Nhìn những mùa thu đi

 

Viết gửi chị và các anh chị em ở cánh đồng phương Bắc

 

Chị của em!

 

Em vừa bước ra khỏi căn biệt thự nằm trên đường Nguyễn Du. Phía đối diện là Nhạc Viện Thành phố. Em bỗng nhận thấy có một sự liên hệ thú vị giữa hai địa điểm này. Một nơi thì em đang học Bụt. Còn bên kia đường là chỗ mà em đang học hát. Cả hai cách học này đều đặt nền tảng vào việc nhận diện và điều chỉnh hơi thở. Bên ni thì em được học để lắng nghe giai điệu trong trái tim mình. Còn bên tê thì em được hướng dẫn để ca vang những khúc hát thế gian. Như thế thì đủ hạnh phúc rồi, phải không chị? Cuộc sống thì vẫn còn nhiều khó khăn và chướng ngại. Nhưng nếu ta vẫn hát, nếu ta vẫn có thể mỉm cười thì đó là một tin vui nhất trần đời rồi. Tiếng hát của ta, tiếng cười của ta chính là một vết dấu cho thấy rằng: Hôm nay ta vẫn sống nhẹ nhàng. Sự thanh thản, sự bình an vẫn còn có đó cho ta. Ta không lẻ loi và cô độc.

Chị biết không, ngày nào em cũng hát, hát trong 24 giờ, hát trong từng bước chân, hát trong từng nhịp thở. Hát thành tiếng và có khi hát bằng sự lặng yên. Và em nhận ra rằng khi mình trở về với hơi thở thì những âm thanh mà người ta gọi là the sound of silence đó lại ngân rung. Miên man và bất tận…

Giờ thì em đang bước đi dưới những hàng cây xanh mát. Công viên Tao Đàn cũng là một nơi em thường xuyên thực tập thiền hành. Em đang đi thật thầm thì, thật nhè nhẹ. Và em đang bắt đầu nghĩ về chị. Lá thư của em đã hình thành rồi đó. Chị có thấy không? Lá thư em không phải bắt dầu bằng dòng chữ “chị của em” đâu! Lá thư em đã bắt đầu bằng những bước chân, bằng những hơi thở giữa đêm tối trời thơm trong và sạch không này. (C)

 

 

Nhìn bằng con mắt trầm tĩnh

Trưa hôm nay, em đi tiễn một người bạn. Vì thời gian máy bay cất cánh là buổi tối nên hai người đã dành trọn vẹn cả một buổi chiều bên nhau. Sau khi dùng cơm, chúng em đi tới một ngôi chùa nằm cạnh bờ sông để nói chuyện. Bạn em có vẻ ưa thích ngôi chùa này lắm dẫu cho đây là lần đầu tiên đến đây. Không giống như phần lớn những nơi chốn tâm linh khác, chùa không bị bao bọc bởi những khu dân cư xung quanh. Vì nằm cạnh bờ sông nên lúc nào cũng có cả một khoảng trời mây sông nước để ta có thể ngước nhìn, gửi gắm những nỗi niềm thương nhớ. Chùa cũng có những lối đi thật đẹp. Hai bên có những bụi trúc xanh, trúc vàng. Những lối đi có rải sỏi và có những dòng nước len lỏi bên dưới làm cho người khách đến đây sẽ có cảm tưởng mình đang bước trên một dòng suối.

Hai đứa chúng em chọn một nơi thật mát, kề bên sông để ngồi xuống. Bạn và em đều thống nhất với nhau rằng: Nếu được sống trong một nơi như vậy thì chắc là chẳng còn nguyện ước nào. Em còn nói thêm là tu ở một nơi như vậy thì chắc chắn là sẽ mau tiến lắm. Quả thật không gian địa lý cũng đóng một vai trò quan trọng cho việc thực tập của mình, phải không chị? Khi chúng em đi gần tới chùa thì đã cảm nhận được cái mát trong không khí. Hơi nước nhiều nên mình đã thấy mát. Mình chưa thấy sông nhưng cái mát đã có mặt. Em chưa trực tiếp được nhìn, được chạm tay vào nước sông nhưng cái mát trong đã hiện hữu. Tăng thân cũng như vậy thôi, phải không chị của em? Tăng thân cũng là một dòng sông thật trong thật mát. Có khi mình đang đi tới với tăng thân, mình chưa gặp ai. Hoặc mình cũng chưa quen ai. Nhưng mình biết là mình sẽ gặp được những người bạn lành thiện có chung nhu yếu tâm linh thì tự thiên lòng mình cũng khấp khởi mừng vui. Sự mừng vui ấy nó có mặt trong trái tim mình. Cái mát bên ngoài chưa có mà cái mát bên trong đã thật sự biểu hiện.

