Từ Hoa Quỳnh đến Hơi Thở Nhẹ

Lịch sử hình thành thiền đường Hơi thở nhẹ

ww.maisondelinspir.over-blog.com

Đến trung tâm Hơi Thở Nhẹ, vùng phụ cận Paris, ta có cảm giác như được sống trong khung cảnh vào thời Bụt còn tại thế. Bởi vì vào những ngày quán niệm như thứ Năm và Chủ Nhật, mỗi thiền sinh đến sinh hoạt đều mang theo thực phẩm đến cúng dường. Đến giờ cơm trưa, họ đặt những món ăn đó lên bàn để cùng chia sẻ với nhau. Nếu có 40 người đến tham dự, sẽ có gần 40 món ăn khác nhau: nào là bánh quiche, nui tây, pizza, spaghettis, xà lách trộn, bánh ngọt… Ngoài những món ăn nấu sẵn, họ còn đem cúng dường rau cải, trái cây và những thức ăn khô như gạo, bột, đường, muối, v.v… Vì vậy ở trung tâm này không cần phải có vị tri khố như những trung tâm khác của Làng Mai. Có một lần, không ai bảo ai vậy mà các bạn cư sĩ đã đem đến cúng dường 15 loại bánh ngọt do họ tự làm, khiến các thiền sinh trẻ đã phải đến ‘ăn phụ’ dù ngày đó không phải là ngày quán niệm cho những người trẻ.

Không những vậy, họ còn đóng góp rất nhiều vật dụng cần thiết trong nhà, từ chén bát cho đến tủ kệ. Có một cô người Pháp sau khi bán nhà đã cúng dường những chiếc kệ sách và bàn ăn bằng gỗ rất trang nhã. Để giúp trang hoàng thiền đường mỗi ngày một đẹp hơn, cô Kaiko (người Nhật) mỗi tuần tự làm một bình hoa hay một chiếc đĩa gốm đem đến cúng dường. Cô là một nhà nghệ sĩ chuyên làm đồ gốm, vì vậy những gì cô làm để cúng dường cho thiền đường không tìm mua được ngoài chợ đâu. Trong thời gian các sư cô ở Làng tạm trú nơi đây như sư cô Tú Nghiêm, Sùng Nghiêm, Chí Nghiêm, Hướng Nghiêm, Cẩn Nghiêm và sư cô Báo Nghiêm, thì các cô chú người Pháp đã đến tận trung tâm để hết lòng dạy các sư cô học tiếng Pháp mỗi tuần hai lần. Bây giờ các sư cô này đã có thể tự đi chợ và thăm hỏi các thiền sinh người Pháp được rồi. Về mặt sức khỏe, có cô bác sĩ Hạnh và cô nha sĩ  Mỹ Dung chăm sóc tận tụy các thầy các sư cô không khác chi bác sĩ Jivaka vào thời Bụt vậy.

Vào ngày 18 tháng 2 năm 2008, 3 thầy và 3 sư cô đã được Tăng thân Làng Mai chính thức đề cử đến chăm sóc trung tâm tu học này. Như một số quý vị đã biết, Thiền đường Hơi Thở Nhẹ là hậu thân của Thiền đường Hoa Quỳnh. Thiền đường Hoa Quỳnh theo thời gian đã trở nên cũ kỹ và nền móng bắt đầu xiêu vẹo, không đủ an toàn để cho mọi người tiếp tục sinh hoạt ở đó nữa. Và thiền đường Hoa Quỳnh đã phải đóng cửa một thời gian chờ điều kiện hội tụ để khởi công xây dựng lại. Trong thời gian đó, những thiền sinh của thiền đường vẫn giữ lấy nhịp độ sinh hoạt thường xuyên của họ, không hề gián đoạn. Họ đã tổ chức tại Evry để họp mặt sinh hoạt theo định kỳ hàng tháng. Qua đó, cái ao ước có các thầy, có các sư cô cùng tu tập chung với họ như thời còn thiền đường Hoa Quỳnh mỗi lúc mỗi cấp thiết và lan rộng. Chính vì vậy mà trải qua một thời gian không lâu sau đó, những bức tường của ngôi nhà cũ đã được đập phá xuống để xây lại. Khi cánh cổng của ngôi nhà mới được dựng lên chưa lâu, nền xi măng vẫn chưa khô, thì 2 giờ khuya hôm đó, các thầy các sư cô từ Làng Mai sau 8 giờ đồng hồ lái xe đã đến trước cổng. Khuya hôm đó các thầy các sư cô đành phải trèo qua cổng! Người trong kẻ ngoài chuyền những thùng đồ qua cổng. Đống gạch vụn từ ngôi nhà cũ trộn lẫn với đất cát và nước mưa đã hình thành lên một con đường gồ ghề và phủ bùn dày đặc từ cổng vào đến cửa của ngôi nhà mới. Các thầy các sư cô đã phải úp ngược nhiều chậu xô lót đường để có thể bước đi trên con đường trơn trợt sình lầy đó.

