Trước năm 2016

Thư tình cho các sư em tương lai

“Thời gian làm tập sự có thể nói là thời gian vui nhất của người xuất gia. Có bỡ ngỡ, có hồn nhiên, có hạnh phúc, có vụng về và có cả ước mơ cháy bỏng. Ước mơ được làm người xuất gia… Các sư em đừng lo lắng quá cho tương lai. Hãy để cho tương lai đến một cách tự nhiên. Bởi vì hạnh phúc của mình không phải ở tương lai, mà ở ngay trong mỗi hơi thở và mỗi bước chân của mình” – Thầy Minh Hy

-Viết cho các sư em tương lai-

6-9-2013

Các sư em yêu quý!

Giây phút hạnh phúc của các anh em tập sự

Sư anh đến đây như vậy cũng được một tuần rồi. Đã là mùa thu nhưng ve vẫn còn kêu râm ran suốt cả ngày. Cũng có cái nắng như ở Huế vậy, không có hồ nước, không có suối, bù lại chùa có cả một vườn cây xà cừ rợp bóng mát. Trong vườn còn lại một ít xoài, sư anh quên đem theo muối Diệu Trạm nên chẳng thèm ăn. Ăn xoài sống mà không có muối thì không ngon mấy. Nhìn mấy trái xoài treo lủng lẳng bên cửa sổ thật vui mắt.

Các sư em biết không! Chùa Tổ trong quá khứ đã từng là một cõi tịnh độ khi Sư Tổ khai sơn – Thiền sư Nhất Định – đặt chân đến núi đồi Dương Xuân. Từ thuở đó cho đến bây giờ, đất tổ vẫn còn là một cõi tịnh độ, nơi trở về cho đàn con cháu của chư tổ. Sau khi cùng với các học trò dựng xong am tranh, Sư Tổ đã làm hai câu thơ treo trước am:

“Thân mang chuỗi hạt nhàn năm tháng

Tay chống gậy thiền dạo núi sông”

Thân mang chuỗi hạt là để lòng được nhàn; thiền cũng vậy, là có khả năng rong chơi, lên non xuống suối. Đó là cái tịnh độ trong hiện tại mà Sư Tổ đã thích ý rong chơi. Hôm nay, tăng thân mình cũng đang rong chơi, các sư em nhớ khám phá những mầu nhiệm ở đất tổ để thưởng thức.

Các sư em đừng lo lắng quá cho tương lai. Hãy để tương lai đến một cách tự nhiên. Bởi vì hạnh phúc của mình không phải ở tương lai, mà ở ngay trong mỗi hơi thở và mỗi bước chân của mình. “Đừng bỏ cái hiện tại để đi tìm cái hạnh phúc trong tương lai”. Đó là câu nói ở trong kinh nào các sư em biết không?

Hồi sư anh còn ở Xóm Thượng, có một bữa đang ngồi viết bài cảm niệm cho buổi lễ húy nhật Sư Tổ Nhất Định. Vì không thích viết bằng ngôn ngữ không thôi, mà muốn có nội dung của sự thực tập, cho nên sư anh ngồi viết với tất cả sự chánh niệm, thành kính của mình. Đang viết bỗng dưng sư anh chạm vào được thế giới của bản môn, tiếp xúc được với Sư Tổ. Sư anh thấy mình có mặt cùng một lần với Sư Tổ khi Người đặt bước chân đầu tiên đến núi đồi Dương Xuân, rồi cũng thấy mình có mặt một lần với Sư Tổ khi Người xuống núi làm Người vô sự. Cái thấy đó đến nhanh như một làn sấm sét rồi tan biến; nhưng cảm giác bình an vẫn còn ở lại. Đặt bút xuống, sư anh viết tiếp cái thấy đó:

“… Kính bạch Sư Tổ! Chúng con thấy là chúng con cũng đã có mặt một lần cùng với Người, khi Người đặt bước chân đầu tiên đến núi Dương Xuân. Chúng con cũng đã có mặt trong những người học trò của Người và hằng ngày cùng cuốc đất trồng rau với Người. Chúng con cũng đã có mặt với Người khi Người xuống núi làm một người vô sự, và bây giờ đây, Người cũng có mặt với chúng con trong giờ phút hiện tại, trong mỗi hơi thở, mỗi nụ cười và mỗi bước chân vững chãi của chúng con …”

Cái không gian và thời gian vô cùng khác nhưng thật là không có sự ngăn cách nào trong thế giới của bản môn. Sư anh thực tập chưa giỏi cho nên chỉ “giật mình” một cái trong bản môn rồi trở lại thế giới hiện tại, nhưng thấy rất rõ là cái bản môn và tích môn đan xen vào nhau, hòa vào nhau. Vì thế cho nên, trở về với cái thực tại nhưng cái bản môn vẫn nuôi dưỡng cho sự thực tập của mình. Cái bản môn đến rất tự nhiên, sư anh không có chủ ý đi tìm, chỉ có sự thực tập hết lòng thôi.

