Sẻ chia cùng đồng bào vùng lũ

Ghi chép của đoàn cứu trợ – chương trình “Giọt nước cánh chim” tại miền trung

Kính thưa quý vị thân hữu,

Vết thương do thảm họa môi trường chưa hết nhức nhối, người dân nghèo bốn tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh lại gánh chịu một cơn lũ lớn chưa từng thấy trong nhiều năm. Bao nhiêu làng xã ngập chìm trong nước lũ dài ngày, vườn tược nhà cửa và tài sản cũng cuốn trôi theo lũ. Trước tình cảnh đó, những người con nước Việt ở khắp nơi trên thế giới đều hướng về khúc ruột miền Trung, trong đó có những đệ tử xuất gia và đệ tử tại gia của Sư Ông.

Trong lòng mỗi chúng con đều cảm thấy bùi ngùi và tình thương đang được lớn lên khi chúng con ngồi quây quần bên nhau chuẩn bị những phần quà nhỏ cùng với lá thư của chương trình “Giọt nước cánh chim” – những giọt nước mang thông điệp của Hiểu và Thương gửi đến đồng bào miền Trung. Dưới đây là những ghi chép vắn vắt của chúng con về các đợt cứu trợ (từ tháng 8 – sau thảm họa Formosa đến đợt lũ lụt tháng 10 vừa qua):

Đợt 1 (từ ngày 24.8.2016 đến ngày 24.9.2016): tặng quà cứu trợ cho các ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp của vụ Formosa

 

Tại Quảng Bình

Sáng ngày 24.8.2016, đoàn đã đến phát quà cho ngư dân biển Mỹ Cảnh, xã Quảng Ninh, gồm 200 phần và 20 phần quà phát sinh, cộng thêm áo quần, dầu gió Trường Sơn. Đây là điểm đến đầu tiên của đoàn cứu trợ tại Quảng Bình. Bà con rất vui vì được nhận quà từ tay quý thầy quý sư cô trao. Nhiều người chia sẻ rằng ở nơi đây vào năm ngoái khách du lịch về rất đông, nhưng năm nay thì vắng lắm, không ai dám tắm và ăn hải sản cả nên cuộc sống nơi đây đảo lộn cả.

Điểm đến thứ hai là các hộ ngư dân bị thiệt hại tại Nhân Trạch, huyện Bố Trạch ở đây gồm 250 phần và 30 phần phát sinh.

Tại Hà Tĩnh

Đoàn đã trao 500 phần quà cho người dân xã Cẩm Nhượng và 200 phần quà tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên. Xã Cẩm Nhượng nằm sát biển, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt. Xã có 11 thôn, 2700 hộ, 9664 khẩu trong đó có 4145 khẩu bị ảnh hưởng khó khăn kinh tế do biển bị nhiễm độc không đi đánh bắt được. Người dân rất vui mừng và xúc động khi Ni Sư Như Minh giới thiệu nguồn gốc của quà cứu trợ và đọc lá thư Giọt nước cánh chim. Có một vị của Hội chữ thập đỏ đã lên phát biểu rằng tuy món quà nhỏ chỉ ba trăm ngàn đồng trong phong bì nhưng lá thư Giọt nước cánh chim đã động viên tinh thần bà con rất nhiều. Chúng con nhìn xuống hội trường thấy những ánh mắt đỏ hoe rơi lệ.

Sau khi bà con ra về xong, một chị cán bộ chia sẻ là trước đây chị đã ăn chay một tháng hai ngày, nay nghe đọc lá thư chị phát nguyện ăn chay nhiều ngày hơn nữa… Tiếp cận các cán bộ địa phương để tìm hiểu quan điểm khi nghe đọc lá thư – trong thư có đề cặp và khuyên bà con chuyển đổi nghề nghiệp và ăn chay, các anh rất tâm đắc nói rằng hiện tại trong xã có khoảng 200 hộ ăn chay. Nếu làm đậu khuôn thì cũng có thể sinh sống được nhưng vấn đề này cần phải nghiên cứu kĩ thêm, vì chuyển đỏi nghề ở vùng biển này là một trăn trở của địa phương …

Nhìn chung qua tìm hiểu, bà con nói vẫn đi đánh bắt cá, vì cứ nghĩ thà có còn hơn không, thà chết mà no bụng. Hiện đang có nhiều gia đình bị ung thư. Có nhà bốn người đều bị ung thư hết.

