Trước năm 2016

Nhật ký làm biếng

Cổ Tự Nguyệt

Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, ngày 12.9.2015

Thầy kính thương!

Bên ngoài trời vẫn chưa sáng hẳn, chúng con vừa xong thời ngồi thiền. Đại chúng ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ đã bước vào thời khóa tu học mùa thu sau hai tuần “làm biếng”. Sương thu sớm mai còn giăng giăng bên ngoài ô cửa kính. Mùa thu thường là mùa Thầy cùng các sư anh, sư chị lớn đi Mỹ. Các sư con nhỏ của Thầy ở Làng sẽ được đi hái táo, lượm hạt dẻ, nhóm lửa nướng khoai, leo đồi núi, hái mận nấu mứt… đợi Thầy về cho mùa an cư kiết đông. Bây chừ, con ngồi đây viết thư và tự cho phép mình nhớ Thầy, nhớ Làng một chút.

Thầy biết không, có một bạn trẻ hỏi con: “Sư cô ơi, làm biếng là làm gì? Làm biếng ra sao?”. Em thắc mắc là trong hai tuần làm biếng con sẽ làm gì và làm sao được gọi là làm biếng. Con sẽ kể cho Thầy nghe về đợt làm biếng này của con, cũng là để kể cho em nghe chuyện làm biếng của người xuất sĩ. Tuy là làm biếng nhưng căn nhà tâm linh bé nhỏ này vẫn dang rộng cánh tay đón mừng quý sư anh, sư chị của con từ Làng lên làm visa để đi khóa tu. Căn nhà bé nhỏ có 7 sư cô nay lại chia thêm cho 5 vị “khách tăng từ Làng” thành ra chật chội một chút, nhưng mà vui và ấm tình huynh đệ.

Dù được “làm biếng”, con vẫn giữ thời khóa tu học riêng cho mình, mỗi ngày đều nghe pháp thoại. Năm nay con may mắn được nghe 13 bài pháp thoại của thầy Pháp Khâm dạy cho chúng xuất sĩ về con đường của đạo Bụt dấn thân và cách hành trì 14 giới Tiếp Hiện. Con cũng theo dõi pháp thoại của quý thầy, quý sư cô lớn trong khóa tu đang diễn ra tại Bích Nham, Mỹ. Con chảy theo dòng chảy của tăng thân, học hỏi và tiếp nhận sự trao truyền của quý thầy, quý sư cô lớn qua những bài pháp. Hạnh phúc quá, chúng con thật giàu có khi có nhiều quý thầy, quý sư cô lớn vững chãi. Ngọn lửa tu học Thầy trao, chúng con đang được tiếp nhận đầy đủ và mạnh mẽ từ các sư anh, sư chị của mình. Con thấy mình chẳng có gì thiếu thốn, chẳng có gì mất mát, chẳng có gì thiệt thòi, cho dù mình có chậm chân, xuất gia lúc Thầy đã lớn tuổi.

Tăng thân đang vận hành như một đàn ong chăm chỉ, tu – học – chơi và làm việc nhịp nhàng, cùng nhau đi tới. Chúng con hòa điệu cùng hợp sức xây dựng tăng thân bằng tất cả tài năng và sức lực mình có. Người này quét nhà thì người kia cho pháp thoại, sư anh nấu ăn thì sư em dọn bàn, sư chị đi chợ thì sư em lặt rau. Chúng con đã có với nhau nhiều giây phút thật ấm áp và tươi vui.

Sư cô trụ trì Thiền đường Hơi Thở Nhẹ đã để nhiều giờ ra xây đắp một bức tường nhỏ bằng đá trong những ngày làm biếng nhằm giúp ngăn không cho nước mưa chảy xói hết bờ đất. Sư cô tự làm bằng tay, sư cô đi khắp vườn, rinh những hòn đá còn đang nấp trong những bụi cỏ, hòn to, hòn nhỏ về cùng nhau, tay cầm cuốc, tay bới cỏ, tay kê đá cho khớp, cho đẹp, đặt lên những hốc đá mấy bụi hoa dại đầu thu. Sư cô là người Pháp và đã lớn tuổi nhưng tâm hồn của sư cô rất trẻ. Sư cô làm như đang chơi, làm mà không làm, và thành quả của sự “làm biếng” đó là một bức tường đá rất thi vị.

Ngày làm biếng, con có thì giờ ngồi chơi và nghe sư chị kể chuyện. Chuyện ngày xưa vì sao sư chị đi tu, làm sao gặp được Thầy và Tăng thân, những khổ đau và hạnh phúc nào sư chị đã trải qua. Có lúc, chuyện kể vô tình chạm vào vết thương còn chưa chuyển hóa xong, nước mắt sư chị lăn dài. Con trở về nắm lấy hơi thở, cùng thở một nhịp với sư chị, cùng một lúc chúng con chuyển hóa nổi khổ niềm đau cho nhau. Thường ngày bận rộn, mấy khi chúng con ngồi chơi với nhau như vậy nếu không có những ngày làm biếng.

Cũng trong đợt làm biếng này, con được về Làng hai ngày để làm thủ tục gia hạn tiếp visa cho năm mới. Vừa bước đến cửa con đã tận hưởng được mùi mứt mận thơm ngào ngạt rồi. Quý sư chị năm nay làm mứt thật là tài tình, đã bỏ thêm vỏ cam, quế, gừng… vào nồi mứt làm hương vị của mứt mận thêm phong phú. Con về cũng còn kịp phụ giúp các chị em rửa nồi, dọn dẹp. Mứt mận năm nay ngon lắm, tha hồ cho thiền sinh mùa tới về nhâm nhi trong mỗi bữa ăn sáng. Con đảm bảo là thơm ngon đến hũ cuối cùng, hihi!

Vườn rau ở Làng mùa hè năm nào cũng xanh tốt, những trái bầu, dưa leo treo lủng lẳng, nhìn thiệt là ưa mắt. Những cây tía tô cao gần bằng bờ vai của con, cành lá tim tím. Ngoài ra còn rau muống, rau lang, rau mồng tơi, rau quế, rau răm chen chật lối đi. Con xin được hai va-li đầy và nặng toàn rau là rau lên thành thị. Khi kéo va-li con thấy mình đâu có kéo rau, con kéo tình thương từ Làng lên “vùng biên địa”, nếu không có tình thương thì làm sao mà mang nổi. Quý sư chị cười quá chừng khi thấy con ngồi thở hết xí quách ở trạm xe buýt đầu đường hẻm vô nhà với hai cái va-li rau to đùng.

Ngày làm biếng, con để nhiều giờ viết thư về cho gia đình huyết thống. Nỗi đau này của mẹ chưa tháo gỡ, niềm trăn trở kia của cha còn chưa thông suốt, đứa em trai còn cần thêm lời động viên, mấy cháu cần lời nâng đỡ, khuyến khích, vỗ về, thương yêu. Con dành rất nhiều giờ để quán chiếu, để viết thư, để báo hiếu mẹ cha bằng cách của một người tu, nâng đỡ cho tinh thần người thân thương thêm vững mạnh trước mọi thách thức trong cuộc sống. Lá thư nào con cũng thấy con đang là một sự tiếp nối của Thầy trên con đường trao truyền nguồn cảm hứng sống trong hiện tại nhiệm màu và trân quý sự có mặt của nhau. Con còn nhiều nhiều chuyện để kể lắm, nhưng mà trời đang mưa ngoài kia. Con có thể đi ngắm mưa một chút được không ạ?

Con kính thương và biết ơn Thầy!

Sư con của Thầy

Cổ Tự Nguyệt

Vườn rau xóm Mới