Mở lối tôi về

Mây ánh trăng

Nguồn: maythongdong.org

“Xin tạ ơn đời, xin tạ ơn người, cho chúng con thêm 1 lần tái sinh.
Thành những cây lê, trong vườn thiền Bát Nhã.” – Bài hát của gia đình Cây Lê

Hôm nay là một trong những ngày quán niệm hằng tháng của Gia đình, nhưng tôi trở về nhà với tâm trang thật vui vẻ. Không phải chỉ mỗi lúc về mà cả ngày hôm nay, tôi làm gì cũng rất vui vẻ, hạnh phúc. Tôi cũng không biết vì sao tôi vui như thế. Có lẽ vì tôi đã chiến thắng ham muốn của bản thân mình, tôi đã khám phá và đã biết mình muốn gì. Tôi đã chuẩn bị cho sự không tham gia của mình vào ngày này từ đầu tuần nhưng tới phút cuối cùng, tôi đã đổi ý và giờ đây tôi biết sự lựa chọn của mình là đúng đắn.

Tôi đang lơ ngơ thì may mắn cho tôi là được một thành viên trong gia đình mây thong dong – Mây an lạc-  giới thiệu vào sinh hoạt với gia đình. Tôi không biết Gia đình Mây Thong Dong là gì? Pháp môn là gì? Tăng thân là gì? Tại sao lại phải có Tăng thân? Đối với tôi, có mọi người xung quanh cũng tốt, không có cũng buồn nhưng không sao? Vì tôi phải chấp nhận và chịu trách nhiệm về những gì tôi làm. Thiền hành là như thế nào? Thiền trà là làm sao? Những định nghĩa đó thật là mới lạ với tôi và tôi chỉ đơn giản là làm theo vì tôi cảm thấy nhẹ nhàng khi làm như vậy.

 

Thiền hành trên đất Tổ

Trước đây, tôi cũng hay đến chùa. Tôi đến chùa khi tôi có những đau thương cùng cực, không thể nói cùng ai. Tôi đến đơn giản chỉ để nhìn tượng Phật. Tôi ngồi đấy, im lặng, suy nghĩ, nhìn Phật cầu cứu, có thể một tiếng, hai tiếng hoặc cả ngày rôi ra về mà không nói với ai một lời nào.

Hôm nay tôi được thấy Pháp môn của Bụt, được gia nhập vào một tăng thân, được chiêm nghiệm và học hỏi những điều mới lạ. Tôi biết được rằng con đường giải thoát là con đường của tự bản thân mình, mình phải tự chiêm nghiệm và tháo gỡ những nút thắt của cuộc đời. Tôi biết được bốn sự thật khổ, tập, diệt, đạo, về tục đế và chân đế, về niết bàn. Ba tôi vẫn hay nói với má tôi trong các cơn giận dữ rằng: “Làm gì có Niết bàn!…” và bây giờ tôi đã hiểu bản chất của Niết bàn, chỉ có chính bản thân mình mới cảm nhận được mà thôi. Má tôi có thể cảm nhận được Niết bàn, ba tôi và tôi thì có lẽ vẫn chưa hiểu được.

Pháp đàm: Bảo vệ môi trường

Tôi cũng nhớ trong một ngày quán niệm nào đó, chúng tôi đã nhận được một câu hỏi là: “Bạn hiểu như thế nào về hiểu và thương?”. Chúng tôi đã trình bày ý kiến của nhau và cũng phát sinh trong đầu một câu hỏi: “Ngay cả khi hiểu rồi nhưng vẫn không thương được thì làm thế nào?” Câu trả lời là thực tập. Vậy thực tập như thế nào để hiểu, để thương (đây là câu hỏi của em Tâm và cả của chúng tôi nữa)? Tôi vẫn còn mơ hồ lắm, nhưng bây giờ thì tôi đã biết: Thực tập để mình có chánh niệm, thực tập để cho mình thấy chánh kiến, thực tập để vun đắp hạt giống yêu thương trong mỗi con người, thực tập để phát triển hạt giống đó. Và đến khi hạt giống đủ lớn, thì những thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp.

Càng đọc Trái Tim Của Bụt, tôi càng thấy mình được khai sáng. Những câu hỏi, những thắc mắc vẫn hay phát sinh trong tôi từ nhỏ tới giờ cũng dần có câu trả lời.

Cám ơn Bụt vì đã khai sinh ra Pháp môn này.
Cám ơn Sư Ông, người đã gìn giữ và phát triển Pháp Môn này.
Cảm ơn tất cả các thành viên trong gia đình Mây Thong Dong.

Trong đầu tôi vẫn vang vang về Năm điều quán chiếu trước khi ăn của em Mây Thương đã đọc: Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và công phu lao tác. Khi ăn nguyện chuyển hóa những tập tính xấu……để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.

 

 

Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời và công phu lao tác