Trồng cây, gieo hạt cho thế hệ tương lai

 

Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới, đó là chủ đề cho những khóa tu giáo dục, tổ chức cho các thầy cô giáo, cho các nhà giáo dục, xảy ra ở Làng Mai, ở Anh quốc, Ấn Độ và Bhutan. Mới đây cũng đã xảy ra ở Thái. Mong rằng ở Việt Nam mình cũng sẽ tổ chức được những khóa tu như thế. Trong những khóa tu này, các thầy cô giáo được học cách thở, cách đi, cách ngồi, cách ăn… trong chánh niệm, nhận diện những gì đang xảy ra trong thân tâm và môi trường để chế tác hạnh phúc, chuyển hóa khó khăn và khổ đau. Học những điều mà họ có thể ứng dụng được trong đời sống hằng ngày. Khuyến khích các thầy cô giáo tạo ra một gia đình thứ hai ở trường học để những em nào không có hạnh phúc trong gia đình thì có cơ hội hạnh phúc khi đến trường.

Có những em học sinh không may mắn khi ba mẹ không có hạnh phúc, điều đó đã ảnh hưởng đến tâm lý của các em, ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như đạo đức của các em, vì vậy mà trong khóa tu mình khuyến khích các thầy cô giáo, các nhà giáo dục tạo ra một môi trường ở trường học như thế nào để các em thấy được trường học là nhà mình. Lớp học là nhà mình. Tạo cho các em một cơ hội thứ hai, một gia đình thứ hai có hạnh phúc. Các thầy cô giáo có thể kết hợp với nhau để làm điều đó. Hạnh phúc rất quan trọng. Có hạnh phúc con người sẽ sống tốt hơn, nhẹ nhàng hơn, siêng năng hơn, ý thức hơn, dễ dàng thương yêu và hiến tặng hơn.

 

Trồng cây, gieo hạt cho thế hệ tương lai

Mỗi lần đi đến đâu có những cây cổ thụ cao lớn, vững chãi là tôi thấy mình được nuôi dưỡng nhiều. Nhìn những cây cổ thụ cao lớn, mình cũng thấy mình được cao lớn và vững mạnh lên. Tôi thấy lòng biết ơn tràn dâng, biết ơn những người đã trồng lên những cây cổ thụ này. Những cây cổ thụ này có thể là đã mấy chục năm hay mấy trăm năm. Và chắc chắn người trồng lên những cây cổ thụ này không nghĩ là họ trồng cho họ mà họ trồng cho con cháu họ, trồng cho những thế hệ tương lai. Học sinh và sinh viên là tương lai rường cột của đất nước. Đầu tư cho tuổi trẻ là một đầu tư xứng đáng. Người trẻ luôn có tâm nhiệt huyết muốn đóng góp, xây dựng. Nếu các em có hạnh phúc các em sẽ hiền thiện, và chắc chắn các em sẽ xây dựng nên một xã hội lành mạnh, an vui. Mình là cái gì thì mình sẽ xây dựng nên cái đó. Mình có hạt bắp thì mình sẽ gieo lên những cây bắp, mình có hạt xoài mình sẽ trồng lên những cây xoài. Mình có đạo đức mình sẽ trồng lên những con người có đạo đức.

 

 

 

Ai là người thầy cô giáo ảnh hưởng đến cuộc đời của bạn?

Tôi nhớ ngày đầu tiên ra trường, đứng trên bục giảng, tôi cảm thấy lúng túng, không biết mình phải làm gì, mặc dù giáo án đã chuẩn bị đầy đủ. Trong những giây phút lúng túng, ngỡ ngàng ấy tự nhiên những hình ảnh, những cử chỉ yêu thương của các thầy cô giáo hiện về trong tôi, những người thầy, người cô đã từng tận tụy, thương yêu, nâng đỡ tôi, cho tôi biết tôi phải làm gì, những hình ảnh đó giúp tôi đứng lớp một cách tự tin và vững vàng. Tôi thấy biết ơn rất nhiều. Những thầy cô giáo đã giúp tôi, không những khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường mà còn giúp tôi khi tôi đứng trên bục giảng. Mà họ giúp tôi không phải là những kiến thức họ giảng dạy, thật ra những kiến thức ấy sau mỗi mùa thi thì tôi đều để lại trường học, nhưng chính những cử chỉ, nhân cách của họ đã theo tôi suốt cuộc đời.

