Thông bạch, đề nghị

Thông bạch về thiền sư Khương Tăng Hội

Thông bạch của Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh về thiền sư Khương Tăng Hội – ngày 18.08.2006

 

thien su Khuong Tang Hoi

Kính thưa liệt vị Hòa Thượng, chư vị Tôn Đức cùng bốn chúng thuộc các đạo tràng trong Môn Phái Từ Hiếu, trong và ngoài nước.

Nhân ngày giỗ tổ Thiền Sư Tăng Hội năm 2006, tôi xin kính gửi đến liệt vị Hòa Thượng, chư vị Tôn Đức và bốn chúng lời thăm hỏi ân cần, nguyện cầu Đức Thế Tôn và chư vị Tổ Sư bảo hộ cho tất cả được thân tâm khinh an, đạo nghiệp viên thành.

Truyền thống chúng ta có nguồn gốc nơi cả Thiền tông và Tịnh độ tông, vì vậy chúng ta hãy cố gắng để phục hồi và duy trì được nếp thực tập thiền tịnh song tu ấy.

Trong truyền thống chúng ta, từ Tổ Tăng Hội đến Tổ Liễu Quán, tất cả đều đã có thực tập thiền. Tại Tổ Đình Từ Hiếu và các Tổ đình khác của pháp phái Liễu Quán, chư tổ vẫn có truyền thống phó pháp truyền đăng, và chúng ta có bổn phận phải giữ gìn để cho sự thực tập này không bị gián đoạn.

Trong quá trình giảng dạy và thực tập trên 50 năm qua, tôi đã có cơ duyên biên soạn được nhiều tài liệu về thiền. Trước hết là bộ Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (ba tập), đã được các nhà Lá Bối (Hoa Kỳ) và Văn Học (Hà Nội) ấn hành. Tôi cũng đã biên soạn sách Thiền Sư Tăng Hội, dịch Lâm Tế Lục, viết Lâm Tế Tinh Yếu, Con Đường Chuyển Hóa, Nẻo Vào Thiền Học, Kinh Quán Niệm Hơi Thở, biên soạn Lâm Tế Lục Đại Toàn và Truyền Thống Sinh Động của Thiền Tập Phật Giáo. Hai tác phẩm nói sau đã được biên tập xong, tất cả khoảng trên năm nghìn trang. Những tư liệu trên đều có thể được ấn hành trở lại, hoặc cho lên mạng lưới thông tin để các vị sư trưởng có thể sử dụng trong việc giảng dạy tại các trường Phật học, các tu viện và các đạo tràng để bốn chúng trong môn phái được có cơ duyên học hỏi và thực tập theo sự chỉ dẫn của các vị tổ sư.

Để tiếp tục bồi đắp gốc rễ và khai thông suối nguồn, nhân dịp này, tôi xin đưa ra những đề nghị sau đây để các Chùa, các Đạo tràng, các Niệm Phật Đường, các Phật Học Viện và các Tăng thân khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, cùng thực tập:

1-         Tạc tượng và thờ Thiền Sư Tăng Hội, sơ Tổ của Thiền Tông Việt Nam. Tổ sinh ở Giao Châu vào đầu thế kỷ thứ ba, cha là người Khương Cư, mẹ là người Việt, xuất gia năm 10 tuổi, trở thành cao tăng, mở đạo tràng tu tập ở Luy Lâu, Bắc Ninh, thiết lập một trung tâm dịch thuật và sáng tác ở đó, và đến năm 255, qua Kiến Nghiệp (Nam Kinh bây giờ), thủ đô nước Đông Ngô thời Tam Quốc, lập ngôi chùa đầu tiên ở nước ấy là chùa Kiến Sơ, độ cho vua Ngô Tôn Quyền, truyền tam quy ngũ giới cho vua Ngô Tôn Hạo, tổ chức Đại Giới Đàn độ tăng đầu tiên cho người Trung Quốc, và tịch vào tháng chín năm 280.

