Thông bạch, đề nghị

Ăn mừng 1000 năm Thăng Long

Đề nghị của thiền sư Nhất Hạnh về cách thức ăn mừng Một Ngàn Năm Thăng Long

Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long

Sử gia Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt nói: “Đời Lý là đời thuần từ nhất trong lịch sử Việt Nam. Đó là nhờ ảnh hưởng của đạo Phật.” Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long, là phải nhớ tới điều ấy.

Vua đầu của triều Lý, Lý Thái Tổ, hồi còn bé thơ đã được tu học tại chùa Lục Tổ dưới sự chỉ dạy của Thiền sư Vạn Hạnh. Khi lên ngôi, vua đã tổ chức đời sống chính trị và văn hóa theo tinh thần vô trụ, vô úy và bất nhị của Thiền sư Vạn Hạnh. Nền hòa bình và hạnh phúc của đất nước kéo dài trong mấy trăm năm, đó là nhờ sự thực tập theo đạo Phật. Lý Nhân Tông, vị vua thứ tư của triều Lý đã nhắc tới Thiền sư Vạn Hạnh với những lời trân trọng. Vua nói: “Hành động của Thiền sư Vạn Hạnh có thông suốt cả tới quá khứ, hiện tại và tương lai. Lời nói của Thiền sư hiệu nghiệm như những lời sấm truyền. Tại quê hương làng Cổ Pháp, Thiền sư chỉ cần dựng cây tích trượng và ngồi yên, mà kinh đô Thăng Long được bền vững mãi mãi.”

Vạn Hạnh dung tam tế
Chấn phù cổ sấm ky
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.

Ta hãy ôn lại những gì mà các vua Lý đã làm trong những năm đầu của thành Thăng Long để thấy được rằng Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long ta phải hành xử và thực tập như thế nào mới nối tiếp được công nghiệp của người xưa:

Năm 1010: Vua Lý Thái Tổ xuống chiếu đại xá các thuế khóa cho thiên hạ luôn trong ba năm. Những người nghèo, yếu, mồ côi, góa bụa, v.v… đã từng thiếu thuế từ nhiều năm trước mà không nộp được đều được tha thuế. Năm 1010, tháng 7, xây chùa Hưng Thiên ở nội thành để hoàng gia đến tụng giới và tu tập, chùa Thăng Nghiêm ở ngoại thành để mời dân chúng đến tụng giới và tu tập. Năm 1012, lập Cung Long Đức cho thái tử Phật Mã ở ngoài thành để thân cận với dân và hiểu biết sự tình của dân. Năm 1016, lại xuống chiếu đại xá tô thuế ba năm nữa, và cũng tha tô thuế trong ba năm.Vua cũng đã xuống chiếu cho phép những người nào vì sợ hãi trừng phạt đã phải trốn tránh được phép về quê cũ mà không bị trừng phạt, ân xá cho tất cả.

Năm 1014: Hữu nhai Tăng Thống Thâm Văn Uyển xin tổ chức đại giới đàn tại chùa Vạn Tuế, vua chuẩn tâu. Có hơn 1000 người được xuất gia. Năm 1016, lại có đại giới đàn ở thủ đô, hơn 1000 người được xuất gia. Năm 1019, có đại giới đàn, vua lại xuống chiếu cho độ dân xuất gia. Năm 1018: Vua gửi một phái đoàn do Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạc cầm đầu sang Tống thỉnh Đại Tạng Kinh. Năm 1020, ủy đức Tăng Thống Phí Trí đi Quảng Châu đón Đại Tạng Kinh.

Vua Lý Thái Tông – Năm 1028, Hoàng thái tử Phật Mã lên ngôi. Đại xá thiên hạ. Xuống chiếu cho lấy tiền lụa ở kho lớn ban cho thiên hạ.
Khai Quốc Vương tức hoàng tử Bồ Trấn ở phủ Trường Yên làm phản. Vua đích thân đến Trường Yên đánh dẹp. Khai Quốc Vương đầu hàng. Vua tha tội cho Khai Quốc Vương và vẫn cho tước như cũ.

Năm 1034, tháng 8,
vua cho dựng tàng kinh Trùng Hưng tại chùa Trùng Quang. Năm 1036, đại xá thiên hạ. Tháng 2, vua xuống chiếu sao chép kinh Đại Tạng an trí ở tàng kinh Trùng Hưng. Năm 1040, vua mở hội La Hán ở Long Trì, đại xá thiên hạ, tha tội lưu đồ và tha thuế cho thiên hạ. Năm 1049, dựng chùa Diên Hựu, tức chùa Một Cột. Năm 1052, đúc chuông lớn ở Long Trì cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì giộng chuông để trực tiếp tâu lên vua hoặc đệ đơn kêu oan mà không phải đi qua trung gian nào.

