Đem chánh niệm vào giáo dục Việt Nam

 

Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận

Chúng tôi là một tổ chức gồm các giáo viên và những người thực tập chánh niệm, hoạt động với mục tiêu đưa chánh niệm vào trong lĩnh vực giáo dục. Chúng tôi có khả năng tổ chức những khóa hướng dẫn thực tập và các khóa đào tạo về chánh niệm tại châu Âu, châu Mỹ và châu Á nhằm giúp giới giáo chức và sinh viên  nâng cao năng lực và nuôi dưỡng sự bình an, lành mạnh cho chính bản thân cũng như cho môi trường học đường. Chúng tôi đã và đang xây dựng những chương trình đào tạo chánh niệm nhằm đáp ứng những nhu yếu của xã hội Tây phương trong thế kỷ XXI.

Chúng tôi mong được hợp tác với Việt Nam – các giáo chức, các trường học cũng như các tổ chức về giáo dục –  nhằm tìm cách đưa sự thực tập chánh niệm vào trong chương trình giáo dục của Việt Nam.

Các đối tác của chúng tôi
Trong 30 năm qua, chúng tôi đã tiến hành đào tạo cho các giáo chức tại Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp, Hồng Kông, Thái Lan, Ấn Độ và Bhutan. Cách đây hai năm, Thống đốc tiểu bang California, Hoa Kỳ Jerry Brown đã cho áp dụng chương trình của chúng tôi vào hai trường học (charter schools)  của bang California sau khi có cuộc gặp gỡ và trao đổi với nhóm Wake Up Schools. Ở các nước tiến bộ mà chúng tôi đã nêu, chính phủ cũng như các trường trung học và đại học của các nước này đều đầu tư rất nhiều nguồn lực cho sự phát triển lành mạnh và hạnh phúc của đội ngũ giáo viên cũng như các cán bộ trong ngành giáo dục. Một trong những trường hợp điển hình là Bhutan, nơi mà sự phát triển kinh tế luôn đi đôi với hạnh phúc của người dân, sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái và việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam và các nước khác trong ASEAN cũng sẽ cam kết đi theo chiều hướng tiến bộ này.

Các chương trình đào tạo
Các nghiên cứu khoa học cho thấy rằng sự căng thẳng – stress – là nhân tố gây ức chế sự phát triển và khả năng học hỏi của con người. Đặc biệt là đối với giới trẻ, họ rất cần những công cụ, những phương pháp để xử lý căng thẳng và cảm xúc mạnh, giúp họ nhanh chóng vượt qua những cơn bão cảm xúc. Các nghiên cứu cũng đồng thời cho thấy khả năng sống hạnh phúc có thể giúp các em học sinh, sinh viên phát triển một cách khỏe mạnh và có sự ổn định về mặt cảm xúc cũng như khả năng hòa nhập với mọi người trong trường học cũng như ngoài xã hội. Những người trẻ cần học cách sống chậm lại, cách dừng lại và buông thư để trở nên sáng suốt, minh mẫn và học tập có hiệu quả hơn. Sự dừng lại và buông thư cũng đồng thời giúp các bạn trẻ nhận ra rằng hạnh phúc phụ thuộc vào thái độ sống lành mạnh, chứ không phải là những điều kiện vật chất bên ngoài. Các chương trình đào tạo về chánh niệm của chúng tôi có khả năng trang bị cho các bạn trẻ những kỹ năng quan trọng nói trên, đồng thời giúp phát triển sức khỏe tâm lý, khả năng sáng tạo, tính hiệu quả và khả năng làm việc theo nhóm. Các chuyên gia đã dự đoán rằng việc rèn luyện tinh thần cho học sinh, sinh viên cũng sẽ đóng một vị trí quan trọng không kém gì việc rèn luyện thể chất trong các chương trình giáo dục của thế kỷ tới.

Đầu năm nay, các nhà giáo dục tại Singapore và Hàn Quốc – các quốc gia vốn nổi tiếng với hệ thống giáo dục có chất lượng cao – đã mời chúng tôi đến tổ chức chương trình đào tạo nhằm đưa chánh niệm vào trường học ở các nước này. Trong các khóa đào tạo, chúng tôi nhận ra một điều rõ ràng rằng giáo viên và học sinh của các nước này đều rất cần những phương pháp thực tiễn để xử lý những căng thẳng và lo lắng do áp lực cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu hóa. Những phương pháp thực tập mà chúng tôi giới thiệu cũng đồng thời giúp tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, tích cực và vui tươi trong các trường học.