Nếu là người tu thì mình phải đi tìm cho mình một không gian thích hợp. Không gian địa lý lẫn không gian tâm linh. Không gian bên ngoài lẫn không gian bên trong. Sự rộng rãi bên ngoài sẽ dễ khiến cho tâm hồn mình rộng lớn thêm hơn. Cái mát trong bên ngoài sẽ dễ khiến cho trái tim mình trở nên tươi mới, bao dung và luôn chấp nhận mọi người.

Em đã ngồi trên bờ sông. Em đã lặng yên nhìn ngắm con nước lững lờ. Em đã nhìn bằng một đôi mắt thật trầm tĩnh. Sự huyên náo và ồn ã bên ngoài đã dần xa vắng. Tất cả sự mát trong, sự an tịnh này em xin gửi về cho chị. Em sẽ nhờ gió trời gửi đến cho chị.

Hà Nội sắp vào thu, phải không chị của em? Ngày xưa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thực tập nhìn những mùa thu đi. Có thể ông đã chọn một góc khuất nào đó để lắng nghe, để nhìn ngắm những biến chuyển, những bước chân của mùa thu. Nhưng ông đã nhìn mùa thu bằng những kinh nghiệm trong quá khứ và có thể phần lớn là những kinh nghiệm khổ đau. Cho nên, bài hát của ông, những điều ông viết xuống có một nỗi buồn man mác, có một chút hối tiếc, trách than. Chúng ta có thể đã hát bài hát ấy. Chúng ta đã là một sự tiếp nối của Trịnh Công Sơn. Nhưng chúng ta có thể thực tập tốt hơn. Mình có thể thay đổi và chuyển hóa tình trạng. Em đang thực tập ngồi bên sông và nhìn những dòng nước đang trôi lơ đãng. Dòng nước bên ngoài đang rất êm ả và dòng cảm thọ bên trong em cũng dần lắng dịu. Em đang nhìn sự sống bằng con mắt thật trầm tĩnh. Em đang thấy lòng bình an. Một chút thôi, cũng chưa nhiều lắm đâu chị. Nhưng sự thật là em đã có sự bình an. Em mong chị cũng sẽ ngồi thật yên ở Hà Nội, chị nhé. Chị có thể nhìn mùa thu năm nay và nhìn mùa thu trong những năm tháng tiếp theo sau nữa bằng một cái nhìn trầm tĩnh nhé chị. Em đang thực tập. Em mời chị thực tập cùng em. Và em nguyện ước bốn mùa của đất trời sẽ đi ngang chị thật yên bình và an tĩnh. (C)

 

Ngồi giữa muôn trùng

Thời gian gần đây tăng thân nơi em sinh hoạt đang có nhiều biến động. Có ít nhất 4 anh chị em nòng cốt đã lên đường đi tập sự xuất gia. Em mới phát hiện thêm hai thành viên nữa cũng đang có những biểu hiện muốn hòa mình vào biển lớn. Nói thật với chị là 6 tháng gần đây em cũng không đi thực tập điều đặn lắm. Nhưng chứng kiến tình trạng hiện tại, em cũng không thể dửng dưng được. Một số anh chị lớn đã có lời nhắn gửi. Em là người mới, người nhỏ, mình đâu thể nào để các anh chị phải nhọc lòng. Vậy là em xuất hiện điều đặn hơn. Có tham gia nhiều vào tăng thân hay phụ giúp các công tác khác thì em phát hiện tâm hồn mình còn xao động nhiều lắm. Khi đóng cửa tu học một mình thì em có cảm tưởng rằng mình đã có một chút sự tĩnh lặng. Em đã có chút hoa trái. Nhưng đến khi mở cửa bước ra thế giới thì em mới khám phá ra mình vẫn còn nhiều non dại và yếu kém. Cái Tĩnh của em hết sức bé nhỏ. Và cái Động trong em được dịp biểu hiện, khuynh đảo và lấn át. Cuộc đời thì luôn cần động và tĩnh. Nhưng em có một suy nghĩ là nếu mình đã muốn tu thì phải chuyên sâu vào cái tĩnh nhiều hơn. Vì vậy nên em cũng đã có một cái thấy chân thật về khả năng của mình. Em trở nên thực tế hơn một chút. Rất nhiều ảo tưởng đã tan vỡ.