Khiêng hết đồ đạc từ xe vào căn nhà chính xong thì trời bắt đầu hừng sáng. Lúc đó, các thầy các sư cô mới được đặt lưng xuống nghỉ một chút. Trời mùa Đông giá buốt, căn nhà mới xây lại chưa có sưởi và nước nóng, cho nên các thầy và các sư cô cũng đã phải vất vả nhiều trong những ngày đầu mới dọn vào.

Tăng thân cư sĩ ở Paris, người Việt cũng như người Pháp, đều đã hết lòng đóng góp vào việc phụ dọn dẹp, sửa sang và cúng dường vật dùng cần thiết từ cái chén cho đến cái chảo. Ai nói người Tây Phương chưa quen truyền thống cúng dường và công quả? Nhờ sự đóng góp hết lòng ấy nên chỉ trong vòng vài tuần thôi mà mọi chuyện đã được ổn định. Thế là trung tâm Hơi Thở Nhẹ ra đời và bắt đầu mở cửa tiếp đón khách thập phương đến tu học, không những từ Paris và những vùng lân cận mà còn từ nhiều vùng xa của nước Pháp như Lyon, Marseille, Dijon, Bretagne cho đến các nước như Thụy Sĩ, Hòa Lan, Bỉ, v.v…

Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, trung tâm Hơi Thở Nhẹ đã trở thành một nơi nghỉ ngơi thoải mái (oasis) cho những ai không thể về tu học tại Làng Mai. Sau một tuần làm việc mệt mỏi, các bạn cư sĩ thường về thiền đường vào tối thứ Sáu để tham dự trọn vẹn hai ngày sinh hoạt thứ Bảy và Chủ nhật. Cũng có những người sau một ngày căng thẳng tại sở làm, họ ghé đến trung tâm để uống chén trà và buông thư nửa giờ đồng hồ trước khi về nhà. Chuyện lạ nhưng có thật, đó là có những bạn người Pháp thích đến thiền đường vào chiều thứ Bảy chỉ để được tham dự lễ cúng cô hồn hàng tuần! Cũng có người quá bức xúc hay quá đau khổ nhưng vì không đủ phương tiện để về thiền đường, dù chỉ một buổi, thì qua đường dây điện thoại họ đã được Sư cô Trụ Trì (sư cô Giác Nghiêm, người Pháp) an ủi, vỗ về và hướng dẫn thực tập thế nào để tự cứu vớt mình qua những cơn giông tố. Sư cô Giác Nghiêm nổi tiếng là một vị chuyên viên tham vấn viễn liên!

Cách đây hơn một năm, chú Christian được Tăng thân Paris cho phép thọ giới Tiếp Hiện. Nhưng vì bệnh, chú đã không thể về Làng thọ giới được. Các thầy và các sư cô tại đây đã đại diện Sư ông và Tăng thân truyền giới cho chú. Thấy vậy, cô Clémence, vị hôn phối của chú cũng đã xin được thọ giới cùng với chú thay vì về Làng thọ Giới. Buổi lễ đã diễn ra rất cảm động. Ngoài ra, các thầy và các sư cô tại đây thường tìm đến những người nghèo khổ, những người vô gia cư để đem thức ăn và áo quần đến cho họ. Phần đông họ là những người sống dọc theo bờ sông Marne, nhiều lắm

Ai cũng thấy những năm gần đây, Tăng thân người Pháp đã lớn mạnh hơn bao giờ hết. Số người gia nhập dòng tu Tiếp Hiện đông hơn và được đào tạo kỹ hơn. Tất cả các anh chị tập sự Tiếp Hiện đều phải gặp nhau mỗi tháng để học và pháp đàm về 14 giới ít nhất trong vòng một năm dưới sự hướng dẫn của cô giáo thọ cư sĩ Minh Tri. Chương trình đào tạo Tiếp Hiện này của Tăng thân Paris đã gây nguồn cảm hứng đến các Tăng thân khác như Tăng thân Marseille, Lyon… Năm ngoái, Tăng thân Paris đã tìm ra một giải pháp cho những ai khao khát được tham dự khóa An cư kiết đông nhưng vì công ăn việc làm và gia đình, họ không thể vào sống trong chùa suốt 3 tháng được. Giải pháp đó là họ cam kết về trung tâm Hơi Thở Nhẹ mỗi tuần hai lần để cùng nghe Pháp thoại, cùng pháp đàm với các thầy các sư cô.