 

Đợt 2 – cứu trợ lũ lụt tại Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh:

Tại Quảng Bình

Vào ngày 23/10/ 2016, đoàn cứu trợ đã về Quảng Bình để tặng quà. Điểm đầu tiên là xã Nghĩa Ninh, Đồng Hới. Xã này có 8 thôn. Chúng con nói mình chỉ có 100 phần quà, nên chủ tịch xã nói mình sẽ ưu tiên cho những người khó khăn nhất, mặc dầu ai cũng bị thiệt hại. Sau đó, thôn trưởng của các thôn đã mời những gia đình khó khăn nhất tới tập trung tại một ngôi nhà rất nhỏ. Tại xã này may mắn là không có người chết, nhưng thiệt hại rất nhiều về tài sản và gia súc như trâu bò, gà vịt… hoa màu thì hư hại hết. Chúng con đã lắng nghe những chia sẻ của bà con và tập vài bài hát trước khi tặng quà cho bà con.

Sau đó, chúng con tiếp tục lên xe đi về An Thủy, thôn Tân Lệ, huyện Lệ thủy. Nơi này bà con bị thiệt hại rất nhiều. Xã này có 145 hộ, và bà con nơi đây rất nghèo, nghèo hơn xã trước rất nhiều. Nhà cửa thì ẩm thấp. Mặc dù nước đã rút, nhưng chung quanh nhà nước vẫn còn lênh láng. Chúng con thấy rác hay túi nilong vẫn còn vương trên đọt cây. Và vì bà con ở đây quá nghèo, nên chúng con đã tặng phần quà cho tất cả các hộ, gồm 400 ngàn mỗi phần. Đường vào xã này rất quanh co, phải qua nhiều sông và cầu, và chưa có đoàn từ thiện nào vào đây cả. Ở đây, chúng con không tặng mì gói mà tặng áo quần cho bà con.

Tới đây thì đã hơn 12h trưa, chúng con tiếp tục lái xe về cuối huyện Lệ Thủy, thuộc xã Sơn Thủy, xã này có 177 hộ. Về tới đây, chúng con còn thấy đau lòng hơn nữa. Tất cả mọi thứ đều thiệt hại. Nhà cửa sập hết, gà vịt thì trôi, mà nước thì vẫn còn mênh mông. Bà con phải dùng bàn thờ là nơi linh thiêng nhất và cao ráo để chất đồ đạt lên. Chúng con may mắn được tiếp xúc trực tiếp với người dân mà không qua các cấp nào. Tại xã này, chúng con được gặp tất cả bà con, từ già trẻ lớn bé… Chúng con đã chia sẻ với bà con một chút về bảo vệ sinh môi để giảm thiểu những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu bất thường mà biểu hiện là sự gia tăng của thiên tai (bão, lũ, hạn hán…).

Tại Hà Tĩnh

Chuyến đi cứu trợ của chúng con xuất phát vào lúc 1h30 ngày 27 tháng 10. Đoàn chúng con có hơn 20 người trong đó có: Ni Sư Như Minh – Trú trì chùa Pháp Hỷ – Niệm Phật đường Tây Linh (mà chúng con gọi một cách thương kính là Ni Sư Tây Linh), Sư cô Hỷ nghiêm, Sư cô Hạc Nghiêm, thầy Pháp Thăng, sư cô Lệ Liễu, sư cô Thuần Định, sư cô Thường Chiếu, sư cô Mãn Khai, sư cô Thiên Ân, cùng với các bác tiếp hiện và các bạn trẻ đến từ An Bằng. Chúng con mang theo 1000 phần quà do tình thương và sự sẻ chia của các Phật Tử ở hải ngoại và trong nước chung tay đóng góp. Mỗi phần quà trong đó là một bao thư với 300 ngàn Việt Nam và lá thư “giọt nước cánh chim”, một thùng mì gói chay, một tấm bạt. Ngoài ra món quà mà chúng con còn mang theo là sự bình an và nụ cười vô giá. Sự có mặt của Ni Sư Tây Linh cùng sư cô Hỷ Nghiêm và quý thầy đã yểm trợ năng lượng cho đoàn rất nhiều. Chúng con như những giọt nước nhỏ hòa mình vào đoàn từ thiện để cùng nhau chảy ra biển cả của tình thương. Sau hơn 6 tiếng đồng hồ, đoàn đã đặt chân đến Hà Tĩnh. Xe dừng ở một khách sạn nhỏ để đoàn ăn tối và nghỉ ngơi chuẩn bị cho chuyến đi thực tế vào các xã để tặng quà cứu trợ ngày mai. Đường tuy xa nhưng trong lòng mọi người đều cảm thấy bình an và tràn đầy năng lượng.

