Niềm vui tu tập trong khóa tu mùa hè

 

securedownload2Một tháng khóa tu mùa hè đã nhanh chóng trôi qua. Khóa tu mùa hè luôn thu hút một lượng thiền sinh rất lớn từ nhiều nước tới tham dự. Khóa tu giống như những ngày hội của tình anh chị em khắp năm châu. Đến với khóa tu có đủ mọi màu da, mọi lứa tuổi. Người già có, người trẻ có, thanh thiếu niên có, nhi đồng có và cả những em bé còn ẵm ngửa cũng được cha mẹ bồng tới pháp tòa.

Vào mỗi ngày thứ năm hàng tuần, ngày đón những thiền sinh mới, quý thầy, quý sư cô thường niệm danh hiệu đức bồ tát đại bi Quan Thế Âm. Năm nay, trước khi quý thầy, quý sư cô lên niệm danh hiệu của Ngài thì Sư Ông bước tới ngồi ở giữa quý thầy, quý sư cô và chia sẻ về công hạnh của đức Bồ Tát để những người lần đầu tiên tiếp xúc với đạo Bụt có chút ít khái niệm về một vị bồ tát đại từ đại bi trong đạo Bụt

 

Mỗi người là một bông hoa

Thay vì đặt lọ hoa trên pháp tòa, trong buổi giảng, Sư Ông mời một em bé lên ngồi thay thế vào vị trí của bình hoa. Người rất vui vì điều này. Người thường mỉm cười ngắm nhìn em bé rồi ngắm nhìn đại chúng và giới thiệu: “Đây là một bông hoa”. Rồi Người nhìn về phía thính chúng nói: “Mỗi người trong đây cũng là một bông hoa”. Những em thiếu nhi, thường ngày vốn hiếu động là vậy, thế nhưng thật lạ, khi ngồi trên pháp toàn bên cạnh Sư Ông các em ngồi rất yên, rất vững, rất trang nghiêm. Chúng ta thường nghĩ rằng trẻ em khó thực tập thiền, trẻ em khó có thể ngồi yên hàng giờ đồng hồ mà không táy máy, nghịch ngợm. Nhưng sự thật là các bé có thể thực tập được, có thể ngồi yên không thua gì người lớn. Phần đầu của bài pháp thoại Sư Ông luôn giành khoảng mười lăm phút để giảng cho trẻ em. Người kể câu chuyện về hạt bắp và cây bắp; chuyện chiếc búa và đôi bàn tay; chuyện năm câu thần chú; về tình thương lớn lao của cha mẹ dành cho con cái v.v… Những em bé ngồi lắng nghe rất chăm chú, tỏ ra hiểu được những điều mà Sư Ông dạy.

Các em thiếu nhi tới khóa tu cùng với cha mẹ luôn được các thầy, các sư cô chăm sóc, hướng dẫn tu tập, hướng dẫn những trò chơi trong lúc cha mẹ các em tham gia vào các thời khóa tu tập. Các em cũng có thời khóa tu tập riêng của mình. Các em cũng được dạy về làm mới, dạy thực tập theo dõi hơi thở, cách điều phục cơn giận, thiền hành, thiền buông thư, những pháp môn căn bản này đã được đơn giản hóa và để cho các em có thể tiếp nhận và thực tập. Ngoài ra các em còn được được chơi những trò chơi sáng tạo, như nặn tượng, vẽ tranh, tham gia các trò chơi thể thao và đá bóng với…  các sư cô. Dễ thương nhất là các em được các sư cô hướng dẫn đi hái mận, hái dâu và đem đi cúng dường mọi người. Nhìn các em nhỏ tay bưng rổ mận chia cho mọi người, ai cũng thấy vui và hết lòng đón nhận. Các em cảm thấy rất vui khi trở thành người đi ban tặng. Cái cảm giác hạnh phúc, hân hoan khi được chia sẻ ấy sẽ còn mãi trong trái tim thơ ngây của các em và nó sẽ trở thành một kinh nghiệm quý giá, để rồi sau này khi lớn lên có những va vấp trong cuộc sống thì kinh nghiệm về lòng từ bi, về hạnh sẻ chia sẽ trở về lại với các em hướng các em đi về nẻo thiện.