Mỗi tuần họ được Sư cô Tôn Nghiêm cho một đề tài thực tập để theo đó mà hành trì. Mỗi ngày, họ đều có kiểm điểm và ghi chép sự thực tập của mình vào sổ công phu. Theo thể thức ‘An cư tại gia’ này, họ đã tạo được rất nhiều hạnh phúc cho chính họ và cho gia đình, đã gặt hái được nhiều hoa trái trong sự thực tập. Tin vui đã được truyền đi và năm nay, con số những người an cư tại gia đã lên đến 120 vị từ nhiều Tăng thân trên toàn nước Pháp. Đầu khóa an cư, Sư Ông có dạy sự thực tập thi kệ. Thế là trong buồng tắm, nhà bếp, phòng ngủ, các bài thi kệ được dán khắp nơi. Có một chị cư sĩ buổi sáng mở mắt dậy, chị nhớ đến nỗi buồn vừa chia tay với người yêu hôm qua, chị cảm thấy chán đời và không còn hứng thú để làm gì nữa. Nhưng khi nghĩ đến 119 người đang thức dậy, thực tập bài kệ: ‘Thức dậy mỉm miệng cười, hăm bốn giờ tinh khôi…’, bỗng dưng chị cũng đọc theo và mỉm cười được. 120 thiền sinh này từ nhiều vùng khác nhau trên nước Pháp, họ không quen biết nhau nhưng mỗi khi nghĩ đến nhau, họ cảm thấy được nâng đỡ và có thêm năng lượng để thực tập. Đúng là sức mạnh của Tăng thân! Để yểm trợ cho họ cùng An Cư với những vị xuất sĩ, tất cả các bài giảng của Sư Ông bằng tiếng Việt với bảng dịch tiếng Anh và tiếng Pháp đều được cập nhật kịp thời ở trên mạng. Sang năm nếu có thêm các bạn từ những quốc gia khác cùng tham dự khóa an cư theo thể thức này thì sẽ vui lắm!

Mỗi hai tuần, vào sáng thứ Bảy, các vị Tiếp Hiện cư sĩ về đây để tụng giới. Họ lại thường giúp các thầy và các sư cô làm chủ tọa những buổi pháp đàm và hướng dẫn thực tập vào những ngày quán niệm. Những lúc các thầy các sư cô cần phải về Làng Mai dự lễ hay đi thăm gia đình, thì có giáo thọ cư sĩ Marc Puissant ở Lyon cùng với các bạn Tiếp Hiện như Christopher, Michelle, Annabelle ở Paris… đều đến thiền đường ngủ lại để thay thế chúng xuất sĩ mở cửa trung tâm, duy trì sinh hoạt và hướng dẫn tu học. Tại đây, hai chúng cư sĩ và xuất sĩ cùng nâng đỡ tu tập và nắm tay nhau làm việc trong hòa điệu. Chúng xuất sĩ đóng vai trò anh chị lớn dìu dắt Tăng thân cư sĩ lớn mạnh hơn. Và khi chúng xuất sĩ gặp khó khăn, như pháp nạn Bát Nhã vừa qua, các bạn cư sĩ từ khắp nơi đã và đang tìm đủ mọi cách để hết lòng giúp đỡ. Chúng thường trú bao gồm các thầy và các sư cô chỉ có từ 6 đến 8 vị thôi, nếu không có sự đóng góp tận tụy của chúng cư sĩ, làm sao họ có thể giúp được nhiều người và làm được nhiều việc đến thế?

Sự có mặt của một chúng xuất sĩ thường trú nơi đây tựa như một trái tim đang đập trong một cơ thể. Nhờ trái tim co đập mà cơ thể trở thành một sinh vật sống động. Với sự có mặt thường trực của các thầy và các sư cô nơi đây, chỉ trong vòng hai năm mà thiền đường Hơi Thở Nhẹ đã trở thành một căn nhà tâm linh ấm cúng, hướng dẫn được bao nhiêu là khóa tu và những ngày quán niệm cho giới trẻ cũng như giới trung niên và người lớn tuổi. Đây là nơi nương tựa của biết bao nhiêu người tìm đến để được nuôi dưỡng, để thâu nạp năng lượng và làm lắng dịu những niềm đau nỗi khổ trong lòng.

Trung tâm Hơi Thở Nhẹ còn có một cái tên rất ngộ nghĩnh là “Ngôi chùa của phi trường Charles de Gaulle” và là “Trạm tin tức” (centre d’information). Những ai ở Việt Nam qua, hay từ Hoa Kỳ, Úc châu hay Âu châu đến, và muốn về Làng cũng thường ghé lại đây để nghỉ chân. Tới đây ai cũng cảm thấy thoải mái, yêu thích nếp sống đơn giản và không khí gia đình. Ai cũng cảm nhận là các thầy và các sư cô nơi đây hết lòng tu tập, sống hạnh phúc và thương yêu nhau như anh chị em một nhà. Vào những ngày lễ lớn, bố mẹ, anh chị em hay bà con của các thầy các sư cô ở đây thường về trung tâm để dự lễ chung. Gia đình tâm linh và gia đình huyết thống sum vầy ấm cúng.