Sáng hôm sau chúng con bắt đầu ăn sáng lúc 5h. Tô mì gói và cơm nóng trong những hoàn cảnh này sao mà ấp áp và hạnh phúc đến vậy. Mọi người cùng ngồi ăn bên nhau thật giản dị, sau đó được nghe Ni Sư Tây Linh cùng sư cô Hỷ Nghiêm chia sẻ về tinh thần, ý nghĩa của chuyến đi. Ni Sư Tây Linh và Sư cô đều nhắn nhủ với chúng con về món quà quý giá nhất mà mình tặng cho đồng bào của mình không chỉ là vật chất mà còn sự bình an, vững chãi trong tự thân của mình. Mình có hiểu và thương được mình thì mình mới có thể hiểu và thương đồng bào của mình được. Sư cô giúp chúng con luôn nhớ rằng mình đi với nhau như một tăng thân mà không phải là một cá nhân riêng lẻ, tiếp xúc và nuôi lớn tình thương của mình dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trên hành trình chúng con được sự dẫn đường và giúp đỡ của thầy Hạnh Bổn.

Xe băng mình chạy qua con đường làng, hai bên là những cánh đồng lúa chỉ còn trơ gốc rạ. Các bác nông dân đang cày ruộng, đi trước là con trâu già oằn lưng chầm chậm lê những bước dài mỏi mệt. Sau thời gian nước rút, người dân phải tranh thủ dọn dẹp và cày xới lại đất đai. Chủ yếu người dân ở huyện này là nông dân và họ vẫn còn dùng trâu bò để cày cấy theo phương pháp thủ công. Cuối cùng thì chúng con đã tới điểm phát quà đầu tiên là xã Hòa Hải. Bà con đã tập trung ở nhà văn hóa xã từ sớm và khi đoàn xe vừa tới, các bác các cô người bưng ghế người bưng bàn tiếp đón chúng con với nụ cười hiền hậu đầy chất phác của người miền quê. Sau khi nghe thông báo của bác cán bộ xã, mọi người từ già tới trẻ nhanh chóng xếp thành những hàng dọc và ai nấy đều đã cầm sẵn sàng trên tay những tấm phiếu để nhận quà. Hầu như là các cụ già, những người trung tuổi, phụ nữ và trẻ em. Thanh niên và những người có sức khỏe đều đã đi vào Sài Gòn hay đi xa làm ăn.

Qua sự kể lại của một vài người dân, chúng con được biết rằng khi nước lũ đến thì bà con nhanh chóng lùa trâu bò lên rừng để tránh lũ, đồ đạc và lúa thóc thì gác tạm lên chạn, còn sau đó họ chỉ biết trèo nên nóc nhà để chờ đợi cơn lũ đi qua. Con vật nuôi trong nhà như chó mèo hay gà vịt thì bị chết chìm trong nước lũ, còn vườn rau sau mấy ngày ngập trong nước đều hư hỏng cả. Lúc chúng con mới tới, thấy khuôn mặt của ai nấy đều ánh lên nỗi niềm của sự mất mát. Nhưng khi nghe Ni sư Tây Linh đọc thơ mọi người đều ồ lên vỗ tay vui mừng, sau đó sư cô Hỷ nghiêm chia sẻ và dạy cho đại chúng bài hát “ cơn giận thành hồ sen”. Bài pháp thoại ngắn chia sẻ về sự thực tập thở và cười của sư cô đã mang lại lợi lạc ngay giây phút hiện tại cho bà con. Số lượng phần quà mà chúng con trao tận tay cho các hộ gia đình là 250 phần quà.