Ở đây, sư anh có rất nhiều thì giờ để chơi với các Thầy, các sư chú và với các anh em tập sự. Mỗi buổi sáng, sau giờ ngồi thiền, đi thiền, sư anh còn có thời gian để ngồi chơi với anh em tập sự. Ngồi uống trà và lắng nghe sự tu học của các em. Sư anh làm công việc của người hướng dẫn nhưng chính mình lại được nuôi dưỡng từ sự thực tập của các anh em tập sự. Thời gian làm tập sự có thể nói là thời gian vui nhất của người xuất gia. Có bỡ ngỡ, có hồn nhiên, có hạnh phúc, có vụng về và có cả ước mơ cháy bỏng. Uớc mơ được làm người xuất gia.

Những nụ cười tỏa rạng tin yêu

Sư anh nhớ trong đại giới đàn Tình Huynh Đệ năm ngoái, các chú sadi đã được hướng dẫn thực tập theo cuốn Sám Pháp Địa Xúc. Dù bận thế nào các sư chú cũng có mặt tại thiền đường tăng xá của Xóm Thượng để thực tập trước khi đi ngủ. Mỗi lần thực tập một bài thôi nhưng tối nào cũng thực tập. Ở đây, sư anh cũng hướng dẫn cho các anh em tập sự thực tập pháp môn này. Bởi vì nếu duy trì được sự thực tập này thì mình gìn giữ được sự tu học và rất dễ thành công.

Trong cuốn Sám Pháp Địa Xúc đó có đầy đủ những pháp môn tu mà mình đang thực tập trong tăng thân. Mỗi bài đều có một lời khải bạch. Trong lúc đọc hay nghe lời văn thì mình đang được trở về tâm sự với Bụt về sự tu học của mình. Lời văn sẽ đi thẳng vào lòng và sự nuôi dưỡng, trị liệu sẽ đến ngay trong lúc mình thực tập. Mình sẽ có cơ hội làm mới lại sự thực tập qua mỗi bài tập. Đọc lời văn xong thì đến phần địa xúc, tức là lễ lạy. Năm vóc sát đất, mình nuôi dưỡng lại những cái thấy mà mình đã tiếp nhận được khi đọc hay lắng nghe lời khải bạch.

Cái quý giá thứ hai mà mình gặt hái được khi thực tập Sám Pháp Địa Xúc là trong đó có trái tim củaThầy mình và qua Thầy, mình cũng có cơ hội tiếp xúc với Bụt. Trái tim đó rực sáng và cháy bỏng như một khối lửa. Dù thời gian cứ trôi nhưng trái tim đó vẫn còn tinh anh và mới mẻ. Thực tập hết lòng mình có thể đem trái tim của Thầy vào trong trái tim mình.

Trong mỗi buổi lễ mình đều có xưng danh hiệu của đức Bổn sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. “Bổn sư” có nghĩa là “Thầy gốc”. Mạch nguồn tâm linh đạo Bụt đã được khơi nguồn từ đức Bổn sư, cho nên Bụt được gọi là “Thầy gốc” của mình. Một lòng kính lễ Thầy gốc của con, đức Bụt Thích Ca Mâu Ni, mình cũng có thể xướng như vậy trước khi lạy xuống.

Huynh đệ mình may mắn lắm vì đến bây giờ mà mình vẫn còn có cơ duyên được thực tập những pháp môn mà chính ngày xưa Bụt và Tăng đoàn thực tập. Nắm được sự thực tập và đem được trái tim của Thầy, của Bụt vào trong trái tim mình thì các sư em xứng đáng là sự tiếp nối đẹp đẽ củaThầy, của Bụt. Khi ấy dù có ở xa Thầy, dù chưa xuống tóc, mình cũng đã cảm thấy rất gần gũi với Thầy.

Có khi người ta nói “tầm sư học đạo”, tìm Thầy để học đạo hay tìm ra được Thầy rồi mới học đạo. Nhưng ở đây mình thấy khác, nhờ tu đạo mà mình tìm ra được Thầy, vị Thầy đó không phải ở ngoài mà ở trong mình. Ban đầu mình đi tìm Thầy, vị Thầy đó ở ngoài mình; đến khi tìm được Thầy và tu học với Thầy thì mình tìm ra được Thầy ở trong mình. Mình bắt đầu có hướng đi. Đó là một niềm hạnh phúc lớn, rất lớn của người xuất gia.

Chúc các sư em thực tập thành công!

Sư anh Minh Hy