Và em còn có thêm một nhận định là không ai có thể cho mình cái tĩnh cả. Không gian địa lý có thể cho ta một cái tĩnh bên ngoài. Cái tĩnh đó sẽ dễ khiến cho tâm hồn ta bớt xao động. Nhưng nếu muốn có được sự tĩnh lặng thường trực và bất chấp hoàn cảnh thì ta phải tự đi tìm, tự thiết lập. Ta phải tự thiết lập cái tĩnh đó ngay trong thân tâm mình.

Chắc là chị cũng như em đều đã được học rất nhiều cách thức để thiết lập cho mình một không gian yên ắng bên trong. Mình có thể kể ra như thiền tọa, thiền buông thư, thiền lạy… Đối với em thì em đều ưa thích tất cả phương pháp. Tuy nhiên có một phương pháp mà em luôn dành nhiều tâm lực và sức lực để thực tập. Đó chính là viết thư chánh ngữ. Chẳng hiểu làm sao khi càng thực tập bao nhiêu thì những con chữ lại xuất hiện, lại bay nhảy trong đầu em bấy nhiêu. Sau những ngày quán niệm, sau một buổi ngồi thiền hay đi thiền hành, bao nhiêu những ý, những dòng lại đến. Và em cảm thấy mình phải ngồi xuống thật yên để ghi lại tất cả. Phút giây đó đối với em là một phút giây hạnh phúc. Tất cả những lý thuyết, những tuệ giác, những kinh nghiệm đi vào em, đi vào từng bước chân, vào từng nhịp thở, theo dòng máu chảy về tim, đi khắp cơ thể. Em muốn viết lại tất cả bằng nhịp đập của riêng mình, bằng ngôn ngữ của riêng mình. Cứ được ngồi xuống viết nên một điều gì đó là em lại thấy mình như đang ngồi giữa cả một biển trời thơ nhạc. Em đang ngồi giữa muôn trùng. Tất cả đang đi vào em. Em không muốn giữ lại. Làm sao, làm sao em có thể giữ lại? Mọi thứ đã đến rồi cũng có có lúc phải ra đi. Điều khả dĩ nhất mà em mong muốn là sự ra đi đó phải là một sự ra đi thật đẹp đẽ và trong lành.

Có khi em tự hỏi mình viết thư như vậy thì liệu người nhận có cảm nhận hết tất cả những gì mình gửi gắm hay không. Đối với em, một lá thư thì chưa bao giờ là đủ để thiết lập những vòng kết nối. Không gì có thể thay thế cho một lần gặp mặt, một ánh nhìn, một cái ôm. Như chị cũng đã thấy, biểu hiện bên ngoài của em cũng chưa thể sánh bằng với những gì em viết. Có những lúc em cũng đã cảm thấy chán ngán với chính những gì mình viết. Nhưng rồi khi em biết chấp nhận những vụng dại trong em thì nhiều khúc mắc đã được giải tỏa. Khi em biết nhìn vào những non kém của mình bằng đôi mắt cảm thông thì giây phút đó những dấu chấm hỏi cũng đã hoàn toàn tan biến. Lá thư của em dành cho chị cũng là tất cả những gì tốt nhất của em rồi đó, chị có thấy không? Những gian dối, nhỏ mọn em xin giữ lại cho riêng mình. Những gì thuần khiết, thanh cao xin để dành hết cho chị. (C)

 