Tạm biệt xã Hòa Hải, đoàn lại tiếp tục lên đường để đến với xã Phương Mỹ. Đây là một xã nhỏ và ít người nên phần quà mà chúng con gửi đến là 200 phần. Tuy có chờ đợi chút xíu nhưng khi thấy người dân xếp hàng và chăm chú ngồi lắng nghe từng lời của quý thầy quý sư cô, chúng con cảm thấy như mình lại tràn đầy nhiệt huyết. Những lời chia sẻ từ trái tim của sư cô Hỷ Nghiêm về tình thương, về nụ cười, về hơi thở và những điều kiện hạnh phúc đang có sẵn nơi tự thân mỗi người. Sau khi nghe xong, không ai bảo ai, tất cả mọi người đều từ từ đứng dậy và thứ tự xếp hàng để nhận quà . Người trao quà cũng như người nhận quà tất cả đều tiếp nhận được tình thương và lòng biết ơn, sự có mặt bên nhau trọn vẹn trong từng ánh mắt từng nụ cười từng lời động viên. Chúng con là những người trao nhưng cũng lại chính là những người nhận được tình thương và niềm hạnh phúc lớn lao của bà con.

11 giờ trưa, đoàn chúng con rời đó để tiếp tục cuộc hành trình đến xã Hương Đô. Nhìn thấy dấu vết của nước dâng lên gần tới nóc nhà Văn hóa xã ở địa điểm phát quà trước đó đã khiến chũng con cảm thấy xót xa, nhưng lần này tới đây trực tiếp chứng  kiến dấu vết của mực nước dâng cao gần 4m chúng con không sao khỏi bùi ngùi. Đây là xã có vị trí địa lý thấp nhất và chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ. Những người nông dân ở đây đã mất trắng tay khi nước lũ dâng lên vài ngày và cuốn trôi đồ đạc, làm mọc mầm tất cả số lúa giống là vốn liếng để dành sinh sống cho mùa sau. Trong cơn lũ những người già, trẻ em và tất cả mọi người đều ngồi trên mái nhà nhịn đói gần hai ngày, chờ cho nước lũ rút bớt và lương thực đến tiếp tế. Họ sống bấp bênh cả ngày lẫn đêm theo con nước như vậy. Cách đây vài năm thì bà con ở đây cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ. Khi được hỏi vì sao  không chuyển đi nơi khác cao hơn để sinh sống thì nghe chia sẻ rằng vì họ quá nghèo không đủ điều kiện để chuyển đi vùng khác nên đành cam chịu sống chung với lũ.

Với phần quà nhỏ bé mà chúng con trao gửi đến, mong phần nào an ủi và sẻ chia nỗi mất mát lớn lao đó. Khi xe của chúng con tới thì trời đã qua trưa , và  bà con đã tập hợp xếp hàng ngay ngắn chờ cả đoàn. Cái nắng gay gắt không thể nào thiêu đốt được tấm lòng nhiệt huyết và tình thương của quý thầy quý sư cô. Thầy Pháp Hương ân cần hỏi thăm bà con khiến ai cũng cảm thấy gần gũi. Hình ảnh của sư cô Hỷ Nghiêm trong chiếc nón lá một tay cầm cái loa, chầm chậm tập từng câu của bài hát “Trong ta có những nụ hoa" cho bà con làm chị em con cảm giác đây như một gia đình thật sự. Mỗi câu sư cô đọc lên là mỗi câu mà các cụ, các mẹ, các bác đọc theo với nụ cười và niềm hạnh phúc trên môi. Đúng như sư cô dạy: Hoa tình thương là tặng cho tất cả mọi người. Nghe đến đó tất cả mọi người đều như xóa nhòa mọi ranh giới, mọi khoảng cách tuổi tác và sự phân biệt. Bởi tất cả đều đã hòa là một. Những câu hát và lời chia sẻ như đi từ trái tim đến với trái tim. Chỉ một bài pháp nhỏ nhưng quý thầy quý sư cô đã rót dòng sữa ngọt của hiểu và thương tới tất cả đồng bào ở đây. Mì gói hay quà tặng vật chất mà bà con nhận chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng những khoảnh khắc và giây phút tâm linh này thì sẽ trở nên huyền thoại.Đó cũng chính là tiếng chuông chánh niệm cho chính chúng con về hạnh phúc thật sự khi có mặt bên nhau và cùng nhau chảy về biển cả tình thương như một dòng sông.