Các nước tiên tiến trên thế giới đã bắt đầu nhận ra rằng họ cần một nền đạo đức toàn cầu để song hành với sự phát triển kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Họ cũng đồng thời nhận ra rằng trong thế kỷ XXI, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia cũng quan trọng và thiết yếu không kém gì sự độc lập của một quốc gia. Sự phát triển và tiến bộ của một quốc gia không còn là vấn đề của riêng quốc gia đó và những gì xảy ra với một quốc gia đều có ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Sự đầu tư vào một nền kinh tế dựa trên trí tuệ song hành với nền kinh tế dựa trên tri thức sẽ đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một quốc gia. Hầu hết các quốc gia đều mong muốn thế hệ trẻ của đất nước mình không chỉ giỏi giang về mặt tri thức mà còn có được tuệ giác về tương tức, về tính chất gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa mọi người, mọi loài. Với tuệ giác đó, họ sẽ có thể đưa ra những quyết định và lựa chọn sáng suốt, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quốc gia cũng như cho môi trường sống. Các bộ trưởng giáo dục ở Thái Lan và Hồng Kông, cũng như các nhà hoạnh định chính sách giáo dục tại Mỹ và Vương quốc Anh đã tham gia vào các chương trình đào tạo của chúng tôi. Họ đã công nhận rằng các chương trình đào tạo về chánh niệm có khả năng đáp ứng một cách cụ thể những nhu cầu của nền giáo dục ở đất nước họ.

Việt Nam
Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao những bước tiến mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc cải cách hệ thống giáo dục, đảm bảo cho các giáo viên và học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ những điều kiện cần thiết nhằm đáp ứng được những đòi hỏi và thách thức của nền kinh tế hiện đại. Chúng tôi ý thức rằng Ngài Bộ trưởng đang cố gắng hết sức trong khả năng và quyền hạn của mình để giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam có được những kỹ năng và trình độ chuyên môn cần thiết để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.

Có thể Việt Nam đang nhìn về phương Tây để tìm kiếm một mô hình giáo dục cho đất nước mình. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng Việt Nam vốn là một đất nước giàu truyền thống văn hóa, trong đó giáo dục là một khía cạnh thiết yếu và quan trọng của nền văn hóa dân tộc. Lịch sử Việt Nam đã có biết bao vị thầy lỗi lạc đáng để chúng ta kính ngưỡng và học hỏi. Tình nghĩa thầy trò cũng là một di sản văn hóa quý giá và độc đáo của Việt Nam. Thật vậy, nghề giáo luôn được đánh giá cao và rất được quý trọng trong xã hội Việt Nam. Vào dịp lễ Tết, các bậc phụ huynh và học sinh đều đến thăm thầy cô giáo để bày tỏ tấm lòng quý kính và biết ơn của mình. Không những vậy, Việt Nam còn có ngày lễ truyền thống để tôn vinh các nhà giáo, đó là ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng thời nhận thấy rằng truyền thống giáo dục của Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trước tình trạng các trường học hiện chú trọng quá nhiều vào thi cử và bằng cấp, giáo viên và học sinh ngày càng bị áp lực căng thẳng và không có sự thực tập để giúp họ lắng dịu thân tâm và chăm sóc các cảm xúc mạnh. Chính vì vậy mà chúng tôi mong muốn cung cấp một chương trình đào tạo có khả năng đưa sự thực tập chánh niệm vào trong mô hình giáo dục hiện đại, đồng thời giúp duy trì và nuôi dưỡng tình nghĩa thầy trò trong trường học.