 

bé là một bông hoa

Quay về nương tựa

nhận giới trong tuần đầu của xóm ThượngTrong bốn tuần của khóa tu có khoảng sáu trăm người quỳ xuống xin tiếp nhận và nguyện hành trì Năm Giới Quý Báu. Trong đó có khoảng một trăm hai mươi bé thiếu nhi xin thọ nhận hai lời hứa. Lễ truyền giới được tổ chức tại mỗi xóm vào tối thứ ba hàng tuần. Trước khi thọ nhận giới, những vị thiền sinh có cơ hội được nghe chính những người bạn cư sĩ của mình, những người đã thọ nhận Năm Giới lên chia sẻ về những kinh nghiệm thực tế, những lợi lạc từ khi họ hành trì Năm Giới quý báu. Sau đó các bạn thiền sinh được pháp đàm về đề tài này. Có rất nhiều người lần đầu tiên tới tham dự khóa tu, lần đầu tiên được tiếp xúc với đạo Bụt khi được nghe về Năm Giới đã cúi đầu xin thọ nhận và nguyện hành trì giới pháp. Hầu hết những người bạn thiền sinh tới với khóa tu đều là những người theo các truyền thống Công giáo, Tin Lành, Đạo Hồi,… Điều này cho thấy Năm Giới Tân Tu đã thích ứng được với xã hội hiện đại. Giới bản Năm Giới mới không chỉ bó hẹp trong phạm vi đạo Bụt mà nó đã thể hiện được tính toàn cầu của mình.

Có những vị thiền sinh khi nghe trình bày về Năm Giới họ đã suy nghĩ, đắn đo rất nhiều và xin chỉ thọ nhận những giới mà họ có khẳ năng hành trì. Ví dụ như họ khó có thể bỏ được rượu hoàn toàn, vì vậy họ xin chỉ nhận bốn giới và từ chối giới thứ năm. Qua đây, chúng ta thấy rằng tinh thần tu tập và ý thức trách nhiệm của những người bạn này rất cao. Họ cảm thấy mình chưa thực tập được thì không nhận chứ không nhận đại rồi bỏ bê, hoặc làm cho có lệ.

Các bé thiếu nhi cũng được nhận giới của mình, đó là hai lời  hứa: “Con xin hứa mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài, cỏ cây cầm thú và đất đá. Con xin hứa mở rộng tâm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người, mọi loài, cỏ cây, cầm thú và đất đá”. Các bé rất hớn hở và vui sướng khi được quỳ trước Tam Bảo xin nhận hai lời hứa và pháp danh của mình.

 

tình cha conSự chuyển hóa thần tốc:

Thường thì những ngày đầu khi bước vào khóa tu, các bạn thiền sinh ai cũng mang theo mình ít nhiều căng thẳng kết quả của lối sống bộn bề, vất vả bên ngoài. Nhưng khi bước tới tu viện thì mọi lo toan, căng thẳng của mọi người đều lập tức rơi xuống. Và  chỉ sau vài ngày tu tập, được sống điều độ, thảnh thời nhất là được hấp thụ nguồn pháp thực quý báu mỗi ngày, trong mỗi người đều thấy rõ sự chuyển hóa lớn lao. Có những cặp vợ chồng, cha con, mẹ con không nói chuyện được với nhau, nhưng chỉ sau năm ngày thực tập, được hướng dẫn cách tái lập truyền thông họ đã có thể tới với nhau để hòa giải hoặc gọi điện về nhà nói được những lời thương yêu, nói lời biết ơn, tha thứ với người mà họ đang giận hờn. Sự chuyển hóa nhanh chóng ấy diễn ra ở mọi khóa tu. Sau mỗi khóa tu luôn có những người tới báo cáo rằng họ đã hòa giải được với người thân của mình và bày tỏ lòng biết ơn đối Sư Ông và pháp môn mà họ đang hành trì

 