Năm 1054, Vua Lý Thánh Tông lên ngôi. Năm 1064, mùa Hạ tháng Tư, vua ngự ở điện Thiên Khánh trong một vụ xử kiện. Vua chỉ vào công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh mà bảo ngục lai rằng: “Ta yêu con ta, cũng như lòng cha mẹ dân yêu dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, ta rất lấy làm thương xót. Từ này về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm.” Năm 1070, đại hạn, phát thóc lúa và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo.

Năm 1072, Vua Lý Nhân Tông lên ngôi. Năm 1076, đại xá thiên hạ. Năm 1088, phong Thiền sư Khô Đầu làm quốc sư để tham hỏi việc nước. Mùa hạ, tháng 6, năm 1095, đại hạn, thả tù và giảm hoặc miễn các khoản tang thuế. Năm 1103, phát tiền ở kho Nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bán đi ở đem gả cho những người góa vợ.

Năm 1127, Vua Lý Thần Tông lên ngôi.  Năm 1134, tháng 2, vua trai giới để cầu mưa. Xuống chiếu tha cho những người phạm tội trong nước. Năm 1134, vua tổ chức giới đàn độ dân xuất gia. Năm 1136, phong Thiền sư Không Lộ làm Quốc Sư. Tha thuế dịch cho dân.

Trong thời đại nhà Lý, các vị Thiền sư như Vạn Hạnh, Khô Đầu, Không Lộ, Thông Biện, Viên Chiếu đều được các vua ban hiệu Quốc Sư. Các vị Thiền sư này đều là những vị học rộng, có trí tuệ siêu việt và tình thương vô hạn, là những bậc thầy dạy đạo của cả nước.

 

Đề Nghị của Thiền sư Nhất Hạnh về cách thức Ăn Mừng Một Ngàn Năm Thăng Long

Cách thức ăn mừng 1000 năm Thăng Long hay nhất là nỗ lực của chính quyền và của toàn dân làm được và tiếp tục được những việc mà tiền nhân đã làm trong những năm đầu của kinh thành Thăng Long.

1.    Lập trường Đại Học lấy tên Vạn Hạnh gồm đủ các phân khoa có khuynh hướng xiển dương tinh thần vô trụ, vô úy, phá chấp, đại đồng và bất nhị của Thiền sư Vạn Hạnh. Các phân viện được mở đồng thời ở các thành phố lớn khác trong nước.

2.    Thiết lập giờ đạo đức học (công dân giáo dục) ở mọi cấp bậc giáo dục. Đào tạo giáo sư đạo đức học các cấp trong các phân khoa sư phạm và đạo đức học. Học và dạy đạo đức học truyền thống, đạo đức học toàn cầu và đạo đức học ứng dụng để ngăn ngừa và đối phó với các tệ nạn xã hội: bạo hành gia đình, ly dị, tự tử, ma túy, đĩ điếm, tham nhũng, lạm quyền. Thành lập các khu ấp và khu phố đạo đức gương mẫu.

3.    Triệu tập đại hội các truyền thống tôn giáo và nhân bản để thảo luận về một nền đạo đức toàn cầu, đưa ra một văn bản không có tính cách tôn giáo để làm căn bản thực tập của cả nước về một nền đạo đức toàn cầu có công năng lành mạnh hóa và từ bi hóa xã hội và cứu hộ được hành tinh. Mỗi truyền thống đưa ra văn bản thực tập của mình (như đạo Phật đưa ra văn bản Năm Giới Tân Tu) để chia sẻ và đóng góp. Tổ chức các buổi trao đổi học hỏi và đàm luận về phương pháp ứng dụng văn bản trong đời sống gia đình, học đường và sở làm. Tổ chức ôn tụng văn bản hàng tháng tại chùa, giáo đường, nhà văn hóa, thánh thất, thư viện, v.v… và đàm luận về phương pháp ứng dụng văn bản. Các viên chức chính quyền cũng đi ôn tụng văn bản đạo đức học như dân chúng.

4.    Thành lập hội đồng nhân sĩ đạo hạnh tại thôn ấp và khu phố, trong đó có mặt các công dân có tiếng là hiền lành, đạo hạnh, có thể làm mẫu mực đạo đức cho dân xóm, có thể có vị mục sư, linh mục và trú trì, để chăm sóc đời sống đạo đức trong cọng đồng bằng đường lối đức trị, nâng đỡ, khuyến khích, yểm trợ.