Ý nghĩa sự sống

Khóa tu năm nay chắc là đông vui lắm. Nghe nói có rất nhiều thầy cô lớn về tổ chức. Hai bạn WakeUp cũng ở lại để tham dự. Còn nhớ năm ngoái, em có được dự buổi thuyết trình giới. Đề tài của em là giới thứ tư. Không biết là thành phần năm nay sẽ bao gồm những ai? Nhưng em nghĩ chị sẽ là một trong số năm người có được may mắn đó. Nói về giới thì em có cảm tưởng là mình có thể nói cả ngày, cả tháng, cả năm mà không hết chuyện. 5 Giới tuy chỉ có vài trang giấy nhưng gần như bao trùm toàn bộ sự sống này. Chia sẻ về giới tức là chia sẻ những cái thấy của riêng mình, sự thực tập của riêng mình. Hôm nay mình sống như thế nào, mình ăn như thế nào, mình thở như thế nào thì mình cứ chia sẻ thôi. Cũng đâu có gì khó phải không chị?

Em cũng đã được tham dự vào nhiều buổi thuyết trình, hội thảo không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo. Và em phát hiện là điều có thể đi vào lòng người, để lại những con sóng trong trái tim họ không nằm ở những ý từ cao đẹp hay kỹ thuật dẫn dắt của người trình bày dẫu cho nếu có những yếu tố đó thì sự trao truyền sẽ dễ dàng hơn. Sự chân thật, sự trải lòng của người nói chính là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công. Mới đây trong tăng thân nhà em, em cũng kêu gọi một cuộc sáng tác nhỏ cho lễ Vu Lan. Và kết quả là những bài được bình chọn nhiều nhất là những bài rất hồn nhiên và trong trẻo. Người viết dùng một giọng văn như lời kể chuyện, nhẹ nhàng, không trau chuốt vậy mà lại gây xúc động người đọc. Vì vậy, chị cũng đừng nên nghĩ ngợi nhiều về buổi thuyết trình giới chị nhé. Chỉ cần soạn trước một dàn ý. Nội dung là sự thực tập hằng ngày của riêng chị. Mình cũng đâu cần gì lớn lao. Khi ăn cơm thì mình có cảm giác gì? Mình ăn cơm một cách từ tốn. Mình được ăn như vậy là một điều kiện hạnh phúc vì mình biết không có nhiều người hưởng được điều đó v.v… Vậy là mình đã có thể trình bày về giới thứ nhất rồi đó, chị có thấy không? Hôm nay, mình có khó khăn với một người trong tăng thân. Mình quyết định ngồi xuống, viết một bức thư nói rõ rằng mình đang khổ đau và mình mong người kia biết rằng mình đang khổ. Mình bày tỏ mong ước người kia giúp mình. Vậy là hai bên sẽ có một buổi ngồi yên, lắng nghe nhau, có mặt cho nhau. Như vậy, chỉ cần bao nhiêu đó thôi là mình đã có điều để nói về giới thứ tư trong vòng 15 phút rồi đó v.v… Cũng đơn giản phải không chị? Em nghĩ là em đã viết hơi dài ở phần này. Em chắc là các anh chị sẽ đi qua buổi thuyết trình rất thảnh thơi và nhẹ nhàng. Vì không gian thanh tịnh của chùa, của tăng thân xung quanh là một trợ lực rất lớn cho chính chúng ta. Khi ngồi trong đại chúng, em chưa từng thấy rằng mình đang chịu một sức ép tinh thần nào cả. Năng lượng của sự im lặng hùng tráng chính là một nguồn sức mạnh to lớn luôn trợ lực và nâng đỡ cho em. Nguồn lực ấy em cũng đã đi tìm khắp thế gian và em cũng nhận ra một sự thật chẳng có nơi nào ngoài tăng thân trao cho em nguồn sức mạnh ấy.

Giờ phút này em không biết là anh bạn Bart Bannink trong tăng thân WakeUp có nhận ra điều ấy chưa. Bart khi còn ở miền Nam có chia sẻ với chúng em rằng: Chuyến đi về Việt Nam lần này, anh muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi:  Điều gì là quan trọng và ý nghĩa nhất thế gian? Thật sự mình muốn gì trong cuộc đời này?