Có một người thầy trong cuộc đời mà tôi không thể nào quên được, đó là ba tôi. Ba tôi là một thầy giáo già tận tụy, hết lòng với học sinh và được học sinh thương mến. Bây giờ thì ba tôi đã về hưu. Đó là người thầy ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời của tôi. Các bạn hãy nhắm mắt lại thở thật sâu và thật yên, hồi tưởng lại xem ai là người thầy ảnh hưởng đến cuộc đời của bạn nhiều nhất?

Ba tôi là người thầy giáo đầu tiên của tôi, kể từ khi tôi còn rất bé. Giai đoạn em bé từ một đến năm tuổi là giai đoạn mà nó học hỏi và tiếp thu nhiều nhất trong cuộc đời. Những gì đi vào tâm thứ nó thì khó mà mất được, những buồn đau và hạnh phúc đã tạo nên những dấu ấn trong tâm thức nó. Và nó sẽ mang theo suốt đời.

Tôi nhớ lúc tôi khoảng ba, bốn tuổi, trưa nào ba tôi cũng bắt tôi đi ngủ trưa, tôi ngủ với ba mà không phải ngủ với mẹ. Trưa nào cũng nằm trằn trọc, xoay qua xoay về. Thế là ba tôi bảo, coi phim kìa. Ba tôi chỉ lên trần nhà, những bóng cây cứ đung đưa chạy qua chạy lại. Hồi đó làm gì có phim mà coi, làm gì mà biết ti vi là gì. Số là những tấm tôn của nhà tôi bị lủng, lủng rất nhiều lỗ, to có nhỏ có và vì thế mà mỗi lần trời mưa là dột. Mỗi lần trời mưa là nhà tôi cứ lấy thau, lấy thùng, lấy xoong đi hứng nước dột. Riêng chỗ giường là ba tôi căng một tấm ni long trắng từ bên này qua bên kia. Để khi mưa dột xuống thì nước mưa nằm trên tấm ni long đó mà không rơi xuống, khi nước mưa nhiều thì ba tôi lại trút xuống trong một chiếc thau. Những ngày trời nắng, những tán cây trên mái nhà in bóng xuống tấm ni long đó, và khi có những cơn gió thổi qua thì những bóng cây này di chuyển, cứ đi qua đi về như thế rất đẹp, ba tôi gọi đó là phim. Cứ như vậy ngày nào tôi cũng xem phim cho đến khi mỏi mắt rồi rơi vào giấc ngủ lúc nào không hay. Có những ngày trời đứng gió, những bóng cây cũng đứng im, không di chuyển được, tôi hỏi ba tôi: “Sao hôm nay không có phim?” Rồi tôi cứ đòi coi phim cho bằng được mà không chịu ngủ. Đối với tôi phim là phải chạy chạy mới đúng, chứ phim thì không thể đứng yên được. Thế là ba tôi phải đi ra ngoài leo lên cây, đung đưa những nhánh cây cho tôi xem phim. Rồi ba tôi hỏi vói vào: “Có phim chưa?” Những hình ảnh ấy không biết ba tôi có còn nhớ không, nhưng nó đã đi suốt cuộc đời tôi. Mỗi lần nhớ lại là mỗi lần tôi được nuôi dưỡng và trân quý. Thấy mình hạnh phúc bởi một quá khứ đẹp.

