Trước năm 2016

Làm mới chính mình

Chân Nguyện Lâm

Thầy kính thương!

Con viết thư này cho Thầy khi năm mới 2015 đã bước sang được tròn một tuần rồi. Con vừa đọc lại bài pháp thoại Tết Dương lịch 2014 của Thầy trên trang nhà Làng Mai. Con tự hỏi mình: “Năm 2014 vừa qua con đã biết cách tự làm mới mình chưa? Con đã biết học cách buông bỏ những tập khí cũ để đón năm 2015 một cách tươi mới chưa?”.

Con vừa đi Làng Mai Thái Lan dự Khóa tu Asia Core Sangha về. Con sang Thái Lan cùng với 10 anh chị em trong tăng thân Singapore. Từ trước đến nay, con toàn đi dự các khoá tu một mình nên đây là lần đầu tiên con được chứng nghiệm “đi như một dòng sông” là như thế nào. Thêm một niềm vui nữa là trong khóa tu này có tất cả sáu anh chị em trong tăng thân chúng con vừa được thọ Giới Tiếp Hiện. Con còn nhớ một cuộc hội thoại rất ngắn ngủi nhưng rất thú vị khi con hỏi thầy Pháp Khâm trước khi điền vào phiếu đăng ký thọ 14 giới.

Con: Thưa thầy, con nên viết bao nhiêu là đủ ạ?
Thầy Pháp Khâm: Con viết thế nào để giúp thầy hiểu con để có thể chọn tên cho con.
Con: Nhưng con rất thích pháp danh của con khi thọ 5 giới thầy ạ. Con nghĩ là con “vướng mắc” với pháp danh này rồi.
Thầy Pháp Khâm: Thế thì thầy sẽ đặt cho con tên Chân Buông Xả!

Trong buổi thọ giới Tiếp Hiện (30/12), con đã rất hồi hộp không biết quý thầy quý sư cô sẽ cho con pháp danh gì. Con rất vui khi thầy Pháp Khâm đã đặt cho con tên Chân Nguyện Lâm, chứ không phải Chân Buông Xả như câu nói đùa ở trên. Nhưng ngẫm lại, có lẽ hai từ “buông xả” và “tâm nguyện” là hai từ tốt nhất để miêu tả việc thực tập của con trong năm 2014.

Trong buổi pháp đàm cuối cùng của khóa tu Châu Á, con đã chia sẻ với gia đình pháp đàm hoa hướng dương (sunflower) về việc con đã thực tập buông xả như thế nào trong suốt năm 2014 vừa rồi, và lý do vì sao mà thầy Pháp Khâm có câu nói đùa như vậy. Câu chuyện của con là thế này ạ.

Thầy đi thiền hành xuống Sơn HạLần đầu tiên con được gặp và nghe Thầy Làng Mai giảng pháp thoại là vào tháng 4/2007. Từ đó con đã luôn mong muốn được tới Làng Mai và được tu tập cùng Thầy và đại chúng bên Pháp. Ngày đầu tiên gặp Thầy là ngày bao hạt giống tốt lành trong con được tưới tẩm. Con đã bắt đầu học hỏi và chuyển hóa, nhờ thế mà cuộc sống của con dần tốt đẹp hơn. Sau ba năm liên tiếp được qua Làng Mai dự khóa tu và được tiếp xúc trực tiếp với Thầy và Tăng thân, con nhận ra rằng vì được ngụp lặn trong bầu trời thương yêu và trong dòng sông của hiểu biết và từ bi của đại chúng nên con bắt đầu có “vướng mắc” đối với Thầy và tăng thân Làng Mai.

Con tự bảo mình là năm nào cũng phải qua Làng Mai để được gặp Thầy. Với con lúc đó thì học pháp môn là phải học trực tiếp từ Thầy, muốn tu thì phải tu ở Làng Mai nước Pháp. Đến thời điểm giữa năm 2014 thì con chỉ nghe pháp thoại của Thầy, đọc sách của Thầy viết và đi tu ở Làng Mai thôi. Con chỉ hài lòng khi mỗi năm được qua Pháp ít nhất một lần. Con đang vướng mắc vào tham đắm mà con không biết.

Sau khi đọc bài “Ước mơ của Wake Up” trên Lá Thư Làng Mai, con khao khát được đi dự khóa tu Wake Up để kết nối với các bạn trẻ đến từ nhiều nước khác nhau của châu Á. Khi tham dự khóa tu đó cũng là lần đầu tiên con đặt chân tới Làng Mai Thái Lan, và lần đầu tiên nhận ra được sự tiếp nối của Thầy nơi quý thầy, quý sư cô ở Pakchong. Con tưởng con đã có một bước tiến bộ dài trong sự tu tập khi con viết bài “Con đã thấy sự tiếp nối của Thầy”.