Niềm hạnh phúc như có khả năng lan tỏa và lấp đầy những khoảng trống trong dạ dày, khiến cho chúng con không ai cảm thấy mệt hay đói bụng. Nhưng đã đến lúc cần nghỉ ngơi và dùng cơm. Cả đoàn xe này nối đuôi xe kia chạy về chùa Phúc Linh. Tiếp đón chúng con là nụ cười nồng hậu và nhiệt tình của các bác phật tử lớn tuổi ở chùa. Bữa cơm đã được dọn lên bàn rất chu tất. Ngồi bên nhau trong tình huynh đệ ấm áp cùng sự sẻ chia những niềm vui và mệt nhọc, chúng con cảm thấy bữa cơm hôm ấy như một bữa cơm do chính tay mẹ nấu để chúng con trở về mỗi khi đi xa đói lòng. Không những chỉ có thức ăn mà chính năng lượng của tình huynh đệ và sự có mặt trọn vẹn cho nhau đã nuôi dưỡng chúng con rất nhiều.

Sau đó cả đoàn lên xe và thẳng tiến tới điểm phát quà cuối cùng là xã Hương Thủy. Đây là một xã vùng sâu trong huyện và số lượng quà mà chúng con trao là 250 phần. Đường đi khá xa và quanh co nhưng cho đến khi xe dừng trước nhà văn hóa xã, đã thấy người dân tập trung rất đầy đủ. Mọi người vừa bước xuống xe thì anh cán bộ xã cũng vừa dứt lời thông báo, tất cả chúng con đều hết sức ngạc nhiên trước cảnh tượng bà con xếp thành hai hàng dài, người này đứng so le người kia và chuyền tay nhau chuyển hàng từ xe tải vào trong sân. Bất ngờ hơn hết là không khí làm việc của bà con tràn đầy tiếng cười và sự vui tươi. Hầu hết các cô các bác vẫn mặc trên mình chiếc áo bảo hộ lao động hay chiếc áo lấm bùn của những người nông dân mới từ ruộng nghỉ tay chút xíu. Cụ ông, cụ bà tay chống gậy hay đi đứng không còn vững vàng nữa với nụ cười móm mém và ánh mắt rạng ngời hạnh phúc thong thả xếp hàng theo hướng dẫn của cán bộ xã. Chúng con ngay lập tức cảm thấy lòng mình cũng tràn ngập bình an và niềm biết ơn từ sự tiếp đón dễ thương và năng lượng tình làng nghĩa xóm mà người dân ở đây hiến tặng.

Khi tất cả mọi người đã an tọa, Sư cô Hỷ Nghiêm và thầy Pháp Hương đã cùng tập cho bà con bài hát “ Trong ta có những nụ hoa”. Mới chỉ nghe một lần nhưng ở phía dưới những tràng pháo tay đã vang lên rất nồng nhiệt. Niềm vui và hạnh phúc trào dâng ra cả không gian bên dưới khu vực nhà văn hóa, khiến hai bác nông dân đang cắt cỏ ở ruộng lúa bên cạnh đó cũng phải dừng tay nhìn lên lắng tai nghe chăm chú và cười rất hạnh phúc. Khi sư cô chia sẻ rằng cơn lũ có thể cuốn trôi tài sản của ta nhưng không thể nào cuốn trôi bình an và nụ cười như hoa của mình được thì tất cả đều ồ lên và gật đầu rất tâm đắc. Những cụ già ngồi hàng đầu cười tươi hơn ai hết, có vẻ như các cụ đã sống trọn vẹn và hết mình với những điều kiện hạnh phúc của hiện tại.