Các bạn có dành thời gian cho con mình không? Các bạn có chơi với con mình không? Cái mà con mình cần không phải là tiền bạc của cải mình để lại đâu. Mà chính là sự có mặt của mình, là hạnh phúc của mình. Thầy đã từng nói: “Gia tài quý nhất để lại cho con là hạnh phúc của ba mẹ”. Thầy cô giáo cũng vậy. Cái mà các em học sinh cần không phải là kiến thức mình giảng dạy. Với thời đại ngày nay, các em có thể tìm thấy tất cả những kiến thức ấy trên mạng lưới internet. Cái mà các các em cần là nhân cách của thầy cô giáo, là cách sống của thầy cô giáo, là tình thương và hạnh phúc của thầy cô giáo. Vậy mình cũng có thể nói: “Nguồn sống quý nhất mà thầy cô giáo trao truyền cho học sinh chính là hạnh phúc của thầy cô giáo.” Những người thầy cô giáo ảnh hưởng đến cuộc đời tôi không phải là những kiến thức họ trao truyền cho tôi mà là những cử chỉ, cung cách của họ.

Thầy cô giáo hạnh phúc thì học sinh sẽ thoải mái, không căng thẳng, từ đó sẽ biết nghe lời và học giỏi. Ba mẹ hạnh phúc thì con cái biết vâng lời và ngoan hiền. Anh chị hạnh phúc thì em sẽ hạnh phúc… vì chúng được giáo dục và lớn lên trên nền tảng thương yêu và hạnh phúc. Có hạnh phúc là có thương yêu. Có tình thương yêu thì không có gì mà không làm được, không có gì mà không thay đổi được.

Nếu mình đang có một học sinh, một người con, một người em ngỗ nghịch, không biết vâng lời, không chịu học hành… thì mình khoan vội la mắng, trách móc. Hãy nhìn lại xem mình đã hiến tặng cho người đó đủ hạnh phúc và tình thương chưa, hay là mình cũng đang cau có, bực bội, giận dữ, chỉ biết la mắng, trách móc và buộc tội?

 

Mình chỉ hiến tặng những gì mình có

Muốn hiến tặng cho ai cái gì trước hết mình phải có cái đó. Nếu mình không có cái đó làm sao mình có thể hiến tặng được, cho dù mong muốn của mình có lớn bao nhiêu đi chăng nữa mà mình không có thì cũng không thể hiến tặng được. Vì vậy muốn hiến tặng hạnh phúc và niềm vui cho người khác trước hết mình phải tự chế tác niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. Hạnh phúc là điều mình có thể đạt được ngay bây giờ trong giây phút này. Các bạn cứ thử đi. Hãy dừng lại, khoan đọc tiếp đã, khoan làm tiếp đã, đừng cố gắng làm cho xong, dừng lại một phút, nhận diện những gì mình đang có, mình còn một thân thể nguyên vẹn, khỏe mạnh, mình còn đôi mắt sáng để nhìn, mình còn tấm lòng để thương yêu và hiến tặng, mình đang có một bông hoa tươi mát trước mặt, mình có thể thở được, mình có thể cười được, mình có thể đi được, mình có thể chơi được, mình có thể nói chuyện được… Bạn không hạnh phúc với những điều đó sao? Mình đang có một căn nhà ấm cúng. Chỉ cần ý thức và nhận diện những gì mình đang có thôi cũng đủ làm cho mình hạnh phúc rồi. Và nuôi lớn ý thức này cho thường xuyên và lâu dài thì hạnh phúc của mình sẽ lớn  lên. Đừng đòi hỏi, mong cầu, đừng đổ lỗi, trách móc. Dừng lại những tâm hành ấy thì hạnh phúc có mặt.

 

 

Hạnh phúc với những điều đơn giản.

Bạn cứ lập nên những kế hoạch lớn lao trong cuộc đời bạn và thành công với những kế hoạch đó, nhưng điều đó không ngăn cản bạn hạnh phúc với những điều đơn giản trước mắt như bạn đang có một không gian bao la để hít thở, bạn có một mái nhà để ở, bạn có điều kiện để học hành, bạn có thể tự mỉm cười với chính mình, bạn đang có một ly nước để uống, bạn đang có một bát cơm để ăn… Hạnh phúc với những điều đơn giản sẽ từ từ hình thành nên tính cách và thói quen của bạn, đó là thói quen hạnh phúc. Cái gì cũng làm cho bạn hạnh phúc được. Chính hạnh phúc sẽ nuôi lớn thành công của bạn. Bạn cứ lập nên những phương án như mua xe hơi, xây dựng nhà cửa, thành lập xí nghiệp, thi đậu đại học, có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình, nuôi con hạnh phúc… nhưng đừng đợi đến khi bạn đạt được những thứ đó rồi mới hạnh phúc. Nếu bạn đợi cho đến lúc có được những thứ đó mới hạnh phúc thì bạn chẳng bao giờ hạnh phúc cả bởi vì bạn đã đang tạo cho mình một thói quen là hạnh phúc chỉ có thể có được ở tương lai mà tương lai thì không bao giờ có. Ngày mai là tương lai của bạn? Đúng rồi. Nhưng ngày mai ấy có hay không? Khi cái ngay mai ấy trở thành hiện tại của bạn thì liệu bạn có khả năng sống hạnh phúc hay không? Hay rồi bạn cũng hẹn tới cái ngày mai khác?