2-         Trong những ngày Giỗ Tổ như ngày giỗ các tổ Tăng Hội, Lâm Tế, Liễu Quán, Nhất Định v.v… ngoài sự thực tập lễ bái và cúng dường để tỏ bày niềm biết ơn, ta nên tổ chức để bốn chúng có cơ hội học hỏi và ôn lại những công hạnh của vị tổ sư liên hệ, mục đích là để tự nhắc nhở và nhắc nhở giới hậu lai về công hạnh của Tổ. Ta có thể sử dụng những tư liệu có sẵn về Phật giáo sử nói trên để làm công việc này.

3-         Thực tập ngồi thiền, ít nhất là 20 phút trước giờ công phu sáng và chiều. Ta có thể sử dụng sách Sen Búp Từng Cánh Hé để hướng dẫn toàn chúng thực tập cho buổi ngồi thiền có nội dung tốt. Ta có thể gửi những vị giáo thọ trẻ về Tổ Đình Từ Hiếu (Huế), Tu Viện Bát Nhã (Bảo Lộc). Đạo Tràng Mai Thôn (Pháp), các Đạo Tràng Thanh Sơn và Lộc Uyển (Hoa Kỳ) để được đào tạo về khả năng hướng dẫn thiền tập có công dụng đưa tới chuyển hóa và trị liệu thân tâm. Ta nên sử dụng những kinh văn bằng tiếng Việt trong sách Nhật Tụng Thiền Môn 2000 để thay thế dần dần cho những kinh văn bằng chữ Hán trong các buổi công phu.

4-         Tiếp tục truyền thống Phó Pháp Truyền Đăng, đừng để cho đứt đoạn. Xin đề nghị các tổ đình và các chùa thuộc pháp phái Liễu Quán và môn phái Từ Hiếu sưu tập các bài kệ truyền đăng cùng danh sách các vị được truyền đăng trong quá khứ để gửi về cất giữ tại các Tổ Đình. Những tài liệu này sẽ được đưa lên mạng lưới thông tin để tứ chúng thuộc Tổ Đình có cơ duyên tham cứu. Hiện tại ở quốc ngoại đã có tới trên tám trăm tăng thân (những thành phố lớn như Nữu Ước và Luân Đôn đều có trên mười tăng thân) quy tụ tu học hằng tuần. Con cháu môn phái Từ Hiếu ở hải ngoại đã có cả triệu người, gồm 47 quốc gia. Đưa các tài liệu ấy lên mạng có thể giúp cho mọi người tiếp xúc được sâu sắc hơn với truyền thống của mình.

Nhân đây tôi cũng xin thông báo về chuyến viếng thăm và hoằng pháp của một Phái Đoàn Tăng Thân Quốc Tế Làng Mai tại Việt Nam từ ngày 21.02.2007 đến ngày 09.05.2007. Chuyến đi sẽ bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh qua Bảo Lộc, Đà Lạt, Nha Trang, đến Huế, Đà Nẵng và Hà Nội. Trong chuyến đi này sẽ có những buổi sinh hoạt giao lưu , những khóa tu cho người xuất gia và tại gia, và những buổi thuyết giảng công cộng. Các đạo bạn trong và ngoài nước sẽ lại có dịp cùng nhau tu tập trong tinh thần huynh đệ và tiếp xúc sâu sắc với cội nguồn. Trong thời gian ấy sẽ có những Trai Đàn Chẩn Tế cầu nguyện cho âm siêu dương thái, chữa lành được những thương tích chiến tranh trong lòng mọi người, Nam cũng như Bắc, xây dựng thêm được tình huynh đệ và nghĩa đồng bào. Chi tiết của chuyến đi sẽ được thông báo trên mạng lưới thông tin. Được gặp lại liệt vị Hòa Thượng, chư vị Tôn Đức và đại gia đình tâm linh trong bốn chúng là một niềm vui lớn. Chúng tôi đang tâm niệm đến chư vị với niềm biết ơn và tin cậy.

 

Viết tại Mai Thôn Đạo Tràng
ngày 18.08.2006

khuondauTNH.png

Thích Nhất Hạnh