Những điều mà chúng tôi mong muốn hiến tặng
Chương trình đào tạo của chúng tôi có hai mô hình khác nhau: một là hình thức hội thảo đào tạo (training conference) dành cho các giáo viên và các nhà quản lý giáo dục đến từ nhiều cơ sở giáo dục khác nhau; mô hình thứ hai là một khóa đào tạo dành riêng cho một trường học hoặc một cơ sở giáo dục, trong đó đối tượng tham gia là toàn bộ giáo viên, học sinh và cả các bậc phụ huynh của trường học đó. Chẳng hạn như tại Vương quốc Anh, chúng tôi đã tổ chức một hội thảo đào tạo trong bốn ngày tại American School ở Luân Đôn dành cho 350 giáo chức đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong thời gian hội thảo, các giáo chức được học về các phương pháp thực tập chánh niệm để có thể chăm sóc cho bản thân và giúp ích cho nhiều người. Không những vậy, họ còn có cơ hội chia sẻ quan điểm, ý kiến của mình về những cách thức cải thiện môi trường học đường cũng như chia sẻ những mục tiêu giáo dục mà họ đang theo đuổi. Trong khi đó, tại một trường học ở Ấn Độ, chúng tôi có cơ hội tổ chức một khóa đào tạo về chánh niệm trong 7 ngày dành cho các giáo viên, học sinh và cả các bậc phụ huynh. Kết quả là mọi người trong trường từ giáo viên cho đến học sinh và cả các bậc phụ huynh đều có cơ hội cùng nhau thực tập và tạo nên một bầu không khí vui tươi và an lành cho cả trường học.

Chúng tôi luôn coi Việt Nam là gốc rễ tâm linh quan trọng và là quê hương yêu dấu của vị Thầy tâm linh của chúng tôi. Chính vì vậy mà chúng tôi mong muốn được cộng tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam để tìm ra những cách thức đưa sự thực tập chánh niệm vào trong các trường học ở Việt Nam. Cũng giống như tại Vương quốc Anh và Ấn Độ, nhóm Wake Up Schools của chúng tôi có thể tổ chức một hội thảo đào tạo trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 ngày dành cho các giáo viên tại Hà Nội, Đà Nẵng hoặc Thành phố Hồ Chí Minh; hoặc có thể tổ chức một chương trình đào tạo kéo dài một tuần dành cho một trường học nào đó tại các thành phố kể trên.

Cuối cùng, chúng tôi xin hân hạnh kính mời Ngài Bộ trưởng tham dự một hội thảo đào tạo được tổ chức trong 6 ngày tại thành phố Toronto, Canada từ ngày 11 đến ngày 16 tháng 8 năm 2013, với tư cách là khách mời danh dự của chúng tôi. Hội thảo sẽ diễn ra với chủ đề “Những nhà giáo hạnh phúc có thể làm thay đổi thế giới”. Chúng tôi đã dành ba chỗ tại Hội thảo cho Ngài Bộ trưởng và hai cộng sự của Ngài. Thông qua cuộc hội thảo, Ngài Bộ trưởng sẽ có cơ hội tiếp xúc với các nhà giáo cũng như những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở khắp nơi trên thế giới, và có cơ hội trực tiếp khám phá những lợi ích mà chương trình đào tạo về chánh niệm có khả năng mang lại cho nền giáo dục. Nếu Ngài Bộ trưởng có thể đến tham dự hội nghị thì xin cho chúng tôi biết theo địa chỉ liện hệ sau:Elli Weisbaum – email: elli@wakeupschools.org .

Thông tin chi tiết về cuộc hội thảo có thể được tìm thấy tại trang web:

http://tnhtoronto.ca/#The+Retreat.

Chúng tôi rất mong nhận được lời phúc đáp của Ngài Bộ trưởng. Và nếu Ngài Bộ trưởng có bất kỳ câu hỏi nào về chương trình của chúng tôi, xin liên hệ với nhóm Wake Up Schools của chúng tôi theo địa chỉ email:  info@wakeupschools.org.

Kính thư,

Thầy Pháp Dung
Wake Up Schools

(Bản tiếng Anh Letter to Viet Nam Ministry of Education and Training)

Xem thêm:

 

 


 

Thầy Pháp Dung


Một số hình ảnh về các chương trình đào tạo cho các giáo chức trên thế giới


Bhutan 2012

Công chúa Bhutan và một số quan chức trong Hoàng gia tham dự buổi lễ khai mạc đầu tiên của 4 ngày hội thảo với chủ đề “Chánh Niệm là Nguồn Hạnh Phúc”

 

Sinh viên người Bhutan cùng với các Sư cô bản xứ và các thầy sư cô Làng Mai sau một ngày tu tập

Các em lớp 3, 4 và 5 của trường Vassant Valley đang thực tập thở trong chánh niệm

 

Hàn Quốc – Korea 2013

 

Thái Lan 2013

 

 

Israel 2013