5.    Ân xá cho những người bị lưu đày và tù tội, trong đó có tội góp ý cho chính quyền, kêu gọi đa nguyên, đa đảng, đa giáo hội, kêu gọi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận. Cho phép một số phạm nhân được chuộc tội bằng công tác xã hội dưới sự che chở, giám sát và bảo lãnh của các vị xuất gia thuộc các tôn giáo.

6.    Miễn thuế và tha thuế cho những người không nhà cửa, nghề nghiệp, không có nguồn lợi tức. Ân xá cho tất cả những người lưu vong được trở về quê quán.

7.    Mỗi ngày chủ nhật chỉ sử dụng xe đạp, xe thồ, xe ngựa, đi bộ, chỉ trừ trường hợp cứu cấp, tại thủ đô Hà Nội cũng như tại các thành phố lớn. Ngày chủ nhật không hút thuốc, không uống rượu, không bán thuốc hút và bán rượu.

8.    Lập thêm các quán cơm chay ở thủ đô và các thành phố lớn. Các quán ăn khác mỗi quán cũng phải có ít nhất vài món ăn chay. Mọi người được khuyến khích ăn chay ít nhất là mười lăm ngày mỗi tháng (theo khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc là giảm bớt ít nhất 50% công nghệ chế tác thịt nhằm mục tiêu cứu độ hành tinh). Những người ăn chay trường được hưởng chế độ bớt 50% tiền bảo hiểm xã hội.

9.    Yểm trợ công nghệ sử dụng ánh sáng mặt trời để nấu cơm, nấu nước tắm, thắp đèn, nấu trà, giặt áo, v.v…

10.    Chấm dứt sản xuất và sử dụng bao ni lông và chén bát ni lông, nhựa.

11.    Triệu tập đại hội Phật Giáo, mời tất cả các vị tôn đức trong và ngoài nước để thành lập lại giáo hội Phật Giáo dân lập hoàn toàn đứng ngoài chính trị.

12.    Tổ chức các khóa tu tại Việt Nam cho dân chúng và thiền sinh ngoại quốc về phương pháp chuyển hóa bạo động, xây dựng tình huynh đệ theo tinh thần bất nhị và vô trụ của Thiền sư Vạn Hạnh.

Những chương trình hành động, nếu các ngành lập pháp và hành pháp trong nước không muốn hoặc không thể thực hiện, thì dân chúng có thể tự tổ chức thực hiện, bắt đầu bằng giới Phật tử, cộng tác với các giới khác, trong các giới tôn giáo và nhân bản.

Thiền sư Nhất Hạnh

 

 

Năm Giới Tân Tu

Lời mở đầu:
Kính thưa các anh chị em bạn đồng tu, bây giờ là lúc chúng ta có cơ hội tụng chung Năm Giới với nhau. Năm Giới tức là năm phép thực tập chánh niệm, biểu hiện được một cách cụ thể giáo lý Tứ Đế và Bát Chánh Đạo, con đường của Bụt, con đường của hiểu biết và thương yêu đích thực có khả năng đưa tới trí tuệ, chuyển hóa và hạnh phúc cho bản thân và cho thế giới. Năm Giới mang theo tuệ giác Tương Tức, tức là Chánh Kiến, có khả năng tháo bỏ mọi cuồng tín, cố chấp, kỳ thị, sợ hãi, hận thù và tuyệt vọng. Sống và thực tập theo Năm Giới là chúng ta đã đi vào con đường mà các vị Bồ Tát đang đi. Năm Giới này đại diện cho cái thấy của đạo Bụt về một nền Tâm Linh và Đạo Đức Toàn Cầu. Biết rằng đang được đi trên con đường của Bụt, chúng ta không còn lý do gì để lo lắng cho hiện tại và sợ hãi cho tương lai.

 

Giới thứ nhất: Bảo vệ sự sống

Ý thức được những khổ đau do sự giết chóc gây ra, con xin nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương Tức và lòng Từ Bi để có thể bảo vệ sinh mạng của con người, của các loài động vật, thực vật và môi trường của sự sống. Con nguyện không sát hại, không để kẻ khác sát hại và không yểm trợ cho bất cứ một hành động sát hại nào trên thế giới, trong tư duy cũng như trong đời sống hằng ngày của con. Thấy được rằng tất cả những bạo động do sự sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị, con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không kỳ thị và không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung trong con và trong thế giới.