Em nghĩ là sẽ không bao giờ có một câu trả lời thỏa đáng. Mỗi người sẽ phải tự đi tìm câu trả lời cho riêng mình. Nhưng em luôn tự hỏi là Bart có biết rằng mình đang có một điều kiện rất hoàn hảo hay không. Bart đã tìm đến được với Phật Pháp. Và quan trọng hơn Bart đã tìm tới được với một tăng thân. Một khi đã trở về được với tăng thân, đi chung với tăng thân thì chúng ta đã có một điểm tựa vô cùng vững chãi. Sẽ có người giúp ta tìm ra ý nghĩa sự sống. Sẽ có những pháp môn giúp ta tìm lại bóng hình thật sự của mình. Sẽ có một năng lượng lành của tập thể, năng lượng của tăng đoàn hay tâm thức cộng đồng yểm trợ cho ta đạt được cái thấy chân thật.

Chị có thấy không, em đã bắt đầu quý mến Bart rồi đấy. Mặc dù hai anh em có biết gì về nhau? Chưa nhiều nhưng vì chúng em đã tự nhận là anh em tâm linh của nhau. Em cũng có một nhu yếu giống như Bart. Em cũng muốn trả  lời cho rõ ràng ý nghĩa của sự sống mình là gì.

 

Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời? (C)

Câu trả lời của em trong thời điểm này sẽ là sự bình an. Câu trả lời này đã theo em từ lâu lắm. Câu trả lời ấy nằm trên ly trà mà anh chị đã tặng cho em. Ly trà màu nâu có vẽ một vòng tròn thật đẹp. Trong vòng tròn là dòng chữ “Tâm hồn bình an. Trái tim rộng mở.”

Trái tim rộng mở có nghĩa là mình thực tập thương yêu theo lời Bụt dạy. Thương mình, thương người thân, thương người thương, thương người không thân, thương những ngươi mình chưa thương được. Thương mà không vướng kẹt, thương mà không đòi hỏi.

Đó là những chuyện có thể viết đôi ba dòng nhưng thực tập là câu chuyện của cả một đời người. Nhưng tin vui là đã có nhiều người làm được và cũng có đầy đủ phương pháp cụ thể để làm được điều này. Nếu trái tim ta rộng mở, có khả năng chấp nhận mọi người thì rõ ràng đời ta sẽ không còn sóng gió. Con thuyền ta sẽ nhẹ lướt giữa dòng sinh tử. Ta có sự bình an. Nhưng bình an không phải là phần thưởng cho những người chạy nhanh nhất và xa nhất. Bình an là món quà có mặt ngay trong chén trà khuya nay, ngay trong tiếng chim hót sáng hôm qua, phải không chị của em? Sự bình an là cơn gió thoảng buổi trưa hè. Sự bình an là nắng ấm buổi sớm mai. Sự bình an là một đôi chân khỏe. Sự bình an là một bàn tay khéo, phải không chị?

Có thể sự bình an của chị em mình chưa được sâu dày, chưa được dài lâu. Nó chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, trong một ánh chớp của thời gian. Nhưng sự thật là nó đã có đó. Chúng ta đã tìm ra được nguồn mạch hạnh phúc của đời sống. Và chúng ta có niềm tin, chúng ta có niềm tin rất lớn. Những tia nước an vui, tịnh lạc sẽ tung tóe, sẽ phun trào trong một ngày không xa nữa. Tâm hồn ta sẽ không còn là ao tù chật hẹp. Một khi đã ngập tràn những dòng tịnh thủy, những dòng bình an thì tâm hồn ta sẽ hóa thành sông lớn, sẽ trở thành trùng dương. Tâm hồn ta sẽ là tâm hồn vô lượng.

Em đang uống trà. Em đang nhìn vào dòng chữ “tâm hồn bình an – trái tim rộng mở”. Em đang nhìn vào dòng chữ ấy đây. Và em có cảm tưởng rằng mình cũng đang uống một chút sự bình an và tĩnh lặng. Em cũng đang thưởng thức một chút sự bao dung và rộng mở. Em nhìn vào ly trà và em cảm thấy chị đang có mặt. Em nhìn thấy những bàn tay đã chạm động vào ly trà này. Có bàn tay Sư Ông, có bàn tay những người nghệ nhân, có bàn tay của chị, có bàn tay của anh, có bàn tay của em. Chị có thấy không, em cũng đang có mặt. Chị có thấy không, em đang có mặt. Đôi mắt chị đang lưu giữ dòng sông cảm thọ của em. Dòng sông em cũng đã trở thành dòng sông bên trong chị. Em là nước. Và chị cũng là nước. Hai chị em là hai dòng sông nhỏ. Hai chị em là hai hạt nước trong. Hai chị em mình không khác. Ngày mai nếu muốn tìm thấy em, em mời chị hãy uống trà. Có em trong đó. Chị không cần phải gọi điện hay nhắn tin. Chị không cần phải đi tìm đâu xa. Sẽ luôn có em trong chén trà. Một sớm mai…khi đêm tàn ngày tới… (C)

