.

Mạ thức đêm thức hôm bên ngọn đèn dầu, hay tranh thủ thêm những giờ giải lao trên lớp ngồi đan áo cho con vậy mà con lại chê sao nó rộng quá hay tay áo quá dài, hoặc con thích kiểu khác hơn,…Mạ không phàn nàn hay rầy la mà cặm cụi tháo áo ra, rồi đem giặt sạch, sau đó phân loại ra từng màu len rồi móc lại áo mới cho con.

Sợ tụi con buồn khi không có những cái áo kiểu cọ như bạn bè mạ sáng tạo ra đủ kiểu, khi thì cái áo có  tên chị em con trên đó, khi thì cổ áo có hình trái tim khi thì hình tròn, có lúc áo mang những sọc ngang có lúc áo sọc dọc với hai con tít được đan cộm lên ở hai bên, có lúc áo được móc kiểu có lỗ nữa. Và cũng vậy, mạ cứ móc, đan hết áo cho đứa con này đến đứa con khác trong khi đó thì lại chẳng bao giờ đan cho mình cái áo nào.

 

Ngày con còn nhỏ, đồ ăn đâu có bán sẵn mọi thứ ở chợ hay siêu thị chỉ cần mua về  vài phút sau là có ăn như bây giờ. Hồi đó bún, phở, hủ tiếu được đóng gói khô hay làm sẵn bán hiếm lắm, với lại lương giáo viên đâu đủ để ngày nào mạ cũng cho chúng con ăn  những món như thế. Thương chúng con bữa nào cũng cơm với cơm, mạ đã không ngại vất vả chế biến ra đủ loại thức ăn được làm từ gạo cho chúng con có cơ hội thưởng thức. Con nhớ  mạ phải ngâm gạo qua đêm, sau đó đem đến nhà người khác xay bằng cối hoặc bằng máy, rồi về nhà qua cái lon gigô đã được đục lổ sẵn  mạ đã chế biến thành những cọng bún trắng xinh cho chúng con ăn; rồi mạ còn cho chúng con được ăn món bánh ướt qua cái khuôn tự chế nữa; rồi thì bánh bèo, bánh xèo, bánh bò, bánh đúc chi cũng đủ cả.

Hàng quà của chúng con ngày ấy cũng đâu phong phú và có hàng ngoại nhập như thời nay. Thuở đó, ngoài những thứ trái cây quanh nhà hay những miếng kẹo đậu phụng, kẹo ú ba làm ra chúng con còn được thưởng  thức những cây kẹo kéo ngọt lịm, những miếng dừa béo ngậy ăn kèm  đường, những que kem sữa vừa béo vừa thơm, có khi là khúc mía, mấy cái bánh ít bánh ú, mấy bịch chè, mấy trái cóc trái ổi hay chi đó những khi mạ từ chợ về. Con nhớ thời còn nhỏ, khi mạ đi chợ về chạy lại lục giỏ xem thử có quà bánh chi không, nếu có lấy đi ăn chứ chẳng phụ mạ được chi hết, vậy mà mạ không rầy la trách móc chi cả.

Ngày ấy nhà mình chưa có xe máy, phương tiện đi lại cũng chưa có được nhiều như bây giờ, đường đi còn là đường đất đỏ với lô nhô lổm nhổm ổ gà, và từ nhà mình muốn đi đến chợ dưới thị xã  phải đạp xe mất mấy tiếng đồng hồ. Vậy mà mạ hay đi mua hàng và nhận hàng ở dưới đó lắm, (thời bao cấp lương giáo viên nhận bằng công trái phiếu rồi mua hàng của nhà nước chứ đâu có nhận tiền như bây giờ). Mỗi lần đi, muốn cho chị em con được đi theo chơi và cũng để cho chúng con biết đó biết đây mạ thường ráng sức chở hôm thì đứa này hôm thì đứa khác, rồi còn đãi cho tụi con  vào ăn tiệm ở quán phở Tân Thành hay quán chi đó nữa.

Ngày nay con có thể dễ dàng viết một bài luận, viết một câu văn trình bày rõ ràng ý của mình đó là nhờ tấm lòng của mạ. Thuở ấy, dù con không nói năng chi nhưng mạ biết con thích đọc sách, nên quà của mạ cho con toàn sách là sách. Mỗi khi đi chợ hoặc đi đâu xa về mạ thường nhín lại một chút tiền mua cho con một vài cuốn sách, và thế là tủ sách của con lại được có thêm một khuôn mặt mới.

Đi đâu thấy cuốn sách nào hay, hợp với lứa tuổi của con mạ cũng cố gắng mang về cho  con, không kể mang vác nặng nhọc chi. Rồi ngày hè tuy bận bịu với công việc nhưng mạ cũng không quên rèn cho con diễn đạt ý mình qua cách viết từngcâu từng đoạn văn.

Lúc con học xong Phổ thông, ba mạ muốn con  học chuyên ngành có Anh văn để hợp với thời đại, sau này cuộc sống đỡ vất vả  hơn nhưng con lại ương bướng chỉ muốn làm theo những gì mình thích. Con chọn ngành văn chương, mạ cũng không hề bắt buộc hay la trách con. Rồi khi con ăn chay, sợ con đi dạy về làm biếng nấu, ăn thiếu chất sẽ không đủ khỏe mạ đã làm thức ăn để sẵn đó cho con, vậy mà con không một lời nói biết ơn lại còn nhăn nhó nữa. Ấy vậy mạ cũng không nỡ la rầy, buồn giận gì con cả.

Cũng như bao người mẹ khác, khi con lớn lên đến tuổi lập gia đình mạ mong muốn con có một mái ấm như bạn bè cùng trang lứa, rồi vợ chồng con cái quây quần bên mạ. Thế nhưng con lại không như vậy, con chọn đi con đường ngược dòng đời. Mạ thương, không muốn xa nhưng không giống như một số người mẹ khác răn cấm, tìm cách ngăn cản hay chống đối không cho đi. Mạ đã hi sinh tình cảm riêng tư, nuốt lệ vào trong để tươi cười tiễn con lên đường cho con yên tâm vui với ước mơ của mình. Mạ đã luôn khích lệ và tin tưởng với những quyết định của con chứ không hề phản bác, chê bai; không chỉ thế mạ còn luôn âm thầm yểm trợ cho con, không những ngày ấy mà cả bây giờ và mãi mãi.

Mạ là thế đó, luôn hi sinh cho con cái và chấp nhận phần thiệt về mình. Mạ luôn sẵn sàng hiến dâng tất cả những mình có cho con một cách thầm lặng và những khi con cần mà không hề có điều kiện nọ kia, hay đòi hỏi phải đáp trả. Tình thương của mạ dành cho con cứ mãi tuôn chảy mãi không ngơi. Trăng có lúc tròn lúc khuyết, hoa có khi tàn khi nở nhưng tình mạ cho con không hề đổi thay, dù con có lầm lỗi, ngỗ nghịch cũng thế. Cho dù khi con đầu đã bạc, mạ đã già trăm tuổi thì tình mạ cho con vẫn như thời còn là  đứa trẻ thuở nào.