EIAB – Công trình chuyển hóa của Tăng thân

Sư cô Văn Nghiêm

Tôi về Viện Phật Học Ứng dụng Châu Âu (EIAB) lần này như về nhà vậy đó. Sau 5 năm, Học viện đã có nhiều chuyển hóa. Ngôi nhà – chứng tích của một thời khổ đau – đã dần trở nên ấm áp bởi năng lượng tu học hằng ngày và những bàn tay chăm sóc, hiến tặng thương yêu cho cuộc đời.

Nuôi dưỡng hạnh phúc trong trái tim mình

Mọi người về tham dự khóa tu năm nay đông hơn mọi năm. 900 thiền sinh trong đó có 60 trẻ em (6-12 tuổi), 20 thanh thiếu niên (13-17 tuổi) đã về tham dự khóa tu dành cho người nói tiếng Đức (từ ngày 12 – 17/8). Chủ đề của khóa tu năm nay là “Nuôi dưỡng hạnh phúc trong trái tim mình”. Dù thời tiết năm nay không được thuận lợi lắm, trời mưa gần như suốt cả khóa tu, nhưng điều đó vẫn không làm cho năng lượng tu học của thiền sinh giảm sút chút nào. Dù ngoài kia trời mưa gió, nhưng bước chân vẫn tinh chuyên đều đặn đặt lên mặt đất ẩm ướt dấu ấn của tình thương.

Từ 6h sáng, mọi người đã thức dậy, đánh răng rửa mặt và bước những bước chân cẩn trọng đầu ngày đến thiền đường để ngồi thiền. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều đi trong yên lặng, tận hưởng không khí trong lành của buổi sớm ai trên đường đến thiền đường. Chẳng mấy chốc, chiếc lều lớn có sức chứa cả ngàn người không còn một chỗ trống. Có bạn ngồi bệt xuống sàn, lót sơ tấm mền hay chiếc áo để ngồi. Cái khí lạnh đầu ngày từ từ nhường chỗ cho hơi ấm của mỗi người. Hơi thở đều đặn, lắng dịu của một tập thể làm cho không khí trong thiền đường trở nên ấm cúng và linh thiêng. Đời sống như nhuốm lên một gam màu mới, một ngôn ngữ mới, một quang cảnh mới mà thế giới ồn ào phố thị như tạm lùi xa.

Tôi ngồi trong lòng Tăng thân mà cảm nhận như đang nằm trong lòng mẹ, an toàn và ấm áp. Tôi không ngủ mà thả lỏng mình để cảm nhận giây phút linh thiêng của sự sống mầu nhiệm đang có thật trong cuộc đời này. Nụ cười đến bất ngờ làm cho tôi ý thức niềm vui khi được “là như thế đó”! Tôi để cho nụ cười thấm sâu vào cơ thể như nguồn nước mát thấm vào lòng đất. Phút chốc, chuông xả thiền điểm báo thời công phu sáng đã xong. Tôi duỗi người xoa bóp chân tay và ý thức sự sống của cơ thể đang có mặt “ngay bây giờ và ở đây”. Ngước lên, bắt gặp Thầy đang làm vài động tác thư giãn và hàng loạt cánh tay nhịp nhàng làm theo…Rồi đại chúng cùng ngồi xuống nghe đọc một bài kinh. Từng chữ, từng câu rót xuống đất tâm từng người như những giọt nước mưa đang tí tách rơi trên mái lều. “Đây là giây phút hạnh phúc” – câu thư pháp của Thầy và cũng là chủ đề của khóa tu – trở nên sống động trên bức màn lớn màu xanh lá cây, như khắc lên nền trời cái thực tại mầu nhiệm.

Mưa vẫn không ngừng, đường xá ướt nhem. Mọi người thấy cái lạnh và sự ướt át lấy đi một chút niềm vui, nhưng vẫn không ngăn được từng bước chân đều đặn tụ về chiếc lều lớn để ngồi thiền, nghe pháp thoại, thuyết trình…Dường như ai cũng muốn học cách thắp sáng mặt trời trong trái tim mình khi mặt trời ngoài kia đang bị che khuất sau những đám mây xám xịt. Tôi chợt nhớ lời Thầy dạy trong một bài pháp thoại: Là một hành giả, chúng ta phải biết cách làm cho mỗi giây phút của đời sống trở thành giây phút hạnh phúc. Giây phút đó có là giây phút hạnh phúc hay không, điều đó phụ thuộc vào chính chúng ta!