Không ngờ con đã lầm. Có một người Phật tử trong tăng thân Hà Nội sau khi đọc bài của con trên trang Trang nhà Làng Mai đã gửi thư cho con và viết: “Hãy tự hỏi mình liên tục rằng, giờ phút này em ở đây, hơi thở này có đích thị là hơi thở của Thầy không, của Bụt không? Nếu chưa đích thị thì làm như thế nào để điều đó biểu hiện đích thị được thì mới thôi… Phải thực tập như thế nào để đích thị là bước chân của Bụt, của Thầy thì mới thôi… chứ không phải Thầy và Bụt chỉ có ở Làng Mai, ở PakChong, hay chỉ là quý thầy tiếp nối”.

Thú thật là con đã hơi choáng khi nhận được thư của một người mà con chưa bao giờ gặp mặt mà lại thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu trong việc tu tập của con. Con tưởng là sau mấy năm tu tập con đã có nhiều tiến bộ. Không ngờ rằng con vẫn rất  vướng mắc với hình ảnh của Thầy, chỉ trông đợi và tìm kiếm sự tiếp nối của Thầy ở bên ngoài. Một thời gian không lâu sau, trong một buổi chuyện trò tâm sự sau buổi thiền tập với các em trong tăng thân Singapore, các em ấy cũng soi sáng cho con rằng: “Lúc nào chị cũng thích nói về Thầy cả”. Những lời nhận xét thẳng thắn đó đã làm con suy ngẫm về con đường tu tập của mình. Con đã mong muốn thay đổi nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Từ tháng 9/2014, con làm việc cho một chương trình quốc tế của Đại học Quốc gia Singapore có tên là “Phật giáo ở Châu Á”. Vào tháng 12, con dẫn đoàn sinh viên quốc tế qua Việt Nam để học về Phật giáo Việt Nam. Làm việc cho chương trình này đã cho con động lực để tu tập tinh tấn, để có thể tiếp xúc sâu sắc với Bụt, với Thầy, với tổ tiên. Con nguyện tiếp xúc được với tổ tiên huyết thống và tâm linh của con để có thể giới thiệu với các em sinh viên quốc tế về văn hóa và Phật giáo Việt Nam. Và thế là con bắt đầu tu tập tinh tấn hơn, chú ý theo dõi hơi thở và mỗi bước chân mình. Mỗi buổi sáng thức dậy con đều mỉm cười và thở vào, thở ra theo bài kệ:

“Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời”
.

Từ khóa tu 21 ngày, con đã phát nguyện đưa chánh niệm vào trường học nên khi năm học mới bắt đầu, con đã giới thiệu việc thực tập chánh niệm tới các sinh viên và đồng nghiệp của con. Mỗi tuần giới thiệu thực tập như thế giúp con ý thức rõ hơn về bước chân và hơi thở của con. Con đã mong muốn được là sự tiếp nối đích thực của Thầy.

Mỗi tuần, con giới thiệu với các em sinh viên trong đoàn đại học Quốc gia Singapore – những em đang chuẩn bị về Việt Nam để tìm hiểu về Phật Giáo – những pháp môn khác nhau: thiền toạ, thiền hành, nghe chuông, ăn trong chánh niệm, lắng nghe và ái ngữ, thiền buông thư… Các em sinh viên đã chia sẻ là chánh niệm đã giúp các em chăm sóc thân tâm mình tốt hơn trong một học kỳ bận rộn và căng thẳng.

Thời gian thấm thoát trôi qua và ngày chúng con chờ đợi cũng đến: cả đoàn lên đường đi Việt Nam. Chúng con đã đi từ miền Nam ra miền Bắc, đi thăm nhiều chùa và nói chuyện với nhiều người Việt Nam để tìm hiểu về Phật giáo trong đời sống người dân ở ba miền. Đi đến đâu chúng con cũng được đón tiếp nồng hậu và giúp đỡ tận tình. Nhờ có các anh chị em Phật tử tốt bụng và nhiệt tình mà chúng con đã được thiền trà với tăng thân cả ba miền (thiền trà với tăng thân Trăng Rằm tại Sài Gòn; với quý thầy chùa Từ Hiếu và quý sư cô tại chùa Diệu Trạm; với tăng thân Sao Mai tại Hà Nội). Lần đầu tiên con chứng nghiệm được câu: “Tăng thân khắp chốn. Quê hương nơi này”.