Lá thư vô ngã

Khi viết thư cho chị thì em có một mộng ước. Một mộng ước giản dị thôi. Nếu có thể, em mong chị hãy nhắn gởi một số anh chị em thân thiết khác. Mọi người có thể tập hợp lại và ngồi thành một vòng tròn nho nhỏ. Sau khi thỉnh 3 tiếng chuông, chị có thể chọn một ai đó có chất giọng truyền cảm, biết hành trì phương  pháp “Hơi thở có ý thức”  để đọc lá thư này.

Không phải vì đây là lá thư của em mà em mới có lời đề nghị như vậy. Mong ước này xuất phát từ một cái thấy gần đây của em. Trong dịp lễ Vu Lan vừa qua, em đã được phép đọc đoản văn Bông Hồng Cài Áo. Và em phát hiện trong buổi hôm đó có những khoảnh khắc em đã phải dừng lại. Em bắt buộc phải dừng lại để kìm nén nguồn cảm xúc đang dâng trào. Có những khi em đã đánh mất giọng nói của mình. Em đã lạc giọng. Một điều chưa từng xảy ra. Một trải nghiệm chưa từng có mặc dù em đã biết, đã đọc đoản văn đó nhiều năm trước. Em nhận ra rằng chính không gian xung quanh, chính không khí trang nghiêm của buổi lễ, sự có mặt vững chãi của những anh chị em tâm linh gần kề đã làm chín tới những “trái thương”, “trái hiểu” trong em.

Sau buổi lễ, em được biết có nhiều người đã khóc trong đó có mấy anh em WakeUp nữa. Có người còn khen em trực tiếp lẫn gián tiếp. Em muốn nói với tất cả như sau:

“Sở dĩ đoản văn đó gây cho các anh chị niềm xúc động là vì chính các anh chị đã nhận ra có mình trong đó. Chính các anh các chị đã góp phần làm cho bài văn ấy biểu hiện. Chính sự có mặt, chính năng lượng bình an của các anh chị đã làm cho tình mẫu tử – tình cảm thiêng liêng nhất của loài người được lan truyền. Sư Ông là người viết đầu tiên. Và chính các anh chị là những người viết tiếp theo. Các anh chị cũng là tác giả của đoản văn ấy. “

Vì vậy cho nên, khi các anh chị ở cánh đồng phương Bắc cùng có mặt cho nhau, ngồi thật yên để lắng nghe em thì chính các anh chị cũng đã tham gia vào quá trình tạo tác ra bức thư này. Một người đọc bằng tất cả tấm lòng, những người còn lại cũng nghe bằng tất cả tấm lòng thì lá thư của em đã không còn là của em nữa. Lá thư rất đỗi bình thường đó sẽ thành ra có phẩm chất. Lý do chính là vì sự có mặt của các anh chị. Năng lượng tỉnh thức của các anh chị dành cho bức thư này nhiều bao nhiêu thì phẩm chất của lá thư sẽ cao lên bấy nhiêu. Cái hay của lá thư không phải là do em. Cái hay của lá thư là do mọi người.

Em viết xong rồi đó chị à. Tất cả năng lượng chánh niệm ít ỏi của em đã chảy đổ vào lá thư. Em không còn gì nữa cả. Lá thư vô ngã này – món quà bé mọn em đã cẩn trọng gói ghém, thức dâng của lòng em – nay xin cúi đầu đưa về cho chị.

Mộc Lan Sài,
Cuối tháng 8, 2011
Với tất cả tấm lòng,

Em của chị
Dạ Lai Hương