Tu học và làm việc như một dòng sông

Trong khóa tu dành cho người nói tiếng Đức, 900 thiền sinh được chia ra làm 37 gia đình pháp đàm. Mỗi gia đình phụ trách một công việc trong khóa tu như: cắt gọt, rửa dọn, chùi nhà vệ sinh, xử lý rác, v.v. Các thiền sinh được ăn cơm và pháp đàm chung theo gia đình, với sự có mặt và hướng dẫn của các thầy, các sư cô.

Dù thời tiết không thuận lợi, các gia đình làm việc vẫn âm thầm di chuyển thức ăn, nước uống, rửa dọn…Có một cái gì mới lạ trong cái thời tiết ảm đạm này! Sau mấy ngày nghe pháp, những lời pháp bình dị mà sâu lắng như quyện mọi người lại với nhau trong 8 cách hành trì chân chánh (Bát chánh đạo). Thầy dừng lại, mỉm một nụ cười và hẹn ngày mai Thầy sẽ nói về Chánh tinh tấn. Tôi vỡ òa ra cái niềm vui được tận hưởng và chứng kiến sự tinh chuyên thực tập của từng người.

Không cần đợi đến ngay mai, tôi có thể cảm nhận sự tinh chuyên đang diễn ra từng ngày trong từng bước chân cẩn trọng, lời nói cẩn trọng, và cả trong ánh mặt, nụ cười của các thiền sinh…Ui chao, từ ngôn ngữ đến thực tại đã rút đi cái khoảng cách bao la tự hồi nào? Niềm vui ập đến bất ngờ làm tôi choáng ngợp! Tôi ý thức rõ hơn công trình chuyển hóa của tăng thân tại EIAB. Niềm vui ấy tiếp nối sau bao ngày sống, làm việc, thực tập và chia sẻ cùng nhau. 37 gia đình ngồi co cụm lại dưới mưa mà vẫn thấy hơi ấm tình người có đó.

Hơn 150 xuất sĩ từ Làng sang để yểm trợ khóa tu, cùng với 50 xuất sĩ thường trú của EIAB vẫn không thấy thấm vào đâu so với số lượng 900 thiền sinh đến tu học. Tôi chợt nghe rõ lời Thầy: “mình đi xuất gia mấy cho đủ?”

Thật vui biết bao khi thấy có những thiền sinh đã hơn 80 tuổi rồi vẫn tự mình về dự khóa tu. Nhiều người còn đưa cả vợ, chồng, con cái cùng về tu học. Có cặp vợ chồng người vừa mới cưới ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã về EIAB để tham dự khóa tu, thưởng thức “tuần trăng mật” của mình cùng với Tăng thân.

Giây phút huyền thoại

Ngày cuối cùng của khóa tu là ngày truyền 5 giới. Tôi không khỏi ngỡ ngàng và xúc động khi thấy gần 300 thiền sinh Tây phương cùng quỳ xuống tiếp nhận 5 giới quý báu – con đường của tình thương và hạnh phúc chân thực. Đúng là một giây phút huyền thoại! Sau buổi lễ, tôi có cơ hội nói chuyện với một cặp vợ chồng lớn tuổi. Họ tâm sự rằng trong giây phút quỳ xuống để tiếp nhận 5 giới, cả hai người cùng cảm nhận một niềm vui tràn ngập như cái cảm giác của ngày đầu mới cưới.

Khóa tu kết thúc với những vòng tay ôm đầy lưu luyến. Mọi người trao nhau địa chỉ email để giữ liên lạc và cùng tiếp tục chia sẻ sự tu học sau khóa tu. Ai cũng hẹn sẽ trở lại Học viện trong khóa tu sang năm. Buổi cơm trưa cuối cùng của từng gia đình pháp đàm trở nên thân mật và gần gũi với lời chào tạm biệt. Một thiền sinh nói rằng anh sẽ thay đổi cách sống, không để phí cuộc đời mình như những năm trước nữa. Lời nói đó đi vào trong tôi và làm tôi thấy trân quý hơn bao giờ hết đời sống xuất gia của mình. Tôi xá chào mọi người và thầm cảm ơn sự thực tập tinh chuyên của từng thiền sinh đến đây.

Sen búp xin tặng người

Những vị Bụt tương lai.

Cổng vào Học viện với dòng chữ “Thở đi con” (bằng tiếng Đức)