Có một hôm chúng con đi thăm chùa Thiên Mụ, khi con đang phiên dịch giúp các em sinh viên thì có một thầy hỏi con: “Con là học trò của thiền sư Nhất Hạnh phải không?”. Con trả lời: “Dạ phải. Sao thầy biết ạ?”. Thầy đã  trả lời con: “Nhìn thì biết liền”. Con rất bất ngờ và vui sướng khi nghe nhận xét đó của quý thầy chùa Thiên Mụ. Từ trước đến nay, hễ chia sẻ về Phật pháp là con lại nhắc tới tên Thầy nhưng chưa có ai nói con là học trò của Thầy cả. Nhưng kỳ lạ là khi ở chùa Thiên Mụ, con không hề nhắc tới tên Thầy hay Làng Mai mà con chỉ dừng lại mỉm cười thở vào thở ra khi nghe tiếng chuông chùa, thế cũng đủ làm quý thầy ở đó nhận ra con. Thấy con ngưng phiên dịch mỗi khi nghe tiếng chuông nên quý thầy đã đọc bài kệ nghe chuông của Làng Mai vào cuối buổi phỏng vấn:

“Nghe chuông phiền não tan mây khói
Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười
Hơi thở nương chuông về chánh niệm
Vườn tâm hoa tuệ nở muôn nơi”.

Khi nghe chuông và theo dõi hơi thở, con có cảm giác mình được kết nối thực sự với Thầy và với tổ tiên tâm linh của con. Trong suốt chuyến đi 15 ngày xuyên Việt, con đã dùng tiếng chuông để giúp các em thực tập chánh niệm: thiền xe buýt, thiền hành và ăn cơm chánh niệm. Các em quen như thế rồi nên nếu lúc nào cô giáo chậm trễ chưa thỉnh chuông là các em sinh viên lại nhắc: “Cô ơi, chuông, chuông, chuông”. Có một hôm, đoàn đi nhiều nơi trong một ngày nên đến tối có một em sinh viên hơi mệt, không được tập trung lắm cho nên có một em sinh viên đã nói: “Cô ơi, chắc là bạn ấy cần một tiếng chuông”.

Gần chặng cuối của hành trình xuyên Việt, con đã dẫn đoàn sinh viên lên núi Yên Tử. Con nhớ câu chuyện Thầy đã kể với đại chúng tại đại học Brock Canada về vua Trần Nhân Tông đi tu trên núi Yên Tử và giấc mơ làm mới đạo Bụt của Thầy. Hôm đó, mỗi bước chân đi lên núi Yên Tử, con có cảm giác như Thầy đang bước đi cùng con. Khi đoàn chúng con leo được nửa đường, ở độ cao khoảng hơn 500 mét so với mực nước biển thì có một em sinh viên bị khó thở không leo tiếp được. Con đã bảo cả đoàn dừng lại, thỉnh ba tiếng chuông và hướng dẫn các em thiền tập theo bài: “Vào/ Ra/ Sâu/ Chậm”.

Khi chúng con đến được đỉnh núi, nhiều em sinh viên chia sẻ với con là lên đó thấy khỏe nhẹ và tươi mát cứ như là chưa phải leo núi vậy. Bí quyết của các em là thở vào bước hai bước; thở ra bước hai bước nữa. Khi nghe các em chia sẻ như vậy làm con nhớ đến câu chuyện Thầy kể với đại chúng trong khóa tu 21 ngày. Trong câu chuyện Thầy kể, con nhớ nhất câu nói của cô hướng dẫn viên người Trung Quốc nhận xét về Thầy khi Thầy cùng tăng thân đi thăm Vạn lý trường thành: Ông thầy này lợi hại lắm!

Khi xuống núi, con đã thay mặt cả đoàn vào lạy Bụt trong Phật đường. Giờ phút quỳ xuống lạy Bụt, con có cảm giác như mình được kết nối với Bụt, với Chư Tổ và với Thầy. Ở chốn linh thiêng đó, con cũng thấy mình đã hòa làm một với vạn vật, tiếp xúc được với Pháp thân và Tăng thân. Con cũng nhận ra rằng khi con buông bỏ được ý niệm về bản ngã của mình, buông bỏ ý niệm mình là một cá thể riêng biệt, buông bỏ việc tìm kiếm ở bên ngoài thì con đã tiếp xúc được với cả vũ trụ. Giây phút đó tuy ngắn ngủi nhưng giúp con nhận ra rằng con đã tiến thêm được một bước trong việc tu tập khi đã có một lần thở được hơi thở của Thầy và bước được bước chân của Thầy.

Sau chuyến đi xuyên Việt và khóa tu Châu Á, con nguyện tiếp tục tu tập thật tinh tấn để có thể tiếp xúc với Bụt, với Thầy được sâu sắc hơn. Con nguyện sẽ là một sự tiếp nối đẹp đẽ của Thầy và tiếp tục giấc mơ làm mới đạo Bụt của Thầy.

Kính thư,
Con – Chân Nguyện Lâm.