Khi mình hạnh phúc được với những điều đơn giản như thế, tự nhiên trong lòng mình cũng thoải mái, không gian trong mình cũng thoáng rộng, mình dễ dàng chấp nhận, dễ dàng tha thứ, bao dung, dễ dàng thương yêu. Có hạnh phúc là có thương yêu. Có hạnh phúc là có quan tâm chăm sóc.

 

Chữa trị niềm đau.

Để cho hạnh phúc mình lớn rộng thì tâm mình cũng phải lớn rộng. Làm sao mình hạnh phúc được khi trong thân tâm mình có những đau nhức? Vì vậy khi trong thân tâm có những đau nhức mình phải chữa trị cho nó. Đừng sợ những khó khăn đau khổ của mình. Trịnh Công Sơn có nói: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy rằng tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.” Khi bạn đau khổ và ý thức về những đau khổ của bạn thì bạn có cơ hội nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa. Bạn sẽ làm cho chúng lắng dịu và không muốn làm cho ai đau khổ nữa. Nếu bạn không ý thức về điều ấy thì khi khổ đau  đến bạn sẽ dễ đòi hỏi, trách móc… và như thế bạn sẽ làm cho người khác khổ đau. Cho dù bạn không nói ra thì chính năng lượng ấy cũng làm cho người khác khổ đau rồi, bởi vì chúng ta đến với nhau trước hết bằng một nguồn năng lượng. Chúng ta có hạnh phúc thương yêu thì người kia cũng nhận được nguồn hạnh phúc thương yêu của ta, mà ta đang khổ đau, trách móc thì người kia cũng nhận được. Đó là lý do tại sao có những lúc ta không nói gì cả mà thấy gần gũi thân thương, rồi có khi không nói gì cả mà sao thấy nặng nề. Vì thế mỗi khi có một niềm đau xuất hiện dù trên thân hay trên tâm, bạn hãy trở về chăm sóc niềm đau đó, đừng suy nghĩ, đừng phán xét, đừng đổ lỗi, đừng nghĩ về người làm cho mình đau (vì có thể càng nghĩ thì sẽ càng đau). Chỉ cần ôm ấp niềm đau với hơi thở ý thức, có mặt cho niềm đau, từ từ niềm đau sẽ được lắng dịu.

Mỗi lần có những căng thẳng, bực bội, giận dữ… ta nhớ trở về với hơi thở, nhận diện và ôm ấp cho chúng lắng dịu, để trả lại không khí nhẹ nhàng tươi vui cho những người chung quanh. Khi có những căng thẳng, bực bội ở trường học, ta đừng mang nó về nhà, và khi ở nhà có những bực bội căng thẳng, ta đừng mang nó đến trường.

 

Ai là người thầy của mình?