Tưng bừng lễ hội

Mỗi tuần của khóa tu đều có một ngày lễ. Tuần đầu tiên của khóa tu có Lễ Tổ Tiên. Đây là một buổi lễ bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên tâm linh và  huyết thống. Tổ tiên của chúng ta trước hết là cha mẹ, ông bà, rồi đến các bậc tiền nhân đi trước. Buổi lễ rất trang nghiêm, cảm động. Ngay trong buổi lễ, năng lượng chuyển hóa đã bắt đầu tuôn chảy. Trong xã hội Tây Phương, cấu trúc gia đình thường lỏng lẻo hơn tại các nước châu Á. Tính dân chủ và lối sống hối hả đã khiến cho khoảng cách giữa ông bà, cha mẹ và con cái thường không khăng khít, gắn bó như các gia đình Á Châu. Khi các bạn thiền sinh được khai thị bằng Năm Cái Lạy do sư cô Chân Không hướng dẫn và được nghe lời khấn nguyện tổ tiên bằng ba thứ tiếng thì lòng biết ơn và tình thương yêu đối với các đấng sinh thành và các thế hệ tổ tiên đi trước chợt bừng bừng sống dậy trong trái tim mỗi người.

huongdan3lay.JPG

Tuần thứ hai của khóa tu có lễ Bông Hồng Cài Áo. Lễ Bông Hồng Cài Áo tương tự như lễ Vu Lan tại Việt Nam. Tuy rằng ngày Vu Lan chưa đến, nhưng khóa tu mùa hè có rất đông các bạn thiền sinh, vì vậy đây là một cơ hội rất quý báu để truyền thống hiếu đễ trong văn hóa Việt Nam được cống hiến tới cộng đồng quốc tế. Tính nhân văn trong đoản khúc Bông Hồng Cài Áo đã chạm được vào trong chiều sâu tâm linh của những người tham dự. Trong buổi lễ, các em thanh thiếu niên đã lên đọc nhưng bức thư tình mà các em viết cho bố mẹ để bày tỏ lòng biết ơn. Còn niềm hạnh phúc nào bằng khi được nghe những lời thương yêu từ những đứa con của mình. Những người cha, người mẹ khi lắng nghe con mình đọc thư không ai cầm được những giọt nước mắt sung sướng. Sau buổi lễ, cha mẹ và con cái thiền ôm với nhau trong thiền đường. Những ngăn cách, những giận hờn giữa phụ huynh và con cái chợt tan biến. Những giọt nước mắt hạnh phúc lại một lần nữa ào ạt tuôn rơi. Đây quả là một ngày lễ mà thiền sinh phương Đông cũng như phương Tây tới Làng Mai đều chờ đợi

 

Tuần thứ ba, vào ngày trăng tròn, các bạn thiền sinh đã được cùng các thầy, các sư cô đón một lễ trung thu rất vui tươi, rất hạnh phúc với những chiếc đèn lồng do các thầy, các sư cô và các em thiếu nhi làm. Trong buổi văn nghệ, các bạn thiền sinh Tây Phương đã có một màn trình diễn hết sức ấn tượng, đó là mặc áo tràng lam và múa nón Việt Nam. Các bạn tỏ ra rất hạnh phúc trong trang phục áo tràng lam giản dị và chiếc nón lá đơn sơ cùng với những điệu múa cũng rất Việt Nam.

 

mua lan trung thu

mua hoa dang

 

 

 

 

 

 

 

 

Tuần cuối cùng của khóa tu các bạn thiền sinh được tham dự lễ Hòa Bình. Lễ Hòa Bình được Sư Ông khởi xướng dựa trên sự kiện Mỹ bỏ hai trái bom nguyên tử xuống hai thành phố lớn của Nhật Bản là Hiroshima (ngày 06.08.1945) và thành phố Nagasaki (ngày 09.08.1945). Đồng thời cũng để cầu nguyện cho những nạn nhân chiến tranh, đã bỏ mình oan uống trên xa trường, trên biển khơi, trong rừng vắng; những nạn nhân trong những trận đói và những cơn dịch bệnh.

Khóa tu mùa hè tại Làng Mai đã khép lại nhưng dư âm của niềm vui và sự bình an vẫn còn đọng mãi trên môi và trên mắt mọi người. Các bạn thiền sinh sau những ngày tu tập ai cũng tươi mát, nhẹ nhàng hơn, nụ cười của ai cũng rạng rỡ hân hoan. Nhưng niềm vui lớn nhất lại nghiêng về phía các thầy, các sư cô. Bởi vì không ai khác, người nào hiến tặng niềm vui người ấy sẽ được an vui.