Giới thứ hai: Hạnh phúc chân thực

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cắp, áp bức và bất công xã hội gây ra, con nguyện thực tập san sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ thiếu thốn, trong cả ba lĩnh vực tư duy, nói năng, và hành động của đời sống hằng ngày. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do tự mình tạo ra. Con nguyện thực tập nhìn sâu để thấy rằng hạnh phúc và khổ đau của người kia có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc và khổ đau của chính con, rằng hạnh phúc chân thực không thể nào có được nếu không có hiểu biết và thương yêu, và đi tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo quyền lực, danh vọng, giàu sang và sắc dục có thể đem lại nhiều hệ lụy và tuyệt vọng. Con đã ý thức được rằng hạnh phúc chân thực phát sinh từ chính tự tâm và cách nhìn của con chứ không đến từ bên ngoài, rằng thực tập phép tri túc con có thể sống hạnh phúc được ngay trong giây phút hiện tại nếu con có khả năng trở về giây phút ấy để nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà con đã có sẵn. Con nguyện thực tập theo Chánh Mạng để có thể làm giảm thiểu khổ đau của mọi loài trên trái đất và để chuyển ngược lại quá trình hâm nóng địa cầu.

Giới thứ ba: Tình thương đích thực

Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học hỏi theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo hộ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người, mọi gia đình và trong xã hội. Con biết tình dục và tình yêu là hai cái khác nhau, rằng những liên hệ tình dục do thèm khát gây nên luôn luôn mang tới hệ lụy, đổ vỡ cho con và cho kẻ khác. Con nguyện không có liên hệ tình dục với bất cứ ai nếu không có tình yêu đích thực và những cam kết chính thức và lâu dài. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa. Con nguyện học hỏi những phương pháp thích ứng để chăm sóc năng lượng tình dục trong con, để thấy được sự thật thân tâm nhất như và để nuôi lớn các đức Từ, Bi, Hỉ và Xả, tức là những yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực để làm tăng trưởng hạnh phúc của con và của người khác. Con biết thực tập Tứ Vô Lượng Tâm ấy, con sẽ được tiếp tục đẹp đẽ và hạnh phúc trong những kiếp sau.

Giới thứ tư: Lắng nghe và ái ngữ

Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm và do thiếu khả năng lắng nghe gây ra, con xin nguyện học các hạnh Ái Ngữ và Lắng Nghe để có thể hiến tặng niềm vui cho người, làm vơi bớt nỗi khổ đau của người, giúp đem lại an bình và hòa giải giữa mọi người, giữa các quốc gia, chủng tộc và tôn giáo. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hay khổ đau cho người, con nguyện học nói những lời có khả năng gây thêm niềm tự tin, an vui và hi vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói năng gì khi biết cơn bực tức đang có mặt trong con, nguyện tập thở và đi trong chánh niệm để nhìn sâu vào gốc rễ của những bực tức ấy, nhận diện những tri giác sai lầm trong con và tìm cách hiểu được những khổ đau trong con và trong người mà con đang bực tức. Con nguyện học nói sự thật và lắng nghe như thế nào để có thể giúp người kia thay đổi và thấy được nẻo thoát ra ngoài những khó khăn đang gặp phải. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không nói những điều có thể tạo nên những sự bất hòa trong gia đình và trong đoàn thể. Con nguyện thực tập Chánh Tinh Tấn để có thể nuôi dưỡng khả năng hiểu, thương, hạnh phúc và không kỳ thị nơi con và cũng để làm yếu dần những hạt giống bạo động, hận thù và sợ hãi mà con đang có trong chiều sâu tâm thức.

Giới thứ năm: Nuôi dưỡng và trị liệu

Ý thức được những khổ đau do thói tiêu thụ không chánh niệm gây nên, con nguyện học hỏi cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện nhìn sâu vào bốn loại thực phẩm là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực để tránh tiêu thụ những thực phẩm độc hại. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ bất cứ một sản phầm nào có độc tố, trong đó có mạng lưới internet, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, sách báo, bài bạc và cả chuyện trò. Con nguyện thực tập thường xuyên trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với những gì tươi mát, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong con và xung quanh con, không để cho tiếc nuối và ưu sầu kéo con trở về quá khứ và không để cho lo lắng và sợ hãi kéo con đi về tương lai. Con nguyện không tiêu thụ chỉ để khỏa lấp sự khổ đau, cô đơn và lo lắng trong con. Con nguyện nhìn sâu vào tự tính tương quan tương duyên của vạn vật để học tiêu thụ như thế nào mà duy trì được an vui trong thân tâm con, trong thân tâm của xã hội, và trong môi trường sự sống.