Sư cô Hỷ Nghiêm tập hát cho bà con

Qua lời chia sẻ cảm ơn rất chất phác, mộc mạc, và thật thà của cô chủ tịch xã với quý thầy quý sư cô và bà con chúng con mới thấu hiểu hết được sự gần gũi gắn bó, nhường nhịn sẻ chia của bà con trong xã. Cô chia sẻ rằng mình luôn “nhịn nhường” nhau một chút, chịu thiệt thòi một chút thì tất cả đều hạnh phúc cả. Bài pháp thoại ngắn và lời chia sẻ của sư cô Hỷ Nghiêm cùng với năng lượng của tình làng nghĩa xóm nơi đây đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người. Các bác, các cô còn chia sẻ lại với chúng con rằng tuy có nhiều đoàn nhưng đây là lần đầu tiên họ cảm nhận nhiều niềm vui và hạnh phúc lớn như vậy. Ra về, ai nấy đều bịn rịn và cảm thấy như mình đã “lỡ” thương cả mảnh đất và con người nơi đây rồi. Hơn một ngày ở đây, chúng con đã gieo trồng nụ cười và ươm mầm hạt giống của hiểu biết thương yêu nơi này, và cũng chính những bà con ở đây đã ươm nụ từ bi, tướt mát cho cây Bồ Đề Tâm trong chúng con được thêm lớn mạnh.

Rời Hà Tĩnh – mảnh đất của tình người, chúng con thêm ý thức về Đất mẹ, Trời Cha, về sự tương tức giữa chúng con với mọi người, với mọi loài và với môi trường sống của chúng con. Chúng con biết rằng giữ gìn bảo hộ hành tinh xanh là đang giữ gìn bảo hộ cho chính chúng con, cho con cháu của chúng con. Chúng con biết rằng khổ đau của người cũng là khổ đau của mình và bình an của mình cũng là bình an hạnh phúc của người. Món quà quý giá nhất mà chúng con có thể ban tặng chính là bình an trong tự thân của mỗi chúng con. Lòng thầm biết ơn chư Bụt, chư Bồ Tát, Sư Ông, Sư cô Chân Không, tăng thân khắp chốn, chương trình Hiểu và Thương đã mang hơi thở và nụ cười từ bi đi khắp mọi miền của quê hương đất nước.

Và thêm một lần nữa chúng con và những người dân đang gánh chịu hậu quả của lũ lụt xin chân thành gửi lòng tri ân của mình tới quý vị Phật tử phương xa :

Quý thay Phật tử phương xa
Tấm lòng nhân ái thiết tha hướng về.
Tình thương tỏa ngát hương quê
Cứu trợ bão lụt vẹn bề nghĩa nhân
Phát tâm giúp kẻ cơ bần
Hướng về quê mẹ góp phần chung tay.
Cao quý thay việc làm này
Cầu mong tất cả hàng ngày an vui.
Nhân lành nay đã vãi gieo
Quả lành sẽ được đi theo hạnh lành.

(Thơ của Ni Sư Như Minh – Trú trì chùa Pháp Hỷ, Huế)

 

Để tiếp tục chung tay giúp sức cho đồng bào miền Trung vượt qua cơn bão lũ, xin các bạn hãy nối kết với chương trình GIỌT NƯỚC CÁNH CHIM. Đóng góp cho chương trình cứu trợ đồng bào miền Trung, xin gửi về cho Chương trình qua ngân hàng, địa chỉ như sau (xin ghi rõ: tiền ủng hộ đồng bào miền Trung):

Tại Việt Nam, xin gửi vào tài khoản có tên sau: Tên người nhận ; Đỗ Thị Hồng Vân
Tài khoản : 0421000419439
Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Phú Thọ tp HoChi Minh;
E-mail: cxcaonguyen2013@gmail.com
 
Ở Mỹ, xin gửi về địa chỉ: Thich Nhat Hanh Foundation (chương trình Giot Nước Cánh Chim – Love and Understanding), Deer Park Monastery, 2944 Melru Lane, Escondido CA 92026 USA
 
Ở châu Âu, xin gửi về địa chỉ:
CBZ Village des Pruniers,
Banque CREDIT AGRICOLE – IBAN FR76 1330 6003 4242 9011 9901 196
BIC AGRIFRPP833
 
Ở Đức qua: Maitreya Fonds e.V.
Spenden-Konto: Munchner Bank e. G.
Konto-Nr. : 2 520 010
BLZ : 701 900 00
I BAN : DE 92701900000002520010
BIC: GENODEF 1M01
E mail: hilfe@maitreya-fonds.de
 
Ở Hà Lan xin gửi : Stichting Leven in Aandacht p/a Dorpsstraat 25, 7221 BN Steenderen. HOLLAND
E-mail: administratie@aandacht.net

Xin thành kính tri ân. 

Tăng thân Làng Mai.