Ai không là thầy cô giáo? Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con mình. Anh chị cũng có thể là thầy cô của mình. Em mình cũng có thể là người thầy của mình. Học sinh cũng có thể là người thầy của mình. Kinh nghiệm của một số thầy cô giáo và phụ huynh cho biết rằng họ học hỏi được từ học sinh và con cái họ rất nhiều. Như vậy thì mọi người đều có thể là thầy cô giáo của mình và mình cũng có thể là thầy cô giáo của tất cả mọi người. Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ làm cho học sinh hạnh phúc, ngoan hiền, lễ phép và đạo đức. Ba mẹ hạnh phúc sẽ làm cho con cái hạnh phúc, hiền thiện. Vợ hạnh phúc sẽ làm cho chồng thay đổi, chồng hạnh phúc sẽ làm cho vợ dịu hiền… Nếu mình thấy gia đình mình chưa hạnh phúc thì mình khoan đổ lỗi trách cứ người kia đã, hãy trở về chăm sóc hạnh phúc cho chính mình. Nếu mình đang có một người con khó dạy, đừng nản chí, hãy trở về chăm sóc hạnh phúc cho mình, khi mình có hạnh phúc mình sẽ biết cách đem hạnh phúc cho người khác. Bởi vì những gì mình nói ra đều là những lời thương yêu, quan tâm, chăm sóc và hạnh phúc. Khi bạn có niềm vui và hạnh phúc thì những gì bạn làm đều là một sự hiến tặng vì năng lượng hạnh phúc đó sẽ ảnh hưởng đến chung quanh bạn và đồng thời cũng trở lại nuôi dưỡng bạn. Người hạnh phúc sẽ sống tốt hơn, lành mạnh hơn, hiền thiện hơn. Bạn có muốn thay đổi người kia không? Nếu quả thực như vậy, bạn phải trở về chăm sóc hạnh phúc cho chính bạn. Bạn phải đặt câu hỏi cho chính mình là: «Mình có đang hạnh phúc không? Mình có đang hành xử bằng tình thương không, hay bằng sự cau có bực bội?»

 

Một đức Bụt không đủ

Thầy từng nói: “Đức Bụt tương lai không phải là đức Bụt cá nhân mà là đức Bụt tăng thân, đức Bụt tập thể”. Với tình hình xã hội hiện nay thì một đức Bụt không thể giúp xã hội cứu vãn được tình thế mà phải cần một đức Bụt tập thể, nghĩa là nhiều đức Bụt. Một thầy cô giáo sẽ không giúp được cho học sinh, nhưng nhiều thầy cô giáo thì sẽ làm được. Một người hạnh phúc sẽ không làm cho xã hội đổi thay, nhưng nhiều người hạnh phúc sẽ làm cho xã hội thay đổi. Hạnh phúc sẽ giúp mình sống hiền thiện lành mạnh và đời sống hiền thiện lành mạnh sẽ giúp mình nhiều hạnh phúc vì mình sẽ không bị lương tâm cắn rứt, dày vò, mình sẽ có những giấc ngủ ngon, sẽ buông bỏ dễ dàng.

Bạn có muốn làm một người hạnh phúc như thế không? Bạn có muốn làm một đức Bụt như thế không? Sống hạnh phúc không khó đâu các bạn. Làm một đức Bụt cũng vậy. Thầy từng dạy, ngay trong khoảnh khắc này nếu bạn buông xuống những trách móc, giận hờn, những tính toán, lo toan, những si mê hiềm hận thì bạn đã là Bụt trong khoảnh khắc này rồi, và nếu bạn có nhiều khoảnh khắc như thế trong ngày thì bạn làm Bụt được nhiều khoảnh khắc, và nếu nhiều ngày bạn làm được như thế thì bạn thành Bụt trong một tháng, nhiều tháng như thế sẽ được một năm, nhiều năm như thế sẽ hình thành nên cuộc đời của bạn.

“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Một đức Bụt thì không đủ nhưng nhiều đức Bụt thì đủ, một khoảnh khắc thì không đủ nhưng nhiều khoảnh khắc thì đủ. Một người hạnh phúc thì không đủ những nhiều người hạnh phúc thì đủ. Bạn có muốn nhập cuộc không? Bạn không cần phải đi đâu xa, bạn không cần phải làm gì khác cả, ngay trong phút giây này, ngay nơi bạn đang ngồi, bạn có thể tiếp tục làm công việc bạn đang làm, nhưng làm cho thảnh thơi, làm cho hạnh phúc, làm trong ý thức biết rõ tình trạng thân tâm của mình…

Chúng ta cùng nắm tay nhau để xây dựng xã hội trong tình thương yêu hạnh phúc này.

Kính chúc các bạn có nhiều niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.

Chân Hội Nghiêm